top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

Triết Lý Thích Ca dưới 

Cái Nhìn của Tôi

Các hệ thống tôn giáo và nền tín ngưỡng chúng ta có ngày nay là sự tích lũy của các sản phẩm văn hóa và lịch sử. Con người tạo dựng lên những hệ thống tôn giáo và nền tín ngưỡng nầy từ ngàn xưa để đáp ứng với nỗi băn khoăn tâm linh tối trọng của họ, và trong quá trình nầy họ đã trở thành nô lệ của chúng.

 

Nỗi băn khoăn tâm linh tối trọng của con người là “Nếu sự chết không thể tránh được thì ý nghĩa và mục đích của sự sống là gì?”

 

Nỗi băn khoăn nầy vẫn chưa và có lẽ sẽ không bao giờ giải tỏa được. Tuy nhiên, kiến thức và môi trường sống của con người đã thay đổi rất nhiều trong vài thế kỷ gần đây; do đó các hệ thống tôn giáo và nền tín ngưỡng xưa cũ trên cũng cần nên thay đổi một cách thích ứng. 

 

Một trong những triết lý cơ bản của Thích Ca cho rằng “tất cả mọi sự vật đều thay đổi, không có gì trường tồn”. Nếu còn tiếp tục bám víu vào những công thức cổ hủ của Phật giáo mà cho rằng một tôn giáo không bao giờ thay đổi là đi ngược lại với triết lý nầy. Bám víu vào các hệ thống tín ngưỡng là đi lạc hướng ra khỏi con đường Phật pháp.

Chủ trương của Thích Ca là nghi vấn. Trách nhiệm của mỗi Phật tử là nghi vấn và tiếp tục nghi vấn. Nghi vấn ở đây không có nghĩa là “hoang mang không biết làm gì” hay là vì ngu dốt. Nghi vấn ở đây có nghĩa là không chấp nhận vô điều kiện bất cứ điều gì trước khi chất vấn, khảo nghiệm tận tường.

 

Đây là những sự thật không di dịch, đó là “Mỗi người chúng ta sinh ra một mình và sẽ chết một mình” và “Sự chết chắc chắn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào đến bất cứ người nào”. Bám víu vào bất cứ hệ thống tín ngưỡng nào cũng không thể làm thay đổi được các sự thật đó. Nhận thức và chấp nhận được sự thật nầy là điều kiện tối cần thiết của con đường giải thoát.

 

Đặt niềm tin vô điều kiện vào một hệ thống tín ngưỡng (hay một tăng sư nào đó) là trốn tránh trách nhiệm với chính mình bằng cách ẩn núp sau bức màn che chở của những quan niệm và thành kiến sẵn có.

 

Một trong những nguyên tắc thiền định cổ điển liên quan đến 3 phần tử: mối tự tin, sự nghi vấn, và lòng dũng cảm. Đó là "Tự tin rằng mỗi người có đủ khả năng và can đảm dùng những mối nghi vấn để tự dẫn họ đến sự tỉnh thức".

 

Tôi chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi triết lý đạo Phật, đồng thời tôi không chấp nhận một số khái niệm cơ bản của cái tôn giáo gọi là Phật Giáo. Thí dụ như tôi xem Phước Nghiệp, Nhân Quả, Luân Hồi, Giải Thoát chỉ là những vấn đề thứ yếu. Tôi không chú trọng vào việc chúng có thật hay không vì theo tôi thì không có bằng chứng thực tế nào cho thấy chúng có thật. Chúng chỉ có thể cung cấp một cách trả lời cho câu hỏi “chuyện gì xảy ra sau khi chết?” Tuy vậy, các câu trả lời loại nầy chỉ làm bế tắc quá trình nghi vấn cần thiết để đưa con người nhận thức được và chấp nhận sự thật.

 

Tôi cho rằng Thích Ca không phải là một nhân vật có huyền phép gì cả. Sự giác ngộ của ông không đem đến cho ông thần thông hay quyền lực siêu phàm. Khi giảng giải về sự giác ngộ cho các đệ tử, ông chỉ nói về sự tỉnh thức sau khi khám phá ra niềm tự do toàn hảo của trái tim và lý trí khỏi sự tham muốn. Do đó ông cho rằng không những ông mà bất cứ ai khác khi hiểu nhận được sự thật thì cũng có thể đạt đến sự giác ngộ nầy. Do đó ông cho rằng “trong mỗi người đều có Phật tính” và do đó “bất cứ ai cũng có thể trở thành Phật cả”.

 

Tôi cho rằng sự giác ngộ của Thích Ca đã bị các đệ tử thần thánh hóa bằng cách thêu dệt những chi tiết huyền bí vào mọi lãnh vực của cuộc đời của ông. Họ muốn và cần có một giáo chủ có khả năng cứu độ họ khi họ cầu xin khẩn nguyện. Triết lý và phương cách dẫn đến sự giác ngộ của Thích Ca dần dần được sửa đổi và hệ thống hóa thành cái gọi là Phật Giáo ngày nay.

 

Khi Phật Giáo càng phát triển với thời gian thì đủ mọi khái niệm huyễn hoặc như Niết Bàn, Địa Ngục, Tây Phương Cực Lạc, ma quỷ, đầu thai, luân hồi, nhân quả, phù phép, thần chú, cứu độ, v.v. được những người xem là thông hiểu Phật pháp pha chế và tạo dựng thêm ra.

 

Tôi cho rằng thần thánh hóa ý niệm và phương cách giác ngộ của Thích Ca xuất phát từ lòng tham lam và ngu muội của con người. Tham lam mong muốn có một bậc thầy đầy huyền năng, ngu muội tưởng tượng rằng sự sống sẽ tiếp tục vĩnh cửu. Và từ đó, những người tự gọi là Phật tử đã tiêu hủy chiếc cầu chính yếu trên con đường dẫn đến mục tiêu giải thoát tối hậu mà Thích Ca đã chỉ dẫn.

 

Theo lịch sử, Thích Ca luôn luôn từ chối trả lời các câu hỏi về thế giới siêu nhiên và khẳng định rằng ông chỉ giảng dạy về phương cách nhận diện và đoạn trừ đau khổ. Thích Ca cũng đề xướng rằng “Mỗi người cần phải theo đuổi sự phán đoán của mình cho đến hết khả năng của mình và không chấp nhận điều gì trừ khi nó được biện chứng rõ rệt”. Và “Mỗi người chịu trách nhiệm với chính họ về sự giác ngộ của mình”.

 

Tôi cho rằng triết lý mà Thích Ca đề xướng mang tính chất “bất khả tri”. “Bất khả tri” ở đây không có nghĩa là “con người không có đủ khả năng để nhận biết hay xác định được sự hiện hữu, hay không, của thượng đế”. Tính chất “bất khả tri” trong triết lý của Thích Ca xác định sự “Tôi không biết” và khuyến khích hành giả luôn luôn chất vấn và khảo nghiệm mọi vấn đề trong mọi lãnh vực của sự sống. Thái độ nầy cho phép hành giả chấp nhận sự hiện diện của những bí ẩn trong vũ trụ đồng thời tập trung để tìm hiểu và tận hưởng cuộc sống trong thực tế hiện tại.

 

Những triết lý nguyên thủy đề xướng bởi Thích Ca nầy đã bị tiêu hủy đi khi cái gọi là Phật Giáo được thành hình và càng ngày càng hệ thống hóa như chúng ta thấy ngày nay. 

 

Cái gọi là Phật Giáo hiện nay và những lý thuyết cũng như thực hành trong nền tín ngưỡng nầy là những chòi lá mà Phật tử dừng chân lại trú ẩn giữa đường mưa gió. Những chòi lá nầy êm ấm và tiện nghi đủ để hành giả quên hẳn mục đích của họ và không thấy rằng con đường duy nhất đi đến mục đích đó vẫn còn xa lắm.

 

Theo tôi thì hành giả cần từ bỏ một phần rất lớn cái hệ thống tín ngưỡng trong Phật Giáo hiện nay.

 

Theo tôi thì mục tiêu tối hậu của Phật pháp nằm trong Tứ Diệu Đế. Hành giả cần nhận thấy rằng Niết Bàn, Địa Ngục, Tây Phương Cực Lạc, ma quỷ, đầu thai, luân hồi, nhân quả, phù phép, thần chú, cứu độ, v.v. chỉ là những khái niệm huyễn hoặc vô căn cứ và không cần thiết; các phương thức cúng bái, tụng niệm, nghi lễ chỉ là những hình thức rườm rà và vô ích. Chú trọng vào những khái niệm và phương thức nầy chỉ làm phân tâm hành giả trên con đường đi đến mục tiêu tối hậu của họ.

 

Có người cho rằng từ bỏ tín ngưỡng cũng như từ bỏ chiếc bè trước khi đi đến bờ sông bên kia. Họ cho rằng chiếc bè tín ngưỡng cung cấp một phương tiện cần thiết để những người chưa thấu hiểu Phật Giáo có cơ hội dần dần đi qua bên kia bờ sông. Nếu không thì những người nầy không có khả năng để nhảy liền một bước đến nơi họ cần đến.

 

Tôi không có vấn đề gì với chiếc bè. Tôi có vấn đề với sự bám víu khư khư vào chiếc bè như là cứu cánh tối hậu. Nếu không chịu, và không dám, buông bỏ chiếc bè đó ra sớm đúng lúc thì hành giả sẽ không bao giờ bước được lên bờ sông bên kia. Đời người rất ngắn ngủi, một ngày không xa nếu không chịu rời bỏ chiếc bè thì hành giả và chiếc bè sẽ trôi theo dòng thời gian ra mất giữa biển khơi.

 

Thích Ca chú trọng vào hiện tại và cuộc đời hiện có. Tôi cho rằng không có bằng chứng cho thấy cá thể tiếp tục hiện hữu sau khi chết. Những khái niệm như “tu hành để mai sau được vào Tây Phương Cực Lạc” là bỏ phí những gì có sẵn trong tay để ôm ấp ảo tưởng xa vời. Cơ hội bỏ phí nầy sẽ không bao giờ trở lại.

 

Có người cho rằng nếu không tin vào nghiệp phước, nhân quả thì hành động không còn có ý nghĩa và lý do để xảy ra nữa. Họ cho rằng nếu như vậy thì người ta không còn có lý do để làm việc thiện và việc thiện cũng không còn có ý nghĩa tốt đẹp của nó nữa.

 

Tôi cho rằng nếu làm việc thiện vì nghĩ đến nghiệp phước, nhân quả thì việc thiện đó không xuất phát từ lòng từ bi mà chỉ xuất phát từ lòng ích kỷ và tham lam. Nếu như vậy thì cái đáng lẽ là việc thiện sẽ không còn có ý nghĩa tốt đẹp nữa.

 

Có người cho rằng nếu Phật không chủ trương hay không thể cứu nạn, độ trì những đệ tử thành tâm tụng niệm cầu khẩn thì làm sao có thể cho là lòng từ bi của Phật bao la vô tận?

Tôi cho rằng đây là quan niệm ỷ lại của những người không nhận thấy được là họ phải tự có trách nhiệm ở mỗi bước chân trên con đường giải thoát của chính họ.

 

Có người cho rằng nếu gạt bỏ tất cả những gì trong hệ thống tín ngưỡng của Phật Giáo thì Phật Giáo không còn là Phật Giáo nữa.

 

Tôi cho rằng Phật Giáo có còn là cái mà chúng ta gọi là Phật Giáo hay không cũng không là điều đáng quan tâm. Điều đáng chú trọng đến là mục tiêu chính của con đường mà Thích Ca đề xướng: nhận thức được sự khổ đau trong đời sống và phương cách để tiêu diệt (hay có lẽ thực tế hơn đối với đại đa số là “làm giảm thiểu”) sự khổ đau nầy. Còn quan tâm đến việc bảo tồn cái tôn giáo gọi là Phật Giáo là còn ôm ấp chiếc bè tạm bợ mà quên mất mục tiêu chính là đi đến bờ tỉnh thức.

 

Có người cho rằng kiến thức và khả năng suy luận của con người rất giới hạn so với sự bao la của vũ trụ. Theo họ, hoàn toàn đề cao kinh nghiệm thực tế và gạt bỏ đức tin về siêu nhiên là thiên về chủ nghĩa vật chất và kiêu ngạo quá đáng.

 

Tôi xác định rằng tôi chưa bao giờ gạt bỏ sự khả dĩ của các hiện tượng siêu nhiên. Đó là vì “tôi không biết”, và điều nầy khác hẳn với “tôi phủ nhận tất cả”. Tuy nhiên, theo tôi thì hầu như tất cả những hiện tượng và những khái niệm siêu nhiên đều là sản phẩm tưởng tượng và không quan trọng ngay cả nếu chúng có thật. Đối với tôi thì cho đến khi có bằng chứng thỏa đáng để giải thích các hiện tượng “siêu nhiên” thì chỉ có khả năng nhận thức và suy luận bằng kinh nghiệm và kiến thức thực tế là có giá trị.

 

Trong khi các tôn giáo dựa vào các quan niệm huyễn hoặc vô căn cứ do họ tưởng tượng ra để khẳng định sự hiện hữu của những gì họ không biết rõ, tôi chỉ cho rằng cho đến khi kiến thức con người có thể chứng minh được các vấn đề nầy thì sự kiện chúng có thật hay không, và thật bao nhiêu, không quan trọng lắm. Những niềm tin trong tín ngưỡng do con người đặt ra bị giới hạn bởi kiến thức nhỏ hẹp của họ so với những bí ẩn bao la của vũ trụ và do đó vô nghĩa lý cũng như vô ích.

 

Có người cho rằng nếu từ bỏ khái niệm nghiệp phước mà chỉ dựa chuyện thiện ác vào sự nhận thức và trách nhiệm cá nhân thì xã hội có thể thoái hóa vào tình trạng hỗn loạn hay vô trật tự. Theo họ thì người ta phần đông chỉ chú trọng vào quyền lợi của họ, do đó xã hội cần có quy luật đạo đức rõ ràng cho mọi người cùng noi theo và phán quyết những gì là “đúng” hay “sai”.

 

Tôi hiểu được nỗi lo lắng bên trên. Tuy nhiên tôi cho rằng tôn giáo và tín ngưỡng không phải là những phương pháp đem lại đạo đức hữu hiệu như tín đồ nghĩ, nhất là với thái độ và tư tưởng của đại đa số tín đồ chúng ta thấy ngày nay. Phần lớn người ta thấy sự kiện họ là thành viên của một tôn giáo quan trọng hơn việc tôn giáo đó sẽ đưa họ đến đâu trên con đường tìm sự tỉnh thức. Những câu nói của tín đồ như “tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ tôn giáo của tôi với bất cứ giá nào” mỗi khi có người phê phán đến tôn giáo của họ cho thấy quan điểm nầy. Hơn nữa, qua bao nhiêu ngàn năm nay con người lúc nào cũng có đủ loại tôn giáo tràn ngập trong đời sống tuy vậy mức độ “vô đạo đức” và hỗn loạn, vô trật tự trong xã hội nói chung vẫn không hề giảm sút. Tôi do đó cho rằng sự nhận thức thiện ác và trách nhiệm tự nguyện của mỗi cá nhân rất có thể sẽ hữu hiệu hơn nhiều trong phương diện nầy.

 

Có người cho rằng nếu không tin vào đầu thai, luân hồi thì đời sống ngắn ngủi nầy vô nghĩa quá vì như vậy thì tóm lại “con người chỉ sinh ra để đau khổ rồi chết”.

 

Tôi cho rằng đó là một cách nhìn của người tiêu cực và hoang phí. Lý luận của những người nầy là lý luận cho rằng nếu một sự kiện không trường tồn mãi mãi thì nó không có giá trị gì cả. Nói như họ thì những mối liên hệ tình cảm với những người thân yêu chung quanh họ, những niềm vui, những nụ cười, những tác phẩm văn hóa nghệ thuật tuyệt vời, những buổi hoàng hôn rực rỡ, v.v. xảy ra trong đời họ đều không có giá trị, không đáng được họ chú tâm tận hưởng chỉ vì chúng rồi sẽ chấm dứt. Nói như họ thì chỉ có một sự sống vĩnh cửu ở Tây Phương Cực Lạc như các kinh sách hứa hẹn mới có thể làm cuộc đời hiện tại của họ có ý nghĩa mà thôi. Theo tôi, đây là một nhân sinh quan đáng thương hại.  

 

Theo tôi, trong khoản thời gian giữa sự sinh ra và sự chết, mỗi người có thể chinh phục phần nào được sự đau khổ và sự sợ hãi về cái chết để sống thật sự cho chính mình hơn. Đời sống quả là mong manh và ngắn ngủi nhưng nếu một người cần phải tin có đầu thai và luân hồi để thấy đời sống họ có ý nghĩa thì họ đang không sống trọn vẹn và phí phạm đời sống hiện tại của họ.

 

Tôi cho rằng sự giác ngộ trên có thể đạt được nếu một người chỉ cần thay đổi cách nhìn để cảm nhận sự tuyệt vời trong cái mong manh và hữu hạn của sự sống.

 

 

 

Da Màu: http://damau.org/archives/36159

Tôn Giáo

 

Phật Giáo

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page