Nguyễn Nhân Trí -
- Tôn Giáo
- Sự Chết và Con Người
- Thuyết Tiến Hóa
ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM
Hiện Tượng Vị Tha
Có một thứ hiện hữu trong nhiều sinh vật gọi là tính “vị tha” (vì người khác), đối nghịch với “vị kỷ” (vì bản thân).
Hiện tượng “vị tha” xảy ra khi một cá thể làm điều gì với mục đích chính là đem lợi lại cho một cá thể khác, ngay cả có khi đồng thời đem hại lại cho chính mình.
Trong thế giới loài vật, hiện tượng vị tha trong các chủng loại sống theo đoàn thể xảy ra tràn lan. Dưới đây là vài thí dụ cụ thể:
- nhiều loài chim biển đi săn cá về đút cho con mình ăn lẫn các chim con khác trong đàn bị mồ côi cha mẹ. Khi cho các chim con khác ăn như vậy thì bản thân chúng sẽ còn ít thức ăn hơn trong bụng và do đó sẽ đói hơn. Nhiều loài thú khác ngoài chim biển cũng làm điều nầy.
- trong đàn khỉ đang sinh hoạt lúc nào cũng có vài con đứng các chỗ cao nhất để canh gát cho cả bầy mặc dù bản thân chúng lúc đó sẽ không được hưởng thụ (thí dụ như ăn, ngủ, chơi đùa, được bắt chí, v.v.) như những con khác trong bầy. Hiện tượng nầy cũng thấy ở hầu hết các loài thú sống theo bầy đàn khác.
Những thí dụ “vị tha” trên dựa trên nguyên tắc “có lợi lẫn nhau”: con nầy làm điều tốt cho con kia, thì con kia làm tốt cho con nọ, con nọ làm tốt cho con khác, v.v. Kết quả tổng kết là cả bầy đều được hưởng điều tốt đó.
Hiện tượng “vị tha vì có lợi lẫn nhau” nầy là kết quả từ quá trình tiến hóa (evolution) của các loài vật trên. Ngay từ thời sơ khai khi vừa bắt đầu sống chung với nhau, chúng đã nhận thấy được là những hành động dạng nầy đem lại ích lợi cho cá nhân và cho cả cộng đồng của chúng. Các hành động “tốt” nầy được bắt chước lẫn nhau và truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Chúng dần dần được di truyền trong DNA để trở thành những “đặc tính bẩm sinh” và được xem là “quy củ xã hội” của chủng loại đó.
Hơn nữa, quy luật tuyển chọn tự nhiên (natural selection) còn làm cho những “đặc tính bẩm sinh” và “quy củ xã hội” dạng “tốt” nầy được phát triển và lưu truyền trong DNA của mỗi chủng loại. Đó là vì một đoàn thể nếu có nhiều những “đặc tính bẩm sinh” và “quy củ xã hội” dạng “tốt” nầy sẽ dễ lớn mạnh hơn và sẽ có xác suất sinh tồn cao hơn những đoàn thể khác. Những đoàn thể không mang DNA nầy sẽ dần dần đi đến diệt vong.
Đó là tại sao trong các tổ kiến, tổ ong lúc nào cũng có những thành viên làm việc và chiến đấu cho cộng đồng mà không ngần ngại hy sinh tính mạng của chúng. Tuy đặc tính nầy của các loài côn trùng thường được xem là “phản ứng sinh tồn tự nhiên” nhưng thật ra cũng là một hình thức “vị tha” phát xuất từ DNA của chúng sau khi chịu ảnh hưởng của quy luật tuyển chọn tự nhiên.
Hiện tượng “vị tha vì có lợi lẫn nhau” nầy cũng hiện hữu trong loài người. Ai cũng thấy vô số thí dụ về hiện tượng nầy xảy ra hàng ngày chung quanh chúng ta. Thật ra đây chính là một trong những nguyên tắc và lý do cơ bản nhất để loài người tạo dựng và duy trì cơ cấu xã hội của họ.
Có một dạng “vị tha” khác gọi là “vị tha không vì lợi lẫn nhau”. Hiện tượng nầy cũng có thể thấy trong loài thú, mặc dù ít xảy ra hơn.
Một phim tài liệu về thế giới thú vật Phi Châu cho thấy cảnh một con hươu bị xẩy chân té xuống nước cạnh bờ một dòng sông. Một con cá sấu gần đó chồm lại ngặm được một chân của con hươu. Ngay sau đó vì con hươu vùng vẫy rất mạnh và đạp vào mắt con cá sấu nên con cá sấu há miệng ra cho con hươu tạm thời thoát ra. Tuy vậy con hươu vẫn không nhảy lên bờ để chạy trốn được vì bờ đất quá cao và trơn trợt. Con cá sấu quay lại sửa soạn tấn công một lần nữa. Ngay lúc đó thì một con trâu nước gần đó bỗng dưng xông lại chúi mũi xuống đỡ nguyên thân mình con hươu lên cao và hất nó lên trên bờ. Con trâu nước quay qua gờm con cá sấu và thở phì phò một cách đầy hăm dọa trong khi con hươu thoát chết bỏ chạy mất. Con cá sấu bỏ cuộc bơi đi chỗ khác.
Trong trường hợp nầy, việc con trâu nước cứu con hươu không đem lợi lộc gì cho bản thân hay chủng loại của nó. Có những thí dụ tương tự cũng đã từng được chứng kiến trong những bối cảnh khác với các loài vật khác.
Hiện tượng “vị tha không vì lợi” nầy cũng xảy ra trong loài người.
Một người đàn ông đang đi bộ bên đường bỗng thấy một căn nhà bốc cháy và nghe tiếng kêu khóc từ bên trong. Người nầy lập tức đập cửa nhẩy vào và lần lượt bế ra 4 đứa bé đã bị kẹt trên lầu. Bốn đứa bé thoát chết là nhờ người đàn ông nầy bất chấp hiểm nguy cho chính mình nhảy vào đám lửa đang cháy dữ dội để cứu chúng ra. Ông nầy không quen biết gì 4 đứa bé cả. Trước khi nhẩy vào nhà, ông không hề (và không có thì giờ) để suy tính “nếu tôi làm chuyện nầy thì tôi sẽ được những lợi ích gì?” Việc ông làm chỉ là phản xạ tự nhiên trong lúc nhất thời mà thôi, và hoàn toàn không dựa trên lợi nhuận trong khi còn có thể mang thiệt hại lớn cho chính bản thân mình.
Hiện tượng trên có thể được giải thích bằng 2 cách khác nhau. Hai cách nầy không tương phản nhau mà còn hỗ trợ nhau.
Cách giải thích thứ nhất: rất có thể là cái DNA “giúp đỡ đồng loại” đã đề cập ở trên đã tạo ra phản xạ tự nhiên nầy khi người đàn ông nghe tiếng kêu khóc từ căn nhà đang cháy. Nói cách khác, cái “vị tha không vụ lợi” nầy thật ra có thể chỉ là một dạng “vị tha vì có lợi lẫn nhau” đã được biến thể đi.
Cái đặc điểm bẩm sinh “giúp đỡ đồng loại biến thể” nầy đã được áp dụng vào những hoàn cảnh nới rộng ra hẳn. Vì vậy nên không những các người sống trong cộng đồng lân cận của một cá thể mà cả những người hoàn toàn xa lạ nhưng đồng chủng tộc hay đồng chủng loại cũng được hưởng sự giúp đỡ từ cá thể nầy. Đây là lý do mà một người ở Mỹ nhiệt tình quyên tiền đóng góp cứu trợ thiên tai xảy ra ở một quốc gia Phi Châu xa xôi nào đó không hề liên quan gì đến họ.
Cách giải thích thứ hai có phần phức tạp hơn. Một số nhà khảo cứu về hành vi xã hội (social behaviors) cho rằng một cá thể tuân theo và thực hành các quy ước đạo đức trong một cộng đồng là vì không muốn bị hạ cấp hay đào thải bởi cộng đồng đó. Có nghĩa là những người được mọi người chung quanh nhận thấy là tốt bụng, đạo đức sẽ được quý trọng, yêu mến bởi mọi người hơn là những người ích kỷ chỉ biết lợi cho cá nhân mà làm hại đến tập thể.
Chính vì cái cảm giác được quý trọng, yêu mến nầy khiến cho người ta tự nguyện muốn làm nhiều điều tốt. Sự kiện những người ích kỷ bị coi rẻ và ruồng bỏ bởi xã hội là một động cơ rất lớn làm đa số cá thể không muốn mình nằm trong diện đó.
Nhận thức và hành vi nầy cũng dần dần được di truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác trong DNA và trở thành một đặc tính bẩm sinh của chủng loại. Những hành vi dạng “tốt” được xem là “cao cả”, “anh hùng”, “đạo đức”. Những hành vi dạng ngược lại bị xem là “thấp kém”, “hèn nhát”, “vô đạo đức”. Người đàn ông khi quyết định nhảy vào căn nhà cháy để cứu 4 đứa trẻ rất có thể đã không hề nghĩ đến việc mình sẽ trở thành một anh hùng hay e ngại nếu không thì mình sẽ bị xem là hèn nhát. Tuy nhiên cái DNA trên làm cho tiềm thức của ông trong tích tắc đã thúc đẩy ông làm điều đó.
Nhiều người cho rằng sự kiện nầy chỉ xảy ra trong loài người mà thôi. Tuy vậy vì không ai có thể kiểm chứng được lý do dẫn đến tất cả hành vi của thú vật nên không ai có thể quả quyết được điều đó. Trong trường hợp con trâu nước cứu mạng con hươu vừa kể trên, làm sao ai có thể hiểu được con trâu nước đã nghĩ gì?
Nói tóm lại, tính vị tha nói riêng và tiêu chuẩn đạo đức sống giữa con người với con người là kết quả của sự tiến hóa và quá trình tuyển chọn tự nhiên của loài người. Tương tự cho nhiều loài vật khác.
Những người theo tôn giáo thì cho rằng nếu không có các tín điều của Phật Chúa răn dạy thì con người sẽ chỉ biết sống cho mình (vị kỷ) mà không quan tâm đến người khác (vị tha). Họ từ đó cho rằng những người vô tôn giáo là những người không biết vị tha là gì, và vô đạo đức nói chung.
Chỉ cần nhìn những thí dụ về tính vị tha trong thế giới loài vật như vừa kể thì sẽ thấy lập luận trên hoàn toàn vô căn cứ và sai lầm. Loài vật không có tôn giáo. Và nhất là theo Thiên Chúa giáo thì thú vật là hạ đẳng hơn loài người và chỉ sinh ra để phục vụ loài người. Thế thì Phật Chúa nào đã dạy tính vị tha cho chúng?
DiễnĐànThếKỷ http://www.diendantheky.net/2012/04/nguyen-nhan-tri-hien-tuong-vi-tha.html
Thiên Chúa Giáo
Hồi Giáo