top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

Nữ Quyền trong Hồi Giáo - 2

 

 

Bài “Nữ Quyền trong Hồi Giáo - 1” tóm lược một số tư tưởng và hoạt động của các nhóm người mà tôi cho là tiêu biểu và nổi bật về vấn đề nầy. Tôi cố gắng diễn tả lại những lập luận và chủ trương của họ một cách trung thực nhất mà tôi có thể. Trong bài đó, tôi chủ ý không đưa ra ý kiến riêng của tôi.

 

Tôi xin làm việc đó ở đây.

 

Trước hết nói về Theresa Corbin, và những người tương tự đã thay đổi từ tôn giáo khác sang Hồi Giáo. Tôi có một điểm khen ngợi lập tức về những người nầy. Họ là những người có can đảm để thực hiện sự thay đổi trên. Hầu như tất cả họ đều đã trải qua những chống đối từ trong gia đình cho đến thân nhân, bạn bè họ. Việc nầy xảy ra trong tất cả tôn giáo chứ không riêng gì Hồi Giáo. Tôi biết có những cha mẹ “từ” con cái khi chúng “bỏ” đạo Thiên Chúa để “theo” đạo Phật, hoặc ngay cả khi chúng chuyển từ Công Giáo qua Tin Lành, và ngược lại. Trong trường hợp Hồi Giáo thì còn khó khăn hơn nữa vì cách phục sức của họ làm họ nổi bật giữa nơi công cộng. Và Hồi Giáo trong thời gian gần đây vì nhiều lý do đang gặp nhiều hiềm khích trong thế giới Tây Phương. Vì thế, đáng tiếc thay, một số người phục sức theo kiểu Hồi giáo đã gặp những hành vi kỳ thị xảy ra cho họ trên đường phố.

 

Có lẽ những người chuyển đổi qua Hồi Giáo đã không tìm thấy những gì họ mong muốn trong tôn giáo ban đầu của họ. Trong trường hợp Theresa Corbin, cô xuất thân từ một gia đình Công Giáo. Cô thấy Hồi Giáo là một tôn giáo dạy về “ôn hòa, tha thứ, công bằng, danh dự, nhẫn nại, khiêm tốn,  quân bình” và chủ trương “tự tìm kiếm sự thật và dùng trí tuệ của mình để tìm hiểu thế giới chung quanh”. Theo tôi, nếu muốn thì cô cũng có thể tìm ra được những lời răn dạy trong Kinh Thánh về các đức hạnh vừa kể trên. Hàng triệu người Công Giáo (chưa nói là cả những học giả uyên thâm nhất) đã, đang và vẫn tìm ra những lời răn dạy trên trong tôn giáo của họ.

 

Điều nầy cho thấy rằng trong những quyển sách đầy những chi tiết phức tạp và mâu thuẩn như Kinh Thánh và Kinh Koran thì người ta luôn luôn có thể tìm ra những câu, những chữ thích hợp với những gì họ muốn tìm kiếm. Đây là một phương pháp giải quyết đòi hỏi “tâm linh” (mà theo một số học giả thật ra chỉ là “tâm lý”) của con người.

 

Khi người ta tìm ra những câu, những chữ đáp ứng được đòi hỏi nầy thì họ có khuynh hướng không thấy biết, và không muốn thấy biết đến những câu chữ khác không thích hợp cho nhu cầu của họ. Đây là một quá trình tuyển chọn mà con người chúng ta ai cũng áp dụng cho nhiều sự việc trong đời sống hằng ngày. Khuynh hướng lý tưởng hóa, hay toàn hảo hóa, nầy có một giá trị sinh tồn. Nó giúp cho chúng ta an tâm hơn và tập trung hơn để tiến tới trong vấn đề gì chúng ta đang theo đuổi, thay vì bị chi phối và đình trệ bởi những chi tiết không thích hợp.

 

Vì vậy mà Theresa Corbin không thấy hiểu những lời răn khác trong Kinh Koran về cách đối xử với phụ nữ mà những người đang tranh đấu cho nữ quyền chẳng hạn thấy hiểu. Như tác giả Staks Rosch trong Skeptic Ink nói, Theresa Corbin cần nhớ là cô hiện đang sống ở Mỹ, một quốc gia tự do. Luật pháp Mỹ cho phép cô phát biểu bất cứ điều gì về tín ngưỡng lẫn chính trị nếu cô muốn, ngay cả những điều phản thực tế hay phản lý luận nhất. Luật pháp Mỹ bảo vệ cô trong việc nầy. Nếu muốn xác định là Hồi Giáo có áp bức phụ nữ hay không thì cô cần đi qua các nước Trung Đông và làm những gì mà họ cho rằng trái ngược với luật lệ Sharia, thí dụ chỉ như một việc rất giãn dị là lột bỏ khăn trùm đầu tóc của cô rồi đi bộ trên đường phố của bất cứ tỉnh thành nào ở Iran hiện nay.

 

Nói về các phong trào tranh đấu dành tự do cho phụ nữ đang diễn tiến trong các nước Trung Đông, tôi xin ngả nón bái phục sự dũng cảm không những của những người cầm đầu mà luôn tất cả mọi người tham gia hay ủng hộ. Họ biết họ chỉ là thiểu số. Họ biết là họ đang ra mặt công khai trực tiếp chống đối một uy quyền cực kỳ mạnh mẽ hơn họ. Họ hiểu là họ rất có thể sẽ bị giam cầm, đánh đập, tra tấn, hãm hiếp hoặc ngay cả giết chết bất cứ lúc nào. Và họ cũng hiểu rằng trong khi họ đang liều mình thay mặt đòi hỏi quyền tự do cho tất cả phụ nữ chung quanh, đại đa số các phụ nữ nầy sẽ không ngần ngại ngoảnh mặt ngó lơ nếu họ bị hãm hại.

 

Cuộc tranh đấu của những người nầy xác nhận một điều. Nó cho thấy rõ là có một sự áp bức thật sự xảy ra cho họ. Nếu không thì tại sao họ lại tự đặt mình vào một vị thế nhiều hiểm nguy đó? Trong thế giới Tây Phương qua nhiều thế hệ rồi, các phong trào tranh đấu đòi quyền bình đẳng dạng nầy đã không còn thấy nữa. Chỉ việc nầy thôi cũng đủ cho thấy sự sai lệch của những tác giả cho rằng phụ nữ Trung Đông không hề bị áp bức hơn phụ nữ ở mọi nơi khác.

Tôi hiểu, và đồng ý rằng khi bị dồn vào thế cùng thì cần phải vận dụng đủ mọi phương cách để tranh đấu bảo vệ sự sống còn của mình. Tuy nhiên tôi cũng không khỏi có nhận xét sau đây về chủ trương và chiến lược của các nhóm “Chị Em Phụ Nữ trong Hồi Giáo” và “Musawah”.

 

Các nhóm nầy chính thức khẳng định rằng Kinh Koran hiện tại “là do con người diễn dịch lại lời của Thượng Đế. Vì con người áp đặt nhân tính của họ vào các lời dạy thiêng liêng nên họ đã lập ra những luật lệ sai lầm và do đó các luật lệ trên cần phải được sửa đổi”. Bà Zainah Anwar, một nhân vật đầu não của các phong trào nầy, cũng nhấn mạnh rằng vì trong lịch sử phái nữ đã không được tham dự vào quá trình soạn thảo luật Sharia cho nên ngày nay họ phải hứng chịu nhiều đạo luật thiên vị thất lợi cho họ.

 

Điều trên có nghĩa là gì?

 

Điều trên có nghĩa là theo họ thì Kinh Koran, quyển Kinh Koran hiện tại mà thế giới Trung Đông tôn thờ, không phải là lời phán dạy tuyệt đối của Thượng Đế Allah được khải truyền qua Thiên Sứ Muhammad. Theo họ, đây chỉ là những lời diễn dịch của một số người, nam phái, trong thời kỳ Hồi Giáo vừa mới thành lập. Và những lời diễn dịch nầy đã bị ô nhiễm bởi nhân tính con người, bởi định kiến của những người soạn thảo ra Kinh Koran. Và từ đó sản xuất ra các luật lệ sai lầm, và trong trường hợp nầy, hoàn toàn thất lợi cho phụ nữ.

 

Đây là một tư tưởng và vị thế cực kỳ mới mẻ và quan trọng khi nói về một tôn giáo độc thần như Hồi Giáo. Có thể những người chủ trương các nhóm tranh đấu cho nữ quyền trên không nhận thấy họ cũng đang khẳng định rằng Kinh Koran, nền tảng của Hồi Giáo, nói chung chỉ là một sản phẩm nhân tạo và chứa đựng nhiều sai lầm. Ít ra là trong lãnh vực đối xử với phụ nữ. Nhưng nếu thế thì họ cũng đang đồng thời gián tiếp đặt nghi vấn lên tất cả các lãnh vực khác của Kinh Koran.

 

Chúng ta thấy là ngay trong chiến tuyến tranh đấu cho nữ quyền cũng có các tư tưởng và chủ trương khác biệt nhau. Các nhóm “Chị Em Phụ Nữ trong Hồi Giáo” và “Musawah” ở trên chỉ chủ trương đòi hỏi “cải tiến” Hồi Giáo. Họ chỉ muốn diễn giải khác đi những câu chữ trong Kinh Koran hiện nay thất lợi cho phụ nữ. Trong khi đó, những nhà tranh đấu như bà Azam Kamguian muốn thấy có một sự “thay đổi” hẳn, thay vì chỉ “cải tiến” mà thôi, trong Hồi Giáo và về vị thế của Hồi Giáo trong xã hội Trung Đông. Bà muốn thấy Hồi Giáo được “thuần hóa tương tự như những gì đã xảy ra cho Thiên Chúa Giáo trong thế giới Tây Phương gần đây”. Bà muốn Hồi Giáo phải được tách rời ra khỏi hệ thống chính trị để tước lột hẳn quyền lực của những lời răn dạy trong Kinh Koran ra khỏi đời sống hàng ngày. Bà cho rằng chỉ khi nào điều đó xảy ra thì phụ nữ Trung Đông mới có thể bình đẳng với nam giới.

 

Theo tôi, “áp bức” trong nhiều trường hợp chỉ là một từ có nghĩa chủ quan và tương đối. Tùy theo quan điểm và hoàn cảnh mỗi người mà họ cho rằng họ có bị áp bức hay không. Ở nơi tôi làm việc có vài cô gái đồng nghiệp Hồi Giáo trẻ, khi trò chuyện họ cho biết gia đình họ không bao giờ đồng ý cho họ “cặp bồ”, chớ đừng nói chi đến việc cưới gã, những người bên ngoài Hồi Giáo. Như đã nói, hiện tượng này rất phổ biến trong nhiều tôn giáo khác nữa. Những cô gái nầy chỉ trò chuyện với tôi thôi chớ không có ý than phiền gì về vấn đề nầy cả. Đối với họ, đây là một điều tự nhiên vì họ đã được dạy bảo thấm nhuần từ khi còn là trẻ con và “mọi người” chung quanh họ đều luôn luôn làm điều đó. Nếu như vậy thì chúng ta có thể gọi là họ bị áp bức không? (Và như thế thì có khác gì trường hợp con cái trong các gia đình Việt Nam - mà tôi quen biết rõ – tuân theo lời cha mẹ cấm cản không lấy chồng/vợ người Âu Mỹ không?)

 

Tôi có quen biết vài phụ nữ Hồi Giáo trưởng thành luôn luôn đội khăn hijab trùm kín tóc họ lại. Tôi biết họ trùm tóc một cách hoàn toàn tự nguyện, vui vẻ và còn hãnh diện về sự thẩm mỹ của nó. Đó cũng là vì họ cho điều nầy tự nhiên và họ đã quen thuộc từ nhỏ. Tôi nghĩ rằng họ sẽ cảm thấy rất khó chịu nếu họ bị bắt buộc không được trùm đầu tóc họ lại ở nơi công cộng. Trong trường hợp nầy theo tôi thì rất khó khăn để nói rằng họ đang bị áp bức phải trùm tóc lại. Thật ra thì trong trường hợp nầy tôi cho rằng nếu họ bị bắt buộc không được trùm đầu tóc ở nơi công cộng thì việc đó rất có thể được xem là “áp bức”.

 

Tuy nhiên theo tôi nếu một người bị cấm cản, trừng phạt không được làm một điều gì đó (hợp pháp và hợp đạo đức nhân loại) mà họ muốn làm thì đó rõ ràng là một vấn đề khác hẳn. Không ai có thể chối cãi hiện tượng phụ nữ ở các nước Trung Đông và Bắc Phi bị cấm cản, trừng phạt và ngay cả sát hại chỉ vì họ muốn làm, hay làm, vô số những điều mà xã hội Tây Phương cho là “bình thường”. Trong mọi phương diện giao tế hàng ngày, trong cách phục sức, trong sự diễn đạt tư tưởng, trong quyền lợi xã hội và gia đình, v.v. và v.v. Bất kể đó là vì luật pháp quốc gia, luật Sharia hay lề luật gì khác dựa trên tín ngưỡng đã xác định như vậy. Bất kể đó có phải chính xác là lời dạy “tối thượng” của Thượng Đế hay không. Trong các trường hợp nầy thì tôi nghĩ nó nằm gọn trong định nghĩa của chữ “áp bức”.

 

 

     Tạp Chí Da Màu: http://damau.org/archives/36767

 

Tôn Giáo

 

Phật Giáo

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page