top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

Tôn Giáo và Khoa Học

Tôn giáo và khoa học thường được xem là hai lãnh vực đối nghịch nhau ở nhiều phương diện. Một thí dụ nổi tiếng về tôn giáo đối nghịch với khoa học là vụ án Galileo đã bị Tòa Thánh xử tội vì ông đã cả gan phát biểu nhận xét của mình (“trái đất xoay quanh mặt trời”) trái ngược với lời dạy trong Kinh Thánh (“trái đất là trung tâm của vũ trụ”).

Thật ra tôn giáo và khoa học cùng xuất phát từ một nguồn gốc chung.

Từ khi loài người xuất hiện, họ phải thường xuyên đương đầu với thiên tai và hiểm nguy đe dọa đời sống họ hàng ngày. Họ không hiểu biết gì lắm về những hiện tượng thiên nhiên như sấm sét, bão tố, lụt lội, động đất, núi lửa. Họ cũng không hiểu biết gì lắm về những bệnh tật, tai nạn, chết chóc xảy đến cho họ. Họ luôn luôn lo lắng, sợ hãi. Bản năng sinh tồn của họ đòi hỏi họ phải tìm cách giải thích về các sự kiện đáng sợ trên. Cộng vào đó là sự thán phục những sự kiện kỳ diệu đầy rẫy trong thiên nhiên. Chính sự không hiểu biết và lòng mong ước mãnh liệt muốn tìm ra giải đáp cho các thắc mắc trên là nguồn gốc chung của tôn giáo và của khoa học.

Tuy phát xuất từ chung một nguồn gốc, tôn giáo và khoa học ngay từ bước đầu tiên đã hướng theo 2 con đường khác biệt hẳn nhau.

Tôn giáo chú trọng vào các giải đáp nhằm trấn an những nỗi sợ hãi của con người. Khoa học chú trọng vào các giải đáp nhằm khám phá những gì thật sự xảy ra chung quanh con người.

Những giải đáp tôn giáo xuất nguồn từ phản xạ tự nhiên của một loài thú bầy đàn. Phản xạ nầy vẫn còn lưu dấu lại trong DNA của con người qua quá trình tiến hóa của họ. Khi đứng trước một môi trường lạ lùng đáng sợ, hay khi đương đầu với hoàn cảnh hiểm nguy, những con thú trong bầy đẩy trách nhiệm lên cho một con thú đầu đàn. Con thú đầu đàn là một con thú to lớn, mạnh mẽ và khôn ngoan nhất. Con thú đầu đàn sẽ quyết định, dẫn dắt và đem đến sự an toàn cho cả bầy. Bù lại, mọi con thú trong bầy sẽ phục tùng dưới quyền hành tuyệt đối của con thú đầu đàn. Mọi con thú trong bầy cảm thấy an tâm khi được nằm dưới sự bảo vệ của một đồng loại siêu việt hơn chúng về mọi mặt.

Những giải đáp khoa học dựa vào khả năng phân tích và so sánh giữa lý thuyết và thực tế của con người. Thực tế là tiêu chuẩn duy nhất được dùng để kết luận một lý thuyết có giá trị hay không. Ngay từ khi loài người bắt đầu biết suy nghĩ, họ không ngừng đưa ra những lý thuyết để cố giải thích các hiện tượng xảy ra chung quanh họ. Chỉ có những lý thuyết tương ứng chính xác với thực tế mới tồn tại trong lãnh vực khoa học. Những lý thuyết không áp dụng được trong thực tế hay không ứng nghiệm trong đời sống hàng ngày sẽ bị loại bỏ và thay thế bởi những lý thuyết được cải tiến hơn. Hiện tượng nầy cũng xảy ra trong sự sinh tồn của loài người nói riêng và mọi sinh vật nói chung. Những sinh vật vận hành không thích ứng với môi trường sinh sống của chúng sớm muộn gì cũng sẽ bị hủy diệt.

Trong tôn giáo, sau khi một giải đáp được đưa ra và được chấp nhận, tức là khi một con thú đầu đàn đã được thành lập, thì quá trình giải đáp thắc mắc nầy được xem là hoàn tất. Tất cả các cải tiến nào nếu có xảy ra sau đó đều nằm trong chu vi của ý niệm ban đầu. Con thú đầu đàn được xem là bất khả xâm phạm. Mọi ý niệm khác trong một giải đáp tôn giáo đều phải xoay vần chung quanh sự bất khả xâm phạm của cá thể toàn diện toàn năng toàn trí nầy. Ngay cả những ý niệm sau nầy được khám phá ra là không tương ứng với thực tế. Ngay cả những ý niệm hoàn toàn trái ngược với kết quả của suy luận.

Cái cảm giác an tâm vì được bảo vệ, sư khao khát được an toàn đã trở thành quá to lớn làm người ta không dám, và không muốn, bước ra ngoài vòng chu vi của giải đáp tôn giáo mà họ đang sẵn có. Đó là tại sao con người vẫn bám víu vào tín ngưỡng tôn giáo như một bức tường rào bảo vệ. Thí dụ như con người vẫn tiếp tục cầu khẩn xin xỏ Phật Chúa giúp đỡ họ trong khi chính họ cũng thấy rằng việc cầu khẩn nầy không phải lúc nào cũng thành công. Tuy nhiên họ an phận với điều nầy vì theo họ dù cầu khẩn chỉ đem đến một chút hy vọng thành công cũng vẫn còn tốt hơn là không có gì hết.

Trong khoa học, sau khi một giải đáp được đưa ra và chấp nhận, nó vẫn sẽ liên tục bị kiểm soát và canh chừng. Chỉ cần nó cho thấy có sự sai lạc trong ứng dụng vào thực tế, dù chỉ một lần, cũng đủ làm cho giá trị của nó bị chất vấn và nghi ngờ. Người ta sẽ không ngần ngại tự bới móc trong những góc kẹt sâu kín nhất của giải đáp nầy để tìm ra lý do tại sao nó sai lạc, và cần phải làm gì để sửa đổi và cải tiến nó.

Các khoa học gia làm điều nầy một cách tự nguyện và có chủ định. Họ sẵn sàng gạt bỏ một giải đáp khoa học nếu nó không thỏa mãn được điều kiện luôn luôn và hoàn toàn đúng với thực tế. Hoặc họ sẽ cô lập một giải đáp khoa học trong phạm vi nào đó mà nó còn ích lợi và đi tìm những giải đáp khác thích hợp hơn bên ngoài phạm vi đó. Thí dụ như môn vật lý Newton sau hai trăm năm thống lĩnh mọi khía cạnh của khoa học đã cần được bổ xung bởi môn vật lý lượng tử.

Con đường của tôn giáo là một con đường ngắn gọn và dễ dàng. Các ý niệm tín ngưỡng được số đông chấp nhận sẵn sàng mặc dù họ có thật sự hiểu chúng hay không. Thật ra việc người ta không hiểu rõ lắm về một ý niệm tín ngưỡng càng làm cho nó quyến rũ hơn. Việc nầy tạo ra yếu tố huyền bí cho ý niệm tín ngưỡng đó. Nhiều ý niệm tín ngưỡng dần dần được tập hợp lại và hệ thống hóa để trở thành những tín điều của các hệ thống tôn giáo khác nhau. Cộng thêm vào là các nghi thức cúng tế phức tạp khó hiểu. Đó là tại sao tôn giáo mang tính chất huyền bí của nó.

Con đường tôn giáo là con đường của số đông, của đại chúng. Vì khuynh hướng bầy đàn bẩm sinh nên con người rất dễ dàng cảm nhận đây là con đường tự nhiên và hợp lý nhất. Họ ôm ấp lấy những tín điều truyền dạy cho họ một cách sẵn sàng và thoải mái. Họ không cần kiến thức chuyên môn để làm điều nầy.

Con đường của khoa học là một con đường chật vật đầy thử thách. Cần có kỷ luật bản thân chặt chẽ để tuân theo những quy định nghiêm khắc được áp dụng thường xuyên. Người ta cần, và muốn, nắm rõ mọi khía cạnh của mọi vấn đề trong mọi hoàn cảnh. Và họ sẽ bị lôi kéo bởi chính họ để chinh phục vấn đề nầy. Niềm phấn khởi khi thành công tuần tự thay phiên với nỗi thất vọng lúc đối diện sự bất toàn là thực tại của khoa học.

Con đường khoa học không phải là một con đường của đại chúng. Đây là con đường dành cho chỉ một số nhỏ những người có bản chất thích hợp. Những người nầy phải liên tục cưỡng lại khuynh hướng chạy theo đám đông chấp nhận vô điều kiện bất cứ điều gì mang đến trước mặt họ. Họ liên tục tự chất vấn và tự khảo nghiệm các kiến thức nền tảng của họ. Họ liên tục quan sát và phân tích thế giới thực tế chung quanh và quan điểm của họ. Họ phải tự nhận sai và sửa sai khi cần thiết. Điều nầy cần kiến thức chuyên môn lẫn sự can đảm trong lương tâm chức nghiệp của họ.

Các tín điều tôn giáo mang đến cho con người những câu giải đáp lập tức, tuy chỉ nhất thời. Thí dụ nếu một người tin rằng việc làm ăn thua lỗ gần đây của họ chỉ là nghiệp quả phải trả mà thôi thì họ có thể vơi bớt ưu phiền ngay lúc đó. Tuy vậy niềm tin nầy sẽ không giúp ích gì cho người ấy trong công việc làm ăn tương lai.

Các giải pháp khoa học mang đến những câu giải đáp tuy có thể hiệu nghiệm lâu dài nhưng không phải lúc nào cũng lập tức hiễn nhiên. Thí dụ chích chủng ngừa có thể không thấy hiệu quả gì lập tức tuy nhiên kiến thức và kinh nghiệm khoa học cho thấy sẽ đem đến tình trạng miễn nhiễm có ích lợi lâu dài.

Tôn giáo nghiêng nặng về lòng tin, bắt nguồn từ lòng tin và dựa vào lòng tin để tồn tại. Tôn giáo là một hệ thống tín ngưỡng của những tín điều không thay đổi và phải được tin theo mà không được chất vấn. Các tín điều được xem là giải đáp cho một sự thật duy nhất.

Khoa học nghiêng nặng về thực nghiệm, dựa vào sự tò mò và hiện hữu qua sự tìm tòi, suy luận. Kiến thức khoa học thay đổi liên tục theo thời gian và theo sự tiến triển của kỹ thuật. Khoa học gia tuy dùng một số kiến thức khoa học sẵn có làm tiền đề cho các khám phá mới, họ luôn luôn tự kiểm tra giá trị của những tiền đề nầy để bảo đảm giá trị các khám phá của họ. Các khoa học gia luôn luôn tìm mọi cách để cố ý tách rời các thao tác trực tiếp từ họ ra khỏi các công trình khảo cứu họ đang điều hành. Điều nầy giảm thiểu việc các kết quả thí nghiệm bị ảnh hưởng, dù chỉ vô tình qua tiềm thức, bởi định kiến sẵn có của họ.

Tuy vừa nói ở trên là tín điều có khuynh hướng không thay đổi nhưng thật ra chúng chỉ có giá trị hạn chế trong từng khoảng không gian và thời gian nào đó. Nhiều tín điều của một tôn giáo nầy không có nghĩa lý gì cả đối với các tôn giáo khác. Một tôn giáo thường xem nhiều tín điều của các tôn giáo khác trong quá khứ, hay ở các địa phương khác, không gì khác hơn là những mê tín dị đoan.

Kiến thức khoa học nói chung có giá trị đồng nhất trong không gian. Tất cả định luật vật lý đều có giá trị hầu như tuyệt đối ngang nhau ở bất cứ nơi nào trên địa cầu. Khi xét đến thế giới vi mô (như phân tử, nguyên tử) hay thiên văn học (như thiên hà, vũ trụ), các định luật vật lý cũng đều có giá trị hầu như hoàn toàn giống nhau trong phạm vi môi trường của chúng.

Tôn giáo có khuynh hướng nhân cách hóa thiên nhiên. Đó là vì điều nầy giúp cho họ dễ hiểu hơn những gì xảy ra chung quanh họ. Đây là một quy luật chung cho mọi tôn giáo. Có vô số niềm tín ngưỡng về thần sấm, thần sét, thần sông, thần biển, thần núi lửa, thần rắn, thần cọp, v.v. Tất cả những thần linh nầy đều mang đầy đủ đặc tính của con người từ hình dáng đến cách phục sức đến bản chất (thiện, ác) đến tình cảm (vui, giận, thương, ghét) đến cơ cấu hoạt động (đẳng cấp, thứ bậc giữa nhiều tầng lớp thần linh trong thế giới của họ). Ngay cả Thượng Đế của các tôn giáo hiện đại cũng không thoát khỏi quy luật nầy.

Thí dụ như hình ảnh Giê-su trong Thiên Chúa Giáo từ 2000 năm nay ở Tây Phương luôn luôn được diễn tả là một người da trắng tóc vàng mắt xanh. Trong khi đó tài liệu nghiên cứu cho thấy nếu dựa theo Kinh Thánh thì Giê-su đáng lẽ vì là thành viên của một bộ lạc du mục Trung Đông thời Trung Cổ nên phải là một người đàn ông dáng vóc và khuôn mặt tiêu biểu với da sậm màu, mắt nâu, tóc đen.

Khuynh hướng nhân cách hóa thần linh cũng cho thấy rằng con người đã sáng chế ra thần linh và Thượng Đế dựa theo những đặc tính cá thân và xã hội của chính họ.

Khoa học có khuynh hướng đặt thiên nhiên lên cao hơn con người. Khuynh hướng nầy làm cho khoa học nhiều khi bị cho là vô cảm và vô nhân tính. Con người chỉ là một thành phần cực nhỏ hầu như không đáng kể gì cả của vũ trụ. Vũ trụ có thể vận hành không thay đổi nếu không có sự hiện diện của con người. Những định luật vật lý, hóa học, thiên văn học đều hiện hữu và có giá trị bất kể con người đã khám phá ra chúng hay chưa. Nhân loại chỉ là một vật thể ngẫu nhiên bé bỏng trong một không gian và thời gian vô tận và lạnh lùng.

Người ta thường cho là tôn giáo tìm ra giải đáp cho nhiều vấn đề liên quan đến đời sống con người, ở đủ mọi cấp độ thấp cao. Trong khi đó khoa học được xem là chỉ là quá trình góp nhặt các mảnh vụn kiến thức để ráp nối chúng lại với nhau và hy vọng chúng sẽ đưa đến câu trả lời nào đó thích đáng. Khoa học do đó được xem là không cung ứng được những giải đáp toàn vẹn, đầy đủ và khẩn cấp so với tôn giáo.

Thật ra thì tôn giáo không đem đến những giải đáp khách quan và trung lập. Tín điều chỉ là những kết quả con người cần, và muốn, có – dựa trên định kiến chủ quan của họ. Tuy nhiên tôn giáo sẽ luôn luôn tồn tại vì nó đáp ứng được nhu cầu tâm linh của con người. Ngay cả khi một tín đồ không thỏa mãn với một vài tín điều trong tôn giáo họ thì họ sẽ tự diễn giải chúng theo cách nào khác để thích hợp với cái nhìn họ muốn thấy. Và nếu họ không còn tin vào các tín điều của một tôn giáo thì họ cũng sẽ rất dễ dàng trở thành tín đồ của một tôn giáo khác. Đối với những người có khuynh hướng tin vào những hứa hẹn tâm linh thì tôn giáo nào cũng có tiềm năng quyến rũ tương tự như nhau.

Khoa học cũng sẽ luôn luôn tồn tại vì nó là một động cơ chính yếu kéo chiếc xe nhân loại ra khỏi vũng lầy tối tăm của sự ngu dốt. Và cái động cơ nầy cũng sẽ tiếp tục đưa nhân loại đến một chân trời mới hơn, sáng lạn hơn trong tương lai. Ngay cả những người thường xuyên chối bỏ khoa học để ca ngợi tín ngưỡng tâm linh cũng hàng ngày hưởng thụ vô số lợi ích mang đến bởi sự sáng tạo của khoa học.

Nhiều người cũng cho rằng tôn giáo có thể giải thích và giải quyết các vấn đề trong phạm trù “vô hạn” trong khi khoa học chỉ có thể trong phạm trù “hữu hạn”. Những người nầy muốn nói là khoa học không thể giải thích và giải quyết được mọi sự việc trong vũ trụ trong khi tôn giáo có thể giải thích và giải quyết những vấn đề cao siêu hơn trong những lãnh vực huyền bí vô tận mà trí óc con người không thể xác định được.

Vấn đề cần thấy ở đây là tôn giáo không "giải thích" hay “giải quyết” được gì cả. Tôn giáo chỉ trùm một tấm chăn với nhãn hiệu "thiêng liêng và huyền bí" lên tất cả những gì không giải thích được rồi dạy tín đồ hãy chấp nhận rằng đó là một phạm trù đặc biệt mà lý trí và cách suy luận bình thường không áp dụng được. Tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa Giáo, đưa ra khái niệm “đức tin” đòi hỏi tín đồ phải tin vào những tín điều của họ một cách vô điều kiện và nhất là không được dùng kiến thức khoa học hay phương pháp luận lý hay kinh nghiệm thực tế để phân tích và chất vấn.

Lý lẽ “hữu hạn và vô hạn” trên chỉ là một ngữ thuật vì nó được xây dựng dựa trên định nghĩa và cách dùng từ ngữ chủ quan của những người muốn đề cao giá trị của tôn giáo. Hai chữ "hữu hạn" và "vô hạn" có thể được dùng một cách khác, dưới đây, để lý luận rằng thật ra thì tôn giáo "hữu hạn" trong khi khoa học "vô hạn".

Chúng ta cần biết rằng đường hướng và phương cách tự xác định của khoa học là dựa vào hiện tượng để đưa ra giả thuyết rồi cải tiến giả thuyết đó nhiều lần cho đến khi có thể áp dụng nó vào mọi hiện tượng tương tự trong cùng một môi trường. Bằng cách đó những bí ẩn của vũ trụ có thể được giải mã dần dần từng phần một. Khoa học cũng xác định vũ trụ là vô hạn, do đó khoa học cứ tiến triển không bao giờ ngừng lại và không có biên giới.

Thí dụ như khi Newton thấy quả táo rơi, ông đặt ra giả thuyết về sức hút của trái đất. Giả thuyết nầy dần dần được cải tiến để áp dụng cho mọi vật thể trong không gian. Sau đó, thực nghiệm cho thấy các quy luật của Newton chỉ có giá trị cho thế giới vĩ mô và không đúng trong môi trường vi mô: các vật thể cực nhỏ chịu ảnh hưởng bởi các lực khác như điện từ trường nhiều hơn bởi trọng lực. Từ đó các giả thuyết khác được đưa ra để dần dần dẫn đến các quy luật khác áp dụng cho điện tử, nguyên tử, phân tử. Rồi sau đó nữa thì người ta thấy những quy luật nầy cũng không thỏa mãn được một số hiện tượng khác, từ đó vật lý lượng tử ra đời. Tương tự, trong thế giới thiên văn nơi mà không gian và thời gian là những con số to lớn ngoài sức tưởng tượng của con người, những giả thuyết và định luật khác cũng dần dần được phát triển để ứng dụng cho các sự kiện liên quan đến thiên hà và vũ trụ. Và cứ như vậy mà tiếp diễn, kiến thức khoa học về sự tương tác giữa các vật thể cứ tăng trưởng mãi không bao giờ dừng lại.

Do đó theo lối nhìn nầy thì vì khoa học không bao giờ ngừng tiến triển và không có biên giới nên có thể cho rằng khoa học "vô hạn".

Trong khi đó, thí dụ như Thiên Chúa Giáo dựa tất cả niềm tin và đời sống của họ lên một quyển sách soạn thảo đã hơn 2000 năm. Quyển sách nầy truyền dạy những điều không thay đổi (và không hoàn hảo) của một thượng đế (cũng không hoàn hảo). Sự tự giới hạn đó làm cho cả hệ thống lý thuyết của Thiên Chúa giáo không có gì để phát triển nữa. Do đó nó không có lối thoát ra khỏi cái ranh giới của họ tự đặt ra cho họ, và như vậy có thể được coi là rất "hữu hạn".

Vì thế tùy cách nhìn của mỗi người mà tôn giáo và khoa học có thể "hữu hạn" hay "vô hạn".

Có người cho rằng khoa học mang đến phương tiện để làm hư hoại nhân loại. Theo họ, sự phát triển quá nhanh chóng của khoa học là một môi trường thích hợp để những lầm lẫn to lớn xảy ra. Thí dụ như có biết bao nhiêu sáng kiến khoa học tuy với mục tiêu ban đầu để đem đến lợi ích cho con người đã bị lạm dụng và cải biến thành những dụng cụ hũy diệt sự sống.

Tuy vậy, cũng có không ít thí dụ cho thấy danh nghĩa tôn giáo đã thường xuyên được dùng để con người bóc lột, đàn áp, kiểm soát, điều khiển và ngu muội hóa con người. Ngay cả một vài tôn giáo lớn nhất hiện nay tuy một mặt rao giảng hòa bình, yêu thương nhưng mặt khác cũng truyền dạy và tích cực thực hành hận thù, chia rẽ và giết chóc.

Một điều cần thấy là khoa học không thể dẫn dắt con người đến chân lý. Khoa học tự nó cũng không có khả năng giải quyết tất cả mọi vấn đề của con người và xã hội. Khoa học và kỹ thuật không khuyến khích con người có những hạnh kiểm tốt, và không giúp đỡ gì trong việc thanh lọc tư tưởng. Khoa học tìm kiếm gom góp dữ kiện và tài liệu cho chúng ta nhưng không chỉ dẫn chúng ta cách sống thế nào để hạnh phúc. Vì vậy khoa học tự mình nó không đủ là cứu cánh hay phương tiện duy nhất cho sự trường tồn của nhân loại. (Yếu tố cần thiết để bổ xung ở đây là đạo đức con người, tuy nhiên vấn đề nầy nằm ngoài khuôn khổ của bài tiểu luận nầy.)

Tôn giáo trong một lãnh vực hạn hẹp của nó có thể làm những việc trên. Hay nói đúng hơn là tôn giáo đem đến ấn tượng là nó có thể làm những việc trên. Và trong nhiều trường hợp đối với nhiều người thì chỉ cần như thế thôi cũng là rất đủ cho họ. (Và tôn giáo nhận biết điều nầy nên không bao giờ ngần ngại quảng bá cái ấn tượng đó như một khả năng thật sự; tuy nhiên vấn đề nầy cũng nằm ngoài khuôn khổ của bài tiểu luận ở đây.)

(http://damau.org/archives/41397 )

Tôn Giáo

 

Phật Giáo

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page