top of page

Chương 13:

Mối Quan Hệ giữa các Sinh Vật Hữu Cơ – Khoa Hình Thái Học – Khoa Bào Thai học – Các Bộ Phận Thô Sơ trong Cơ Thể Sinh Vật

 

Đến thời đại của Darwin thì ngành sinh vật học đã có một hệ thống phân loại sinh vật rất tiến bộ. Các nhà sinh vật học đã thiết lập những nguyên tắc chặc chẽ và phức tạp để phân chia sinh vật ra thành từng nhóm chủng loại, họ, gia đình, v.v. dựa trên sự tương đồng và tương tự trong cấu trúc cơ thể của chúng.

 

Các học giả nhận biết rằng sự tương đồng và tương tự của những cấu trúc ngoại hình không quan trọng bằng cấu trúc nội tạng. Những cấu trúc ngoại hình chỉ có thể cho thấy sự liên hệ giữa chức năng của chúng với môi trường sống (thí dụ chim có cánh để bay trên trời, cá có mang để thở dưới nước, thú ăn thịt có răng nhọn bén để cắn xé, thú ăn cỏ có răng thích hợp cho sự nhai nghiền, v.v.) nhưng không luôn luôn xác định được sự liên hệ giữa những chủng loại với nhau. Trong khi đó những chi tiết thuộc về nội tạng, chẳng hạn như cơ quan sinh dục và sinh sản hay quá trình phát triển của bào thai, thường được dùng để quyết định chủng loại nào nằm trong nhóm, họ hay gia đình nào.

 

Như đã nói ở những chương trước, Darwin cho rằng phương cách phân loại trên chỉ là những quy định tùy nghi chủ quan của các học giả vì theo ông thì không có một biên giới nào rõ rệt giữa những chủng loại và tiểu loại tương cận. Tuy vậy ông vẫn dùng hệ thống phân loại sẵn có nầy để giải thích và dẫn chứng về lý thuyết tiến hóa của ông.

 

Khi phân chia chủng loại, khoa học đầu tiên cần phải được sử dụng là khoa hình thái học (morphology). Đây là môn học về những liên quan giữa cấu trúc của các bộ phận cơ thể của các chủng loại khác nhau. Có những động vật có cấu trúc xương và các bộ phận quan trọng trong cơ thể rất giống nhau mặc dù ngoại hình của chúng rất khác biệt nhau. Thí dụ, cấu trúc xương bàn tay của loài người rất tương đồng và tương tự với cấu trúc xương chân trước của loài chuột đất hay với mái dầm chân trước của loài cá heo hay với cánh của loài dơi. Darwin giải thích mặc dù ngoại hình của những bộ phận nầy rất khác nhau (vì sự tiến hóa cần thiết cho chức năng của chúng), sự tương đồng và tương tự trên (cũng như của những bộ phận khác trong các sinh vật trên) cho thấy sự liên hệ mật thiết giữa những chủng loại đó.

 

Môn hình thái học còn cho thấy sự tiến hóa giữa các bộ phận cơ thể trong cùng một chủng loại. Thí dụ, cấu trúc xương sọ một loài vật có xương sống rất tương tự và tương đồng với các xương cổ và đốt xương sống của chúng và của những chủng loại tương cận với chúng. Theo Darwin, điều nầy cho thấy trong thời kỳ phôi thai của quá trình tạo thành loài động vật có xương sống, xương sọ đã biến thể và tiến hóa từ xương cổ và xương sống để chứa đựng bộ não ngày càng phát triển lớn hơn.

 

Quá trình phát triển của bào thai cũng có thể cho thấy những chủng loại tương cận đã tiến hóa từ một tổ tiên chung như thế nào. Darwin nhận thấy bào thai của nhiều chủng loại đều có cấu trúc và hình dạng rất giống nhau trong thời gian ban đầu. Sự khác biệt của mỗi chủng loại chỉ bắt đầu xuất hiện sau nầy khi bào thai lớn dần lên đến một thời điểm nào đó. Trong quá trình tiến hóa của các chủng loại trên, chính những khác biệt nầy cũng bắt đầu xuất hiện và phát triển ở một thời điểm tương tự để tách rời chúng ra khỏi chủng loại “cha mẹ” của chúng.

 

Darwin nhận thấy hiện tượng nầy cũng có thể thấy được trong những sinh vật mới sinh ra hay đang trong thời kỳ phát triển. Thí dụ như trong con người, trẻ con không có những đặc tính di truyền từ ông bà chúng như màu mắt, màu tóc, chiều cao hay dáng dấp cho đến khi chúng lớn đến một tuổi nào đó.

 

Vì những biến thể được di truyền thường chỉ xuất hiện một thời gian khá dài sau khi thọ thai, bào thai của các sinh vật tương cận đều có cấu trúc giống hệt nhau, và nhờ vậy mà các nhà sinh vật học có thể nhận định được mối quan hệ giữa các hậu sinh của các chủng loại khác nhau. Khoa bào thai học còn cho thấy các sự biến dạng xảy ra như thế nào và vào lúc nào, như vậy đóng một vai trò rất lớn trong việc phỏng định sự tách rời của các chủng loại hậu sinh ra khỏi chủng loại cha mẹ ra sao.

 

Một yếu tố quan trọng khác để phân loại sinh vật là khảo sát những “bộ phận thô sơ” trong các chủng loại. Đây là những bộ phận cơ thể hiện không giữ một chức năng đáng kể hay ích lợi gì cả vì đã thoái hóa quá độ.  Những bộ phận thô sơ được xem là còn sót lại từ những chủng loại tiền nhân. Nhiều khi rất dễ nhận định các bộ phận thô sơ nào đã từng có chức năng gì trong những chủng loại nào trong quá khứ. Thí dụ trên lưng của một số côn trùng vẫn còn hai màng mỏng nơi mà đã từng là đôi cánh của chủng loại tổ tiên của chúng. Có khi nguồn gốc và mối liên hệ của nhiều bộ phận thô sơ không hiển nhiên lắm, nhất là nếu một bộ phận đã từng mang một chức năng khác hẳn với chức năng của nó hiện tại. Thí dụ như bong bóng cá dùng để điều khiển mức nổi chìm trong việc bơi lặn đã biến thể và thay đổi chức năng trở thành bộ phổi dùng để thở trong các sinh vật sống trên cạn bây giờ. Những bộ phận thô sơ do đó có thể cho thấy những dấu tích về quá trình phát triển và biến hóa từ chủng loại nầy sang chủng loại khác, ngay cả nếu các ngoại hình của chủng loại hậu sinh bây giờ đã hoàn toàn khác hẳn tổ tiên chúng.

 

Darwin cũng dùng những bộ phận thô sơ để minh chứng sự sai lầm trong niềm tin cho rằng mọi vật đã được thiết kế và tạo thành riêng rẽ bởi một đấng sáng tạothông minh. Ông hỏi nếu thiết kế thông minh thì tại sao những bộ phận trên lại kém xa sự toàn hảo như vậy? Ông cho thấy một lần nữa chỉ có thuyết Tiến Hóa mới giải thích được hiện tượng thiên nhiên nầy một cách thích đáng mà thôi.

 

 

Luận Giảng

 

Trong khi các nhà sinh vật cùng thời với Darwin đã có thể phân chia chủng loại bằng một hệ thống rất quy củ, họ thật ra không biết rõ tại sao các chủng loại cần được xếp loại từng nhóm, từng họ, từng gia đình, v.v. như vậy. Nói cách khác, những người nầy tuy nhận thấy rõ được sự tương tự và tương đồng giữa một số chủng loại mà họ gọi là “tương cận” cũng như sự khác biệt rõ ràng giữa chủng loại khác, họ chỉ ghi chú lại sự quan sát nầy qua hệ thống phân loại rất tỉ mỉ của họ nhưng thật sự không biết để làm gì.

 

Darwin trong lúc đó lại nhận thấy được sự trùng hợp giữa lý thuyết biến thể di truyền qua hậu sinh của ông với hệ thống phân chia chủng loại trong sinh vật học. Ông đã đưa Thuyết Tiến Hóa đến một vị thế đáng kể lập tức khi liên kết lý thuyết nầy với hệ thống phân loại đã được chấp nhận bởi hầu như tất cả mọi học giả khác.

 

Điều đáng nói là phần lớn trong số các học giả nầy là những người theo phái tâm linh, có nghĩa là họ cho rằng chủng loại đã được tạo thành độc lập với nhau và nếu có những điểm tương đồng hay tương tự giữa một số chủng loại thì đó chẳng qua là do ý muốn của đấng thiêng liêng đã tạo thành ra chúng. Darwin trong lúc đó dùng hệ thống phân chia của họ để cho thấy rằng các chủng loại tương cận nằm cùng chung nhóm, họ, gia đình là vì chúng đã phát xuất từ một chủng loại tổ tiên chung. Darwin cho thấy rằng chỉ có lý thuyết của ông mới có thể giải thích thỏa đáng được những nhận xét mà hệ thống phân chia trên xác định là có thật trong thiên nhiên. Trong khi đó ông cho thấy lý thuyết sáng tạo thông minh không thể nào giải thích được các hiện tượng nầy.

 

Trong Chương nầy Darwin đã so sánh cấu trúc xương bàn tay của loài người với bộ phận tương ứng trong loài chuột đất, loài dơi và loài cá heo. Đây là một vấn đề mang đến những tranh cãi nóng bỏng nhất là trong một xã hội phong kiến của thời đại ông đang sống. Khi làm điều nầy, Darwin đã hàm ý rằng con người chỉ là một trong những sinh vật đã trải qua một quá trình tiến hóa từ những chủng loại tiền sinh khác cũng không khác gì bất cứ con thú nào khác đã từng sống trên địa cầu nầy.

 

 

bottom of page