top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

Tín Ngưỡng và Tôn Giáo

Nguồn Gốc của Tín Ngưỡng và Tôn Giáo

 

Nhiều người cho rằng tôn giáo và tín ngưỡng là những sự việc thiêng liêng, huyền bí.

 

Tín ngưỡng thật ra xuất phát từ sự sợ hãi của con người trong thời tiền sử.

 

Tín ngưỡng, và tôn giáo, sau đó phát triển mạnh mẽ qua các thời văn minh thô sơ do sự thiếu kiến thức của con người về vũ trụ chung quanh họ.



Bản năng sinh tồn tự nhiên của con người

 

Bản năng tự nhiên của con người là tìm tòi và chinh phục. Đây là một bản năng then chốt để con người sinh tồn và tiến hóa.

 

Khi đứng trước một vấn đề, con người biết 1/ xác định vấn đề đó là gì, rồi 2/ tìm một giải pháp thích hợp nhất để giải quyết vấn đề nầy, và rồi 3/ quan sát, suy luận và nếu cần sẽ cải tiến để đi đến một giải pháp mới hiệu quả hơn. Phương cách giải quyết vấn đề trên giúp con người thành công trong việc bành trướng khắp địa cầu.

 

Khi người tiền sử kiếm ăn, họ tự hỏi phải làm sao để hái được những trái cây trên cao hay săn giết được những thú vật chạy nhanh bay cao. Áp dụng phương cách trên, họ dần dần tìm chế ra được các dụng cụ và võ khí hiệu nghiệm hơn để thực hiện việc nầy.

 

Tương tự, họ tự hỏi phải làm sao để chống lại sự lạnh lẽo của mưa gió hay để bảo vệ họ khỏi phải bị thú dữ ăn thịt. Dùng phương cách trên họ dần dần tìm chế ra được những tấm lá cây hay da thú để bao bọc giữ cho cơ thể họ được ấm hay biết dựng lên rào cản trước hang động để không cho thú dữ xâm nhập trong khi họ ngủ. Rồi họ biết dùng lửa, làm quần áo, xây nhà, v.v. cho những mục đích nầy. Mỗi lần họ tự hỏi tại sao để giải thích và phải làm sao để chinh phục một vấn đề, họ tìm chế ra một phương tiện khác hay hơn, tốt hơn giúp họ chống chỏi với thiên nhiên trong cuộc tranh đấu liên tục để sống còn của họ.

 

Tuy nhiên có những sự việc xảy ra chung quanh người tiền sử mà họ không hiểu tại sao và không biết làm cách nào để kiểm soát hay chinh phục chúng. Thí dụ như những hiện tượng thiên nhiên (núi lửa, động đất, mưa bão, lũ lụt, hạn hán, v.v.) hay những tai ương (bệnh tật, tai nạn, chết chóc, cá nhân sát hại lẫn nhau, chiến tranh giữa bộ lạc, v.v.)

 

Danh sách các sự việc nầy kéo dài vô tận và họ bất lực không có cách giải quyết. Khả năng trí tuệ và kiến thức hạn hẹp về vũ trụ của họ không cho phép họ giải thích được những vấn đề nghiêm trọng trên. Trong khi đó, bản năng sinh tồn của họ kêu gào đòi hỏi họ phải tìm ra một giải đáp, một lối thoát ra khỏi ngõ cụt nầy với bất cứ giá nào.

 

Sự ra đời của thần linh và Thượng Đế

 

Một trong những lãnh vực tiến hóa mà loài người phát triển hơn các thú vật khác là họ có trí tưởng tượng.

Nhờ có trí tưởng tượng loài người mới có thể hình dung được những sự vật không hiện diện thật sự trước mặt họ. Nhờ vậy họ mới có thể chế tạo ra được những dụng cụ chưa từng hiện hữu bao giờ trước đó, có thể hoạch định những việc làm mà họ chưa bao giờ làm cả; nhờ vậy họ mới có thể đặt ra những sự việc và kể lại câu chuyện chưa bao giờ xảy ra, v.v.

 

Khả năng tưởng tượng nầy cũng đem lại cho con người một lối thoát ra khỏi ngõ cụt sinh tồn như vừa kể trên.

Con người tưởng tượng ra những sức mạnh siêu nhiên hoàn toàn bên ngoài khả năng điều khiển của họ. Họ cho rằng tất cả những hiện tượng không giải thích được và những tai ương đều xuất phát từ các sức mạnh nầy.

Kinh nghiệm trong đời sống của họ cho họ thấy nếu không chinh phục được một mối hiểm nguy thì cách tốt nhất để sinh tồn là hoặc 1/ trốn tránh hoặc 2/ thần phục nó. Vì không thể trốn tránh tai họa được nên họ tin rằng muốn hạn chế nó xảy ra cho họ thì chỉ có cách là thần phục và tôn thờ các sức mạnh siêu nhiên trên.

 

Với lối suy nghĩ và lý luận giản dị của họ, con người trong thời đại văn minh thô sơ nhân tính hóa các sức mạnh siêu nhiên tưởng tượng trên và đặt để cho chúng những vai trò liên quan đến các hiện tượng và tai ương nầy. Từ đó các thần linh ra đời.

 

Thần núi lửa gây ra núi lửa. Thần mưa, thần gió, thần sấm sét làm ra bão tố mưa gió. Thần sông, thần biển, thần rừng cai trị và tạo ra những hiểm nguy trên sông,  ngoài biển, trong rừng. Các thú dữ cũng được cho là thần linh: thần cọp, thần rắn, thần chim ưng, thần cá sấu. Tiếp theo là thần cây, thần đá, thần mùa màng, thần sinh sản, thần tình yêu, thần chiến tranh, thần hòa bình, v.v. và v.v.

 

Vì danh sách các hiện tượng con người không hiểu biết và không kiểm soát được kéo dài bất tận nên danh sách các thần linh trong lịch sử con người cũng kéo dài bất tận.

 

Khi một nhóm người có quá nhiều thần linh nên lẽ tự nhiên theo họ là phải có nhiều hạng thứ, nhiều cấp bậc thần linh khác nhau. Đó là vì trong xã hội con người lúc nào cũng có nhiều hạng thứ, cấp bậc khác nhau. Và khi có hạng thứ, cấp bậc thì sẽ phải có một vị thần cao nhất, mạnh nhất, thiêng liêng nhất so với tất cả các thần linh khác. Từ đó Thượng Đế của nhóm người nầy ra đời.

 

Mỗi nhóm người, mỗi chủng tộc sống trong mỗi môi trường khác nhau. Họ có những nền văn hóa khác nhau. Họ đối diện với những hiện tượng bí ẩn khác nhau, có những nỗi sợ hãi khác nhau. Do đó những nhóm người khác nhau tôn thờ nhiều nhóm thần linh khác nhau và do đó có nhiều Thượng Đế khác nhau. Sự khác nhau nầy đưa đến nhiều nhóm tín ngưỡng, và từ đó nhiều tôn giáo khác nhau.

 

Nói cách khác:

 

- Con người đã từ sự sợ hãi dẫn đến niềm tin về thần linh. Họ đoán rằng, và dần dần “tin” rằng, có những sức mạnh huyền bí và những thần linh sau lưng các hiện tượng họ không giải thích và kiểm soát được.

 

- Họ đoán thêm rằng, và dần dần “tin” rằng, họ có thể liên lạc và mua chuộc các thần linh nầy giúp đỡ họ bằng cách tôn thờ, dâng cúng các lễ vật. Đây là những “niềm tin” của con người trong thời văn minh thô sơ.

 

- Những niềm tin, hay tín ngưỡng, nầy trở thành nền tảng của tín ngưỡng và tôn giáo trong nhân loại cho đến ngày nay.

 

- Tín ngưỡng trở thành một nhu cầu cơ bản của con người. Nhu cầu nầy là một phần của quá trình tiến hóa và đóng vai trò quan trọng trong sự sinh tồn của nhân loại. Nhu cầu tín ngưỡng đứng hầu như ngang hàng với các nhu cầu thiết yếu khác như cơm ăn, áo mặc và tình dục.

 

 

Tôn Giáo Là Gì?

 

Chữ “tôn giáo” thường được nhiều người dùng để nói một cách mơ hồ về hoặc là “sự tín ngưỡng” hoặc là “hệ thống tín ngưỡng” hoặc là “tổ chức của hệ thống tín ngưỡng” hoặc là tất cả những thứ kể trên.

 

Thật ra thì:

 

a/ Tôn giáo là kết quả của sự hệ thống hóa các niềm tin về thần linh:

 

Các phương cách tôn thờ, dâng cúng lễ vật và các huyền thoại về những thần linh càng ngày càng tích tụ lại và trở nên phức tạp, khó hiểu. Phức tạp vì chúng là sản phẩm từ nhiều nguồn gốc, của nhiều đoàn thể, bởi nhiều lý do khác nhau mà ra. Khó hiểu vì thật sự chính những người sản xuất ra chúng cũng chẳng hiểu rõ ý nghĩa của chúng. Tuy vậy, con người là một loài vật có trí óc tổ chức. Họ hệ thống hóa tất cả các niềm tin của họ lại và từ đó chúng ta có tôn giáo.

 

Sở dĩ ngày nay có nhiều tôn giáo khác nhau là vì chúng xuất phát từ nhiều nhóm dân tộc có những nhu cầu, đời sống, phong tục, niềm tin khác nhau.

b/ Các tôn giáo chỉ là những tổ chức của những “chuyên gia” về tôn giáo:

Hầu như song song với sự thành lập của tôn giáo, một số nhỏ cá nhân trở thành “chuyên gia” về các cách thức tôn thờ, dâng cúng lễ vật và các huyền thoại về thần linh trong tôn giáo của họ. Bắt đầu trong các bộ lạc sơ khai, chúng ta có những thầy phù thủy. Rồi dần dần sau nầy những nhà tiên tri, đạo sĩ, giáo sĩ, tu sĩ.

 

Những “chuyên gia” nầy tập hợp lại thành đoàn thể rồi cũng hệ thống hóa cách sinh hoạt, cơ chế, luật lệ cho đoàn thể nầy của họ. Từ đó chúng ta có tổ chức tôn giáo.

c/ Giáo lý, giáo điều chỉ là sản phẩm của những “chuyên gia” về tôn giáo:

 

Giáo lý, giáo điều là tập hợp những những “chân lý”, những hứa hẹn, những luật lệ mà người ta cho là thần linh ban ra.

 

Giáo lý, giáo điều thật ra chỉ là tập hợp những huyền thoại đặt chế ra bởi con người phản ảnh những ý tưởng và kiến thức hạn hẹp đương thời của các “chuyên gia” về tôn giáo. Giáo lý, giáo điều được lưu trữ, truyền dạy và thêm bớt sửa đổi từ thế hệ nầy qua thế hệ khác.

 

Có vô số thí dụ trong tôn giáo cho thấy điều nầy. Một thí dụ điển hình là Kinh Thánh nói rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ. Điều nầy phản ảnh kiến thức hạn hẹp của con người ở khoảng 2000 năm về trước khi Thiên Chúa giáo vừa mới thành hình.



Cấu trúc của một tôn giáo

 

Nói chung, một tôn giáo cần phải có ít nhất 3 thành phần: 1/ một niềm tín ngưỡng, 2/ một số đông đủ tín đồ, và 3/ một tập hợp những luật lệ hay giáo điều.

 

Đạo Phật, đạo Thiên Chúa là các thí dụ của sự hệ thống hóa của từng niềm tín ngưỡng riêng biệt và khác nhau. Đạo Cao Đài là một thí dụ của sự hệ thống hóa của tập hợp nhiều niềm tín ngưỡng khác nhau.

 

Hầu như tôn giáo nào cũng có ít nhất một tổ chức điều hành (thí dụ các giáo hội Phật giáo, tòa thánh Vatican, v.v.). Tuy nhiên trong trường hợp như đạo Ông Bà của Việt Nam chẳng hạn, tuy cũng hội đủ 3 thành phần trên nhưng không có một tổ chức điều hành chính thức.

 

Một điều nổi bật đáng nhận thấy là không có tôn giáo nào sở hữu chân lý tuyệt đối cả. Trên thế giới hiện tại có khoảng 4500 tôn giáo khác nhau. Trong lịch sử nhân loại đã có ước lượng vài trăm ngàn tôn giáo đã thành hình và đã diệt vong. Nhiều tôn giáo nầy đã từng chiếm đóng địa vị quan trọng trong những nền văn minh lớn đã mai một như Ai Cập, La Mã, Inca, v.v.

 

Một điều cần nhận thấy là số lượng của tín đồ của một tôn giáo quyết định vị thế của tôn giáo đó trong xã hội.

Trong Anh ngữ có những tiểu nhóm tôn giáo được gọi là “cult”. Những nhóm nầy bị xem là “tiểu nhánh” hay “ngoài lề” của một tôn giáo “lớn” khác như Phật giáo hay Thiên Chúa giáo. Chữ “cult” thường mang hàm ý “biến thái” hay “tà đạo”.

 

Tuy vậy, khi nhìn vào cấu trúc thì thật ra những tiểu nhóm nầy không khác gì với những tôn giáo “lớn” khác cả. Chúng cũng có đầy đủ 3 yếu tố kể trên của bất cứ một tôn giáo nào khác. Điều khác biệt duy nhất là số tín đồ của những tiểu nhóm nầy rất ít ỏi so với các tôn giáo “lớn”.

 

Phật giáo ở Việt Nam có vài tiểu nhóm nổi tiếng loại nầy từ là đạo Dừa, đạo Hòa Hảo và gần đây là “đạo bà Thanh Hải”. Vào thập niên 70 có những tiểu nhóm chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi như đạo Chuối, đạo Vuốt, v.v.

 

Thiên Chúa giáo có vô số các tiểu nhóm loại nầy rải rác khắp cả thế giới.

 

Những ảnh hưởng tốt của tôn giáo lên xã hội.

 

Tôn giáo nói chung mang lại nhiều ích lợi cho con người và xã hội.

 

1/ Tôn giáo giúp con người cảm thấy bớt lẽ loi nhỏ bé và bất lực trong cái vũ trụ bao la đáng sợ chung quanh họ.

 

2/ Tôn giáo đáp ứng nhu cầu "chinh phục sự chết" cần thiết trong bản năng sinh tồn tự nhiên của con người.

 

3/ Tôn giáo cung cấp phương tiện và cơ hội để thỏa mản nhu cầu tâm linh của con người; thí dụ như cảm giác thông linh, giao hòa với một huyền lực bao la vĩ đại mà nhiều tôn giáo đã nhân cách hóa và gọi là "Thượng Đế".

 

4/ Tôn giáo là một phương tiện giúp con người dễ bộc phát những thiện tính đã có sẵn tự nhiên trong mỗi người và áp dụng những thiện tính nầy vào đời sống hàng ngày.

 

5/ Tôn giáo cung cấp một phương tiện khá hữu hiệu để truyền bá các tiêu chuẩn đạo đức và gìn giữ con người nằm trong khuôn khổ của các tiêu chuẩn đạo đức nầy.

 

6/ Tôn giáo giúp con người đoàn kết mạnh mẽ hơn khi cùng đứng với nhau trong một tập thể dưới một danh nghĩa cao cả chung.

 

Tuy vậy, tôi cần nhấn mạnh là hầu như tất cả các ảnh hưởng tốt kể trên đều có thể đạt được từ bản chất chân thiện mỹ cũng như khả năng đạo đức và tâm linh đã tự sẵn có trong tâm thức con người mà không cần sự hiện hữu của tôn giáo. 

 

Những ảnh hưởng xấu của tôn giáo lên xã hội.

 

Tôn giáo có nhiều lãnh vực tiêu cực về phương diện trí tuệ và tâm linh lẫn xã hội và nhân văn.

 

1/ Tôn giáo nào cũng cho rằng chỉ có họ là chính giáo, chỉ có giáo điều và “Thượng Đế” của họ là chân lý và tối thượng. Có những tôn giáo cho rằng tất cả tôn giáo khác đều là tà giáo, tất cả “Thượng Đế” của các tôn giáo khác là sản phẩm của sự lầm lẫn ngu tối của loài người. Sự tranh chấp nầy đưa đến hiềm khích và chiến tranh liên tục ở mọi tầng lớp trong lịch sử nhân loại. Đã và đang có vô số cuộc thảm sát, giết chóc xảy ra vì lý do trực tiếp liên quan đến tôn giáo.

 

2/ Tôn giáo được xây dựng dựa trên sự sợ hãi của con người. Từ đó tôn giáo trở thành một công cụ hữu hiệu của thiểu số cầm quyền dùng để cai trị và kiểm soát quần chúng ở mọi tầng lớp, từ thời xưa cổ cho đến ngay cả chính ngày hôm nay.

 

3/ Nhiều tôn giáo khuyến khích con người từ bỏ trí óc lý luận và suy xét để chấp nhập những đức tin huyễn hoặc, vô căn cứ.

 

4/ Nhiều tôn giáo khuyến khích con người tráo chuyển trách nhiệm trong quyết định, hành vi và hậu quả của cá nhân họ ra thành trách nhiệm của “Thượng Đế”.

 

5/ Nhiều tôn giáo phủ nhận giá trị và khả năng đạo đức cơ bản tự nhiên của con người.

 

6/ Tôn giáo không biến đổi kịp với sự tiến hóa về mặt khoa học, xã hội lẫn cả về mặt tâm linh của con người do đó trở thành chướng ngại vật trên đường tiến hóa của nhân loại.

 

7/ Nhiều tôn giáo tiếp tục gìn giữ và truyền dạy những giáo điều cổ hủ, lầm lạc và vô đạo đức (nếu so sánh với tiêu chuẩn xã hội và tâm lý ngày nay).

 

8/ Các tín đồ cực đoan dùng những giáo điều cổ hủ, lầm lạc và vô đạo đức trong tôn giáo họ để làm căn bản và lý do cho các hành động độc ác. Tùy vị thế và khả năng của các thành phần cực đoan nầy, các hành động độc ác của họ có thể có tai hại rộng lớn, lâu dài và sâu xa đến vô số người vô can khác.

 

9/ Bản chất mơ hồ, phức tạp và chuyển đổi không ngừng của tôn giáo làm cho đại đa số tín đồ không thể nhận ra được những bản chất tiêu cực cơ bản và quan trọng của nó. Các tổ chức tôn giáo (các “chuyên viên” về tôn giáo) nếu có nhận ra được các bản chất tiêu cực nầy đi nữa thì cũng vì quyền lợi riêng mà ém dấu hay không truyền bá chúng đến cho tín đồ.

 

Theo tôi nổi bật nhất trong phương diện xã hội và nhân văn là tôn giáo thường bị lợi dụng danh nghĩa để thực hiện những chuyện vụ lợi riêng. Người ta có khuynh hướng không phản kháng các tổ chức, các hành động mang nhãn hiệu tôn giáo vì cái ấn tượng thiêng liêng, đạo đức gắn liền với tôn giáo.

 

Karl Marx nổi tiếng với chủ thuyết cộng sản đẫm máu. Tuy vậy tôi phải công nhận cách so sánh của Karl Marx về tôn giáo với thuốc phiện rất chính xác. Cái mà đại đa số chúng ta không nhìn thấy là chúng ta đã mê hoặc chính chúng ta và biến mình thành nô lệ của các tổ chức tôn giáo.

 

Con người thường cảm thấy bất lực và vô vọng trước những sự đau khổ và hủy diệt trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, lời hứa hẹn được thương yêu chăm sóc bảo vệ trong kiếp nầy và một sự sống vĩnh hằng ở kiếp sau mang lại một ảo giác an lành khó gì sánh bằng, mặc dù ảo giác an lành nầy chỉ tạm bợ, mơ hồ và giả tạo (cũng giống như thuốc phiện). Để hưởng thụ cái ảo giác an lành nầy một cách trọn vẹn hơn, cũng giống như một gã nghiện, con người sẵn sàng nhắm mắt cố ý không nhận thấy những khuyết điểm lộ liễu và sự tai hại của tôn giáo. 

 

Để đón nhận cái ảo giác an lành nầy, con người sẵn sàng từ đánh đổi một tài sản quý giá đó là tri thức cùng khả năng phán xét bằng khối óc biết lý luận của mình để nhận lấy những giáo điều vô căn cứ và phản khoa học gọi là “đức tin”.

 

Để củng cố cái ảo giác an lành tạm bợ nầy và để tránh trách nhiệm cho chính mình, con người sẵn sàng giao phó quyền quyết định đúng sai, phải trái trong đời mình cho một thiểu số không hề quen biết chỉ vì thiểu số nầy tuyên bố rằng họ có những ân sũng huyền bí hay các kiến thức, khả năng đặc biệt hơn mọi người khác.

 

Và cũng giống như một gã nghiện, con người không dám chống đối hay chất vấn các giáo điều dù vô lý đến đâu.

 

Từ thái độ trên, con người tự chấp nhận trở thành nô lệ cho những tổ chức giữ độc quyền sản xuất và phân phát các ảo giác an lành tạm bợ và giả tạo đó.  Những người điều hành các tổ chức nầy sử dụng tôn giáo như một công cụ kiểm soát và điều khiển từng cá nhân nói riêng và xã hội nói chung để củng cố địa vị, quyền lực và tài sản của riêng họ.

 

Có thể nói nổi tiếng nhất trong các tổ chức nầy là tòa thánh Vatican. Ở một mức độ thấp hơn về phương diện quy mô và quyền lực là đa số các giáo hội Phật giáo trong và ngoài nước Việt Nam. 

 

Những công thức và phương cách buôn bán tín ngưỡng hữu hiệu nhất hầu như không khác nhau mấy bất kể Thượng Đế hay thần linh mang hình thức và màu sắc gì.

 

 

Vài Bản Chất của Tôn Giáo

 

Một Sản Phẩm Phụ của Quá Trình Tiến Hóa của Nhân Loại

 

Như đã trình bày, tôn giáo và tín ngưỡng xuất phát từ sự sợ hãi.

 

Tín ngưỡng và tôn giáo cũng là một sản phẩm phụ của quá trình sinh tồn và tiến hóa của nhân loại.

 

Con người ngày nay nói chung là sự tổng hợp thành công của những bản năng di truyền có ích lợi cho chủng loại của họ. Tuy nhiên trong quá trình di truyền trên cũng có lẫn lộn theo những bản năng không hoàn toàn có ích lợi cho sự tiến hóa của con người, trong đó có tín ngưỡng và tôn giáo.  Cũng tương tự như những ký sinh trùng, tín ngưỡng và tôn giáo bám theo cái bản năng di truyền trên để phát triển từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.

 

Trong quá trình tiến hóa của nhân loại, nhất là trong thời kỳ con người còn sơ khai, những đứa trẻ có khuynh hướng nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ chúng có một xác suất sinh tồn và trưởng thành cao hơn những đứa có khuynh hướng làm ngược lại.

 

“Nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ” là một đặc tính có ích lợi cho sự sống còn của con người. Đặc tính nầy dần dần trở thành một bản năng di truyền tự nhiên gắn liền trong cấu trúc cơ bản của trí óc mỗi người.

 

Thí dụ như ngày nay trong suốt giai đoạn phát triển ở những năm đầu tiên trong đời một đứa trẻ, cha mẹ nó hàng ngày dạy bảo nó vô số sự việc tối cần thiết cho sự sống còn của nó: “Khi ăn cơm phải nhả xương ra không được nuốt”, “Phải tránh không được thò tay vào bếp lửa”, “Phải tránh xa con chó dữ của nhà láng giềng”, “Phải nhìn phải trái cẩn thận trước khi băng qua đường”, “Đừng mở cửa cho người lạ vào nhà”, v.v.

 

Có rất nhiều khi ngay lúc đó đứa trẻ không hiểu tại sao cha mẹ nó dạy bảo những điều nầy, nhưng kinh nghiệm bản thân nó sau đó cho thấy rằng những điều trên đều hay, đúng và có ích lợi cho sự sinh tồn của chính nó. Họ cũng dạy nó “Phải nghe lời dạy bảo của cha mẹ”.

 

Vì thế khi cha mẹ bảo một đứa trẻ: “Hãy theo đạo nầy” hay “Hãy tin vào Thượng Đế” thì nó không có lý do gì mà không nghe theo họ.

 

Trí óc một đứa trẻ như một tờ giấy trắng. Những khái niệm được diễn tả là “thánh thiện, huyền diệu” của tôn giáo và tín ngưỡng dễ dàng gây nên những ấn tượng sâu đậm trong tri thức nó. Đứa trẻ sẽ thu nhận những điều nầy là “hay, đẹp, đúng, thật” mà không hề chất vấn. Và một khi những khái niệm nầy đã trở thành “của nó” rồi thì đứa trẻ sẽ tiếp tục gìn giữ, phát triển chúng trong tri thức và sẽ truyền bá chúng qua các thế hệ kế tiếp.

 

Nói cách khác:

 

- Trong quá trình tiến hóa của loài người, những đứa trẻ không có bản tính nghe lời cha mẹ thường không sinh tồn đến trưởng thành để truyền cái DNA "không nghe lời cha mẹ" của chúng cho các thế hệ sau. Do đó bản tính tự nhiên của đại đa số trẻ con ngày nay là "nghe lời cha mẹ".

 

- Một trong những điều mà cha mẹ dạy bảo con trẻ là niềm tín ngưỡng và tôn giáo của họ. Đó là vì chính họ trước đây cũng đã được cha mẹ của họ dạy bảo điều nầy. Trẻ con nghe lời cha mẹ tiếp nhận niềm tín ngưỡng và tôn giáo của họ rồi sau nầy truyền lại cho con cái của chúng. Và cứ thế mà tiếp diễn.

 

- Đây là một lý do mà tín ngưỡng và tôn giáo được lưu truyền một cách thành công từ đời nầy sang đời nọ. Nói cách khác, tuy tín ngưỡng và tôn giáo có nhiều tai hại (ngoài một số lợi ích) cho loài người nhưng vẫn còn tồn tại vì nó là một sản phẩm phụ của quá trình tiến hóa.

 

Và:

 

Niềm tín ngưỡng của hầu như tất cả mọi người đều xuất phát từ cha mẹ, gia đình họ. Trong đầu những đứa trẻ sơ sinh không có sẵn tín ngưỡng hay tôn giáo. Cha mẹ và gia đình nó dần dần truyền dạy, và áp đặt, niềm tín ngưỡng và tôn giáo của họ lên nó.

 

Một Giải Pháp Không Hoàn Hảo nhưng Vượt Thời Gian

 

Con người từ thời tiền sử tin rằng tôn thờ, bái lạy, cúng tế các thần linh thì sẽ được bảo vệ, che chở. Đối với họ đây là một giải đáp thỏa đáng nhất, mặc dù không hoàn hảo, để làm giảm bớt nỗi lo âu vô vọng của họ.

 

Để đánh đổi được cái cảm giác an toàn và bình yên nầy, người ta sẵn sàng chấp nhận cái giải đáp trên mặc dù họ biết rằng nó không hoàn hảo.

 

Không hoàn hảo vì lịch sử cho thấy tín ngưỡng, tôn giáo là nguồn gốc của vô số cuộc chiến tranh, thảm sát và là công cụ hữu hiệu nhất để đàn áp, bóc lột con người.

 

Không hoàn hảo vì trong thâm tâm chính tín đồ cũng nhận thấy rằng tôn giáo thật sự không hiệu nghiệm gì cho lắm: tôn thờ, tế bái dường như cũng chỉ có thể làm cho các thần linh bảo vệ, che chở cho họ trong một vài trường hợp mà thôi; tai họa vẫn tiếp tục xảy đến với họ trong nhiều trường hợp khác.

 

Nhưng đối với những con người mang đầy mặc cảm bất lực nầy thì chỉ cần may ra được thần linh bảo vệ để tai ương giảm bớt một vài lần nào đó thôi thì cũng đủ lắm với họ rồi. Vì vậy mà họ vẫn tiếp tục tôn thờ, cúng bái.

Cách lý giải dựa trên trí tưởng tượng trên rất có ích lợi cho sự tiến hóa của con người. Nó có tác dụng “trấn an” con người và giúp họ đương đầu hữu hiệu hơn trước những sự việc ngoài vòng kiểm soát của họ. Nó làm giảm bớt sự khủng hoảng tinh thần trước những thảm họa, thiên tai, chuyện đau buồn; nó đem lại sự an lành trong tâm hồn khi nghĩ rằng họ được che chở đùm bọc bởi một sức mạnh vô biên. Nó làm cho con người có tâm trí và nghị lực để bước tiến trên hành trình sinh tồn của chủng loại của họ. Tín ngưỡng trở thành một nhu cầu cần thiết của con người.

 

Như đã nói, danh sách của các tai ương dài vô tận; do đó danh sách của các thần linh cũng sinh sôi nẩy nở theo. Và theo sát đàng sau đó là vô số những tình tiết huyền bí, kỳ diệu được con người sáng tạo, thêu dệt thêm không ngừng để xây dựng và củng cố cái quan niệm về thế giới siêu nhiên của họ. 

 

Thời gian trôi, thế kỷ này qua thế kỷ khác. Khả năng trí tuệ và kiến thức của con người phát triển nhiều lên. Con người giải thích và chinh phục được vô số các sự việc mà trước kia họ không làm được. Có rất nhiều vấn đề trong vũ trụ đã được khẳng định là hiện tượng tự nhiên không liên quan gì đến thế giới siêu nhiên cả: dân số của các thần linh giảm xuống theo tỉ lệ thuận với sự hiểu biết của con người về thế giới chung quanh họ.

 

Tuy vậy, còn vô số các vấn đề khác mà họ vẫn không có câu trả lời. Điển hình và quan trọng nhất là những hiện tượng liên quan đến sự chết. Làm thế nào để chinh phục được sự chết và chuyện gì xảy ra sau khi sự chết vẫn còn là những câu hỏi nan giải mãi mãi ngay cả ngày nay. Con người quan sát, suy luận và cố gắng tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời nào hoàn toàn thỏa đáng cả.

 

Cách giải đáp từ thời tiền sử với sự hiện diện của các thần linh cùng những chi tiết huyền hoặc do đó vẫn còn ứng dụng được. Cách giải đáp nầy dễ hiểu, dễ ứng dụng và dễ được chấp nhận nhất bởi số đông. Cái cảm giác an toàn và yên ổn khi được bảo vệ bởi các sức mạnh siêu nhiên có một sức hấp dẫn mãnh liệt đối với đại đa số con người. Họ dựa vào cách lý giải nầy để hỗ trợ, khích lệ tinh thần họ khi đương đầu với hiểm nguy. Họ dựa vào nó để mang lại sự an lành, thanh thản trong đời sống bận rộn hàng ngày.

 

Cộng vào đó, trong thiên nhiên có nhiều sự vật hoàn hảo đến độ đáng ngạc nhiên; sự hiểu biết và khả năng của con người hiện tại chỉ nằm ở mức cực kỳ sơ đẳng so với những sự hoàn hảo nầy; và với khoa học càng tiến bộ thì người ta càng nhận thấy rằng vũ trụ không những vô tận mà những bí mật chưa được lý giải trong vũ trụ cũng không bao giờ cạn kiệt. Đứng trước những sự vật hoàn hảo kỳ diệu nầy, lòng khâm phục cùng với bản năng hiếu kỳ của con người tìm đủ cách để giải thích cho được những thắc mắc của họ.

 

Một lần nữa, trí tưởng tượng cho phép con người tự thuyết phục họ rằng các sự vật tuyệt vời kia chỉ có thể là sản phẩm của những sức mạnh và trí tuệ siêu nhiên mà chính họ đã sáng tạo ra.

 

Không có gì “thiêng liêng” hay “huyền bí” cả.

 

Như đã trình bày trước đây, tín ngưỡng chỉ là một nhu cầu cần thiết để đáp ứng với bản năng hiếu kỳ và chinh phục của con người cũng như hỗ trợ sự sinh tồn của họ.

 

Tín ngưỡng cũng là một sản phẩm phụ của quá trình tiến hóa của loài người.

 

Nhu cầu tín ngưỡng xuất phát từ kiến thức và khả năng hạn hẹp của con người đứng trước vũ trụ bao la. Có vô số sự việc con người không thể giải thích, giải quyết hay điều khiển, kiểm soát được. Những sự việc nầy được con người khoác những chiếc áo gọi là “huyền bí”.

 

Theo sau tín ngưỡng là tôn giáo. Tôn giáo cũng là một sản phẩm của con người. Tôn giáo chỉ là một số tín ngưỡng được hệ thống hóa và được một số đông người tin theo. Vì tín ngưỡng không có gì là thiêng liêng cả, tôn giáo do đó cũng không có gì thiêng liêng cả.

 

Lãnh vực tâm linh nói chung bao gồm những vấn đề trong vũ trụ mà con người chưa thấu hiểu được. Tất cả những gì liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo được gọi là thuộc về lãnh vực tâm linh. Lãnh vực tâm linh do đó cũng không có gì là thiêng liêng cả.

 

Vì vậy tín ngưỡng và tôn giáo không phải là một phạm trù “bất khả xâm phạm”. Tín ngưỡng, tôn giáo và tất cả các vấn về về tâm linh nên và cần được phân tích bàn luận đến một cách thoải mái giống như khi bàn luận những hiện tượng tâm sinh lý hay xã hội khác.

 

Sự cần thiết, quyến rũ và ảnh hưởng của chiếc áo “thiêng liêng”, “huyền bí”.

 

Khi kiến thức và khả năng kỹ thuật của con người phát triển lên, chiếc áo huyền bí của một số các sự việc đã dần dần được lột bỏ xuống; tuy nhiên vẫn còn vô số những bí ẩn khác trong vũ trụ mà con người vẫn chưa, và có thể không bao giờ, chinh phục được.

 

Tính chất bí ẩn cộng với lớp áo mang nhãn hiệu “huyền bí” của những vấn đề nầy đem đến cho chúng một giá trị đặc biệt trong cấu trúc tâm lý của con người. Trên diễn đài tri thức, họ có khuynh hướng biệt đãi những vấn đề thuộc lãnh vực tâm linh như sau:

 

1/ Họ cho rằng không thể dùng lý trí và phép lý luận thực tế để bàn thảo về chúng. Nói cách khác, họ phép chúng được quyền đứng ngoài vòng cương tỏa của lý trí trong bất cứ sự suy luận nào; đặc biệt là trong những sự suy luận mà các sự việc tâm linh huyền bí nầy có nguy cơ bị cho là “phản lý luận” hay “vô căn cứ”.

 

2/ Họ cho rằng không ai nên phê bình, chỉ trích điều gì về tín ngưỡng và tôn giáo.

 

Lý do chính của hiện tượng nầy là vì trong lãnh vực tâm linh có những yếu tố đem lại cho họ cái cảm giác an lành vì được che chở, bảo bọc và sinh tồn trong đời sống hiện tại cũng như sau khi họ nhắm mắt.

 

Con người cần phải bảo vệ những yếu tố nầy, và luôn cả mọi thứ khác trong lãnh vực tâm linh, với bất cứ mọi giá mỗi khi chúng bị lôi ra phán xét trước ánh sáng của lý luận (ngay cả của chính họ). Họ dùng những câu như “đây là một vấn đề tâm linh nên không thể dùng lý trí để phán xét được” hay “ngôn ngữ của lý trí và lý luận không thể nào áp dụng được trong vấn đề tâm linh” hay “không thể có cái nhìn khách quan hoặc đánh giá từ bên ngoài để luận bàn về chuyện tâm linh” với người khác cũng như với chính họ.

 

Các sản phẩm tâm linh có những giá trị ích lợi của chúng. Tuy vậy, vì con người không nhớ hay nhận biết được bản chất thật sự của chúng nên họ thay vì là chủ nhân lại trở thành nô lệ của chúng.

 

Phải chi họ nhớ được rằng tất cả mọi thứ trong lãnh vực tâm linh (kể cả tín ngưỡng và tôn giáo) đều chỉ là những sản phẩm của họ tự chế tạo ra nhằm để cố trấn an chính họ trước sự vô tình, vô nhân tính, vô thiên vị đến độ tàn nhẫn của vũ trụ.

 

 

 

Diễn Đàn Thế Kỷ:  http://www.diendantheky.net/2012/04/nguyen-nhan-tri-tin-nguong-va-ton-giao.html

 

 

 

Tôn Giáo

 

Phật Giáo

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page