top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

Huyền Thuật và Ảo Thuật

- Phần 2

Trong lịch sử tín ngưỡng tôn giáo lúc nào cũng có vô số các thí dụ về “sự chuyển động do tâm thức” mà người ta cho là “phép lạ”.

Sai-Baba được tin là đã thường xuyên làm xuất hiện những nhúm “tro thánh” trong lòng bàn tay hoặc nhả ra các nữ trang từ trong miệng trước mắt tín đồ. Vô số người tin rằng đây là dấu hiệu của những huyền năng vô biên và bằng chứng cho thấy ông là đấng thiêng liêng Tối Cao. Có hàng trăm trang mạng, chẳng hạn như http://www.saibaba-aclearview.com/?page_id=68 phổ biến niềm tin nầy.

Sai Baba có khoảng 40 triệu tín đồ bản xứ lẫn tín đồ từ mọi nước Tây Phương. Những tín đồ sùng tín và nhiệt tình nhất, có nghĩa là những người “cúng dường” Sai Baba hậu hĩ nhất, thường được ông ban tặng cho những nữ trang như nhẫn, vòng đeo cổ, v.v. ông đã “tạo thành từ trong thân thể và đem ra ngoài bằng miệng của ông”. Những tín đồ “sùng tín và nhiệt tình” ít hơn một chút thì được sắp xếp ngồi ở hàng phía trước ở các buổi thuyết pháp và nếu may mắn sẽ được Sai Baba ban bố cho một nhúm tro nhỏ mà ông “biến hóa” ra từ tay của ông.

Đoạn phim sau đây cho thấy Sai Baba “làm phép biến ra tro thánh”:

https://www.youtube.com/watch?v=ZXqBg1Uirbo

Những phép lạ trên, nếu thật sự xảy ra, được xem là nằm trong dạng “vật chất bị ảnh hưởng (tức là biến đổi) hay điều khiển bởi một huyền lực từ tâm thức”.

Tuy nhiên, những cái gọi là “phép lạ” trên đều có thể thực hiện bởi các ảo thuật gia hàng ngày. Họ có thể làm những đồ vật xuất hiện và biến mất trong chớp mắt, hoặc thay đổi vị trí từ nơi nầy sang nơi khác, hoặc biến dạng từ đồ vật nầy thành đồ vật khác một cách dễ dàng trước mắt mọi người dưới ánh đèn sân khấu sáng chói từ mọi phía. Khi quan sát và so sánh các phim ảnh, chúng ta có thể thấy phép thuật sản xuất tro hay nhả ra nữ trang mà Sai Baba dùng để chiêu dụ tín đồ chỉ là những trò ảo thuật khá vụng về. Rất nhiều màn trình diễn trên Youtube phải được xem là xuất sắc, thú vị và “đáng tin” gấp mấy lần các phép lạ của Sai Baba.

Dưới đây là một đoạn phim lật rõ thủ thuật làm ra tro thánh và nôn ra nữ trang của Sai Baba:

https://www.youtube.com/watch?v=VNMxQtwkIuk

Trong video chúng ta có thể thấy Sai Baba thò tay mò lấy một viên giấy nhỏ đựng tro đã dấu sẵn bên dưới một cái thố vàng mà một cộng sự viên dâng lên cho ông trước khi “biến hóa” ra tro thánh. Những viên đựng tro nầy cũng thường được dấu sẵn trong tay áo của ông. Cử động của bàn tay ông mỗi lần trước khi “biến hóa” ra tro là cử động tiêu biểu của một ảo thuật gia rẻ tiền trước khi “biến hóa” ra một vật gì đã dấu sẵn trong tay áo. Trước khi Sai Baba “biến hóa” ra nữ trang từ miệng thì ông cầm một cái khăn rất lớn trong tay để giả vờ nôn món nữ trang vào đó. Video cũng cho thấy thật ra món nữ trang đã nằm sẵn trong khăn từ trước rồi.

Sai Baba được xem là hiện thân của Krisna, nghĩa là đấng Toàn Năng và Thượng Đế của vũ trụ. Sai Baba chết lúc 85 tuổi vào năm 2011 (trong khi ông đã luôn tuyên bố “sẽ ngự trị vương quốc trần gian nầy đến hết 95 năm và khi đó thì 2/3 dân số thế giới sẽ là tín đồ”). Sau khi ông chết, tin thời sự Ấn Độ tường thuật người ta tìm thấy hàng trăm kg vàng cộng với hàng ngàn kg bạc và một số tiền mặt khổng lồ trong đại sãnh riêng của ông.

Tôn giáo Sai Baba như đã thấy thật ra chỉ là một tổ chức lường gạt quy mô với số thu nhập vĩ đại. Sai Baba có một vài cộng sự viên thân tín phụ giúp ông trong việc giàn xếp và chuẩn bị cho các “phép lạ” của ông.

Khi nói về “phép lạ” trong tôn giáo tín ngưỡng thì có vô số thí dụ. Mỗi tôn giáo nào cũng đều có một số “phép lạ” đặc biệt biểu tượng của họ, kể cả Phật Giáo lẫn Thiên Chúa Giáo. Thí dụ như nếu nói về phép lạ trong Thiên Chúa Giáo thì không thể không nói đến Giê-su. Giê-su được kể là đã từng biến nước thành rượu, làm bánh mì trở thành nhiều thập phần, đi trên mặt nước, v.v. Đây cũng là một dạng “vật chất bị ảnh hưởng, biến đổi hay điều khiển bởi một huyền lực từ tâm thức.”

Trong trường hợp Giê-su (cũng như mọi trường hợp khác trong tất cả các tôn giáo khác), không ai có thể xác định chắc chắn những điều kiện bối cảnh trong khi các câu chuyện phép lạ của ông xảy ra (ngay cả nếu những gì trong Kinh Thánh thật sự có xảy ra). Chi tiết về các phép lạ nầy được Kinh Thánh kể đến rất sơ sài. Dĩ nhiên là không có phim ảnh cũng như không có những bài tường trình từ các nguồn độc lập. Do đó không ai có thể kiểm chứng về các câu chuyện trên. Trong khi đó, tương tự, chúng ta có thể thấy rằng việc biến đổi từ chất lỏng nầy thành sang chất lỏng khác, hoặc làm một món đồ vật tăng số lượng lên nhiều lần, hoặc đi trên mặt nước, v.v. cũng đều là những màn trình diễn mà bất cứ ảo thuật gia nào với đầy đủ dụng cụ và tập luyện đều có thể thực hiện được.

Đoạn phim sau đây cho thấy chỉ một đứa bé (tuy có phần vụng về) cũng có thể làm ra vẻ có phép lạ thay đổi nước trong một cái ly biến ra thành rượu rồi ra thành nước trái cây, v.v.

https://www.youtube.com/watch?v=CG2FTL4oqcw

Và đoạn phim sau đây, ngoài những đoạn cho thấy các “phép lạ” khác không giải thích được, ở phút thứ 12 trở đi có một đoạn nhà ảo thuật trẻ tuổi Yif cũng biến nước thành rượu giữa một nơi công cộng:

https://www.youtube.com/watch?v=I5VV_FaEIFo

Và đoạn phim nầy cho thấy anh ta biến hóa ra bánh mì:

https://www.youtube.com/watch?v=N–a2OuPLok

Và trò đùa dưới đây, một nhân vật chính với vài cộng tác viên ẩn mặt có thể dễ dàng sản xuất bất cứ số lượng bánh mì nào họ muốn và làm nhiều người kinh ngạc:

https://www.youtube.com/watch?v=Hdfym4aXtXw

Và trò đùa “đi trên mặt nước” dưới đây của một ảo thuật gia không chuyên nghiệp tại một công viên cũng tạo ra phản ứng lý thú từ những người chung quanh:

https://www.youtube.com/watch?v=ydk0EnUbnjk

Ở đây tôi không có ý khẳng định gì cả về các “phép lạ” của Giê-su trong Kinh Thánh. Tôi không có bằng chứng gì để là tuyên bố chúng là những phép lạ thật sự hay không. Tôi không biết, và tôi cho rằng không ai trên thế giới hiện tại có thể biết được điều đó. Đó là vì tất cả mọi người chúng ta đều chỉ nghe kể lại những câu chuyện nầy từ người khác hay từ sách vở viết bởi người khác mà thôi. Không ai trong chúng ta được chứng kiến các phép lạ đó chớ nói chi đến có cơ hội để điều tra hư thực. Nhiều người lựa chọn để tin rằng những lời kể lại đó là sự thật tuyệt đối. Có những người khác, sau khi nhìn thấy xảy ra trong thí dụ Sai Baba chẳng hạn, không khỏi cảm thấy e dè hơn khi đứng trước các tuyên bố quả quyết của tín đồ.

Ở đây tôi chỉ muốn chỉ ra một điều có vẻ như rất dễ nhận thấy là: tùy chiếc áo người trình diễn đang mặc, tùy ở hoàn cảnh nào mà màn trình diễn của họ sẽ được xem hoặc là ảo thuật hay huyền thuật.

Thế thì tại sao người ta vẫn tin vào những “huyền thuật”, những “phép lạ” dạng trên?

Năm 2006, một thống kê ở Mỹ phỏng vấn gần 1800 người cho thấy 28% đàn ông và 31% đàn bà “đồng ý” hay “rất đồng ý” về phát biểu “Sức mạnh của tâm thức có thể làm ảnh hưởng và điều khiển được thế giới vật chất”. Năm 2008, chuyên gia tâm lý người Anh Richard Wiseman phỏng vấn 400 ảo thuật gia trên toàn thế giới. Khi được hỏi “Anh có tin rằng con người có thể dùng một năng lượng siêu nhiên nào đó để di chuyển hay thay đổi vật chất được hay không?” thì 83.5% trả lời là “Không”, 9% trả lời “Có” và 7.5% trả lời “Không rõ”.

Kết quả cuộc thống kê trên có vẻ cho thấy vì những người trong nghề ảo thuật hiểu rõ cách thức diễn xuất ra những sự kiện có vẻ như thần bí nên phần đông không tin vào những “huyền thuật”, những “phép lạ” dạng trên. Trong khi đó những người không trong nghề ảo thuật vì lý do ngược lại nên dễ tin hơn.

Tuy nhiên, còn những lý do khác nữa. Những lý do nầy đều xuất phát từ cấu trúc và định kiến sẵn có của con người.

Trước hết, và quan trọng nhất là con người cần và muốn tin vào sự hiện hữu của các hiện tượng siêu nhiên. Đây là để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, và tâm lý, của họ. Và vì cần và muốn tin nên họ sẽ tự tìm cách để nhìn thấy sự hiện hữu của chúng. Họ sẽ tự bỏ qua những lý luận, những xét đoán dựa trên kinh nghiệm và kiến thức thông thường để cho phép họ chỉ nhìn thấy những gì họ cần nhìn thấy. Nói cách khác, tiềm thức của họ thúc đẩy họ tìm ra phương cách để củng cố niềm tin của họ.

Đây là một nhu cầu có phần tương tự với nhu cầu “trốn thoát”, dù là chỉ tạm thời, khỏi bối cảnh bình thường nhàm chán hàng ngày. Đó là tại sao người ta xem phim, đọc truyện giả tưởng. Tuy một mặt biết tất cả chỉ là giả tạo như người ta lựa chọn tạm thời gạt bỏ qua điều nầy để tận hưởng sự hứng khởi khác biệt dù chỉ là khoảnh khắc. Sự trốn thoát tưởng tượng nầy có giá trị tâm thần giúp đỡ con người đỡ bị dồn nén liên tục bởi những áp lực trí tuệ từ đời sống hàng ngày.

Hơn nữa, con người có khuynh hướng nhìn thấy sự liên hệ giữa hai (hay nhiều) sự kiện với nhau mặc dù thật sự không hề có liên hệ gì giữa các sự kiện trên cả. Thí dụ như khi thảy một hạt súc sắc (có 6 mặt) xuống bàn thì tỉ lệ mỗi trong sáu số nằm lên trên đều bằng nhau cả. Tuy vậy nếu một người đang cố gắng hết sức để được số cao (như “6” hay “5”) và khi các con số nầy hiện lên thì họ sẽ có khuynh hướng cho rằng nhờ họ vận dụng trí óc mà chuyện nầy xảy ra. Tức là họ tin rằng tâm thức họ đã ảnh hưởng ít nhiều bằng cách nào đó lên kết quả của hạt súc sắc. Đây là niềm tin thông thường của tất cả những người nghiện cờ bạc. Khi nghe một thầy bói nhắc đến một việc gì đó hơi giống như tình cảnh của một người thì họ sẽ liên tưởng và tự kết hợp hai sự kiện với nhau rồi cho rằng lời của thầy bói quả thật rất chính xác với tình cảnh của họ.

Kế đó, con người có khuynh hướng thiên vị. Trong thí dụ trên nếu những con số nhỏ (như “1”, “2” hay “3”) xảy ra thì họ hoặc thường quên đi hoặc cho rằng tại vì họ không tập trung tâm trí đủ. Khi nhà tiên tri nói về 9 việc sai thì họ hoặc không để ý đến hoặc cho rằng vì lý do gì đó mà họ chưa thấy được sự liên hệ của chúng với tình cảnh của họ. Chỉ cần 1 việc mà họ có thể cho là chính xác thì họ sẽ nhớ mãi và luôn dùng nó như là một bằng chứng về sự tài giỏi của nhà tiên tri.

Kế đó nữa, con người có khuynh hướng dễ tin. Như đã đề cập đến ở trên, nếu một ảo thuật gia làm cho đồ vật di chuyển được từ xa trên sân khấu thì khán giả sẽ thích thú thưởng thức đồng thời hiểu rằng đây chỉ là một thủ thuật giả tạo với mục đích giải trí. Trong khi đó, nếu ở một đền thờ không khí huyền ảo và một tu sĩ nổi danh về pháp thuật thần thông cũng làm đúng y việc nầy thì nhiều người sẽ không ngần ngại tin đó là một hiện tượng siêu nhiên. Chẳng những thế, đa số sẽ không dám chất vấn tu sĩ nầy ngay cả nếu họ có nhìn thấy một vài sự kiện gì đó đáng nghi ngờ về “hiện tượng siêu nhiên” trên.

Trong những video về Sai Baba kể trên, chúng ta có thể thấy rõ các tín đồ đều bị thu hút và phân tâm hoàn toàn trước sự hiện diện mà họ cho là quý báu và thiêng liêng của ông ta. Với tâm thần mê mẫn như thế, họ không để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt cho thấy hiện thân của thượng đế của họ thật ra chỉ là một ảo thuật gia với tài nghệ sơ đẳng.

Cũng như đã nói, ngay cả những khoa học gia chân chính nhất nhiều khi vì vô ý cũng vẫn mắc phải những lỗi lầm cơ bản nầy. Và thật ra thì đây là những lỗi lầm rất dễ mắc phải và rất khó nhận thấy. Năm 1979, hai ảo thuật gia trẻ tuổi tên Steve Shaw và Michael Edwards đã giả dạng làm hai nhà tâm linh nộp đơn và được thu nhận vào để làm đối tượng khảo nghiệm cho một chương trình nghiên cứu về siêu nhiên của Đại Học Washington ở St Louis, Missouri. Qua hai năm dài, hai người nầy đã tham dự nhiều cuộc thử nghiệm được xem là “đầy đủ những phương cách kiểm soát chặt chẽ cần thiết theo nguyên tắc kiểm chứng khoa học” tổ chức bởi trường Đại Học. Lỗi lầm của những khoa học gia ở đây là họ điều động một cuộc khảo nghiệm với một tâm thức tìm kiếm những gì họ muốn tìm thấy. Vì vậy trong suốt thời gian trên không ai nhận biết rằng những “huyền thuật” của hai người nầy mà họ đang kiểm nghiệm thật ra chỉ là những xảo thủ ảo thuật. Steve Shaw và Michael Edwards đã được James Randi gài đặt vào làm việc nầy để chứng tỏ rằng nhiều nghiên cứu gia về phạm trù siêu nhiên không có đủ kinh nghiệm và kiến thức để phân biệt giữa xảo thủ ảo thuật và thần thuật (nếu có).

Phần đông chúng ta cho rằng “Các chuyện mê tín nhảm nhí đó chỉ có những kẻ quê mùa thất học mới vướng mắc phải. Tôi không nằm trong diện đó”. Như đã thấy, ngay cả những người có kiến thức sâu rộng chuyên ngành cũng không miễn nhiễm trong vấn đề nầy. Tất cả mọi người ai cũng có những nhu cầu tâm linh mạnh mẽ đủ để lấn áp khả năng suy luận của họ. Và không phải ai cũng có khả năng suy luận và quan sát cần thiết để tránh khỏi chuyện nầy. Những nghiên cứu gia của Đại Học Washington – St Louis ở trên có thể rất uyên bác về các đề tài nghiên cứu của họ, tuy nhiên họ không chắc đã có kinh nghiệm tổ chức thí nghiệm cần thiết để bảo đảm kết quả của họ khỏi bị ô nhiễm. Đây là hai lãnh vực khác biệt trong ngành nghiên cứu khoa học. Kiến thức siêu việt về lý thuyết khảo nghiệm không nhất thiết đi đôi với khả năng tổ chức và quản lý quá trình khảo nghiệm. Để bảo đảm kết quả khỏi bị ô nhiễm bởi các lỗi lầm vô tình do chính họ đã là một vấn đề cực kỳ khó khăn, nếu phải giao tiếp với những đối tượng thí nghiệm đã có sẵn chủ định dối gạt thì việc nầy cần đến một trình độ và bản lãnh đối phó khác hẳn.

Vì thế khi một hiện tượng siêu nhiên được tường thuật là “đã được kiểm chứng bởi viện thí nghiệm XYZ” hoặc gắn liền theo các cơ quan thẩm quyền hay nhân vật tên tuổi nào đó thì chúng ta vẫn không nên tự động giả định rằng hiện tượng đó đã được kiểm chứng và xác nhận đến mức độ không còn gì để nghi vấn cả.

Khi đứng trước một hiện tượng siêu nhiên, chúng ta nên luôn tự nhắc nhở mình áp dụng nguyên tắc “một lời tuyên bố càng ly kỳ, bất thường bao nhiên thì cần phải được kiểm chứng ở một mức độ thấu đáo và thận trọng bấy nhiêu” (hay "Extraordinary claims require extraordinary proof" – Marcello Truzzi).

Dĩ nhiên là tôi không khẳng định rằng không có phép thần thông, huyền thuật hay phép lạ. Không ai có thể chứng minh tuyệt đối được sự không hiện hữu của một sự vật.

Dĩ nhiên là việc các ảo thuật gia có thể diễn xuất một “phép lạ” không có nghĩa tuyệt đối là phép lạ nầy đã không thật sự xảy ra dưới một huyền lực siêu nhiên nào đó. Ở đây tôi chỉ muốn cho thấy rằng theo tôi cho đến nay không có nhân vật tâm linh nào, kể cả những tên tuổi nổi bật nhất trên thế giới, cho thấy huyền thuật của họ có thể thỏa mãn được điều kiện “không còn gì để nghi vấn nữa”.

(http://damau.org/archives/38724)

Tôn Giáo

 

Phật Giáo

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page