top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

ISIS - Vài Dữ Kiện Căn Bản

D

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vụ khủng bố ở Paris vừa qua cho thấy các chiến dịch biển máu của tổ chức Hồi Giáo cuồng tín thường được gọi là ISIS đang ngày càng tiến áp gần đến chung quanh chúng ta.

 

Những cuộc thảm sát thường dân vô tội dưới danh nghĩa Allah không còn chỉ là những hình ảnh phóng sự từ một lục địa hay một quốc gia khác nữa. Hầu như ở bất cứ nước Tây Phương nào ngày nay, những vụ sát nhân điên cuồng tương tự cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho chúng ta, cho gia đình và bạn bè chúng ta. Ở một số quốc gia, vấn đề không phải là “nếu” mà là “khi nào” ISIS khủng bố thì người ta sẽ cần phản ứng ra sao.

 

Dưới đây là một vài dữ kiện căn bản về lịch sử và hoạt động của ISIS.

 

 

ISIS hay ISIL hay IS?

 

Cái gọi là “Bang Quốc Hồi Giáo” (“Islamic State”, hay là “IS”) ngày nay thường được gọi bằng một vài danh hiệu khác nhau. Báo chí gần đây cũng thường dùng hai từ viết tắt rất tương tự nhau, đó là “ISIL” và “ISIS”.

 

Thế thì các danh hiệu trên có nghĩa là gì?

 

Thật ra khi nhóm phiến quân cuồng tín nầy thành hình năm 1999 với thủ lảnh Abu Musab al-Zarqawi, người gốc Jordan, tên gọi đầu tiên của chúng là “Jama'at al-Tawhid wal-Jihad” (nghĩa là “đội quân thánh chiến của Thượng Đế Duy Nhất”). Sau đó, như sẽ thấy trong phần sau của bài nầy, chúng tiếp tục đổi danh hiệu một số lần nữa cho đến ngày nay.

 

Một danh hiệu gần đây của nhóm phiến quân nầy trong tiếng Á Rập là “Al-Dawla Al-Islamiya fi al-Iraq wa al-Sham”. Ba chữ đầu có nghĩa là “Bang Quốc Hồi Giáo”. Chữ “al-Sham” là một từ Á Rập cổ dùng để chỉ Syria và các vùng lân cận từ nam Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài qua Syria đến Ai Cập và bao gồm cả Lebanon, Do Thái, Palestine và Jordan. Danh hiệu nầy được bọn phiến quân bắt đầu dùng từ khoảng 2013 khi chúng bành trướng ra ngoài Iraq và chiếm đóng một phần đất đáng kể của Syria.

 

“ISIL” là chữ tắt của “The Islamic State of Iraq and the Levant”, Bang Quốc Hồi Giáo của Iraq và khu vực Levant. “Levant” là một từ Anh ngữ mang nghĩa tương đương với chữ “al-Sham”.

 

“ISIS” là chữ tắt của “The Islamic State of Iraq and Syria” (“Bang Quốc Hồi Giáo của Iraq và Syria”). Đây là danh hiệu được báo chí Tây Phương ngày nay dùng nhiều nhất.

 

“ISIL” do đó là một từ dịch chính xác nhất từ tiếng Á Rập “Al-Dawla Al-Islamiya fi al-Iraq wa al-Sham”. Từ nầy được Tổng Thống Mỹ Obama và Thủ Tướng Anh Cameron dùng trong mọi văn kiện và buổi họp báo. Tuy nhiên một số báo chí Mỹ cho rằng Obama dùng từ nầy vì muốn tránh đá động đến Syria (chữ “S” cuối trong “ISIS” là chữ tắt của “Syria”). Họ cho rằng Obama ngần ngại khi nói đến tấn công một tổ chức liên quan đến Syria vì cách đây không lâu ông đã từ chối gởi quân can thiệp vào cuộc nội chiến trong xứ chống lại Tổng Thống Syria Bashar al-Assad.

 

“Bang Quốc Hồi Giáo” là tên gọi được thủ lãnh đương thời, Abu Bakr al-Baghdadi, của bọn phiến quân lựa chọn vào tháng Sáu 2014 khi chúng đã chiếm đóng một phần lớn lãnh thổ phía bắc Iraq và Syria. Chúng chọn tên nầy vì nó cũng gợi lên hình ảnh huy hoàng trong quá khứ Trung Đông của một vương bang (“caliphate”), cai trị bởi một vương chúa nắm toàn quyền tuyệt đối về quân sự cũng như tôn giáo (trong Anh ngữ gọi là “caliph”). Tên gọi nầy cũng cho thấy tham vọng bành trướng của al-Baghdadi bây giờ không còn chỉ nằm trong vòng lãnh thổ của 2 nước Iraq và Syria nữa.

 

Tên gọi “Bang Quốc Hồi Giáo” bị vài lãnh đạo Hồi Giáo chỉ trích và tránh dùng. Cộng Đồng Hồi Giáo ở Anh và Hiệp Hội Luật Sư Hồi Giáo Anh đã viết thư đến Thủ Tướng Anh kêu gọi các chính trị gia đừng dùng từ nầy nữa vì nó gây hiểu lầm về Hồi Giáo, đồng thời vô tình hợp thức hóa vị thế của nhóm phiến quân như là một dạng “quốc gia” có lãnh thổ chính thức.

 

Một số báo chí và chính trị gia, nhất là ở Á Rập, cũng dùng một danh hiệu nữa cho nhóm phiến quân nầy, đó là “Da’ish” hay “Daesh” (hay “Daech” trong Pháp ngữ). Tên nầy hình như đã xuất xứ từ các bài báo của một số nhân vật đối lập ở Syria.

 

“Daesh” không phải là một từ Á Rập. Nó chỉ là một cách gọi tắt lỏng lẻo cho từ “Al-Dawla Al-Islamiya fi al-Iraq wa al-Sham” hay là “The Islamic State of Iraq and the Levant” hay “ISIL” như vừa nói ở trên. Tuy nhiên danh hiệu nầy bị xem là chỉ được dùng bởi những kẻ thù của bọn phiến quân, thí dụ như Obama hay Cameron. Bọn phiến quân rất ghét bị gọi là “Daesh”. Từ nầy cũng mang nhiều ấn tượng xấu khác, thí dụ như cách phát âm của chữ nầy trong tiếng Á Rập tương tự như chữ “Daes” (nghĩa là “kẻ đạp đổ một thứ gì đó”) hay chữ “Dahes” (nghĩa là “kẻ gây hiềm khích”). Có những hình phạt dã man đặc biệt dành cho những người trong lãnh thổ phiến quân chiếm đóng nếu bị bắt gặp dùng danh hiệu trên.

 

Chính phủ Pháp gần đây, khoảng một năm trước khi vụ khủng bố ở Paris xảy ra, đã tuyên bố bắt đầu dùng danh hiệu “Daech” khi nói về bọn phiến quân cuồng tín nầy.

 

Trong bài nầy tôi dùng từ “ISIS” là một tên gọi được nhiều tài liệu, báo chí Tây Phương hiện nay vẫn dùng nhất mặc dù, như đã nói ở trên, danh xưng cập nhật của tổ chức nầy thật ra là “IS”.

 

 

ISIS là ai?

 

Nói tóm gọn thì đây là một tổ chức khủng bố cuồng tín man rợ tôn thờ các tư tưởng vô cùng cực đoan của Hồi Giáo hiện đang chiếm đóng một lãnh thổ rộng lớn của Iraq và Syria.

 

ISIS tự xưng là thừa kế của các lãnh tụ tiền phong nền móng của Hồi Giáo. Tổ chức nầy chủ trương gây chiến và tiêu diệt tất cả mọi quốc gia và tất cả mọi người nào không thuần phục tiêu chuẩn tôn giáo được xem là “Hồi Giáo chân chính” của chúng. Chúng tin rằng chúng có sứ mạng mở đường cho Ngày Phán Xét xảy ra đúng như đã nói đến trong Kinh Koran. Để làm việc nầy, chính sách của chúng là chiếm đoạt càng nhiều lãnh thổ càng tốt và thẳng tay tàn sát những kẻ ngoại đạo cũng như xóa sạch tất cả các nền văn hóa và tôn giáo khác.

 

Ngoài ra, chúng còn là một tổ chức có chiến lược với nhiều tính toán khôn khéo. Chúng đã lợi dụng một cách tài tình hoàn cảnh chính trị hỗn loạn và xã hội đói nghèo ở Trung Đông để thu dụng nhân lực và chiếm đóng lãnh thổ.

 

Có thể nói ISIS ngày nay là hiện thân tối hậu của những vấn đề đã kéo dài dai dẳng nhiều năm ở Trung Đông. Thí dụ như các chế độ độc tài tàn bạo, môi trường tôn giáo cực đoan, sự tranh chấp thế lực giữa tôn giáo và dân sự, sự nhúng tay của các cường quốc Tây Phương, những cuộc chiến tranh gián tiếp giữa các quốc gia ẩn mặt, cũng như một cảm giác tuyệt vọng và oán hận sâu đậm bởi vô số người dân nghèo khổ.

 

 

Nguồn Gốc Xuất Phát của ISIS

 

Có thể nói là 2 sự kiện lịch sử quan trọng đã “nảy sinh” ra ISIS. Thứ nhất, đó là cuộc tấn công Iraq của Mỹ vào năm 2003. Thứ hai, đó là sự bùng nổ của cuộc nội chiến ở Syria năm 2011.

Câu chuyện thật ra có thể bắt đầu gần một phần tư thế kỷ trước khi ISIS thành hình: đó là năm 1979 khi Liên Xô xâm chiếm A Phú Hãn để hỗ trợ cho một chính quyền thân Nga lúc bấy giờ đang chật vật đối phó với các nhóm phiến loạn.

 

Các phiến quân A Phú Hãn tự xưng là “mujahideen”, tức là “chiến sĩ của Thượng Đế”. Sự hiện diện của quân đội Nga có một tác động bất ngờ: Nhiều người Hồi Giáo ở ngoài nước bắt đầu xung phong gia nhập các mujahideen vì họ cảm thấy những “anh em Hồi Giáo” A Phú Hãn đang bị xâm phạm bởi một bọn da trắng ngoại đạo. Thế lực của mujahideen do đó lớn mạnh mau chóng. Hơn nữa, Á Rập Saudi và Mỹ đã hỗ trợ vũ khí dồi dàu cho các mujahideen để chống lại Liên Xô. Nhất là Mỹ, đây là một cơ hội cho Mỹ trả lại món thù cũ khi Liên Xô hỗ trợ Việt Cộng làm cho Mỹ sa lầy ở cuộc chiến Việt Nam một thập niên trước đó. Kết quả là Nga cuối cùng đành phải rút quân khỏi A Phú Hãn năm 1989.

 

Phần đông các phiến quân nước ngoài nói trên là dân Á Rập, họ là tín đồ trung thành của một dạng Hồi Giáo cực đoan gọi là Wahhabism xuất nguồn và phổ biến ở Á Rập Saudi.

 

Sau khi Nga rút khỏi A Phú Hãn, nhiều phiến quân Á Rập trở về quê nhà họ. Lúc bấy giờ họ đã là những chiến binh đầy kinh nghiệm chiến trường. Đồng thời họ mang trong đầu một niềm tin mãnh liệt là Thượng Đế đã đứng cùng phe với họ để tiêu diệt cường quốc vĩ đại Xô Viết. Đó là vì chẳng những Nga đã phải bỏ chạy khỏi A Phú Hãn mà nguyên cả Liên Bang Xô Viết cũng sụp đổ không bao lâu sau đó. Một số người nầy thành lập những nhóm chiến đấu gọi là “al-Qaeda” (có nghĩa đại loại là “nền móng quân sự”) để tiếp tục sứ mạng mà họ cho là thiêng liêng Allah đã giao phó. Họ thù ghét những chế độ độc tài tàn ác đang cai trị đất nước họ. Họ cũng thù ghét những thế lực ngoại bang giúp đỡ các chế độ độc tài nầy để thu đoạt những tài nguyên trong vùng Trung Đông. Các nhóm al-Qaeda tuyên chiến với tất cả những kẻ thù trên.

 

Ngày 11 tháng Chín 2001, theo nguồn tin chính thức của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới, một trong những nhóm al-Qaeda dưới quyền chỉ huy của Osama bin Laden tấn công New York giết chết gần 3000 người Một năm rưỡi sau khi hai tòa nhà Trung Tâm Giao Dịch Thế Giới sụp đổ, Mỹ dẫn quân vào A Phú Hãn và tiến hành một trận tổng tấn công vào Iraq. Hành động nầy mở đầu cho một chuỗi dài những phản ứng phụ trực tiếp đưa đến sự thành lập và bành trướng nhanh chóng của các nhóm phiến quân cực đoan Trung Đông ngày nay.

 

Sự hiện diện của quân lính Mỹ trên đất Iraq làm cho tình hình chính trị và xã hội của Iraq trở thành rối loạn cực độ. Tương tự như khi Nga xâm chiếm A Phú Hãn, vô số kẻ cuồng tín cực đoan đổ xô vào Iraq để đánh đuổi quân đội Mỹ ngoại đạo ra khỏi một lãnh thổ Hồi Giáo. Tuy nhiên, những phiến quân cũng nhân dịp nầy để giải quyết hận thù trong cuộc nội chiến dài bao nhiêu thế kỷ nay giữa hai nhóm Hồi Giáo thiểu số Sunni và Hồi Giáo đa số Shia.

 

Phần lớn binh sĩ đã từng nằm trong những quân đoàn Iraq đã bị quân lực Mỹ đánh bại và giải tán thuộc vào nhóm Hồi Giáo Sunni. Lúc trước họ là những sĩ quan và binh sĩ được chế độ ưu đãi. Sau khi Mỹ vào thì họ chỉ là những người thất nghiệp, nghèo đói và đầy hận thù. Đó là tại sao vô số những người nầy đã tham gia các nhóm phiến quân một cách nồng nhiệt nhất. Sự kiện Mỹ đã lật đổ chính quyền đương thời và giải tán quân đội Iraq là một sai lầm vĩ đại với những hậu quả nghiêm trọng không ai lúc đó tiên đoán được.

 

Nhóm phiến quân dưới quyền Zarqawi cũng đã xâm nhập vào Iraq không lâu sau khi quân đội Mỹ có mặt ở đó. Nhóm nầy đặc biệt nổi tiếng chủ trương sát hại bừa bãi thường dân vô tôi. Năm 2004, Zarqawi thân thiện với các nhóm al-Qaeda và thần phục Osama bin Laden. Tuy vậy, các thủ lãnh al-Qaeda thường xung đột với Zarqawi vì họ thấy hắn chú trọng quá nhiều đến việc sát hại các đồng môn Hồi Giáo làm phật lòng hắn. Các nhóm al-Qaeda cũng cho rằng nhóm Zarqawi quá tàn ác so với ngay cả tiêu chuẩn của họ. Sự chia rẻ nầy ngày trở thành càng trầm trọng.

 

Cuối cùng thì nhiều nhóm phiến quân Iraq Hồi Giáo Sunni dưới sự hỗ trợ quân sự của Mỹ công khai gây chiến với nhóm Zarqawi. Năm 2006, Zarqawi bị giết chết trong một trận phục kích bởi chiến đấu cơ Mỹ. Đến cuối năm 2008, nhiều người nghĩ rằng Iraq có thể đang trên đường phục hồi khỏi tình trạng hỗn loạn lúc đầu. Tuy nhiên, thủ tướng Iraq đương thời là Nouri al-Maliki đã phá vỡ cơ hội nầy. Chính phủ dưới quyền al-Maliki trở thành tham nhũng, độc đoán và kỳ thị thái quá. Nhóm Hồi Giáo đa số Shia được sũng ái trong khi nhóm Hồi Giáo thiểu số Sunni bị ngược đãi. Và khi nhóm Sunni lên tiếng phản đối, họ bị chính quyền Maliki đàn áp triệt để.

 

Al-Maliki cũng sửa đổi nội bộ trong quân đội Iraq bằng cách thay thế các tướng lãnh và sĩ quan kinh nghiệm bằng những kẻ thân cận non nớt. Điều nầy làm thực lực của chính quyền Maliki bị giảm yếu rất nhiều. Cộng thêm vào đó, đây lại là lúc George W Bush, và kế tiếp bởi Barack Obama, quyết định rút quân ra khỏi Iraq. Đây chính là lý do mà quân đội Iraq sau nầy không đủ sức kiềm chế đám phiến quân ISIS khi chúng bộc phát.

 

Sau khi Zarqawi chết, một thủ lãnh mới - Abu Bakr al-Baghdadi - đứng ra kết hợp nhóm phiến quân cũ với các nhóm khác để thành lập một nhóm gọi là “Bang Quốc Hồi Giáo của Iraq”. Khi Syria đắm chìm trong nội chiến năm 2011 và 2012, al-Baghdadi mở thêm chi nhánh ở Syria và đổi tên thành “Bang Quốc Hồi Giáo của Iraq và Syria”, tức là “ISIS” vào năm 2013.

 

 

Tại sao nhiều người gia nhập ISIS?

 

Trong những năm đầu tiên trước khi có danh xưng ISIS, nhiều người gia nhập nhóm nầy cũng như những nhóm phiến quân khác ở Iraq (tất cả đều thuộc nhóm Hồi Giáo Sunni) vì 3 lý do chính sau đây: 1/ hoặc để đánh đuổi quân đội ngoại đạo Mỹ ra khỏi một đất nước Hồi Giáo, 2/ hoặc họ là thành viên cũ của chế độ Saddam Hussein mang hy vọng sẽ một ngày nào thu phục lại quyền lực ở Iraq, 3/ hoặc vì thù ghét nhóm Hồi Giáo Shia.

 

Các lý do trên vẫn còn hiện hữu ngày nay, và thường trộn lẫn với nhau. Ngoài ra, có nhiều người đến từ các quốc gia Âu Mỹ xa xôi vì các lý do khác nữa. Có những người vì phấn khởi trước lời hứa hẹn “Ngày Phán Xét” sắp đến và muốn được dự phần khi ngày này xảy ra. Hoặc có thể họ hy vọng sẽ giúp xây dựng lại một đất nước Iraq tốt đẹp. Hoặc họ bị quyến rũ bởi hình ảnh chiến đấu cho một vương bang Hồi Quốc huy hoàng. Hoặc họ mang lý tưởng kháng chiến quân anh hùng kình chống lại các đế quốc tàn ác. Hoặc họ tin nghe lời tuyên truyền của ISIS về đoàn quân bách thắng của chúng.

 

Chúng ta cũng khó bỏ qua một sự kiện khá rõ rệt rằng nhiều người gia nhập ISIS chỉ với một mục tiêu đơn giản là có cơ hội thỏa mãn thú tính hung bạo của họ. Khi ISIS đăng lên những video cho thấy các vụ cắt đầu hay đóng đinh kẻ địch, hay đốt sống tù nhân phi công Jordan, mục tiêu chính có thể chỉ là để phô trương sức mạnh và biểu dương đặc tính cực đoan trong niềm tín ngưỡng của chúng. Tuy nhiên những video nầy cũng là một dạng quảng cáo để thu hút những kẻ ham thích bạo lực. Nó hàm ý rằng, “nếu bạn ước muốn có dịp được giết người, và giết người bằng những phương pháp tàn bạo nhất, một cách công khai không lo sợ pháp luật thì gia nhập ISIS rồi sẽ được toại ước.”

 

Tương tự như chủ trương giết người tùy tiện và thoải mái vừa nói ở trên, ISIS xem hành động cưỡng hiếp không những là một phương tiện khống chế và trừng phạt phụ nữ mà còn là một thực trạng trong đời sống hàng ngày trong vương bang của chúng. Đối với ISIS, một cách để tuyên dương chiến thắng là bạo lực tình dục. Và đây cũng là một hình thức tưởng thưởng cho cho quân lính ISIS cũng như để thu hút nhân lực. Đây là một thông điệp tuy gián tiếp nhưng rất rõ ràng: “gia nhập ISIS thì bạn được tha hồ cưỡng chiếm và sử dụng phụ nữ tùy ý để thỏa mãn tình dục.” Từ một góc cạnh trực tiếp hơn, ISIS cũng hứa hẹn rằng nếu phụ nữ theo ISIS thì họ sẽ được “một người đàn ông Hồi Giáo khỏe mạnh, chân chính, và là chiến sĩ anh hùng chiến đấu vì chánh nghĩa”, còn nếu nam phái theo ISIS thì sẽ được “những phụ nữ địa phương trẻ đẹp.”

 

Theo Giáo Sư Scott Atran, một trong những sáng lập viên của Trung Tâm Giải Quyết Những Xung Khắc Khó Gỡ (Centre for the Resolution of Intractable Conflicts) của Đại Học Oxford, thì 3/4 những người gia nhập ISIS đã được động viên bởi bạn bè, và khoảng 20% bởi chính gia đình họ. Việc trở thành cực đoan, theo ông Atran, ít khi xảy ra từ những đền thờ Hồi Giáo, và hầu như rất hiếm xảy ra từ những người lạ mặt không quen biết trước.

 

(Thống kê trên cho thấy sự thiếu xác thực trong quan niệm cho rằng những người trẻ trong thế giới Tây Phương bị “cực đoan hóa” từ các đền thờ Hồi Giáo. Tuy nhiên, thống kê trên cũng cho thấy số người tích cực ủng hộ ISIS trong những cộng đồng Hồi Giáo gọi là “ôn hòa”, trong những gia đình Hồi Giáo “bình thường” ở các quốc gia Tây Âu thật ra nhiều hơn đáng kể so với chúng ta tưởng.)

 

Atran cũng là một chuyên gia về nhân chủng học. Theo ông, sức thu hút của ISIS ở chỗ chúng cung ứng một cảm giác “cách mạng hừng khởi” như đã từng thấy ở cuộc Cách Mạng Pháp vào những năm 1790, cũng như ở cuộc Cách Mạng Bolshevik ở Nga năm 1917, và khi phong trào Đức Quốc Xã bừng dậy năm 1919.

 

Có thể nói là phần lớn những lý do gia nhập ISIS đều rất riêng tư và xuất phát từ một thôi thúc của tiềm thức cần muốn xác định vị thế cá nhân và ý nghĩa của cuộc sống. Và trong tình thế rối loạn chung quanh, cũng như những nỗi bất an trong lòng họ, họ tìm kiếm những giải pháp, những câu trả lời có thể đem đến một ổn định nào đó. Và ISIS hứa hẹn sự ổn định của một lãnh thổ thống nhất lý tưởng đứng dưới một thượng đế cao cả tuyệt đối.

 

Thế giới Tây Phương đã sai lầm khi cho rằng ISIS chỉ là một nhóm khủng bố nhu dốt, vô học. Thật ra ISIS có vẻ như am hiểu tâm lý của những thanh thiếu niên chúng đang chiêu mộ hơn các chính quyền Âu Mỹ. Ông Atran trình bày ở đại hội Chống Khủng Bố của Liên Hiệp Quốc rằng cảm giác mạo hiểm và viễn tưởng chiến thắng vinh quang đã lôi cuốn giới trẻ Tây Phương gia nhập ISIS; đồng thời chiến đấu dưới danh nghĩa một thượng đế đưa đến họ cơ hội trở thành anh hùng được nễ phục bởi mọi người. Trong khi đó, thế giới Tây Phương chỉ biết đả kích ISIS là một nhóm người tàn ác chuyên chặt đầu người và đàn áp phụ nữ. Phương pháp tuyên truyền nầy không có tác động lôi cuốn và do đó không đủ hiệu quả để ngăn cản giới trẻ Tây Phương gia nhập ISIS.

 

Thống kê cho thấy không ít thanh thiếu niên nam nữ Tây Phương gia nhập ISIS xuất thân từ các gia đình Thiên Chúa Giáo. Và họ nằm trong số những chiến binh hung hãn đáng sợ nhất của hàng ngũ phiến quân. Chính quyền Âu Mỹ có khuynh hướng cho rằng những người gia nhập ISIS chỉ toàn là những kẻ đã bị “tẩy não”. Thật ra các cuộc phỏng vấn cho thấy những người nầy rất hiểu biết những gì họ đang làm, và họ làm những điều đó một cách hoàn toàn tự nguyện.

 

Ông Atran cảnh báo rằng “Bang Quốc Hồi Giáo là một phong trào cách mạng phản văn hóa sôi động nhất và có nhiều chiến binh tình nguyện nhất kể từ Thế Chiến Thứ Hai” và “nếu Liên Hiệp Quốc cùng các quốc gia Tây Phương không sớm tìm ra phương cách hữu hiệu thu phục giới trẻ thì chúng ta rất có thể sẽ đánh mất phần lớn các thế hệ con em kế tiếp của chúng ta vào tay ISIS.”

 

Nhiều nhà bình luận cho rằng sự tàn khốc trong cuộc khủng bố vừa qua ở Paris cho thấy ISIS đang bắt đầu đổi sang một trò chơi mới trong chính sách phá hoại của chúng. Tuy vậy, theo Giáo Sư Atran thì “đây không phải là một trò chơi mới; những cuộc thảm sát kinh hoàng nầy đã nằm sẵn, và luôn luôn sẽ nằm trong, chính sách hành động lâu dài của chúng.”

 

 

 

     Tạp Chí Da Màu: http://damau.org/archives/40337

Tôn Giáo

 

Phật Giáo

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page