top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

Tà Giáo

Theo định nghĩa của tự điển Merriam-Webster, “tà giáo” là “những triết lý, tư tưởng và thực hành trái ngược với tín điều của giáo hội.” Theo một định nghĩa khác, tổng quát hơn, thì tà giáo là “những gì bất đồng với hay tách rời khỏi các triết lý, tư tưởng và thực hành chính thống.”

Tất cả những định nghĩa về tà giáo đều xác định 2 thành phần: một vị thế chính thống (chính), và một vị thế đối nghịch (tà).

Dĩ nhiên chữ “tà giáo” đã có mặt từ khi tôn giáo bắt đầu bành trướng trong văn minh loài người. Nói riêng về Thiên Chúa Giáo, ngay từ khi tôn giáo nầy vừa bắt đầu phổ biến đã có nhiều triết gia đưa ra những lý thuyết gây nhiều tranh cãi về Giê-su, về Thượng Đế, về sự cứu rỗi, và về các tín điều khác trong Kinh Thánh. Thí dụ Arius ở Alexandar (khoảng 320 sau Công Nguyên) thuyết giảng rằng Giê-su chỉ là một tác phẩm tưởng tượng. Thí dụ như một chi nhánh Thiên Chúa Giáo gọi là Docetist cho rằng Giê-su tuy có vẻ mang hình dạng của một con người nhưng thật ra thể xác của Giê-su chỉ là ảo ảnh. Thí dụ như nhóm Thiên Chúa Giáo gọi là Modalist không tin vào ý niệm Chúa Ba Ngôi. Vân vân…

Những lời giảng dạy, những tư tưởng khác biệt trên gây ra hoang mang trong tín đồ Thiên Chúa Giáo. Để ổn định tình thế, Giáo Hội bắt buột phải chính thức giải quyết vấn đề bằng cách giành lấy độc quyền “chính thống” trong mọi vấn đề liên quan đến Kinh Thánh. Việc làm nầy dẫn đến sự phân biệt những tín điều nào là “chính đạo” và những gì là “tà đạo”.

Đương nhiên, một số người sẵn sàng bảo vệ những gì họ cho là “chính đạo” và “chân lý” bằng cách áp chế những kẻ bất đồng ý kiến với họ. Vào thế kỷ 12, Giáo Hội Công Giáo bắt đầu chú trọng đặc biệt nhiều hơn nữa đến những gì họ cho là “tà giáo”. Khi uy lực của Giáo Hội Công Giáo vươn cao trong các chính quyền ở Âu Châu, họ không còn tha thứ những giáo lý trái ngược với họ nữa. Giáo Hoàng Alexander III (1162-1163) ra lệnh mọi người dân phải trình báo bất cứ ai nằm trong diện “tà giáo”. Năm 1184, Giáo Hoàng Lucius III ra lệnh những ai bị xem là “theo tà giáo” sẽ bị giao cho chính quyền xử phạt. Qua vài thập niên kế đó, những hình phạt nầy càng lúc càng nặng nề hơn. Đến thời Giáo Hoàng Gregory IX thì những kẻ bị xem là theo tà giáo bắt đầu bị xử tử. Và thời kỳ Inquisition (mà tôi tạm dịch là Sát Hạch? Hay Thẩm Tra?) bắt đầu.

Trong thời kỳ Sát Hạch, dòng tu sĩ theo phái Dominican được ban quyền lực tuyệt đối trong việc tra hạch và xét xử bất cứ ai họ nghi ngờ là theo tà giáo. Cái gọi là Tòa Án Dị Giáo của họ sử dụng bất cứ phương pháp nào cần thiết để lấy “lời thú tội” của nghi can, kể cả và thường là tra tấn dã man. Thời kỳ Sát Hạch kéo dài ở hầu hết lãnh thổ Âu Châu cho đến thế kỷ 15 mới chấm dứt. Không ai biết rõ số người thiệt mạng trong thời kỳ gần 350 năm nầy là bao nhiêu. Một số tài liệu đưa ra con số giữa 30 ngàn đến 50 ngàn người chết do xử tử trực tiếp và giữa 200 ngàn đến 300 ngàn người chết “gián tiếp” vì bị tù đày và tra tấn. Những tài liệu của Giáo Hội (hoặc thân thiện với Giáo Hội) đưa ra con số tổng cộng giữa 1 ngàn đến 3 ngàn người.

Kinh Thánh nhiều lần nói đến tà giáo. Thí dụ, trong Tân Ước, Thư thứ Hai của Thánh Phê-rô 2:1 dạy: “Trong dân đã từng xuất hiện những tiên tri giả, như cũng sẽ có giữa anh em những tấn sĩ giả. Chúng là những kẻ sẽ mở đường cho những bè phái hư hốt lọt vào. Và bởi vì chối bỏ Thiên Chúa cứu chuộc chúng, chúng kéo xuống cho mình án hư vong tức tốc. ” Tức là những gì không theo lời dạy của Giê-su là tà đạo, và sẽ bị trừng phạt. Tương tự trong Thư thứ Nhất Corinthians 11:19, Thư thứ Nhất John 4:1-6, Thư thứ Nhất Timothy 1:3-6, Thư thứ Hai Timothy 1:12-14, v.v.

 

Vấn đề là, nói chung ai cũng có thể cho ai khác là “tà giáo” được. Theo Kinh Thánh (Acts 24:14), người Do Thái gọi Thiên Chúa Giáo là tà giáo. Vào thời Trung Cổ, như đã nói, chỉ cần bất đồng ý kiến với lời dạy của Giáo Hội Công Giáo là tà giáo. Hồi Giáo xem Thiên Chúa Giáo là tà giáo. Cách đây không lâu, Thiên Chúa Giáo cũng công khai xem Hồi Giáo là tà giáo. Nhiều chi nhánh trong Thiên Chúa Giáo lên án lẫn nhau là tà giáo; Công Giáo và Tin Lành là một thí dụ nổi bật. Năm 2014, hai hồng y Chính Thống Giáo Hy Lạp đã gởi một lá thư dài 89 trang đến Giáo Hoàng Francis kết án ông là “tà đạo”. Đó là vì hai hồng y trên không đồng ý với một số khái niệm về chức vụ và quyền lực của Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo.

Những thí dụ lịch sử ở trên có vẻ cho thấy trong lãnh vực tôn giáo thì chữ “tà” đồng nghĩa với “bất đồng với tín điều trong tôn giáo của tôi.”

Trong một bài trước đây tôi có nói:

Chữ “tà giáo” có một đặc điểm khá lý thú: Người ta không bao giờ dùng chữ nầy để diễn tả tôn giáo của chính họ cả, bất kể họ là ai và tôn giáo của họ là gì. Người ta chỉ dùng “tà giáo” cho những tôn giáo của người khác. Còn tôn giáo của họ, dĩ nhiên luôn luôn là “chính giáo”. Các “tà giáo” có những tín điều mà họ, và tôn giáo họ, cho là “xấu”.

Một số người lên tiếng rằng họ không nằm trong trường hợp nầy. Họ giải thích đối với họ có hai thứ khác nhau: “tôn giáo” và “tà giáo”. Theo họ, chữ “tôn giáo” của họ dùng giới hạn ở những tôn giáo hướng thiện. Tôn giáo, theo họ, không bao gồm những thần linh qua mê tín; còn tà giáo là những đạo giáo, những tà thuyết tâm linh không hướng thiện. Những người nầy cho rằng họ chưa bao giờ loại bỏ những tín điều của người khác. Họ nghĩ họ chưa bao giờ cho tín điều nào của một tôn giáo nào đó xấu xa cả. Họ cho rằng họ chỉ làm điều đó với các tà giáo mà thôi.

Tôi tin những người nầy thật lòng nghĩ như vậy. Nhưng họ cần biết rằng tất cả những người trong các thí dụ lịch sử tôi vừa đưa ra ở trên cũng thật lòng nghĩ như họ. Và họ cần nhìn thấy rằng cái mà họ đang gọi là “tà giáo” đó thật ra là niềm tín ngưỡng, là tôn giáo của những người khác.

Khi tôi hỏi thí dụ về tà giáo, một người cho biết theo ông thì “Đạo Bà Thanh Hải” là một tà đạo. Tên chính thức của “Đạo Bà Thanh Hải” là “Giáo Phái Thanh Hải Vô Thượng Sư” nổi tiếng với “Pháp Môn Quán Âm”. Tôi rất đồng ý với ông ấy là “Đạo Bà Thanh Hải” có nhiều lý thuyết và hành vi đáng bị lên án. Tuy nhiên tôi không đồng ý khi ông ấy cho rằng đó không phải là một tôn giáo. Dù ông ấy, và tôi, có yêu hay ghét thì Đạo Thanh Hải vẫn là niềm tín ngưỡng và tôn giáo của ít nhất hàng mấy trăm ngàn người ở Việt Nam, Đài Loan, Bắc Mỹ châu, Âu Châu và Úc Châu. Tín đồ của Thanh Hải gồm đủ mọi thành phần trong xã hội kể cả những người được xem là “trí thức”. Chính tôi quen biết một vài bác sĩ, kỹ sư điện toán là tín đồ trung thành và kỳ cựu của Thanh Hải.

Vài tôn giáo tiêu biểu khác mà nhiều người cũng cho là tà giáo là đạo Scientology (một số tài liệu dịch là Khoa Luận Giáo), đạo Mormon (có người gọi là Mặc-môn), đạo Sai Ba Ba (sáng lập bởi Sathya Sai Baba ở Ấn Độ vào khoảng 1940). Bất kể đầy rẫy những bài phân tích về các tín điều vô tưởng lẫn cá tường thuật, bản điều tra, lời tố cáo của những cựu tín đồ về các hành vi lường gạt, áp bức, các đạo trên vẫn tiếp tục thu hút vô số tín đồ từ đủ mọi thành phần và địa vị trong xã hội Âu cũng như Á. Riêng đạo Sai Baba có hơn 1200 trung tâm với nhiều triệu tín đồ trong 126 quốc gia. Đối với những tín đồ nầy, đây là tôn giáo của họ. Năm 2011 khi Sai Baba qua đời, có khoảng 500 ngàn người đến dự đám tang ông ta trong đó có Thủ Tướng, Trưởng Nội Các, các lãnh tụ công đoàn cũng như nhiều nhân vật nổi tiếng và quan trọng trong chính trường cũng như thể thao, điện ảnh, v.v. của Ấn Độ.

Cùng người trên, ngoài đạo Thanh Hải, ông cũng nhắc đến “IS” như là một thí dụ của tà giáo. “IS” theo tôi hiểu ở đây là chữ viết tắt của “Islamic State” (tạm dịch là “Vương Bang Hồi Giáo”). Đây là một vấn đề thường xảy ra khi các danh từ trừu tượng, như chữ “tà giáo”, chỉ là những khái niệm lờ mờ trong đầu người sử dụng. Và chữ “tà giáo” do đó được dùng một cách chung chung, thiếu chính xác. Theo tôi, IS là một tổ chức chính trị, một tổ chức quân sự, một lũ độc ác, một nhóm côn đồ, hay một cái gì khác tương tự. Nhưng IS không phải là một niềm tin hay một hệ thống tín ngưỡng. Do đó không thể nào gọi IS là một giáo phái hay một tà giáo được. IS áp dụng, và lợi dụng, một số tín điều trong Hồi Giáo để làm chính sách điều hành của chúng. Những tín điều nầy rất “tà”, theo tôi. Nhưng chúng là những tín điều của Hồi Giáo, không phải của IS. Những người cho rằng “IS là một tà giáo” có lẽ đang vô tình nhận định rằng “Hồi Giáo là một tà giáo” mặc dù họ không biết họ đang nói thế.

Trở lại vấn đề “tà giáo không phải là tôn giáo”. Điều tôi muốn trình bày ở đây là những người có quan niệm nầy cần phải cẩn thận khi chỉ tay vào những gì mà họ cho là xấu xa trong niềm tin của người khác rồi kết án nó là “tà giáo”. Khi làm điều nầy, họ đã lập tức vạch ra một lằn ranh CỦA HỌ giữa “thiện” và ác, giữa “chính” và “tà”. Và họ cho rằng họ đang đứng bên “chính” trong khi niềm tin của người khác là “tà”. Đây là một trong những cách hiệu quả và nhanh chóng nhất để chia rẽ và tạo hiềm khích với người khác. Họ cần nhớ rằng lằn ranh thiện/ác/chính/tà của mỗi người mỗi khác nhau. Như cũng đã nói trong một bài trước, trong lịch sử đã có bao nhiêu cuộc chém giết xuất nguồn từ việc người nầy lên án niềm tin của người khác là “ác/tà”. Tất cả tôn giáo liên quan trong các thí dụ lịch sử tôi vừa nêu trên đều là những tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Và nhiều lời cáo buộc qua lại kể trên vẫn còn tiếp diễn ngày nay.

Khi tôi nhắc đến những gì xấu xa của Thiên Chúa Giáo, có người nói rằng “chuyện đó xưa rồi, không còn xảy ra ở thời buổi điện tử nầy nữa. Ngày nay các tôn giáo còn ngồi lại cầu nguyện chung với nhau…” Chuyện đó có thể xảy ra ở địa phương lân cận chung quanh họ. Nhưng họ quên rằng cuộc Sát Hạch đẫm máu của Thiên Chúa Giáo vẫn hiện đang tái diễn dưới nhãn hiệu Hồi Giáo ở những nước Trung Đông ngay sát nách Âu Châu. Ngoài những thí dụ chém giết nhau xưa nay vì quan niệm chính/tà trong tôn giáo, chữ “tà giáo” còn được dùng thường xuyên để bịt miệng những ý kiến và tư tưởng bất đồng với những hệ thống tín ngưỡng được cho là “chân chính”.

Nhưng đối với những niềm tin “thật sự tà” thì sao? (Tôi xin phép dùng chữ “thật sự” ở đây để chỉ những gì dựa trên tiêu chuẩn đạo đức tự nhiên của con người, những tiêu chuẩn độc lập với tín điều và giáo luật.) Thì tôi sẽ hỗ trợ hết mình những người lên tiếng phân tích và chỉ trích những tín điều của những tôn giáo đó. Miễn là, như vừa nói, những người đó không dùng các tín điều nào khác của họ trái ngược với tiêu chuẩn đạo đức tự nhiên của con người để phê phán niềm tin của kẻ khác.

Tuy nhiên, nếu đã làm điều trên thì những người nầy cũng đừng nên phản đối khi người khác phê bình đến những khuyết điểm trong niềm tin của họ – Họ cho là người ta “xúc phạm” đến niềm tin của họ. Họ không nghĩ rằng niềm tin, hay tôn giáo, của họ chỉ là một trong vô số niềm tin và tôn giáo khác xưa nay. Tôn giáo của họ không có gì đặc biệt cả (ngoại trừ, có lẽ, việc nó là tôn giáo CỦA HỌ). Tôn giáo nào cũng có những khuyết điểm mà tín đồ không (hay không dám, không muốn) nhìn thấy hay nhìn nhận. Nếu một người dùng chữ “tà giáo” để kết án niềm tin của kẻ khác nhưng đồng thời cho rằng niềm tin của họ không có khuyết điểm gì để ai phê phán cả thì, như cũng đã nói ở một bài trước, người đó tự cao một cách quá đáng.

Để kết thúc, nếu dựa theo một câu nói nổi tiếng của Christopher Hitchens, tôi có thể nói rằng tôi đồng ý với mọi người về đại đa số quan điểm “tà đạo” của họ. Bất cứ tín đồ nào phê phán, chỉ trích những tín điều “tà” của các tôn giáo khác đều hầu như có thể được sự tán đồng của tôi. Tôi cũng tận tâm làm những việc rất giống họ ở chỗ đó. Tôi chỉ phê phán và chỉ trích nhiều hơn họ một tôn giáo thôi. Đó là tôn giáo của chính họ.

Tôn Giáo

 

Phật Giáo

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page