top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

Không Phá Không Ngừa

Ngày 20 tháng Mười Một 2016 vừa qua, trong dịp chấm dứt Năm Kỷ Niệm về Nhân Ái của Công Giáo (“Jubilee Year of Mercy”), Giáo Hoàng Francis cho phép vĩnh viễn tất cả linh mục được quyền xóa tội cho những tín đồ phá thai.

Trước đây chỉ có những hồng y và tu sĩ có chức năng đặc biệt mới được nghe lời xưng tội và xóa tội phá thai. Các linh mục ở Anh và Mỹ cũng đã được phép làm việc nầy. Tuy nhiên bắt đầu tháng Mười Hai năm ngoái (2015) Giáo Hoàng Francis mới bắt đầu cho phép mọi linh mục Công Giáo trên thế giới tạm thời có quyền đó. Và từ bây giờ trở đi thì quyền hạn ấy trở thành vĩnh viễn.

Nhiều người cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Francis là một giáo hoàng của sự bác ái và tha thứ. Mọi linh mục đều có quyền hạn nầy có nghĩa là càng nhiều con chiên có thể xưng tội và được xóa tội về phá thai một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Trong “lá thư của giáo hoàng”, Giáo Hoàng Francis tuyên bố “không có tội lỗi nào mà Chúa Trời không thể tha thứ và xóa bỏ được nếu trái tim của kẻ phạm tội thật lòng hối cải và tìm về với Chúa.” Tuy nhiên, ông cũng không quên nhấn mạnh rằng phá thai là một tội nghiêm trọng và các tín đồ phạm tội phá thai có thể bị trục xuất lập tức ra khỏi đạo.

Điều nầy cũng làm một số người tự hỏi việc làm vừa rồi của Giáo Hoàng Francis có phải là sự biểu lộ lòng bác ái và tha thứ hay là để củng cố và tăng cường quyền lực của Giáo Hội?

Thế thì quyền lực gì? Và củng cố, tăng cường quyền lực đó bằng cách nào?

Quyền lực vừa là quan tòa, vừa là công tố viện, vừa là luật sư bào chữa. Quyền lực của một nhóm thiểu số dựa trên danh nghĩa “Thiên Chúa tuyệt đối” có thể kết tội bất cứ ai và đồng thời có thể cứu vớt bất cứ ai họ muốn. Tuy điều nầy không có gì mới lạ từ xưa nay nhưng Giáo Hoàng Francis trong dịp vừa qua đã nhắc nhở và nhấn mạnh lại sự hiện hữu của nó.

Một mặt con chiên bị hăm dọa rằng phá thai là một trọng tội dưới mắt Thiên Chúa và có thể bị trục xuất ra khỏi đạo lập tức. Trục xuất ra khỏi đạo có nghĩa là gì? Là khi chết sẽ không còn được cứu rỗi, không được lên Thiên Đàng và với trọng tội như vậy thì sẽ bị Thiên Chúa (toàn năng và bác ái) đốt cháy đời đời dưới hỏa ngục. Tín đồ ngoan đạo nào mà không hãi hùng trước viễn ảnh đó? Một mặt khác, con chiên được câu nhử bằng hứa hẹn “Nhưng đừng lo vì Giáo Hội, qua các linh mục, sẽ có thể xóa rửa tội lỗi đó cho nếu thật lòng tìm về với Chúa.” Và “tìm về với Chúa” là gì nếu không phải là tìm về với Giáo Hội và quy phục tuyệt đối những gì Giáo Hội, và các linh mục, dạy bảo?

Điều nầy đặt Giáo Hội vào vị thế nắm toàn quyền sinh sát đối với tín đồ. Bắt đầu là trong phạm trù tâm linh, rồi từ đó như chúng ta thường thấy, dẫn đến các lãnh vực khác thực tế hơn như trong quan hệ giao tế cá nhân, gia đình, xã hội, tài chính, v.v.

Có người cho rằng việc ban phát quyền hành vĩnh viễn cho tất cả linh mục được nghe xưng tội và xóa tội chẳng qua là vì ích lợi về mặt hành chính cho Giáo Hội. Tuy nhiên cũng có người cho rằng quyền hạn mới nầy làm cho mỗi linh mục có nhiều uy lực hơn nữa trong việc kiểm soát và điều khiển các tín đồ trong giáo xứ họ. Và khi sự kiểm soát, điều khiển nầy càng có thể được áp dụng rộng rãi trực tiếp không cần qua các thủ tục hành chính tốn kém và mất thời giờ như trước đây thì quyền lực của Giáo Hội cũng sẽ càng được tăng cường hơn đến ngay cả những hạ tầng địa phương xa xôi nhất.

Điều cần nhớ là chữ “tín đồ” nói đến ở đây hầu như có nghĩa hoàn toàn là “tín đồ phụ nữ”. Đó là vì chỉ phụ nữ mới liên quan trực tiếp, gần gủi và ở mức độ cá nhân nhất trong vấn đề phá thai.

Có người sẽ bảo rằng “Nếu đừng phá thai thì đâu có gì phải lo lắng!”

Có lẽ chúng ta không nên quên rằng ngoài việc lên án và nghiêm cấm phá thai, Giáo Hội cũng lên án và nghiêm cấm tín đồ ngừa thai.

Vào tháng Giêng 2015 trên đường trở về La Mã từ chuyến thăm viếng Phi Luật Tân, Giáo Hoàng Francis được một ký giả hỏi ông nghĩ gì về những gia đình nghèo đói vẫn sinh đẻ đầy nhà mặc dù không đủ sức nuôi chỉ vì Giáo Hội cấm không cho ngừa thai. Ông trả lời, “Có những người cho rằng muốn là tín đồ Công Giáo ngoan đạo thì phải sinh đẻ nhiều như thỏ!” Và ông nói thêm, “Không phải như vậy, làm cha mẹ thì phải biết có trách nhiệm. Điều đó rất rõ.” Rồi ông đưa ra thí dụ một phụ nữ ông gặp đã có 7 đứa con rồi mà vẫn đang mang thai đứa thứ 8. Ông cho rằng sự mang thai nầy là một điều vô trách nhiệm.

Francis giải thích tiếp rằng “có nhiều cách ngừa thai được Giáo Hội cho phép để giới hạn số con cái trong gia đình”. Đồng thời ông cho biết ông vẫn sẽ tiếp tục chủ trương truyền thống của Giáo Hội là nghiêm cấm các phương pháp ngừa thai nhân tạo.

Tôi xin nói ngay rằng cái mà Giáo Hoàng Francis cho rằng “nhiều cách ngừa thai được Giáo Hội cho phép” đó thật ra chỉ có 2 (hai) mà thôi. Đó là hoặc 1/ tiết dục hoàn toàn, hoặc 2/ tránh giao hợp vào thời kỳ rụng trứng (thường được gọi là phương pháp Ogino-Knauss, hay Ogino cho gọn).

Về tiết dục hoàn toàn thì theo tôi đây là một phương pháp phản tự nhiên tuyệt hạng. Con người là một sinh vật có dục tính. Nhu cầu dục tính nhiều khi còn quan trọng và khẩn cấp hơn cả nhu cầu ăn ngủ và sống còn. Nếu không có dục tính thì nhân loại đã không hiện hữu ngay từ đầu. Nếu không có dục tính thì bản thân Giáo Hoàng Francis cũng không hiện hữu ngày nay để tuyên bố rằng tiết dục hoàn toàn là một lối sống được Thượng Đế của ông ấy nhìn nhận và cho phép. Nhân tiện, chủ trương “tiết dục hoàn toàn để phục vụ Thiên Chúa” của Giáo Hội là một giáo luật gây ra nhiều hội chứng tâm sinh lý phức tạp không cần thiết cho các tu sĩ của họ. Giáo luật nầy cũng đã cho thấy có nhiều dấu hiệu thất bại đáng kể. Nhiều chuyên gia tâm sinh lý cho rằng một trong những dấu hiệu nầy là nạn ấu dâm lan tràn trong hàng ngũ tu sĩ Công Giáo xưa nay.

Còn về phương pháp Ogino thì ngay trong các lời chỉ dẫn cơ bản nhất cũng nói rõ rằng hiệu quả của phương pháp nầy tùy thuộc theo từng người và mức độ theo dõi để xác định thời kỳ rụng trứng có chính xác hay không. Ngoài ra phương pháp này có đặc điểm là khó áp dụng đối với những phụ nữ không có thói quen theo dõi kinh nguyệt một cách đều đặn, ở người đang cho con bú, hay những người vô kinh. Tỷ lệ thất bại dao động từ 2-21%. Nói cách khác, có nhiều trường hợp cứ mỗi 5 lần giao hợp là 1 lần thụ thai!

Hơn nữa, ở một nước nghèo như Phi Luật Tân, và nhiều quốc gia Á Châu khác hay ở Nam Mỹ hay Phi Châu cũng vậy, thì 2 phương pháp ngừa thai trên thường hầu như vô dụng. Đó là vì trình độ hiểu biết về y khoa của người dân, nam cũng nữ, ở các quốc gia nầy quá thấp kém. Đại đa số không hề được ai giảng dạy gì về phương diện tình dục. Và nên nhớ rằng Giáo Hội cho đến ngày nay cũng vẫn còn rất thành công trong việc phản đối các chương trình giảng dạy về tình dục trong học đường ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo đói trên.

Việc tiết dục hoàn toàn để ngừa thai nói chung rất ít hữu hiệu trong tầng lớp dân nghèo. Họ thường không có đủ nghị lực và động cơ tâm lý để thực hiện điều nầy lâu dài. Còn phương pháp Ogino thì phần lớn họ không có đủ kiến thức lẫn phương tiện, thời giờ cũng như sự kiên trì trong lúc chật vật kiếm sống để ghi nhận, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt đầy đủ để thành công tháng nầy qua tháng khác.

Ngoài ra, hoàn cảnh xã hội và gia đình trong những nước nghèo kể trên nhiều lúc không cho phép người phụ nữ dù có cố gắng cách mấy để thực hiện được 2 phương pháp ngừa thai mà Giáo Hội cho phép. Thí dụ như cảnh gia đình có chồng nhậu nhẹt say sưa về nhà đánh đập và cưỡng bách tình dục vợ xảy ra thường xuyên. Người vợ không có đủ điều kiện (về thể lực cũng như về phong tục và luật pháp) để tự bảo vệ họ khỏi bị trở thành mang thai. Nếu các phương pháp ngừa thai “nhân tạo” không bị Giáo Hội nghiêm cấm thì nhiều phụ nữ trong dạng nầy rất có thể đã không lâm vào tình cảnh bi đát hiện tại của họ.

Ở đây tôi không chú trọng đến quan điểm và giá trị đạo đức về vấn đề phá thai hay ngừa thai; của tôi hay của quý độc giả, hay cả của Giáo Hội. Ở đây tôi chỉ muốn bàn luận về việc đòi hỏi của Giáo Hội đối với tín đồ trong vấn đề phá thai và ngừa thai.

Đối với tôi đây là những đòi hỏi vô lý và thiếu thực tế. Những đòi hỏi ép buột tín đồ phụ nữ vào một thế đứng vô vọng. Không có đường đi tới, hay quẹo phải hay quẹo trái, hay thối lui, phụ nữ Công Giáo của những nước nghèo nàn, đặc biệt là những người không đủ điều kiện về giáo dục và kinh tế, đứng trong một thế kẹt không có lối thoát. Những phụ nữ nầy hoặc phải chịu đựng thường trực những đau khổ vật chất lẫn tinh thần trong đời sống thực tế hiện tại của họ, hoặc phải đương đầu với nỗi sợ hãi tâm linh triền miên về tương lai sẽ bị thiêu đốt vĩnh viễn dưới hỏa ngục. Đó là vì những giáo luật đưa ra bởi Giáo Hội Công Giáo; những giáo luật được diễn giải, chế đặt ra bởi một nhóm đàn ông già nua bảo thủ, tham quyền, xa rời thực tế; những giáo luật trở thành bất khả xâm phạm vì đã được dán lên nhãn hiệu “nhân danh Thượng Đế”.

Đối với tôi, sự xa rời thực tế của Giáo Hội được cho thấy không gì rõ rệt hơn là chính sách vừa cấm ngừa thai vừa cấm phá thai nói trên. Ngoài ra, sự bảo thủ và tham quyền của nhóm người lãnh đạo Công Giáo nầy còn được thể hiện táo tợn hơn nữa trong việc nghiêm cấm không cho phụ nữ nắm giữ chức vụ gì mang quyền hành đáng kể trong Giáo Hội.

Vào ngày 2 tháng Mười Một 2016 vừa qua, trong một cuộc họp báo trên chuyến bay từ Thụy Điển về lại La Mã, một nữ phóng viên người Thụy Điển ghi nhận rằng người đứng đầu Hội Thánh Tin Lành đã nghênh đón Giáo Hoàng Francis tại Thụy Điển là một phụ nữ. Rồi cô này hỏi ông có nghĩ Giáo Hội Công Giáo có khi nào sẽ cho phép phụ nữ được trở thành linh mục trong những thập niên tới hay không. Francis đã trả lời một cách rất dứt khoát rằng ông tin là việc Giáo Hội nghiêm cấm phụ nữ trở thành linh mục sẽ không bao giờ thay đổi.

Francis cho biết, “Đức Thánh Giáo Hoàng John Paul Đệ Nhị đã có phán quyết cuối cùng rõ ràng về vấn đề này và phán quyết đó ngày nay vẫn còn đứng vững.” Ông đề cập đến một tài liệu của John Paul Đệ Nhị vào năm 1994 về chính sách bế môn không chấp nhận phụ nữ làm linh mục. Tòa Thánh từ đó đến nay cho rằng lời giảng dạy này của John Paul Đệ Nhị là một trong những giáo điều không thể sai được của truyền thống Công Giáo.

Trước khi chấm dứt, tôi xin trở lại một chút về chuyến đi Phi Luật Tân của Giáo Hoàng Francis vào tháng Giêng 2015. Khi trả lời một câu hỏi khác, ông cho biết “việc quan trọng nhất là không có đoàn thể hay thế lực bên ngoài nào được áp đặt quan điểm về kế hoạch hóa gia đình của họ lên bất cứ ai cả.”

Francis muốn nói về việc gần đây một số quốc gia Tây Phương tân tiến thường hứa hẹn viện trợ nhân đạo cho các nước nghèo thuộc “Thế giới Thứ Ba” với điều kiện là các nước nầy chịu cải tiến các chính sách về ngừa thai, và đồng tính luyến ái, của họ cho thích hợp hơn với trào lưu hiện tại của thế giới Tây Phương. Rồi ông kết luận rằng, “mỗi người chúng ta ai cũng xứng đáng được bảo tồn bản chất cá nhân của mình mà không bị xâm chiếm và cai trị bởi hệ thống tư tưởng của ai khác cả.” (!)

Đây là một thí dụ nữa về những phát biểu mang đầy tính mâu thuẩn của Giáo Hoàng Francis. Trong khi ông ấy đứng đầu một tổ chức luôn luôn to tiếng áp đặt quan điểm đạo đức của họ lên mọi người khác, ngay cả về những vấn đề riêng tư nhất của con người như việc ngừa thai và phá thai đang bàn luận ở đây, thì chính ông ấy cũng lại tuyên bố rằng “ai cũng xứng được bảo tồn bản chất cá nhân của mình mà không bị xâm chiếm và cai trị bởi hệ thống tư tưởng của ai khác”!

Một thí dụ khác về phát biểu mâu thuẩn của Francis đã gây nhiều xao động trên báo chí là vào tháng Giêng 2015 sau cuộc thảm sát xảy ra ở tòa báo Charlie Hebdo tại Paris, ông đã tuyên bố rằng đó là hậu quả dành cho những kẻ châm chọc, chỉ trích tôn giáo của người khác. Đồng thời chính ông ta cũng là người thường ngày tuyên dương quyền tự do phát biểu tư tưởng.

Có người cho rằng những phát biểu đầy mâu thuẩn thường thấy của Giáo Hoàng Francis biểu lộ tính bất cẩn trong việc ăn nói của ông ấy. Tôi cho rằng chúng cũng biểu lộ sự khác biệt giữa những lời tuyên bố của Francis và những suy nghĩ thật sự xảy ra trong đầu ông ấy. Nếu sự khác biệt đó là vô tình thì nó có thể là kết quả của một sự bất đồng nhất, và thường xuyên kình chống lẫn nhau giữa các tư tưởng trong nội tâm ông ấy. Nếu sự khác biệt đó là cố ý dù ở mức độ tri thức thấp nhất thì đó là một dạng lừa dối, mặc dù có khi chỉ là tự lừa dối.

Chú thích:

Tài liệu tham khảo dùng trong bài nầy được thu thập từ những trang mạng thí dụ như:

http://www.bbc.com/news/world-europe-34118105

http://www.bbc.com/news/world-europe-38054640

http://www.bbc.com/news/world-asia-30890989

http://www.bbc.com/news/world-europe-24166434

http://www.catholic.com/tracts/birth-control

http://www.pbs.org/wgbh/amex/pill/peopleevents/e_church.html

https://thuocchuabenh.vn/benh-san-khoa/phuong-phap-ogino-knauss-va-tranh-thai-tu-nhien-nu-gioi.html

http://www.9news.com.au/world/2016/11/02/07/14/ban-on-female-priests-is-forever

(http://quanvan.net/2017/02/02/nguyen-nhan-tri-khong-pha-khong-ngua/)

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page