Nguyễn Nhân Trí -
- Tôn Giáo
- Sự Chết và Con Người
- Thuyết Tiến Hóa
SỰ CHẾT – và CON NGƯỜI
CÁT BỤI
Mỗi hệ thống tín ngưỡng truyền giảng mỗi cách khác nhau về chuyện gì sẽ xảy ra sau khi bạn chết.
Những lời hứa hẹn và hăm dọa trên nói chung chú trọng vào cái gọi là “phần hồn”. Còn về “phần xác”, cái thân thể mà sau khi qua đời bạn sẽ bỏ lại thế giới nầy, thì mỗi tôn giáo cũng có những nghi thức tang lễ khác nhau của riêng họ. Những nghi thức nầy, thường rất rườm rà và khó hiểu, hầu hết không phản ảnh những gì xảy ra đến thân thể bạn sau khi chết. (1)
Và phần đông chúng ta cũng chỉ có một khái niệm mơ hồ về chuyện nầy. Ai cũng hiểu rằng xác người chết, cũng như xác mọi sinh vật khác, sẽ hư hủy đi. Nhưng quá trình đó như thế nào thì không mấy ai biết rõ, và thường cũng không mấy ai muốn tìm hiểu để biết rõ.
Dưới đây là sơ lược về quá trình hư hủy của thân thể chúng ta sau khi cái gọi là “phần hồn” không còn hiện hữu. Vài chi tiết diễn tả ở đây có phần trực diện đến độ gây khó chịu cho một số độc giả. Nhưng đây là thực tế những gì rồi sẽ xảy ra cho tất cả mọi người chúng ta, bất kể là ai.
Đây là quá trình “cát bụi trở về cát bụi”.
Chỉ vài giây đồng hồ đầu tiên ngay sau khi tắt thở, oxy không còn được cung cấp nữa, những neuron trong não chúng ta bắt đầu bị ảnh hưởng. Não bộ nhanh chóng mất đi chức năng điều hành các bộ phận khác nhau trong cơ thể. Trong vòng vài phút, nhiều bộ phận trọng yếu trong cơ thể đều bắt đầu ngừng hoạt động.
Tuy nhiên các tế bào không chết lập tức. Những tế bào da, hay giác mô trong mắt, hay tủy xương, hay ngay cả van tim chẳng hạn vẫn còn “sống” đủ và có thể thu hoạch được trong vòng 24 giờ sau đó để cấy cho người khác.
Nói chung, tử thi phân hủy qua các giai đoạn chính: Đầu tiên mọi bộ phận lẫn tế bào trong thi thể ngừng hoạt động hoàn toàn và vĩnh viễn, không lâu sau đó là giai đoạn sình thối, rồi qua giai đoạn lên men, kế đó là quá trình mục rữa khô cho đến lúc chỉ còn trơ lại bộ xương, và cuối cùng cả bộ xương đó cũng rã vụn ra thành bụi.
Sau khi một người vừa chết, các cơ bắp trong thân thể họ sẽ thả lỏng ra vì không còn làm việc được nữa. Kể cả những cơ bắp chung quanh thực quản, hậu môn và cơ quan sinh dục. Điều nầy có nghĩa là các chất lỏng đã được các cơ bắp trên kềm giữ trong người lúc còn sống bây giờ không còn được kềm giữ nữa. Các chất lỏng nầy (như thức ăn chưa tiêu trong bao tử, phân và nước tiểu) có thể, và thường, rịn chảy ra bên ngoài. Số lượng các chất rỉ chảy nầy thường không nhiều lắm (vì các cơ bắp thường ngày cần thiết để ép đẩy chúng ra khỏi cơ thể, khi tiểu tiện và đại tiện, bây giờ cũng đã ngừng hoạt động), tuy vậy chúng vẫn chảy rịn ra đủ để tạo mùi hôi thối khó chịu.
Trong nhiều trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau - thí dụ với những người bị áp huyết cao, một lượng máu nhỏ cũng có thể rỉ ra ngoài mũi, và có khi cả miệng. Vì vậy một trong những việc làm đầu tiên của nhân viên tống táng là dùng bông gòn nhét chặt cứng lại tất cả những lỗ thông thương giữa bên trong và bên ngoài cơ thể.
Thi thể người chết thường bắt đầu có màu nhợt nhạt khoảng 15-20 phút sau khi tim ngừng đập. Đây là hậu quả của việc máu không còn được bơm tuần hòa dưới da nữa. Hiện tượng nầy, tuy nhiên, khó thấy rõ ở những người da sậm màu.
Vì tim ngừng đập và máu ngừng tuần hoàn nên trọng lực sẽ dần dần kéo số lượng máu sẵn có tụ lại ở những chỗ hiện đang thấp nhất trong cơ thể. Trong vòng vài giờ, phần da ở những chỗ thấp nhất trong người bắt đầu có màu đỏ bầm hoặc tím. Khoảng 12 giờ sau khi chết, hiện tượng da chuyển màu nầy đạt đến mức độ tối đa của nó. Thí dụ như một tử thi đặt nằm ngửa trên giường sau khoảng thời gian đó thì phần đầu sau ót, toàn phần lưng, mông và phần sau của đùi và bắp chân sẽ trở thành đen bầm.
Quá trình da chuyển màu đỏ hoặc tím bầm trên được các chuyên viên điều tra và khám nghiệm tử thi dùng để ước lượng thời gian chết.
Cùng lúc với những gì xảy ra kể trên, một quá trình khác cũng bắt đầu cùng lúc. Đó là hiện tượng “cứng đơ” (“rigor mortis”). Ngay sau khi chết, nhiệt độ thi thể sẽ bắt đầu giảm xuống, trung bình khoảng gần một độ Celcius mỗi tiếng đồng hồ cho đến khi cân bằng với nhiệt độ chung quanh. Rồi hiện tượng “cứng đơ” bắt đầu, khởi sự từ mí mắt, quay hàm và cổ, rồi dần dần đến thân người và đến chân tay. Trong một cơ thể còn sống, các tế bào cơ bắp co giãn được nhờ có hai chất protein là actin và myosin trượt chùi lên nhau. Sau khi chết, các tế bào không nhận được năng lượng để điều hành nữa nên các chất protein trên dính kẹt lại với nhau. Điều nầy làm cho các cơ bắp trở thành cứng ngắc và các khớp xương bị khóa chặc. Hiện tượng “cứng đơ” bắt đầu xảy ra khoảng giữa 2 đến 6 tiếng đồng hồ sau khi chết. Hiện tượng nầy chấm dứt khoảng 24 đến 48 tiếng sau đó khi các cơ bắp bắt đầu mục rữa ra dần dần và trở thành mềm đi.
Qua những ngày kế đó, nếu một thi thể không được tẩm ướp bởi hóa chất hay giữ trong môi trường có nhiệt độ thấp (thí dụ phòng lạnh) thì các quá trình sau đây cũng xảy ra đồng loạt. Tử thi bước sang giai đoạn sình thối.
Sự tự hủy của cơ thể khởi sự hầu như lập tức sau khi một người vừa chết. Trong vòng vài phút sau khi oxy không còn được cung cấp nữa thì nồng độ acid trong tế bào tăng dần lên. Chất acid nầy là sản phẩm phụ của những phản ứng hóa học xảy ra bên trong mỗi tế bào. Những enzyme (bình thường có nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn cho chúng ta) bắt đầu ăn thủng các màng tế bào và chảy lan ra ngoài những tế bào bị tiêu hủy. Thường thì quá trình nầy bắt đầu từ lá gan vì nơi đây chứa nhiều enzyme nhất, rồi kế đó là ở bộ não vì nó chứa nhiều nước. Dần dần, mọi tế bào, mọi sớ thịt, mọi bộ phận trong cơ thể đều bị tiêu hủy bởi những enzyme giống như vậy.
Ngoài việc thi thể tự hủy bởi các enzyme còn có sự tự hủy bởi vi khuẩn. Khi một người còn sống, có vô số vi khuẩn đủ loại cư ngụ ở trên và bên trong cơ thể họ. Mỗi loại vi khuẩn chiếm đóng một vùng cơ thể khác nhau và có ảnh hưởng quan trọng khác nhau lên sự điều hành của cơ thể. Nhiều nhất trong cơ thể là những vi khuẩn sống trong ruột, có khoảng hàng trăm tỉ vi khuẩn của hàng ngàn loại khác nhau. Những vi khuẩn nầy tối cần thiết cho sự tiêu hóa thức ăn hàng ngày của chúng ta.
Bình thường, số lượng và hoạt động của tất cả các loại vi khuẩn trên được cân bằng và điều hòa một cách khéo léo. Và nói chung, vi khuẩn không thể cư ngụ trong hầu hết các cơ quan nội tạng của một thân thể còn sống (trừ ruột, như vừa nói). Tuy nhiên, sau khi chết, hệ thống miễn nhiễm ngừng làm việc, vi khuẩn trong ruột bắt đầu phát triển và bành trướng tự do. Vì không có gì kềm chế chúng, các vi khuẩn ở đây bắt đầu tiêu hóa thành ruột bên trong rồi ăn dần ra bên ngoài đến các mô bao quanh. Kế đó chúng tấn công toàn bộ hệ thống tiêu hóa rồi lan qua đến các bộ phận khác như gan, tuyến tụy, rồi qua tim, phổi, v.v. Các vi khuẩn cũng xâm nhập hệ thống huyết quản và dùng các mạch máu như những đại lộ cao tốc để di chuyển nhanh chóng đến khắp nơi trong cơ thể.
Thí nghiệm cho thấy vi khuẩn lan tràn từ ruột ra khắp người theo một trình tự khá nhất định. Thí dụ như gan bắt đầu bị vi khuẩn phá hủy trung bình 20 giờ sau khi chết. Và sau khoảng 58 giờ thì toàn thể nội tạng đều bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn. Thí nghiệm cũng cho thấy mỗi loại vi khuẩn làm chủ động ở mỗi giai đoạn khác nhau trong trình tự phân hủy nầy. Các chuyên viên điều tra và khám nghiệm tử thi cũng sử dụng kiến thức nầy để ước lượng thời gian chết.
Khi vi khuẩn tấn công những bộ phận bên trong, màu da của tử thi bắt đầu biến đổi, với sự xuất hiện của những mạch máu có dạng vân cẩm thạch màu xanh lá cây sậm tiêu biểu, rồi trở thành những mảng màu tím, rồi đen. Nếu vì lý do gì đó bạn không nhìn thấy được quá trình cơ thể tự phân hủy nầy thì bạn chắc chắn sẽ ngửi được nó. Đó là vì nó sản xuất ra một chất khí có mùi hôi thúi rất đặc biệt. Đó là một hỗn hợp nói chung gồm khí methane (không mùi), hydrogen sulphide (mùi trứng thối) và ammonia (mùi nước tiểu). Ngoài ra có hai hóa chất cũng được tạo ra trong quá trình phân hủy, đó là cadaverine và putrescine. Chính hai hóa chất nầy làm cho xác chết có mùi hôi thối tiêu biểu đặc biệt của nó.
Trong vài ngày đầu, da cũng như các sớ thịt người chết bị co rút lại đôi chút. Điều nầy làm cho móng tay, móng chân và tóc của tử thi có vẻ như đã mọc dài ra hơn. Tuy vậy đó chỉ là một ảo giác.
Sau khoảng một tuần, nhất là ở những nơi khí hậu nóng và ẩm, thì lượng khí sản xuất ra nhiều đủ để làm tử thi phình chương lên, đôi tròng mắt có thể bị đẩy trồi khỏi hố mắt, lưỡi nở lớn và lè ra ngoài. Vì thân thể bị phồng to lên, tay chân của xác chết lúc nầy cũng thường giang mở rộng ra. Trong vài trường hợp hiếm, với những xác chết phụ nữ mang thai, sau khoảng 2 tuần áp suất của khí nầy có thể mạnh đủ để đẩy xác của thai nhi ra khỏi thi thể người mẹ.
Khoảng một tháng sau khi chết, tóc và móng tay chân sẽ bắt đầu rụng khỏi người. Lớp da của tử thi lúc nầy sẽ phồng dộp lên ở nhiều chỗ và chỉ cần bị đụng nhẹ cũng có thể rớt hẳn ra.
Mùi hôi thúi từ tử thi đặc biệt hấp dẫn các loại côn trùng, nhất là ruồi xanh (hay ruồi lằn) và bọ hung. Thật ra, ruồi xanh hầu như luôn luôn có mặt trước nhất vì chúng có hệ thống khứu giác cực kỳ nhạy bén có thể ngữi được mùi tử thi từ xa hơn 1km, và trong vòng một tiếng đồng hồ sau khi chết! Điều nầy cho thấy chúng có thể ngữi thấy quá trình tự phân hũy trong tử thi rất lâu trước khi chúng ta cảm nhận.
Mỗi con ruồi đẻ từ 200 đến 500 trứng lên da của tử thi. Ở những nơi nóng và ẩm, các trứng nầy nở ra thành dòi trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Đây là đợt dòi đầu tiên. Những con dòi nầy ăn các sớ thịt thối rữa trở thành lớn mập rất nhanh chóng. Sau khoảng 2 tuần chúng biến thể trở thành ruồi và khoảng 36 giờ đồng hồ sau những con ruồi nầy có thể sinh ra đợt dòi thứ hai. Chu kỳ sinh sản tái diễn và số lượng dòi trên tử thi tiếp tục gia tăng theo cấp lũy thừa. Những con dòi nầy ăn thành những lỗ thủng thông vào bên trong tử thi. Những chất khí và chất lỏng phát xuất từ quá trình sình rữa bên trong thoát ra bên ngoài qua những lỗ hở trên. Chỉ những con dòi nầy không cũng có thể tiêu thụ 60% trọng lượng một tử thi trong vòng vài tuần.
Ngoài ruồi còn có bọ hung. Bọ hung thường có mặt khoảng 24-36 giờ sau khi chết và ăn tất cả mọi thứ. Nhiều loại bọ hung khác nhau đến tuần tự ở những khoảng thời gian khác nhau. Bọ hung cũng ăn cả trứng ruồi và dòi. Ruồi xanh thường đẻ trứng ở mắt, mũi và miệng của tử thi nên những nơi nầy cũng được bọ hung chiếu cố trước nhất. Có loại bọ hung chỉ hấp thụ chất lỏng chảy ra từ bên trong tử thi. Phần đông cạnh tranh trực tiếp với ruồi, tuy nhiên chúng ưa thích nhất những sớ thịt đã khô dần lại. Khi tử thi dần dần khô thêm và trở thành quá cứng cho dòi có thể ăn được dễ dàng thì số lượng ruồi giảm xuống và lúc đó bọ hung là nhóm côn trùng chính. Sau khi tất cả các sớ thịt khô đã được tiêu thụ hết, chúng bắt đầu ăn qua những thứ khác cứng hơn như gân, sụn, da khô và tóc.
Khoảng 48 sau khi chết, các côn trùng khác như ong, nhện, rết, bò cạp cũng bắt đầu tìm đến để săn bắt những con bọ hung đang có mặt ở đó.
Vì tất cả loại côn trùng trên lần lượt hiện diện theo một lịch trình hầu như không thay đổi nên người ta có thể nhìn xem loại côn trùng nào đang có mặt trên tử thi để xác định được thời gian chết. Nếu biết được gốc gát và địa bàn sinh sống của mỗi loại côn trùng đó, người ta cũng có thể nhận định được nếu tử thi đã từng bị di chuyển từ những nơi chỗ khác hay không.
Giữa 20 đến 50 ngày sau khi chết, khi tử thi đã khô đủ thì giai đoạn lên men bắt đầu. Trong mỡ động vật có chất acid butyric. Chất butyric nầy lên men và lôi cuốn thêm một số loại côn trùng khác đến nữa. Nhiều loại meo, mốc, nấm bắt đầu nẩy nở trên xác chết. Trong giai đoạn nầy, mùi hôi thối đã bắt đầu giảm bớt.
Giai đoạn lên men dần dần chuyển sang giai đoạn được gọi là “mục rữa khô” khi các chất lỏng trong tử thi đã khô hết. Mùi hôi thúi hầu như không còn nữa, ngoại trừ mùi da khô hay lông tóc ẩm ướt và mùi meo mốc. Số lượng, và số loại, côn trùng trong tử thi cũng còn lại rất ít, nói chung chỉ còn các loại vi khuẩn là thành phần chủ động chính. Quá trình nầy có thể kéo dài cả năm, hay nhiều năm tùy điều kiện môi trường. Trong một số môi trường thích hợp (thí dụ như dưới cát nóng ở sa mạc, hay trong đất lạnh băng giá và khô) quá trình nầy có thể biến tử thi thành những xác ướp tự nhiên.
Thông thường, sau một hay hai năm (tùy độ ẩm và nhiệt độ), nếu một tử thi để phơi bày trong môi trường thiên nhiên (như để nằm ngoài rừng bụi, đồng hoang) thì tất cả mọi thành phần lớn nhỏ, kể cả bộ xương, của nó sẽ đều bị phân hủy hoặc tiêu thụ hết. Và những phân tử đã từng nằm trong nó sẽ tản mát trở lại trong thiên nhiên. Người ta ước lượng một cơ thể trung bình chứa khoảng 50-70% nước, và mỗi kí-lô của thi thể người chết có thể thải vào đất khoảng 32g nitrogen, 10g phosphorous, 4g potassium và 1g magnesium. Thí nghiệm cho thấy vùng đất chung quanh một tử thi đã tan rã trở thành mầu mỡ hơn hẳn với số lượng thực vật (cây cỏ và nấm, mốc, men) lẫn động vật (côn trùng, vi khuẩn) vượt bội hơn các vùng đất lân cận.
Tất cả tử thi đều dần dần tan rã. Ngay cả những tử thì đã được tẩm ướp bởi hóa chất hay được chôn cất trong những quan tài hay hầm mộ kín đáo nhất. Thời gian dẫn đến tan rã hoàn toàn là bao lâu thì tùy vào phương pháp và hóa chất ướp tẩm gì, quan tài và hầm mộ ra sao. Những tử thi tiếp cận với môi trường tự nhiên, như trên mặt đất hay dưới những mộ huyệt đất cạn, sẽ tan rã nhanh hơn.
Thi thể, nói chung chỉ là những dạng năng lượng nằm kết hợp với nhau qua các nguyên tử, phân tử, tế bào, mô cơ, v.v. chờ dịp được phóng thoát trở về vũ trụ. Theo luật động nhiệt học, năng lượng không thể được tạo thành hay tiêu hủy mà chỉ có thể chuyển đổi từ dạng nầy sang dạng khác. Nói cách khác, khi vật thể tan hủy thì những thành phần vật chất của nó chuyển đổi ra thành năng lượng. Hiện tượng sình thối, tan rã của thi thể con người chỉ là một nhắc nhở lạnh lùng là tất cả mọi thứ trong vũ trụ đều tuân theo quy luật đó. Khi thi thể chúng ta tự hủy, phần vật chất mà chúng ta tạm thời nắm giữ bấy lâu nay sẽ hoàn trả lại để những sinh vật khác đến lượt chúng sử dụng.
Ngay cả cát bụi, cũng không ai độc quyền sở hữu.
Chú thích:
1/ Ngoại trừ có thể nói một vài tông phái Phật Giáo thực hành một phương pháp thiền định gọi là “maranasati” (hay “quán định sự chết”). Các tăng sư ngồi thiền trước mặt một tử thi qua nhiều ngày, nhiều thời kỳ từ lúc mới chết đến lúc sình thúi, đầy dòi bọ, bị tan rữa dần dần, cho đến khi chỉ còn bộ xương. Chúng ta có thể thấy cách thiền định nầy ở một số địa phương trong các nước như Ấn Độ, Tây Tạng, Thái Lan nơi theo phong tục tang lễ thi thể người chết được phơi bày lộ thiên để dần dần phân hủy tự nhiên.
Mục đích của phương cách thiền định nầy là giúp các tăng sư nhận thức được sự vô thường và tạm bợ của đời sống và của thân xác mỗi người. Từ đó, họ có thể sẽ không còn bị những tham mê sắc dục và danh lợi lôi cuốn đi lệch khỏi con đường tu đạo nữa.
2/ Dữ liệu trong bài nầy được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau. Một vài nguồn đó được liệt kê dưới đây:
http://www.womenshealthmag.com/health/what-happens-when-you-die
https://www.theguardian.com/lifeandstyle/2008/feb/16/healthandwellbeing.weekend2
http://mosaicscience.com/story/what-happens-after-you-die
http://health.howstuffworks.com/diseases-conditions/death-dying/dying4.htm
http://www.apricotpie.com/jessica/forensic-entomology-how-bugs-reveal-the-time-of-death
http://www.sfu.museum/forensics/eng/pg_media-media_pg/entomologie-entomology/