Nguyễn Nhân Trí -
- Tôn Giáo
- Sự Chết và Con Người
- Thuyết Tiến Hóa
ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM
Bất Khả Xâm Phạm
Ngày 14 và 15 tháng Hai, 2015, hai vụ khủng bố nổ súng giết người xảy ra ở Copenhagen, Đan Mạch.
Vụ thứ nhất, một người bịt mặt với nhân dạng điển hình Trung Đông đã xã súng bắn vào một buổi diễn thuyết công cộng mang tựa đề “Nghệ Thuật, sự Xúc Phạm và Tự do ngôn luận” ở một trung tâm văn hóa làm một người chết và 3 cảnh sát bị thương.
Cảnh sát Copenhagen tin rằng mục tiêu chính của cuộc khủng bố nầy thật ra là họa sĩ Lars Vilks, một trong những người diễn thuyết ở buổi họp nầy. Lars Vilks may mắn không bị thương tích gì. Ông là người đã từng đăng hình Tiên Tri Muhammed dưới dạng một “con chó công trường” vào năm 2007. Từ đó ông đã nhiều lần bị hăm dọa và ít nhất một lần bị ám sát hụt cũng như suýt bị đốt cháy nhà. Tất cả đều do những tín đồ Hồi Giáo cho rằng ông đã mạ nhục đấng thiêng liêng của họ.
Bên trên là bức tranh vẽ nguệch ngoạt đã được xem là án tử hình của ông Vilks.
(Cũng cần giải thích rõ thêm rằng “con chó công trường” là một loại hình tượng nghệ thuật rất phổ biến ở Thụy Điễn trong năm 2006 do dân chúng làm và trưng bày ở các công trường – bùng binh – để làm đẹp đường phố. Lars Vilks giải thích mục đích ông vẽ hình Muhammed dưới dạng con chó công trường là để “kiểm nghiệm khuôn khổ tiêu chuẩn chính trị trong cộng đồng nghệ sĩ”).
Vụ nổ súng thứ hai xảy ra sáng ngày kế đó, cũng cùng tên khủng bố trên đã vô cớ bắn chết một nhân viên canh gát người Do Thái và gây thương tích cho 2 cảnh sát tại một đền thờ đạo Do Thái cách đó không xa. Không ai biết lý do gì người nhân viên nầy bị bắn chết ngoại trừ việc anh là một người Do Thái canh gát một đền thờ Do Thái.
Cùng ngày hôm đó, tên khủng bố nầy đã bị bắn chết trong khi chống trả với cảnh sát lúc họ tìm ra được hắn. Hắn có tên là Omar Abdel Hamid El-Hussein.
Hiện tượng “xúc phạm đến tôn giáo của tôi thì tôi sẽ giết anh” đang xảy ra tràn lan trên khắp thế giới, hiện nay nổi bật là từ Hồi Giáo. Những kẻ cuồng tín trong Hồi Giáo cho rằng tôn giáo của họ là một lãnh vực thiêng liêng mà không ai vì bất cứ lý do gì được nói động đến. Hễ ai nói động đến bất cứ điều gì về Hồi Giáo, mặc dù đúng hay sai, là họ sẽ tìm mọi cách để trừ khử kẻ đó.
Vào tháng Giêng vừa qua, vụ khủng bố tàn sát mười mấy người tại trụ sở tuần báo Charlie Hebdo ở Paris cũng đã xảy ra vì lý do nầy. Tuần báo trên nổi tiếng về những phiếm họa chỉ trích đủ các nhân vật chính trị và tôn giáo, trong đó có Giáo Chủ Muhammed của Hồi Giáo.
Điều đáng buồn và đáng lo ngại là nhiều người trong xã hội Tây Phương, lẫn trong cộng đồng Việt Nam chúng ta, có khuynh hướng cho rằng “mấy người đó (thí dụ như Charlie Hebdo) cũng đáng tội vì họ đã xúc phạm đến tín ngưỡng của người khác”.
Vấn đề cần thấy là, khi tuyên bố điều trên họ đã biểu lộ ít nhiều sự cảm thông với hành vi sát nhân của các bọn khủng bố. Họ cho rằng, đối với họ tôn giáo là một thứ thiêng liêng tuyệt đối, và bất khả xâm phạm. Họ cho rằng tôn giáo, nhất là tôn giáo của họ, cao giá hơn tất cả mọi thứ khác. Kể cả mạng sống của kẻ khác. Kể cả quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận mà nhiều người chúng ta đã liều mình bỏ trốn khỏi chế độ cộng sản độc tài tàn ác để tìm có được ngày nay.
Ngay cả một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thế giới cũng đã bị chỉ trích về vấn đề nầy. Ngày 15 tháng Giêng 2015 trên chuyến bay đi thăm Phi Luật Tân, Đức Giáo Hoàng Francis một mặt chỉ trích bọn khủng bố Hồi Giáo tấn công tòa báo Charlie Hebdo một mặt tuyên bố “tự do ngôn luận thì được nhưng không được xúc phạm đến tôn giáo”.
ĐGH đã nhấn mạnh nếu ai xúc phạm đến tôn giáo thì họ không nên ngạc nhiên khi bị gặp phản ứng như vậy. Ông chỉ một tùy viên đồng hành lấy làm thí dụ, “Nếu anh bạn nầy xúc phạm đến mẹ tôi thì tôi sẽ không ngần ngại đấm vào mặt ông ấy ngay, và đó là một điều bình thường”. Ông tiếp tục, “Những người trêu chọc tôn giáo thì sẽ gặp những chuyện xảy ra cũng tương tự như người trêu chọc mẹ tôi”.
https://www.youtube.com/watch?v=cnYNHto2CS8
Vì những lời tuyên bố trên, nhiều người lên tiếng phản đối cho là ĐGH đã gián tiếp đồng ý với bọn khủng bố Hồi Giáo trong tư tưởng “nếu ai đụng đến Thượng Đế của tôi thì tôi sẽ trừng phạt họ”. Họ cho rằng ĐGH đi ngược lại lời dạy của Giê-su (Kinh Matthêô 5:39 “Đừng chống cự kẻ dữ; nếu họ vả vào má bên nầy của nhà ngươi, hãy chìa má bên kia đưa cho họ”) ngay trong thí dụ sẽ đấm ai xúc phạm đến mẹ ông ấy.
Điều quan trọng hơn nữa là họ cũng cho rằng khi ĐGH, người đứng đầu của Tòa Thánh Vatican tuyên bố “Không ai được khiêu khích, không ai được chỉ trích tôn giáo của người khác, không ai được chọc ghẹo tín ngưỡng” thì ông cũng đang truyền bá quan điểm của ông rằng quyền tự do ngôn luận cần phải bị giới hạn khi nói đến tôn giáo.
Tuần báo Charlie Hebdo và Lars Vilks có những lý lẽ của họ khi đăng các phiếm họa về Muhammed. Chúng ta có thể không đồng ý về những lý lẽ trên, tuy nhiên chúng ta không có quyền vì vậy mà tàn sát họ. Triết gia Voltaire có nói rằng “Tôi có thể bất đồng ý với những điều anh nói nhưng tôi sẽ chiến đấu bằng cả sinh mạng tôi để bảo vệ quyền của anh được nói lên điều đó”.
Theo tôi, phương cách thích đáng nhất để chống đối với lý lẽ là dùng lý lẽ. Chỉ có những nhà cầm quyền độc tài mới dùng bạo lực để đối đáp với lý lẽ. Và thường chỉ khi một người không tìm ra lý lẽ gì để đối đáp thì họ mới sử dụng đến bạo lực. Và nếu thế thì đây là một điều cần đáng suy ngẫm: nếu chúng ta đối diện một tư tưởng có vẻ trái ngược với những ý niệm trụ cột của chúng ta mà chúng ta không thể tìm ra lý lẽ nào để chống đối nó thì có thể nào đó là vì có vấn đề gì đó không ổn ngay trong những ý niệm trụ cột ấy của chúng ta chăng?
Theo tôi, tư tưởng “tôn giáo bất khả xâm phạm” trên còn là một tư tưởng thiển cận và nguy hiểm.
Thiển cận là vì những người nầy chỉ biết bảo vệ cái gọi là niềm tin thiêng liêng của họ bây giờ mà không chịu nhìn thấy hậu quả tai hại về lâu dài. Trong tôn giáo nào cũng có những tệ nạn, những sai lầm và những kẻ lợi dụng tín điều vì tư lợi. Nếu chúng ta cố gắng che đậy bưng bít các tệ hại, sai lầm trên bằng bất cứ giá nào chúng ta chỉ vô tình dung dưỡng cho chúng trở thành hôi thối hơn thay vì có cơ hội đem ra ngoài ánh sáng để sửa đổi.
Nguy hiểm là vì không những không ai được “xúc phạm” đến tôn giáo của bọn cuồng tín, chúng còn xem tất cả ai không quy phục Hồi Giáo đều là “ngoại đạo”, “tà đạo” và chỉ đáng bị tiêu diệt. Bọn cuồng tín Hồi Giáo tự xưng là “Quốc Địa Hồi Giáo” (hay “Islam State”, thường viết tắt là “IS”) gom chung Hoa Kỳ và tất cả nước Tây Phương khác theo Thiên Chúa Giáo vào một mối là kẻ thù của chúng. Và những bọn cuồng tín Hồi Giáo trên tin rằng họ chỉ đang thực hành theo các lời răn trong Kinh Koran về cách đối xử với những kẻ ngoại đạo để biện hộ cho cuộc “thánh chiến” ngày nay của chúng.
Hiện tượng khủng bố của bọn cuồng tín nầy đang lan tràn mọi nơi, nhất là ở các quốc gia Âu Châu, Mỹ, Úc. Nếu ai trong chúng ta chưa nhận thấy và chưa lo sợ về việc nầy thì có lẽ họ nên bắt đầu đi là vừa. Nạn khủng bố nầy sẽ bành trướng ngày một nhiều ngay trong những quê hương thứ hai của chúng ta. Nó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta. Chúng ta không biết gia đình và con cháu của chúng ta lúc nào sẽ là nạn nhân của chúng. Một ngày nào đó có thể đến tình trạng chúng ta sẽ e ngại mỗi lần đi đến gần những cơ sở hành chánh, trung tâm thương mãi có dính líu đến bất cứ điều gì bị giáo điều của Kinh Koran cấm đoán. Tình hình nầy sẽ không khác gì những năm cuối thập niên 60, đầu 70 ở Sài Gòn khi đặc công Việt Cộng không ngần ngại liệng lựu đạn, đặt chất nổ thường xuyên tại các quán ăn, rạp hát để phá hoại chính quyền VNCH và quân đội đồng minh bất kể giết hại bao nhiêu người dân vô can vô tội chung quanh.
Chúng ta cần nhận thấy rằng chính chúng ta có trách nhiệm không nhỏ trong việc để tình hình bất an ninh hiện tại xảy ra. Đó là vì nhiều người trong chúng ta đã không tỏ thái độ hay lên tiếng phản đối công khai và cực lực trước hành vi bạo hành của các phần tử bất hảo khi chúng đem cái bình phong “tôn giáo, tín ngưỡng” ra để che chở.
Cái tư tưởng “đó là tín ngưỡng của họ thì mình phải tôn trọng” đã dẫn đến nạn một số di dân Hồi Giáo tung hoành phá nhiễu trên nhiều quốc gia Âu Châu. Nhiều chính trị gia vì tư tưởng đó, và vì áp lực của cử tri, mà không dám đưa ra những biện pháp thích ứng để đối phó với tình trạng hỗn loạn nầy. Bọn Hồi Giáo cuồng tín muốn tiêu diệt tất cả những gì là nền tảng của thế giới tự do trong đó có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và nhiều quyền tự do khác mà đa số chúng ta quý trọng. Và khi im lặng không lên tiếng (hay tệ hơn nữa là lên tiếng biểu lộ sự cảm thông với hành vi của chúng) là chúng ta đang tiếp tay cho chúng làm việc nầy.
Nhiều người không dám mở miệng ra chống đối bất cứ điều gì nếu nó được cho là liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Họ hoặc lo sợ bị tội lỗi với đấng thiêng liêng hoặc không có đủ kiến thức lẫn can đảm làm điều đó công khai. Cũng có nhiều người không dám là vì họ sợ bị kỳ thị, phản cảm bởi bạn bè, thân nhân, đồng nghiệp của họ hay bị đàn áp bởi những kẻ có quyền hành hơn họ.
Bây giờ, nhìn vào tình hình vài nước Âu Châu đã có thể nói là khá trễ để cứu vãn. Tuy nhiên, trễ vẫn còn hơn là không bắt đầu cố gắng làm gì cả. Nếu dẹp bỏ được tư tưởng “tôn giáo bất khả xâm phạm” thì chúng ta ít ra mới có thể giải quyết vấn đề trực diện được. Chúng ta, những người dân bình thường vẫn có thể dùng kiến nghị và lá phiếu bầu cử của mình để vận động các dân biểu, nghị sĩ, tổ chức báo chí, lực lượng chính trị, v.v. để xúc tiến việc nầy. Có thoát khỏi được cái gông cùm tinh thần trên thì chúng ta mới có thể tập trung nỗ lực thực hiện những phương cách thực tiển và hữu hiệu để hy vọng dần dần phục hồi an ninh lại cho những quê hương thứ hai của chúng ta. Nên nhớ rằng các quê hương thứ hai nầy là nơi không những bản thân chúng ta mang ơn nặng suốt đời mà còn là nơi gia đình lẫn con cháu của chúng ta sinh sống nhiều thế hệ sau nầy nữa.
Và theo sau đó, quan trọng không kém, là chỉ khi cái quan niệm “tôn giáo bất khả xâm phạm” được dẹp bỏ đi thì các ý niệm “tự do” như tự do tư tưởng, tự do ngôn luận mới không thường xuyên bị đe dọa và chà đạp. Nhà văn và ký giả Anh George Orwell đã từng nói: “Nếu tự do ngôn luận có ý nghĩa gì thì nó có nghĩa là quyền được tuyên bố những điều mà người khác có thể không muốn nghe”.
Khi một niềm tín ngưỡng nào đó xâm phạm trực tiếp đến an sinh của mọi người thì tại sao lại vẫn dành cho nó cái đặc quyền “bất khả xâm phạm”? Nếu không thì chúng ta có khác gì mấy với bọn cuồng tín Hồi Giáo? Và nếu chúng ta chủ trương “tự do ngôn luận thì được nhưng không được xúc phạm đến tôn giáo” thì có khác gì với chủ trương “tự do báo chí thì được nhưng không được xúc phạm đến Nhà Nước và Đảng”?
Da Màu: http://damau.org/archives/37629
Thiên Chúa Giáo
Hồi Giáo