Nguyễn Nhân Trí -
- Tôn Giáo
- Sự Chết và Con Người
- Thuyết Tiến Hóa
ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM
Sự Hình Thành của Kinh Thánh
Kinh Thánh là nền móng của Thiên Chúa Giáo. Phần đông tín đồ Thiên Chúa Giáo nghĩ rằng Kinh Thánh là lời truyền dạy bất di bất dịch của Chúa Trời đã được ghi lại và giữ nguyên bản từ hàng ngàn năm về trước.
Thật ra thì không phải vậy. Bằng chứng lịch sử cho thấy Kinh Thánh chỉ là một tác phẩm đã được con người chọn lựa nội dung, soạn thảo và thay đổi hầu như liên tục trong 2000 năm nay.
Kinh Thánh là một tập hợp của khoảng 66 tập kinh khác nhau, được đặt mã số cho từng chương, từng câu để dễ việc trích giảng. Tôi dùng chữ “khoảng” vì con số 66 nầy thay đổi tùy theo mỗi giáo phái khác nhau và tùy theo cách đếm của họ. Đồng thời, các tập kinh nằm trong con số "khoảng 66" nầy cũng khác nhau giữa những giáo phái khác nhau.
Mục lục và nội dung của Kinh Thánh, Tân Ước cũng như Cựu Ước, đã thay đổi và được tranh cãi không ngừng bởi các giáo phái Thiên Chúa Giáo qua nhiều thế kỷ.
Bởi vì những bất đồng ý kiến giữa các soạn giả, những giáo phái khác nhau do đó trong lịch sử đã từng có hàng trăm tập sách khác nhau gọi là “Kinh Thánh”. Sự kiện nầy không phải là do việc dịch thuật từ một ngôn ngữ sang ngôn ngữ khác mà là do sự bất đồng ý giữa các tu sĩ lãnh đạo trong Thiên Chúa Giáo về nội dung, ý nghĩa và số lượng của những gì mà họ cho là đáng được phối hợp lại để làm thành một quyển “Kinh Thánh” duy nhất.
Quyển Tân Ước mà chúng ta dùng ngày nay là một sản phẩm khá cận đại. Cấu trúc và nội dung của quyển Tân Ước nầy cũng đã biến đổi hầu như liên tục từ đầu thế kỷ thứ nhất cho đến cuối thế kỷ thứ 16 mới dừng lại. Ngay cả đến cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20 vẫn còn có vài sửa đổi nhỏ (nhưng không phải không đáng kể) xảy ra trong Kinh Thánh của Công Giáo.
Giê-su
Trước khi nói đến sự hình thành của Kinh Thánh, có lẽ nên nói sơ qua về Giê-su.
Mặc dù học giả Thiên Chúa Giáo đã cố công khảo cứu, cho đến nay vẫn không có bằng chứng khách quan cho thấy rằng trong lịch sử đã từng có một nhân vật có thật sinh ở Bê-lem mang tên là Giê-su. Có nhiều sự bất nhất trong nhiều chi tiết liên quan đến thân thế, quê quán của Giê-su đưa đến các ngờ vực nói chung cho rằng đây có thể chỉ là một tác phẩm tưởng tượng đã được tín đồ thêu dệt thành hơn là một nhân vật thật sự hiện hữu trong lịch sử.
Tuy vậy, sự kiện có một người cầm đầu một phong trào tôn giáo gì đó khác biệt với quốc giáo hiện hành trong thời đế quốc La Mã đã bị xử tử là một điều rất khả dĩ. Có lẽ chỉ cần so sánh với thời kỳ mà Thiên Chúa Giáo thống lĩnh toàn mặt tôn giáo lẫn chính quyền trong lịch sử Tây Phương trước thế kỷ 18 chẳng hạn thì sự kiện trên sẽ rất dễ thấy và dễ hiểu: Chính Thiên Chúa Giáo cũng đã từng công khai kết tội và xử tử vô số người đã dám phát biểu những tư tưởng tâm linh khác biệt với họ trong thời kỳ nầy.
Theo tôi thì Giê-su có thể là một nhân vật có thật, một dạng triết gia và một nhà truyền đạo, đã sống ở Trung Đông dưới sự đô hộ của đế quốc La Mã hơn 2000 năm về trước. Giê-su đã đứng ra truyền giảng một tôn giáo khác hẳn với quốc giáo đa thần đương thời của chính quyền La Mã. Tư tưởng tôn giáo của Giê-su vì lý do gì đó đã được một số đông dân chúng tin theo và ủng hộ. Chính quyền La Mã do đó đã phản ứng một cách thích ứng: họ tìm cách kết tội và diệt trừ người cầm đầu mối họa tôn giáo, và chính trị, nầy.
Cái tư tưởng tôn giáo mà Giê-su truyền bá ở thời điểm đó là một dạng Do Thái Giáo cổ đã được cải biến đôi chút. Do Thái Giáo là một tôn giáo độc thần, tin vào sự hiện hữu của một thượng đế được xem là đấng sáng tạo của nhân loại. Niềm tín ngưỡng của Do Thái Giáo nói chung xuất phát từ một hỗn hợp của nhiều niềm tín ngưỡng của nhiều bộ lạc Trung Đông khác nhau từ nhiều thế kỷ trước khi Giê-su ra đời.
Giê-su đã dùng các ý niệm huyền bí sẵn có trong Do Thái Giáo cổ phối hợp với một số ý tưởng được xem là “tiến bộ vĩ đại” trong thời bấy giờ để rao giảng. Sự “tiến bộ vĩ đại” nầy được thể hiện qua một số lời răn dạy của Giê-su. Các lời răn nầy mang tính chất “tương đối ôn hòa” hơn so với những lời răn dạy của Do Thái Giáo cổ chính thống mà ngày nay nhiều học giả xem là cổ hủ, khắc nghiệt và man rợ. Có lẽ chính vì những tư tưởng “tương đối ôn hòa” nầy đã làm cho Giê-su được ngưỡng mộ bởi nhiều người lúc ấy. Tuy nhiên đây cũng là nguyên nhân dẫn ông đến pháp trường bởi chính quyền La Mã.
Tuy có phần ôn hòa nhưng những lời răn của Giê-su vẫn chứa đựng đầy những mê tín dị đoan của nguồn tín ngưỡng gốc là Do Thái Giáo. Hơn nữa, các định kiến của xã hội Trung Đông đương thời như cấm đoán tự do tư tưởng, trọng nam khinh nữ, khinh tởm đồng tính luyến ái, chủ trương nô lệ, v.v. vẫn được duy trì trong những lời răn dạy của Giê-su.
Những bước đầu trong sự thành hình của Kinh Thánh
Kinh Thánh hiện hành gồm có Cựu Ước và Tân Ước.
Kinh Cựu Ước có nguồn gốc trực tiếp từ kinh Do Thái Giáo. Kinh Do Thái Giáo là tập hợp của vô số huyền thoại kể truyền miệng qua hàng ngàn năm từ đời nầy qua đời khác trong các bộ lạc cổ Trung Đông trước khi được ghi chép lại bằng chữ viết.
Có nguồn cho rằng kinh Do Thái Giáo được ghi chép vào giữa thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, có nguồn cho rằng giữa thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên.
Kinh Do Thái gồm có 24 tập kinh khác nhau viết bằng tiếng Do Thái Cổ. Ngoài là tổng hợp những mẩu chuyện đã có sẵn trong một số tập kinh lấy từ kinh Do Thái Giáo, kinh Cựu Ước còn dùng các huyền thoại lấy từ một số các tập kinh khác không có trong kinh Do Thái Giáo. Có nguồn cho là các tập kinh làm thành kinh Cựu Ước được biên soạn ra giữa thế kỷ 12 và thế kỷ 2 trước Công Nguyên. Các tập kinh nầy lúc đầu được viết bằng tiếng Do Thái Cổ và Hy Lạp.
Ngay chính các sử gia Công Giáo cũng nhìn nhận họ không biết rõ ai đã tổng hợp các tập kinh cổ trên lại.
Kinh Cựu Ước của mỗi giáo phái trong Công Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành đều khác nhau đôi chút. Mỗi giáo phái lựa chọn và tập hợp một số tập kinh lại để làm thành quyển Kinh Cựu Ước của mình. Mỗi giáo phái nhìn nhận hoặc bác bỏ một số những tập kinh khác nhau. Công Giáo dùng 46 tập, Chính Thống Giáo 53-56 tập, Tin Lành và Anh Giáo 39 tập.
Như đã nói, trong lúc Giê-su còn sống, ông và các đồ đệ của ông dựa vào kinh Cựu Ước để truyền bá niềm tín ngưỡng của họ. Sau khi Giê-su chết, các tín đồ của Giê-su vẫn tiếp tục dùng kinh Cựu Ước. Đến khoảng 45 năm đến 140 năm sau khi Giê-su chết, các tông đồ của Giê-su mới bắt đầu biên soạn các văn kiện ghi chép lại cuộc đời và lời dạy của Giê-su. Và một số các văn kiện nầy về sau được kết hợp lại và dần dần trở thành cái mà chúng ta gọi là “Kinh Tân Ước” ngày nay.
(Vào thời đó, mỗi đời người chỉ kéo dài trung bình 45 năm. Có nghĩa là nhảy bỏ từ 1 đến 3 thế hệ nữa sau khi Giê-su chết thì các tông đồ mới bắt đầu ghi chép, biên soạn lại những lời ông đã dạy. Cũng tương tự như người ta phải kể lại những gì đã xảy ra ở đời ông nội hoặc ở đời ông sơ của họ!)
Nhiều giáo sĩ trong các thế hệ nối tiếp những tông đồ của Giê-su cũng viết nhiều văn kiện tương tự dựa theo cái nhìn và sự hiểu biết của riêng họ. Một số các văn kiện nầy lúc ấy được đọc lên kèm theo với kinh Cựu Ước trong các nghi lễ của họ.
Nên nhớ rằng không ai biết rõ về nguyên bản của kinh Tân Ước. Không ai tìm ra nguyên bản của nó. Có nguồn cho rằng các văn kiện đầu tiên nầy được viết bằng tiếng Hy Lạp Cổ rồi sau đó được dịch ra các ngôn ngữ khác như Latin, Ai Cập, v.v. Có nguồn cho rằng các văn kiện đầu tiên nầy được viết bằng tiếng Do Thái Cổ.
Trong khoảng thời gian 3 thế kỷ đầu tiên, có rất nhiều bất đồng ý kiến và tranh cãi xảy ra giữa các lãnh tụ Thiên Chúa Giáo về giá trị và sự chính xác của các văn kiện nầy. Quan trọng nhất là sự bất đồng ý về các Ẩn Kinh (apocrypha). “Ẩn Kinh” là các văn kiện tuy đã hiện hữu từ ban đầu và được cho rằng của các tông đồ của Giê-su viết ra nhưng không bao giờ được công nhận bởi một số các giáo phái.
Tuy đã có vài giáo sĩ thời đó muốn phối hợp một số các văn kiện trên lại thành một quyển Kinh Thánh duy nhất nhưng các nỗ lực đó đều không thành công vì các sự bất đồng ý kiến và tranh cãi nầy. Như đã nói, ngay cả ở những thế kỷ đầu của Công Nguyên cũng đã có hàng trăm “nguyên bản” gọi là “Kinh Thánh” mang nội dung và cấu trúc khác hẳn nhau. Trong tất cả các văn kiện (hay “tập kinh”) hiện hữu, chỉ có 4 tập Tin Mừng của Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Ghoan là được tất cả mọi người nhìn nhận ở thời điểm đó. Đây là lý do chính làm cho Thiên Chúa Giáo chia ra nhiều giáo phái khác nhau.
Giữa các giáo phái trong Thiên Chúa Giáo vào cuối thế kỷ thứ 3 có tổng cộng khoảng hơn 40 tập Tin Mừng khác nhau (ngoài 4 tập Tin Mừng của Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Ghoan), khoảng 40 Sách Công Vụ Tông Đồ, hơn 10 Sách Khải Huyền và hàng trăm bức thư của các Thánh. Mỗi giáo phái dùng một số văn kiện khác nhau trong việc nghi lễ của họ kèm theo với kinh Cựu Ước. Nói cách khác cho đến thời điểm đó thì quyển Kinh Thánh mà chúng ta có ngày nay chưa hề hiện hữu và không hề có một bộ văn kiện thống nhất nào được chấp nhận bởi toàn thể tín đồ Thiên Chúa Giáo.
Khái niệm khải huyền
Một điều quan trọng cần biết là trước thời điểm nầy (cuối thế kỷ thứ 3), không phải văn kiện nào của Kinh Thánh cũng được xem là “khải huyền”, có nghĩa là “đã được cảm nhận từ Thiên Chúa”.
Quan niệm “khải huyền” không hề hiện hữu khi Giê-su còn sống.
Chỉ đến cuối thế kỷ thứ 4, khi Giám mục Athanasius của Alexandria đứng ra giàn xếp phối hợp một bản danh sách của 27 văn kiện để tạo ra một quyển Kinh Thánh thống nhất cho Công Giáo, thì quan niệm “khải huyền” hay “thánh hóa” mới bắt đầu được giảng dạy và phổ biến.
Trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 4 trở đi, tín đồ Thiên Chúa Giáo nói chung mới đồng ý công nhận một số lớn các văn kiện nầy. Tuy vậy trên thực tế lúc ấy vẫn còn có rất nhiều quyển Kinh Thánh khác nhau của mỗi giáo hội khác nhau, mỗi quyển là một tập hợp khác nhau của các văn kiện khác nhau. Nói cách khác, các giáo hội nầy không thể hoàn toàn thống nhất được văn kiện nào có thể coi là đã được cảm nhận từ Thiên Chúa hay không.
Sự bất đồng ý kiến nầy tạo ra một sự chia rẽ trầm trọng giữa các giáo hội khác nhau trên lý thuyết tín ngưỡng cơ bản của tôn giáo họ.
Sự thống nhất và thánh hóa nội dung Kinh Thánh
Thời bấy giờ, Thiên Chúa Giáo đóng một vai trò chính yếu trong cơ cấu chính quyền của các nước Âu Châu. Khi Thiên Chúa Giáo bành trướng càng ngày càng lớn mạnh, sự chia rẽ trên phương diện lý thuyết tín ngưỡng nầy thật sự đe dọa sự ổn định chính trị lẫn cán cân quân sự giữa các cường quốc Âu Châu đương thời.
Có nhiều “hội đồng giáo định” được thành lập từ thế kỷ thứ 4 trở đi trong nỗ lực giải quyết sự khác biệt tư tưởng nầy. Các hội đồng giáo định nầy khảo nghiệm cặn kẽ từng văn kiện trước khi biểu quyết giá trị của nó. Qua nhiều thế kỷ, qua nhiều hội nghị khác nhau, mục tiêu hòa hợp và hòa giải vẫn không đạt được. Những quyết định của các hội đồng giáo định nầy thường không thỏa đáng và không đồng nhất. Có nhiều văn kiện và giáo định của những hội đồng trước bị các hội đồng sau bác bỏ, và ngược lại.
Trong thế kỷ thứ 16, sự chia rẽ đáng kể nhất về triết lý tôn giáo trong Thiên Chúa Giáo xảy ra giữa Công Giáo và Tin Lành. Đồng thời trong thế kỷ thứ 16, chiến tranh xảy ra khốc liệt và lan tràn giữa các nước như Anh, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà lãnh tụ quốc gia lẫn tôn giáo đều nhận thấy sự tối cần thiết để giải quyết ổn thỏa mau chóng và thân thiện về sự khác biệt tín ngưỡng nầy. Đây không chỉ là một vấn đề tín ngưỡng nữa mà là một quyết định chính trị liên quan đến sự phát triển và sống còn của xã hội Tây Phương thời bấy giờ. Sự kiện nầy có một ảnh hưởng lớn đến các hội đồng giáo định khi họ thảo luận và biểu quyết về “giá trị thiêng liêng” của các tập kinh trong Kinh Thánh.
Cuối cùng, vào những năm cuối thế kỷ 16 thì quá trình thánh hóa các “văn kiện được công nhận” mới xảy ra chính thức cho các giáo hội. Hội đồng giáo định của Công Giáo (Council of Trent) đã biểu quyết và chính thức tuyên bố công nhận mục lục và nội dung của quyển Kinh Thánh của họ vào năm 1546; hội đồng giáo định của Anh Giáo (qua Ba Mươi Chín Văn Bản) năm 1563; hội đồng giáo định của Tin Lành (qua Hội Nghị Westminster) năm 1647; hội đồng giáo định của Chính Thống Giáo (qua Hội Nghị Jesusalem) năm 1672.
Qua quá trình biểu quyết trên, có những tập kinh được công nhận mặc dù trong quá khứ chúng đã bị chối bỏ, có những tập kinh bị chối bỏ mặc dù trong quá khứ chúng đã được công nhận, có những tập kinh được công nhận bởi giáo hội nầy nhưng bị chối bỏ bởi giáo hội khác. Và ngược lại.
Từ đó quyển Kinh Thánh mà chúng ta đang dùng ngày nay thành hình.
Những tập kinh được biểu quyết bởi các hội đồng giáo định kể trên đều nói chung được giữ nguyên không đổi từ đó cho đến ngày hôm nay. Tuy vậy, gần đây có một vài thay đổi mặc dù nhỏ nhưng đáng kể xảy ra trong Kinh Thánh Công Giáo. Năm 1870, một số chi tiết được thêm vào trong sách Tin Mừng của Mac-Cô, Lu-ca, Ghoan. Ngày 2 tháng 6 năm 1926, Đức Giáo Hoàng Pius XI tuyên bố Tòa Thánh không còn công nhận “Comma Johanneum” nữa (“comma” là những đoạn ghi chú thỉnh thoảng được các soạn giả cố ý thêm vào từ đầu thế kỷ thứ 3 cho đến nhiều nhất là khoảng thế kỷ 16. “Comma Johanneum” là các ghi chú bởi Desiderius Erasmus of Rotterdam vào thế kỷ 16).
Vài nhận xét
1. Một điều cần biết là cho đến khi máy in chữ Gutenberg được sáng chế vào thế kỷ 15 thì tất cả các kinh sách đều được sao chép bằng tay. Trong thời bấy giờ, số người biết đọc và viết rất ít, và hầu như tất cả những người nầy đều là tu sĩ. Những tu sĩ nầy làm việc cho những giáo hội có những cái nhìn khác nhau về Kinh Thánh. Điều nầy có nghĩa là nội dung của các quyển Kinh Thánh thời bấy giờ rất dễ bị thay đổi, hoặc vì lỗi lầm vô tình hoặc vì cố ý biến sửa để trở thành thích hợp hơn với quan điểm của những lãnh tụ giáo hội.
2. Một điều khác cần chú ý là danh sách các tập kinh được cho vào Kinh Thánh đã được các hội đồng giáo định quyết định bằng phương pháp biểu quyết. Các thành viên của các hội đồng nầy đã dùng ý kiến cá nhân của họ để bỏ phiếu cho những tập kinh mà họ cho rằng có giá trị thiêng liêng. Sự kiện “bỏ phiếu” nầy cho thấy chính con người đã quyết định và gán đặt những giá trị thiêng liêng lên các văn kiện trên. Những văn kiện có nhiều phiếu nhất sẽ trở thành những tập kinh “đã được cảm nhận từ Thiên Chúa”. Nói cách khác, “ý của Chúa” mà tín đồ sùng bái ngày nay thật ra chỉ là ý của một số tu sĩ người phàm mắt thịt thời đó.
Nhiều học giả cho rằng đây cũng là một bằng chứng cho thấy Kinh Thánh chỉ là một sản phẩm tưởng tượng của con người.
3. Sự hiện hữu của hàng trăm quyển Kinh Thánh khác nhau bởi nhiều giáo phái khác nhau trong lịch sử cho thấy Kinh Thánh không phải là một tác phẩm đã được khải huyền từ một đấng Thượng Đế toàn năng, toàn diện. Sự biến đổi không ngừng của Kinh Thánh lệ thuộc trực tiếp vào từng chi tiết của các cuộc xung khắc và tranh cãi giữa những giáo phái đối nghịch nhau qua gần 16 thế kỷ.
Tôi cho rằng nếu Kinh Thánh thật sự là lời răn dạy của Thượng Đế thì cách thức truyền dạy nầy của Ngài rất thô sơ và kém hiệu quả; quá thô sơ và kém hiệu quả cho một Thượng Đế được cho là “toàn năng”.
4. Câu hỏi “Làm sao biết chắc được những chi tiết trong Kinh Thánh đã được cảm nhận từ Thiên Chúa mà không phải là hoàn toàn do trí tưởng tượng của con người?” luôn luôn là đề tài bàn cãi sôi nổi từ 2000 năm nay.
Có những học giả tôn giáo cho rằng cả 2 trường hợp đều đúng cả: “Kinh Thánh đã được Thượng Đế truyền dẫn từng câu từng chữ qua người viết nhưng đồng thời người viết cũng vẫn có thể diễn tả những câu chữ nầy dựa theo cái nhìn và tính khí của cá nhân”. Theo tôi, đây chỉ là một phương cách để cố bao che mọi phía: cho phép Kinh Thánh mang một giá trị thiêng liêng đồng thời dùng nhân tính giới hạn của người viết để chống đỡ cho những thiếu sót sai lỗi khi cần thiết.
5. Những chi tiết lịch sử của Kinh Thánh vừa trình bày ở trên đều được ghi chép rõ ràng trong thư viện của nhiều giáo phái. Theo Sam Harris – một tác giả vô thần tiền phong, tất cả những người đi học để tốt nghiệp trở thành tu sĩ Thiên Chúa Giáo đều thấy biết qua các dữ kiện nầy. Tuy vậy họ được giảng dạy với những cái nhìn khác lệch đi để không ảnh hưởng đến niềm tin của họ. Và họ cũng được dạy những phương cách tránh né các lý luận thất lợi nếu sau nầy phải đàm thoại với giáo dân về đề tài nầy.
Theo ông Harris, phần lớn học viên (không khác gì đa số tín đồ) vì đã có sẵn thói quen từ bé không chất vấn hay nghi ngờ giáo lý nên không thấy có vấn đề gì về việc nầy. Còn số học viên thắc mắc về nguồn gốc thật sự của Kinh Thánh, hay về cách nhìn của Tòa Thánh trong vấn đề nầy, chia làm hai nhóm. Một số bỏ dở khóa học và “ra đời”. Nhóm còn lại tự thuyết phục không để các chi tiết trên ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ nên vẫn tiếp tục con đường trở thành tu sĩ.
Da Màu: http://damau.org/archives/38999
Thiên Chúa Giáo
Hồi Giáo