top of page

Chương 6:

Những Vấn Đề Khó Khăn trong Thuyết Biến Thể 

 

 

Có một số câu hỏi khó khăn đưa ra về lý thuyết biến thể. Tuy nhiên Darwin cho rằng chúng không phải là những vấn đề thật sự, và nếu có đi nữa thì chúng cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến lý thuyết của ông.

 

Nói chung, có bốn vấn đề chính.

 

Thứ nhất, nếu các chủng loại ngày nay đã biến thể dần dần từng bước từ một số chủng loại “gốc” thì tại sao chúng ta không tìm thấy vô số các chủng loại “chuyển tiếp”? Nói cách khác tại sao trong thiên nhiên lại có từng chủng loại riêng rẽ cách biệt khác hẳn nhau chớ không có một chuỗi khác biệt liên tục từng bước nhỏ của vô số các chủng loại gần giống nhau?

 

Thứ hai, quá trình tuyển lựa bởi thiên nhiên làm sao có thể tạo ra những bộ phận, những cấu trúc cơ thể cực kỳ tinh vi (như cặp mắt của động vật hay đôi cánh của loài dơi) từ những bộ phận hoàn toàn đơn giản và khác hẳn?

 

Thứ ba, phản xạ tự nhiên được tạo thành và tiến hóa bởi sự tuyển lựa bởi thiên nhiên như thế nào? Thí dụ tại sao mỗi con ong thợ khi mới sinh ra đều đã biết xây những khuôn tổ hình lục giác một cách chính xác hoàn hảo?

 

Thứ tư, tại sao các chủng loại khác nhau không thể giao hợp và sinh ra con cái có khả năng sinh sản được trong khi các tiểu loại và các giống cùng chủng loại có thể làm điều nầy?

 

Darwin sẽ trình bày về vấn đề thứ ba (phản xạ tự nhiên) trong Chương 7 và vấn đề thứ tư (lai giống) trong Chương 8. Hai vấn đề kia sẽ được thảo luận dưới đây.

 

 

Sự vắng mặt hay hiếm hoi của những chủng loại trung gian

 

Môi trường sống thay đổi không ngừng. Sinh vật nào biến thể theo cùng chiều hướng thích ứng với sự thay đổi nầy sẽ có nhiều hy vọng sống còn. Một chủng loại do đó qua sự tuyển lựa bởi thiên nhiên sẽ dần dần biến thể ra thành những biến loại (varieties) khác nhau; mỗi biến loại mang những biến thể thích ứng nhất với sự thay đổi của môi trường mà chúng có thể có được. Vì tài nguyên (thức ăn, chỗ ở, v.v) của mỗi môi trường sống có giới hạn nên luôn luôn có một sự tranh giành không ngừng nghỉ giữa những cá nhân, tập thể, biến thể, tiểu loại, chủng loại. Những biến loại “mới” nhất sẽ có nhiều hy vọng nhất trong việc sống còn; chúng sẽ dần dần lấn chiếm tài nguyên và đồng hóa hoặc tiêu diệt những biến loại “chuyển tiếp”, lẫn chủng loại “gốc”, của chúng. Đó là tại sao tuy sự thay đổi trong môi trường sống và sự biến thể trong sinh vật chỉ xảy ra dần dần từng bước rất chậm nhưng ở bất cứ một thời điểm nào chúng ta thường chỉ thấy những biến loại riêng rẽ mà không thấy những biến loại chuyển tiếp hay chủng loại gốc của chúng.

Khi hiện tượng trên xảy ra ở một mức độ rộng lớn và lâu dài hơn, ở bất cứ một thời điểm nào chúng ta cũng chỉ sẽ thấy những tiểu loại và những chủng loại riêng rẻ mà không thấy các chủng loại gốc cũng như các bước chuyển tiếp của chúng.

 

Dĩ nhiên là chúng ta không thể di chuyển nhanh chóng trong dòng thời gian để kiểm chứng điều trên qua những môi trường thay đổi khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể di chuyển nhanh chóng trong không gian nơi mà môi trường sống thay đổi dần dần từ vùng nầy sang vùng khác. Thí dụ như ở những vùng mà đồng bằng nằm kế cận các cao nguyên, cấu trúc của thú vật và cây cỏ thay đổi hẳn hòi rõ rệt ở từng độ cao nào đó chớ không thay đổi dần dần. Khi đi từ thấp lên cao, nhiệt độ và thời tiết càng lúc càng lạnh dần hơn. Ở dưới thấp chúng ta gặp loài cây thông chỉ mọc ở khu vực đồng bằng. Ở một độ cao nào đó, một loại cây thông khác chỉ mọc ở vùng cao nguyên sẽ dần dần xuất hiện trong khi loài thông đồng bằng sẽ thưa dần. Ở một độ cao hơn nữa, loài thông đồng bằng sẽ biến mất hẳn và được thay thế hoàn toàn bằng loài thông cao nguyên. Ở các khoảng độ cao “chuyển tiếp” (nơi mà cả hai loại thông đều có thể sống chung xen kẻ với nhau), chúng ta không hề thấy có loại thông “chuyển tiếp” (biến loại trung gian giữa hai loại thông trên) nào cả.

 

Có người hỏi rằng trong trường hợp trên, khi môi trường sống (cao độ và nhiệt độ) thay đổi dần dần, thì chẳng phải là các loại thông chuyển tiếp thích ứng nhất ở những vùng có độ cao chuyển tiếp hay sao? Và nếu như thế thì tại sao chúng không thể tồn tại được?

 

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần nhớ đến rằng một tập thể, một chủng loại có dân số càng đông thì càng có nhiều hy vọng sống còn so với những tập thể, những chủng loại có dân số thấp. Đó là vì càng đông thì chúng càng có thể lấn chiếm tài nguyên cũng như có nhiều cơ hội tránh bị diệt chủng do bị săn bắt hay do bệnh tật. Thí dụ như loại thông đồng bằng đã biến thể từ loại thông cao nguyên (hoặc ngược lại, điều nầy không quan trọng). Khi loài thông cao nguyên lan dần xuống thấp, chúng biến thể dần thành ra những biến loại khác nhau thích ứng với các cao độ càng lúc càng thấp. Ở một cao độ nào đó, một biến loại nầy có thể thích ứng với cả vùng đồng bằng rộng lớn nên đã phát triển mạnh mẽ và trở thành loại thông đồng bằng. Loại thông đồng bằng do đó có dân số đông ở cao độ thấp; tương tự, loài thông cao nguyên cũng có dân số đông ở cao độ cao. Ở những cao độ trung gian có thể đã có những loại thông chuyển tiếp, tuy nhiên dân số của mỗi loại thông chuyển tiếp nầy rất nhỏ vì cao độ trong các vùng chuyển tiếp nầy thay đổi tương đối rất nhanh nên môi trường sống của mỗi loại sẽ rất nhỏ. Loại thông đồng bằng sẽ dần dần lấn chiếm lãnh thổ và đẩy lùi những loại thông chuyển tiếp lên càng lúc càng cao. Loại thông cao nguyên cũng sẽ dần dần lấn chiếm lãnh thổ và đẩy lùi những loại thông chuyển tiếp xuống càng lúc càng thấp. Khi hai loại thông đồng bằng và cao nguyên “gặp nhau” thì các loại thông chuyển tiếp đều đã bị tiêu diệt. Trong các khu vực trung gian nầy, ở mỗi thời điểm, hai loại thông đồng bằng và cao nguyên nằm ở một vị thế cân bằng: ở vùng thấp sẽ có nhiều thông đồng bằng hơn thông cao nguyên, và ngược lại ở vùng cao sẽ có nhiều thông cao nguyên hơn thông đồng bằng.

 

Có người đặt câu hỏi nếu có những chủng loại chuyển tiếp đã từng hiện hữu thì tại sao điều nầy không thể hiện ở những vật hóa thạch. Darwin cho rằng đó là vì tất cả những dữ liệu mà con người thu thập được từ vật hóa thạch cho đến nay vẫn còn rất ít ỏi và thiếu sót. Ông dành Chương 9 và Chương 10 để thảo luận chi tiết về vấn đề nầy.

 

Một điều cần nhận biết rằng khi môi trường sống thay đổi thì sự thay đổi nầy không chỉ là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quá trình tuyển chọn bởi thiên nhiên. Trong một môi trường sống, mỗi sinh vật đều đóng một vai trò quan trọng trong sự sống còn của nhiều sinh vật khác. Mỗi sinh vật đều có thể săn bắt hoặc bị săn bắt bởi một hay nhiều sinh vật khác. Do đó trong một môi trường sống, mỗi khi có một chủng loại “mới” di dân vào, hoặc mỗi khi có một chủng loại “địa phương” biến thể khác đi hay thay đổi dân số, thì các chủng loại khác cũng bị ảnh hưởng không kém gì khi điều kiện vật lý của môi trường sống đó thay đổi. Sự kết hợp của tất cả các yếu tố trên tạo thành những ảnh hưởng biến đổi không ngừng trên đời sống, và sự sinh tồn, của mỗi chủng loại trong thiên nhiên.

 

 

Sự tạo thành các sinh vật có cấu trúc và phương cách sinh sống hoàn toàn khác biệt

 

Có người hỏi làm sao một sinh vật sống dưới nước có thể dần dần tiến hóa thành một sinh vật sống trên cạn? Và nếu điều đó xảy ra thì những chủng loại “chuyển tiếp” (trung gian) sống ở trên cạn hay dưới nước?

 

Theo Darwin đây là một câu hỏi rất dễ trả lời vì hiện nay chúng ta vẫn có thể thấy nhiều sinh vật sống trong môi trường mà ông cho rằng chuyển tiếp giữa dưới nước và trên cạn. Ông lấy thí dụ về một loài chồn ở Bắc Mỹ (Mustela vison hay còn gọi là American mink) có cấu trúc cơ thể cho phép chúng sống mùa hè dưới nước không khác loài rái cá và mùa đông trên bờ giống như các loài thú bốn chân khác.

 

Đối với Darwin thì câu hỏi “làm sao một loài thú bốn chân ăn côn trùng có thể mọc cánh biến thành loài dơi?” là một vấn đề khó giải thích hơn. Đó là vì ông chưa hề sưu tầm được những bằng chứng trong thiên nhiên có thể trả lời trực tiếp được câu hỏi trên. Tuy vậy, Darwin cho rằng ông có thể dùng thí dụ của loài sóc để diễn dẫn về sự biến thể và tiến hóa của loài dơi.

 

Trong gia đình loài sóc, có chủng loại có đuôi hơi dẹp một chút (thường thấy ở các công viên ở Mỹ), có chủng loại gọi là “sóc biết bay” ở mỗi bên hông có một màng da nối liền giữa chân trước với chân sau và đuôi tạo nên một dạng “cánh” cho phép chúng có thể lượn một khoảng cách khá xa từ cây nầy sang cây khác. Ngoài ra, ở giữa hai chủng loại trên còn có nhiều chủng loại khác; mỗi chủng loại nầy cũng có phần mông rộng dẹp ra và da dư nằm hai bên hông ở những mức độ khác nhau. Mỗi chủng loại sóc sống ở mỗi loại lãnh thổ riêng có những đặc điểm riêng thích hợp cho mức độ phát triển của đôi “cánh” của chúng. Darwin giải thích rằng mỗi chủng loại sóc trên là một bước, một giai đoạn, một trạng thái tiến hóa khác nhau của gia đình loài sóc. Ở mỗi vùng lãnh thổ, tùy theo độ rậm rạp của cây cối cũng như tùy theo loài thú dữ gì thường săn bắt sóc và loại mồi gì sống trong vùng mà quy luật tuyển chọn bởi thiên nhiên đã bắt buột mỗi chủng loại sóc phải có một dạng “cánh” thích ứng nhất cho môi trường đó. Những con sóc sinh ra không có dạng “cánh” thích hợp sẽ ít có cơ hội sống còn; chỉ có những con sóc sinh ra với “cánh” thích hợp mới có cơ hội sinh sản để truyền giống sang các thế hệ sau.

 

Darwin cũng đưa ra thí dụ về một loại chồn trên cây “biết bay” (Galeopithecus hay còn gọi là flying lemur). Loại chồn nầy cũng có màng da rộng ở mỗi hông và có thể lượn từ cây nầy sang cây khác tương tự như loài “sóc biết bay”. Tuy cả hai loài nầy đều chỉ có thể “lượn”, chớ không “bay” được như chim hay dơi, nhưng trong màng da của loài chồn “biết bay” nầy có một số bắp thịt đã phát triển. Loài chồn “biết bay” nầy không có những chủng loại thân quyến khác nhau cho thấy từng giai đoạn phát triển của đôi “cánh” của chúng như trong trường hợp gia đình loài sóc. Tuy vậy, Darwin tin rằng những chủng loại chuyển tiếp đó đã từng hiện hữu vì chúng cũng đã từng đi qua một quá trình tiến hóa tương tự như loài sóc.

 

Từ hai thí dụ trên, Darwin kết luận rằng không khó lắm để tưởng tượng ra quá trình tiến hóa của loài dơi. Sự kiện sau đây củng cố lý luận của Darwin: trong vài chủng loại dơi có những dấu vết cho thấy đôi cánh của chúng có vẻ đã từng được dùng để “lượn” hơn là để “bay”.

 

Darwin cũng nhắc đến nhiều thí dụ khác về các loài tôm cua hay sò ốc có thể sống dễ dàng cả dưới nước lẫn trên cạn, các loài bò sát biết bay, các loài cá “biết bay”, v.v. Ông cho rằng từ những thí dụ đó chúng ta có thể suy luận ra quá trình tiến hóa của các sinh vật từ sống dưới nước chuyển biến dần do nhu cầu sống c̣n để dần dần trở thành các sinh vật có thể sống được trên cạn hay bay được trên không. Ông cũng nhắc lại rằng vì các chủng loại chuyển tiếp từ giai đoạn sống dưới nước qua đến giai đoạn sống trên bờ, hay bay trên không, thường có môi trường sống thích hợp với chúng rất nhỏ nên có dân số rất nhỏ và do đó chúng không để dấu vết lại nhiều trong trầm tích thạch. Đến một giai đoạn tiến hóa nào đó, cấu trúc của chúng có thể thích ứng mạnh mẽ với một môi trường sống rộng lớn hơn thì dân số chúng bộc phát và lan tràn khắp nơi, và do đó chúng ta mới có nhiều cơ hội tìm thấy dấu vết của chúng dưới dạng vật hóa thạch.

Darwin cũng cho rằng sự thay đổi về thói quen, hay phương cách sinh sống, của một sinh vật cũng có thể dần dần chuyển hướng chúng trở thành một biến loại (variety), và từ đó một chủng loại (species), mới. Thí dụ như vì điều kiện môi trường sống thay đổi, chẳng hạn như vì di chuyển sang một khu vực mới, nhiều sinh vật bắt đầu săn mồi một cách khác hẳn những đồng loại cư ngụ ở khu vực cũ. Qua nhiều thế hệ, cấu trúc cơ thể của chúng cũng chuyển đổi theo chiều hướng thích ứng với phương cách săn mồi mới nầy; và dần dần chúng trở thành một chủng loại mới. Darwin đưa ra nhiều thí dụ để dẫn chứng, trong đó có loài chim gõ kiến. Đa số các loài chim gõ kiến kiếm mồi bằng cách leo bám trên thân cây và dùng mõ cứng để bắt sâu bọ lẫn trốn bên dưới lớp vỏ cây. Ở Bắc Mỹ lại có một chủng loại chim gõ kiến chỉ ăn trái cây để sống, cũng như một chủng loại khác nữa chỉ săn bắt côn trùng có cánh trong 

lúc đang bay. Có chủng loại chim gõ kiến khác không làm tổ trên cây mà chỉ làm tổ trong hang dọc theo bờ sông rạch. Trên đồng cỏ La Plata của Á Căn Đình nơi mà hầu như không có cây cối gì cả cũng có một loại chim gõ kiến sống trên mặt đất. Mỗi loại chim gõ kiến trên đều có một phần cấu trúc cơ thể thay đổi đôi chút để thích ứng nhất với điều kiện và môi trường sống của chúng.

 

 

 

Có người có thể giải thích các hiện tượng trên là do ý muốn của một đấng Sáng Tạo. Tuy vậy theo Darwin, quy luật tuyển lựa bởi thiên nhiên cũng có thể cho thấy rằng vì mỗi sinh vật đều phải tranh đấu không ngừng để có thể sống còn nên khi phải sống ở những môi trường khác nhau thì chúng cũng phải thay đổi theo một cách thích ứng. Sự chuyển đổi cần thiết nầy trong mỗi sinh vật đưa đến những cấu trúc và phương cách sống có thể khác biệt hẳn so với tổ tiên hay các đồng loại khác của chúng.

 

 

Những bộ phận cực kỳ toàn hảo trong cơ thể được tạo thành từ đâu?

 

Darwin đồng ý là nếu tuyên bố rằng sự tuyển lựa của thiên nhiên đã tạo thành một bộ phận có tất cả những cơ cấu cực kỳ tinh vi, phức tạp và chức năng hầu như toàn hảo như con mắt ngày nay thì đó là một điều rất khó tin khi mới nghe. Tuy vậy, ông cho rằng con mắt đã bắt đầu xuất hiện dưới một hình thức rất thô sơ và kém hiệu quả (thí dụ như chỉ là một số đầu dây thần kinh dưới da có khả năng cảm nhận được ánh sáng đôi chút). Con mắt nguyên thủy nầy tuy thô sơ nhưng vẫn có ích lợi phần nào cho chủ nhân của nó trong việc sống còn hàng ngày. Qua quá trình tiến hóa và sự tuyển chọn bởi thiên nhiên, biến thể nào làm cho con mắt có hiệu quả hơn sẽ mang ích lợi đến chủ nhân của nó và sẽ có cơ hội được di truyền sang các thế hệ sau. Dần dần con mắt trở thành hoàn chỉnh hơn từng bước (với những “phụ tùng” như thủy tinh thể, võng mạc, đồng tử, v.v. được phát sinh thêm dần dần) cho đến ngày nay thì con mắt của mỗi chủng loại có vẻ như đã trở thành thích ứng hoàn toàn với môi trường và nhu cầu sống của chúng.

Darwin công nhận không thể nào đi ngược thời gian để khám nghiệm từng bước tiến hóa của con mắt của một chủng loại. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cấu trúc con mắt của một số các chủng loại đã tiến hóa đến những “cấp bậc” khác nhau từ cùng chung một chủng loại gốc thì có khi chúng ta sẽ nhìn thấy được sự khác biệt tuần tự trong mỗi chủng loại hậu duệ; mỗi sự khác biệt nầy biểu tượng cho một bước trong quá trình tiến hóa biến đổi dần dần của con mắt trong gia đình các chủng loại nầy.

 

Theo Darwin, chỉ cần nhìn thấy vô hình vạn trạng những cấu trúc của con mắt của tất cả sinh vật hiện hữu ngày nay (và nhớ rằng tất cả sinh vật hiện hữu ngày nay chỉ là một con số rất nhỏ so với số lượng những sinh vật đã từng sống và 

đã diệt vong) thì chúng ta sẽ không còn cảm thấy khó khăn khi hình dung quá trình tuyển lựa bởi thiên nhiên đã chuyển đối một bộ phận đơn sơ gồm vài dây thần kinh dưới da có thể cảm nhận được ánh sáng ra thành một bộ phận cực kỳ tinh vi và phức tạp như con mắt của nhiều động vật ngày nay.

 

 

Phương thức chuyển đổi của các bộ phận trong cơ thể

 

Lý thuyết tiến hóa dựa hoàn toàn lên sự chuyển đổi của vô số biến thể rất nhỏ xảy ra liên tục từng bước nối tiếp nhau. Phương cách chuyển đổi nầy xảy ra trong sự biến thể của cấu trúc cũng như chức năng của mọi bộ phận trong cơ thể. Theo Darwin, cho đến nay chưa có bằng chứng cho thấy một bộ phận tinh vi phức tạp nào đã không từng trải qua quá trình chuyển đổi như trên.

 

Có người hỏi nếu một bộ phận chuyển đổi dần dần từ một cấu trúc sẵn có sang một cấu trúc mới thì làm sao nó có thể thi hành trọn vẹn chức năng sẵn có của nó hay chức năng mới cùng một lúc trong giai đoạn chuyển tiếp được?

 

Darwin giải thích rằng nói chung có hai cách để một bộ phận chuyển đổi chức năng, nếu việc nầy mang lại lợi thế cho chủ nhân nó. Cách thứ nhất, một bộ phận với chức năng cơ bản X có thể bắt đầu nhận lãnh thêm một chức năng mới Y trước khi dần dần giảm bớt và sau cùng loại bỏ hẳn đi chức năng X. Cách thứ hai, một hay vài bộ phận A có thể bắt đầu nhận lãnh chức năng của một bộ phận B trước khi dần dần thay thế hoàn toàn bộ phận B đó.

 

Dĩ nhiên là chúng ta không thể nào thấy được những bước tiến hóa chuyển tiếp của nhiều bộ phận hiện nay vì chủ nhân của những bộ phận chuyển tiếp đã bị diệt chủng từ lâu. Tuy vậy nếu khám nghiệm cơ thể của nhiều sinh vật chúng ta có thể suy diễn ra được cách thức một bộ phận có thể chuyển đổi từ chức năng nầy sang một chức năng khác ra sao. Darwin cho thấy có vô số thí dụ trong thiên nhiên minh chứng điều trên, nhất là ở những sinh vật thuộc “hạng thấp” (thí dụ như côn trùng). Thí dụ như bộ phận ruột trong ấu trùng của loài chuồn chuồn, vài loại cá, vài loại côn trùng sống trong nước có các chức năng tiêu hóa lẫn bài tiết lẫn hô hấp. Nhiều loài cá có mang có thể thu nhận không khí hòa tan trong nước, đồng thời chúng có thể dùng bong bóng để hít thở trực tiếp không khí ngoài trời. Thí dụ về thực vật, loài dây leo nói chung có ba cách để có thể “leo”: 1/ dùng thân mình để cuốn xoắn, 2/ dùng những sợi “râu” nhỏ để bám, và 3/ mọc những “rễ trời” nhỏ.  Đa số chủng loại dây leo chỉ chuyên dùng một trong ba phương cách trên; tuy nhiên cũng có nhiều loại dùng hai, hoặc có loại dùng cả ba. Nhiều loài thực vật có thể sản xuất ra hai loại hoa có cấu trúc, và chức năng, khác nhau cùng một lúc. Trong các trường hợp trên, Darwin giải thích, nếu có sự thay đổi gì đó trong môi trường sống thì sự tuyển chọn bởi thiên nhiên sẽ thúc đẩy những bộ phận trên dần dần hoặc chuyển đổi hoặc thoái hóa một vài chức năng hiện có tùy theo theo chiều hướng nào có lợi nhất cho chủ nhân của nó.

 

Thí dụ trên về bong bóng của một số loài cá minh giải một sự kiện quan trọng, đó là một bộ phận mang chức năng cơ bản của một phao nổi (cần thiết cho việc lặn lội dưới nước) có thể chuyển đổi qua một chức năng mới hoàn toàn khác biệt đó là hô hấp. Ngoài ra, vị trí của bong bóng trong cơ thể loài cá và cấu trúc của nó cũng rất tương ứng với bộ phổi trong cơ thể các loài vật sống trên cạn. Điều nầy cho thấy không có gì ngạc nhiên cả nếu các động vật thở bằng phổi (nói chung, sống trên cạn) đã xuất phát từ những động vật có phao nổi (sống dưới nước).

 

 

Những trường hợp khó khăn trong thuyết Tuyển Chọn bởi Thiên Nhiên

 

Một số loài cá có thể phát điện. Điều mà Darwin cảm thấy khó khăn là ông không thể đoán được các bộ phận phát điện của chúng đã tiến hóa từ đâu và bằng phương cách nào. Có nhóm cá phát điện có bộ phận phát điện nằm trên đầu, có nhóm có bộ phận phát điện nằm dưới đuôi. Cấu trúc của bộ phận phát điện của một nhóm cá có thể khác hẳn với cấu trúc phát điện của các nhóm khác. Có loài cá phát điện rõ ràng là để tự vệ hay để săn mồi; có loài cá phát ra lượng điện rất nhỏ và do đó không có lợi ích thiết thực gì cả. Darwin cũng không biết chính xác các bộ phận phát điện hoạt động ra sao (ngoại trừ nhận xét rằng chúng có thể tương tự như cơ bắp thịt và thần kinh cũng có trữ và phát điện khi hoạt động).

 

Một điều khó khăn khác nữa là hầu hết các loài cá phát điện đều thuộc những chủng loại không hề có quan hệ gì với nhau trên phương diện tiến hóa. Khi một bộ phận hiện diện trong cơ thể của những chủng loại thuộc cùng một nhóm, nhất là khi chúng có những phương cách sống khác biệt hẳn nhau, thì chúng ta có thể suy diễn rằng các chủng loại trên ðã cùng xuất phát từ một tổ tiên chung (chủng loại “gốc”). Khi một bộ phận trong vài chủng loại nào đó suy thoái thì chúng ta có thể suy diễn đó là vì bộ phận nầy hoặc ít được sử dụng hoặc bị quá trình tuyển chọn bởi thiên nhiên thanh lọc. Do đó nếu bộ phận phát điện trong loài cá đã được thừa hưởng từ một tổ tiên chung thì các loài cá phát điện đã phải thuộc vào những chủng loại có quan hệ với nhau. Điều nầy, như vừa nói, không phản ảnh thực tế. Hơn nữa, dữ liệu về vật hóa thạch không hề cho thấy dấu vết gì là tất cả loại cá còn lại đã từng có khả năng phát điện. Darwin vì vậy không thể suy đoán được những bước tiến hóa của các bộ phận phát điện trong mỗi loại cá phát điện ngày nay.

 

Bộ phận phát sáng của một số côn trùng cũng là một trường hợp khó khăn tương tự. Các loại côn trùng phát sáng cũng thuộc về những chủng loại không có quan hệ gì với nhau. Bộ phận phát sáng của mỗi chủng loại cũng nằm ở một phần cơ thể khác nhau. Loài hoa lan và loài hoa Asclepias là hai chủng loại thực vật thuộc hai gia đình xa cách và khác hẳn nhau nhưng lại có cấu trúc chứa phấn hoa rất tương tự và tương ứng với nhau. Một trong những trường hợp khó khăn quan trọng nữa là các côn trùng không có giới tính, nghĩa là không đực và cũng không cái; trường hợp nầy sẽ được thảo luận chi tiết ở một chương sau.

 

Darwin giải thích các hiện tượng trên như sau. Tất cả những bộ phận vừa kể tuy có chức năng giống nhau, và có thể có hình dạng bề ngoài tương tự nhau, nhưng thật ra cấu trúc cơ bản của chúng đều khác hẳn nhau. Thí dụ như khi so sánh con mắt của loài cá mực và con mắt của loài hữu nhũ thì bề ngoài chúng có thể vẻ giống hệt nhau. Tuy vậy trừ việc cả hai đều có một thủy tinh thể (để ánh sáng xuyên qua) và một mặt sau đậm màu (để ánh sáng chiếu lên) thì tất cả các chi tiết khác về cấu trúc cũng như nguyên lý vận hành trong con mắt của hai loài đều hoàn toàn khác hẳn nhau. Darwin cho rằng dựa trên quy luật tuyển chọn bởi thiên nhiên thì hai bộ phận hoàn toàn khác nhau của hai chủng loại hoàn toàn xa cách nhau vẫn có khi có thể dần dần phát triển trở thành có một chức năng tương tự nhau. Điều nầy cũng giống như có khi hai nhà phát minh không hề có liên hệ kiến thức gì với nhau có thể vô tình dùng những nguyên lý và vật liệu hoàn toàn khác nhau để sáng chế ra hai dụng cụ có công dụng giống nhau.

 

Darwin cũng đưa ra nhiều thí dụ nữa cho thấy các sinh vật không xuất phát từ cùng chung một tổ tiên vẫn có thể có những bộ phận tuy hoàn toàn khác nhau về cấu trúc cũng như nguyên tắc vận hành nhưng cùng đều có một chức năng giống nhau.

 

Khi nhìn vào một bộ phận trong cơ thể hiện tại, Darwin đồng ý rằng rất khó đoán được nó đã tiến hóa từ những bộ phận chuyển tiếp gì trước đây. Tuy nhiên, có một câu châm ngôn mà mọi nhà sinh vật học đều biết đến đó là “thiên nhiên không bao giờ nhảy vọt từng bước lớn cả” (“Natura non facit saltum”). Dựa vào câu nầy thì không có bộ phận nào tự nhiên xuất hiện trong sinh vật mà đã không từng trải qua một quá trình chuyển đổi, tiến hóa dần dần từng bước rất nhỏ sau một thời gian rất dài. Nhà sinh vật học Pháp nổi tiếng Milne Edwards cũng có một nhận xét rất chính xác: “Thiên nhiên tuy rất rộng rãi về những sự thay đổi khác nhau nhưng rất keo kiệt trong việc đưa ra những điều mới lạ”. Ông muốn nói rằng tuy sinh vật trong thiên nhiên có vô số các cấu trúc khác nhau nhưng chung quy rất ít có cái gì mới lạ hoàn toàn cả.

 

 

Sự tiến hóa của những bộ phận dường như không quan trọng lắm

 

Có những bộ phận trong cơ thể sinh vật dường như không mang chức năng gì quan trọng lắm nhưng vẫn được sự tuyển lựa bởi thiên nhiên gìn giữ hay phát triển qua quá trình tiến hóa đến mức độ toàn hảo. Điều nầy có vẻ như đi ngược lại lý luận của Darwin (những bộ phận cần thiết và mang lợi điểm đến sự sống còn của chủ nhân của chúng sẽ được bảo tồn).

 

Thứ nhất, Darwin giải thích, đó là cái nhìn dựa trên kiến thức rất hạn hẹp của chúng ta về toàn diện việc tiến hóa nào là quan trọng hay không cho mỗi chủng loại. Thí dụ như cái đuôi của loài hươu cao cổ là một dụng cụ đuổi ruồi muỗi rất hữu hiệu, ngoài ra nó không có chức năng gì khác cả. Có người thắc mắc tại sao cái đuôi lại có thể được tiến hóa để giữ một chức năng không thiết yếu một cách hoàn hảo như vậy? Nếu hiểu biết rằng việc chăn nuôi trâu bò và các súc vật khác có thành công hay không ở vùng đất nào trong Nam Mỹ lệ thuộc hoàn toàn vào khả năng chịu đựng ruồi muỗi của các con thú nầy thì chúng ta sẽ thấy rằng cái đuôi của loài hươu cao cổ là một dụng cụ rất cần thiết cho sự sinh sống và phát triển của chúng. Tuy ruồi muỗi không thể giết chết các thú vật lớn nhưng sự cắn đốt liên tục sẽ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng, làm cho chúng dễ bị bệnh hay không thể ăn uống đầy đủ hay dễ bị các thú dữ giết hại hơn.

 

Một bộ phận cũng có thể được phát triển trở thành tinh vi và phức tạp v́ nó đã từng giữ chức năng thiết yếu trong quá khứ. Tuy vậy có thể vì môi trường sinh sống đã thay đổi nên ngày nay nó không còn không quan trọng cho các chủng loại hậu duệ. Những bộ phận dạng nầy không thể nào gây hại cho chủ nhân của nó vì nếu thế thì sự tuyển lựa bởi thiên nhiên hoặc sẽ làm cho nó thoái hóa (hoặc biến mất) hoặc làm cho chủng loại đó diệt chủng.

 

Một bộ phận đã từng giữ chức năng quan trọng trong quá khứ cũng có thể được chuyển đổi để giữ những chức năng quan trọng khác ngày nay. Thí dụ như bong bóng của loài cá đã được cải tiến để trở thành phổi của động vật sống trên cạn. Thí dụ như đuôi của loài cá (thiết yếu để di chuyển dưới nước) đã được nhiều động vật trên cạn sau nầy giữ lại với những chức năng mới hoàn toàn khác hẳn những cũng quan trọng không kém (chẳng hạn để giữ thăng bằng khi đi đứng như các loài kangaroo, để giúp chuyển hướng nhanh chóng trong lúc chạy với tốc độ cao như các loài cọp beo, để leo trèo như các loài khỉ vượn, v.v.)

 

Thứ hai, Darwin giải thích, chúng ta có khi lầm lẫn gán một chức năng quan trọng lên một bộ phận rồi nghĩ là nó đã được thành hình qua quá trình tuyển chọn bởi thiên nhiên. Thí dụ như nếu chúng ta chỉ thấy có giống chim gõ kiến màu xanh lục mà thôi, và không biết rằng cũng có các giống màu đen hay lốm đốm nữa, thì chúng ta có thể sẽ nghĩ rằng màu xanh nầy giúp chúng trốn lẫn trong cây lá nên ít bị săn bắt bởi các chim ăn thịt lớn hơn và do đó là kết quả của sự tuyển chọn bởi thiên nhiên. Tuy vậy, màu xanh lục thật sự chỉ là kết quả của sự tuyển chọn bởi tính dục: các con chim mái thường bị thu hút bởi màu xanh nầy và do đó nó dễ được di truyền sang các thế hệ sau mặc dù nó không thật sự giúp đỡ trực tiếp vào sự sống còn của chủng loại. Thí dụ như cấu trúc những đường nối hình răng cưa trên sọ của động vật hữu nhũ có thể được nghĩ là đã được tuyển chọn bởi thiên nhiên để giúp đầu của con thú mới sinh ra có thể chui lọt qua khuôn xương chậu của mẹ nó. Tuy nhiên, những đường nối răng cưa nầy cũng hiện diện trên sọ của loài chim và loài bò sát; và chúng khi sinh ra chỉ cần gõ vỡ vỏ trứng là có thể chui ra ngoài dễ dàng. Do đó, các đường nối răng cưa trên thật ra chỉ là vì cần thiết cho quá trình tăng trưởng của xương sọ của nhiều động vật.

 

Nói chung, Darwin giải thích, chúng ta không biết gì cả về lý do thật sự của nhiều sự biến thể cũng như về mức độ quan trọng hay không của chúng. Chỉ cần nhìn vào những sinh vật dưới sự quản lý của con người, có nhiều điều chúng ta tuy nhận thấy nhưng không hiểu rõ tại sao. Thí dụ như chúng ta biết rằng màu da của nhiều loại gia súc có liên quan đến việc chúng dễ bị cắn đốt bởi côn trùng hay không, cũng như có khi liên quan đến việc chúng có dễ trúng độc khi ăn phải một số cây cỏ có độc tố hay không. Súc vật nuôi ở vùng đồi núi thường có chân sau phát triển lớn mạnh hơn súc vật nuôi ở vùng đồng bằng. Và vì chân trước và chân sau là hai bộ phận tương ứng nhau, chân trước của súc vật vùng đồi núi cũng phát triển theo trở thành to lớn hơn ở vùng đồng bằng (Darwin gọi hiện tượng nầy là “ảnh hưởng đối tác trong sự phát triễn giữa các bộ phận tương ứng”). Kích thước và hình dáng xương chậu của súc vật ở hai vùng nầy do đó cũng khác nhau, và điều nầy có thể ảnh hưởng đến hình dạng và kích thước của vài bộ phận khác (thí dụ như đầu) của bào thai; và từ đó các bộ phận nầy của các con vật trưởng thành ở hai vùng cũng khác nhau.

 

Darwin cho rằng nếu chúng ta không thể hiểu rõ được nhiều chi tiết trong quá trình biến thể của các con vật đã được chúng ta thuần hóa thì không có gì ngạc nhiên cả khi chúng ta không biết rõ mọi chi tiết về quá trình biến thể trong thế giới thiên nhiên. Chỉ có một điều chúng ta có thể tin chắc đó là quy luật tuyển chọn bởi thiên nhiên luôn luôn làm việc theo chiều hướng thích ứng nhất với hoàn cảnh sống của tất cả chủng loại.

 

 

Yếu tố xinh đẹp trong quá trình tiến hóa

 

Có người tin rằng nhiều cấu trúc cơ thể được tạo thành hoặc là vì sự xinh đẹp của chúng hoặc là vì để có nhiều sự khác biệt trong thiên nhiên để cho loài người thưởng thức.

 

Darwin công nhận có những bộ phận hiện nay trong cơ thể không mang ích lợi trực tiếp cho chủ của chúng. Tuy vậy, điều nầy vẫn không có nghĩa là những bộ phận trên đã được tạo thành vì sự xinh đẹp hay vì sự khác biệt, nhất là để cho sự thưởng thức của loài người.

 

Trước hết, “xinh đẹp” là một quan niệm rất chủ quan. Chẳng hạn như mỗi dân tộc có một quan niệm khác nhau về vẻ xinh đẹp của người phụ nữ. Do đó không có lý do gì những chủng loại khác nhau nhất thiết phải có những tiêu chuẩn xinh đẹp giống nhau. Nếu điều nầy xảy ra trong một số trường hợp thì cũng chỉ là một điều tình cờ. Tiêu chuẩn xinh đẹp của nhiều loài hoa, chim, động vật hữu nhũ tình cờ trùng hợp với tiêu chuẩn xinh đẹp của loài người. Trong khi đó tiêu chuẩn xinh đẹp của nhiều loài côn trùng, sâu bọ hoàn toàn khác biệt với tiêu chuẩn xinh đẹp của loài người.

 

Kế đó, sinh vật trong thiên nhiên “trở thành” xinh đẹp chỉ để phục vụ cho chính chủng loại của chúng. Loài chim trống, và mái, mang những bộ lông rực rỡ hay ca hót líu lo là để quyến rũ đồng loại của chúng trong quá trình kết đôi và sinh đẻ con cái. Hoa trái mang những màu sắc nổi bật hay những hương vị thơm ngọt là để khuyến dụ các loài ong bướm hay chim chóc giúp chúng trong việc thụ phấn hay truyền rải hạt để truyền giống. Một nhận xét đáng chú ý là những thực vật (như các loại thông, sồi, v.v.) không cần các sinh vật khác như ong, bướm, chim, v.v. để giúp thụ phấn hay truyền rải hạt (mà chỉ nhờ các phương tiện như gió, giòng nước, v.v.) luôn luôn có hoa màu sắc sậm màu (như nâu, xám, v.v.) và trái không ăn được.

Trong thiên nhiên có những bộ phận không bao giờ được sử dụng; thí dụ như tuy loài ngỗng núi có màng giữa những ngón chân thích hợp cho việc bơi lội nhưng chúng chỉ sống trên cạn, thí dụ nhử chân của một loài hải âu lớn (frigate) cũng có màng thích hợp để bơi lội nhưng chúng suốt đời bay lượn trên không và làm tổ trên bờ. Darwin giải thích rằng tổ tiên các chủng loại trên đã từng dùng màng chân để bơi lội giống như những loài ngỗng vịt và hải âu khác đang làm hiện nay. Tuy nhiên vì môi trường sống và thói quen sử dụng thay đổi nên dần dần loài ngỗng núi và loài frigate không cần dùng đến màng chân nữa. Tuy vậy bộ phận nầy vẫn còn được lưu giữ và di truyền xuống đến những thế hệ hiện tại.

 

Có một số xương tương tự và tương ứng nhau trong tay của loài khỉ, chân trước của loài ngựa, cánh của loài dơi, mái dầm (chân  

trước) của loài hải cẩu; các xương nầy dường như không có chức năng hữu ích nào cho các chủng loại trên. Đó là vì những chủng loại trên đều thuộc cùng một lớp (class) động vật đã xuất xứ từ loài cá. Một số xương nằm trong đôi vây của loài cá đã biến thể, hoặc biến mất đi, trong quá trình tiến hóa trở thành các chủng loại trên. Những xương dường như không có chức năng hữu ích nào ngày nay chỉ là những phần xương đã thoái hóa và còn sót lại.

 

 

Nguyên lý thực dụng trong quá trình tuyển chọn bởi thiên nhiên

 

Darwin khẳng định rằng trừ một số trường hợp ngoại lệ (thí dụ như do ảnh hưởng bên ngoài của môi trường sống, của những biến thể dị dạng bất thường và đột ngột, hay của nhu cầu tăng trưởng phức tạp) thì mọi bộ phận trong cơ thể của mỗi sinh vật đều có ích lợi trực tiếp hay gián tiếp cho chúng hoặc cho tổ tiên của chúng.

 

Có người cho rằng một chủng loại có thể được sinh ra, hoặc một bộ phận của nó được tạo thành, chỉ để phục vụ cho ích lợi của một chủng vật khác. Darwin cho rằng nếu điều nầy có thật thì toàn thể lý thuyết của ông sẽ sụp đổ.

 

Theo Darwin, sự tuyển lựa bởi thiên nhiên không thể nào cho phép một chủng loại có những biến thể dành riêng chỉ để mang ích lợi đến cho một chủng loại khác. Một chủng loại có thể có những biến thể dành riêng để giết hại những chủng loại khác nhưng với mục đích làm lợi cho nó; thí dụ như răng năng có nọc độc của loài rắn, thí dụ như loài tò vò có một bộ phận đặc biệt để khoan lỗ đẻ trứng vào cơ thể còn sống của sinh vật khác. Một chủng loại cũng có thể lợi dụng cấu trúc hay thói quen sinh sống của sinh vật khác để mang lợi cho mình.

 

Có người cho rằng bộ phận rung chuông của loài rắn rung chuông (adder) là một thất lợi vì nó có thể báo động cho con mồi mà một con rắn rung chuông đang rình bắt. Darwin giải thích thật ra bộ phận nầy giúp con rắn rung chuông cảnh báo sự nguy hiểm của nó (vì nó có nọc độc) để các thú dữ lớn mạnh hơn nó đừng vô tình tấn công và có thể làm hại nó. Quy luật tuyển chọn bởi thiên nhiên không bao giờ sản xuất những bộ phận có hại nhiều hơn có lợi cho một chủng loại. Nếu có những gì có hại lúc ban đầu thì nó cũng sẽ dần dần được cải tiến, nếu không thì chủng loại đó sẽ bị diệt chủng.

 

Quy luật tuyển chọn bởi thiên nhiên cũng có khuynh hướng sản xuất những gì toàn hảo nhất có thể được, hay hữu hiệu hơn một chút so với các sinh vật khác đang sống trong cùng chung một môi trường. Đây là một điều tối cần thiết trong việc tranh đấu để sống còn. Và kết quả là sự tuyển chọn bởi thiên nhiên là động cơ thúc đẩy sự cải tiến từng bước dần dần, mặc dù mỗi bước rất nhỏ, đưa đến một trạng thái thích ứng hoàn hảo nhất ở mỗi thời điểm trong mỗi môi trường.

 

Một điều cần thấy là không phải lúc nào sự tuyển chọn bởi thiên nhiên cũng sản xuất ra những bộ phận hoàn toàn tuyệt hảo. Thí dụ như trên mũi kim chích của loài ong mật có những răng cưa mọc ngược, điều nầy làm 

cho con ong mật sau khi đâm chích một sinh vật khác sẽ không thể rút kim ra được và sẽ chết. Trong những côn trùng tổ tiên của loài ong mật thì mũi kim có răng cưa đã từng có ích lợi trong việc khoan lỗ và cắt lá cây. Vì điều kiện sống và thói quen sử dụng thay đổi nên cấu trúc nầy không còn hoàn toàn thích hợp nữa. Tuy vậy, khả năng của mỗi con ong có thể gây ra vết thương khá đau đớn cho các sinh vật khác là một đóng góp lớn cho sự tự vệ, và sống còn của toàn thể tổ ong. Do đó bộ phận kim chích tuy không toàn hảo cho mỗi cá nhân nhưng nói chung có ích lợi cho cả tập thể và do đó cho cả chủng loại ong mật. 

 

Một thí dụ về sự không toàn hảo nữa là các loại thông, sồi vì chỉ dùng gió trong việc thụ phấn (thay vì dùng côn trùng hay chim chóc như nhiều loài thực vật khác) nên cần phải sản xuất một số lượng phấn khổng lồ mỗi mùa để may ra một vài hạt phấn có cơ hội bay gặp những hoa khác ở xa để đậu thành trái. Đây là một sự phung phí của tài nguyên và năng lượng rất lớn với hy vọng rất nhỏ để đạt được mục đích.

 

 

Tóm lược

 

 Các chủng loại ở bất cứ thời điểm nào đều không khác biệt với nhau một cách liên tục cực nhỏ, và chúng cũng không được liên kết bởi nhiều chủng loại chuyển tiếp biểu tượng cho từng bước trong quá trình tiến hóa của chúng. Một phần đó là vì quá trình tuyển chọn bởi thiên nhiên diễn tiến rất chậm và không xảy ra đồng đều cho mọi bộ phận của mọi sinh vật cùng một lúc. Một phần khác, đó là vì quá trình tuyển chọn bởi thiên nhiên luôn luôn đi kèm với hiện tượng những chủng loại mới nhất (do đó thích ứng nhất) thay thế và diệt chủng những chủng loại chuyển tiếp (đã trở thành ít thích ứng hơn).

 

Những chủng loại có quan hệ tương cận nhau, nếu ngày nay cùng hiện hữu trong một vùng rộng lớn mà điều kiện sống thay đổi dần dần từ khu vực nầy đến khu vực khác (Darwin gọi đây là một “môi trường sống liên tục”) thì chúng thường đã được tạo thành từ khi vùng nầy còn “không liên tục” (nghĩa là khi điều kiện sống trong vùng thay đổi đột ngột từ khu vực nầy sang khu vực khác). Khi hai chủng loại có quan hệ gần nhau sống chung trong hai khu vực của một vùng liên tục thì thường có một chủng loại chuyển tiếp sống ở một khu vực chuyển tiếp (nơi mà điều kiện sống nằm giữa điều kiện sống của hai khu vực trên). Tuy vậy, vì dân số của chủng loại chuyển tiếp rất nhỏ so với dân số của hai chủng loại kia nên chúng thường bị đồng hóa, thay thế hay tiêu diệt.

 

Sự tuyển lựa bởi thiên nhiên cũng có thể chuyển đổi một thói quen sử dụng, hay một phương cách sinh sống, ra thành một thói quen sử dụng, hay một phương cách sinh sống, hoàn toàn khác hẳn. Đó là tại sao cánh của loài dơi có thể bay được sau khi đã tiến hóa từ “cánh” (màng da bên hông) của một loài thú chỉ có thể lượn.

 

Một chủng loại khi sống ở một môi trường mới có thể chuyển đổi thói quen sử dụng và phương cách sinh sống của nó đến độ trở thành khác biệt hẳn so với những chủng loại tương cận của nó. Đó là lý do sau khi di chuyển lên núi cao, loài ngỗng núi vẫn còn có màng giữa các ngón chân trong khi nó không cần phải bơi lội nữa. Đó là tại sao loài chim gõ kiến sống ở vùng đồng cỏ không cây cối vẫn còn giữ hầu hết hình dạng và cấu trúc của các loài chim gõ kiến khác chuyên sống trên cây.

 

Một bộ phận cực kỳ tinh vi và phức tạp như con mắt đã thành hình từ quá trình tuyển chọn bởi thiên nhiên là một điều có thể khó tin. Tuy vậy con mắt ngày nay thật ra đã được tiến hóa từ một dạng “mắt” đầu tiên vô cùng thô sơ dần dần từng bước qua vô số các cấu trúc mắt chuyển tiếp khác. Mỗi cấu trúc mắt ở mỗi bước tiến hóa có ích lợi cho chủ của nó lúc bấy giờ, và rồi bị thay thế bởi những cấu trúc mới có nhãn lực hiệu quả hơn. Những cấu trúc mắt chuyển tiếp nầy tuy không còn thấy trong các loài “cao cấp” ngày nay (thí dụ như loài hữu nhũ), tuy vậy chúng ta vẫn có thế thấy chúng hoạt động ở các chủng loại có “cấp hạng thấp” (thí dụ như nhiều loài côn trùng, sứa biển, v.v.).

do sự tuyển chọn bởi thiên nhiên luôn luôn mang ích lợi bằng cách nầy hay cách khác đến cho chủ nhân nó trong môi trường sống lúc đó. Những chủng loại càng có dân số lớn sẽ càng có xác xuất cao được thiên nhiên tuyển chọn để thành công trong việc tranh giành tài nguyên với những chủng loại khác chung quanh nó.

 

Không phải lúc nào sự tuyển lựa bởi thiên nhiên cũng đưa đến những bộ phận toàn hảo tuyệt đối. Và không phải bất cứ sự biến đổi nào cũng là kết quả của sự tuyển lựa bởi thiên nhiên. Các yếu tố khác (thí dụ như ảnh hưởng đối tác trong sự phát triễn giữa các bộ phận tương ứng) cũng có thể gây ra những biến đổi không liên quan đến ích lợi trong sự sống còn.

 

Nguyên lý nằm trong câu châm ngôn “Thiên nhiên không bao giờ nhảy vọt từng bước lớn cả” (“Natura non facit saltum”) có thể không dễ nhận thấy khi chỉ xét về những chủng loại hiện hữu ngày nay; tuy nhiên nó hoàn toàn chính xác khi bao gồm tất cả những chủng loại đã từng hiện hữu trong quá khứ cho đến nay.

 

Nhiều nhà sinh vật học đồng ý rằng mọi sinh vật đều được tạo thành dựa trên hai nguyên lý sau: nguyên lý về Sự Đồng Nhất của Kiểu Loại (Unity of Type) và nguyên lý về Điều Kiện để Sinh Tồn (Conditions of Existence).

 

Nguyên lý Đồng Nhất của Kiểu Loại được thể hiện trong việc tất cả mọi sinh vật mặc dù có thể có thói quen sinh sống hoàn toàn khác biệt nhau vẫn có thể có những bộ phận cơ bản rất giống nhau. Nguyên lý nầy cũng thể hiện trong việc quá trình tuyển chọn bởi thiên nhiên có thể dùng những vật liệu khác nhau, những nguyên lý vận hành khác nhau ở những môi trường sống khác nhau để dẫn đến hai bộ phận có chức năng và bề ngoài giống nhau trong hai sinh vật có nguồn gốc tiến hóa hoàn toàn cách biệt nhau.

 

Nguyên lý Điều Kiện về Sinh Tồn được thể hiện trọn vẹn trong lý thuyết tuyển chọn bởi thiên nhiên. Nguyên lý Điều Kiện về Sinh Tồn do đó thật ra đứng ở một cấp bật “cao” hơn và bao gồm cả nguyên lý Đồng Nhất của Kiểu Loại.

 

 

Luận Giảng

 

Chương 6 cũng đã được tóm lược một cách rất chi tiết vì đây có thể là một Chương quan trọng nhất trong việc giải đáp những thắc mắc về thuyết Tiến Hóa. Chính ông cũng nhận thấy những yếu điểm, những vấn đề khó khăn trong lý thuyết của ông nên đã dành một phần lớn của toàn quyển sách nầy để trình bày và biện hộ về những vấn đề nầy.

 

Như đã nói trước đây, ngành sinh vật học thời Darwin không có những kiến thức về di truyền (thí dụ DNA) cũng như không có một số các thí dụ thực tế trong thiên nhiên mà chúng ta đã tìm thấy được ngày nay. Do đó Darwin không thể biện chứng một số lý luận của ông một cách trực tiếp được. Tuy vậy ông đã dùng những quan sát tương ứng trong thực tế và phương pháp quy nạp một cách rất chặc chẽ để dẫn đến những kết luận cần thiết. Thí dụ như ông đã dùng những gì nhận thấy trong loài sóc ngày nay (cũng như những khuynh hướng và phương cách hoạt động khác của thiên nhiên) để dẫn giải đến những gì đã xảy ra trong quá trình tiến hóa của loài dơi. Ông dùng nhiều chi tiết tương quan và có liên hệ mật thiết với nhau để hỗ trợ kết luận của mình. Tất cả các kết luận mà Darwin đưa ra chính yếu cho thuyết Tiến Hóa vẫn còn được công nhận bởi khoa học ngày nay.

 

Có một vài kết luận của Darwin mà khoa học ngày nay cho thấy không chính xác lắm. Thí dụ như Darwin cho rằng chủng loại chỉ có thể biến hóa và thay đổi dần dần một cách rất chậm; trong khi người ta đã tìm gặp thí dụ cho thấy biến đổi trong chủng loại có thể bộc phát rất nhanh chóng một khi vài biến thể mấu chốt xuất hiện và lan truyền đủ trong dân số. Thí dụ như Darwin chỉ có thể trình bày một cách mù mờ về nguyên do tại sao hiện tượng biến thể xảy ra. Ông đã sử dụng những quy luận dựa trên sự quan sát không hoàn hảo thời bấy giờ để cố gắng giải thích về các nguyên do nầy. Tuy vậy, những lý luận và kết luận thiếu chính xác trên của Darwin không có tác hại lớn đến nền tảng của thuyết Tiến Hóa. Cho đến ngày nay chưa có khám phá nào trong lãnh vực sinh vật học đối chọi hay dẫn đến bằng chứng có thể làm sụp đổ lý thuyết nầy.

 

Trong Chương nầy, một lần nữa Darwin gián tiếp tấn công niềm tin cho rằng mọi sinh vật đã được sáng tạo một cách riêng biệt bởi một đấng thiêng liêng. Thí dụ như ông chú trọng vào cấu trúc tinh vi của con mắt để cố tình đối chọi với William Paley (một học giả thiên nhiên nổi tiếng thuộc phái tâm linh) vì ông nầy cũng dùng con mắt để dẫn chứng cho sự thiết kế tuyệt hảo của Thượng Đế. Darwin cho rằng sự tuyển lựa bởi thiên nhiên là một giải thích xác đáng và thực tế do đó có giá trị hơn nhiều so với cách giải thích của phái sáng tạo. Điều cần nhận biết là Darwin vẫn công nhận sự sáng tạo mọi vật của Thượng Đế, ông chỉ chống đối niềm tin cho rằng mỗi chủng loại đều được sáng tạo một cách riêng biệt với nhau. Nói cách khác, Darwin vẫn dành chỗ cho Thượng Đế hiện hữu trong lý thuyết tuyển chọn bởi thiên nhiên của ông.

 

 

Trong nhiều trường hợp chúng ta không có đủ kiến thức để thấu hiểu mức độ quan trọng, hay không quan trọng, về sự biến đổi của một bộ phận trong một chủng loại và ảnh hưởng thật sự của sự biến đổi nầy trên điều kiện sống của nó. Tuy vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng dần dần thì quy luật tuyển chọn bởi thiên nhiên sẽ luôn luôn giữ lại những biến đổi thích ứng và có lợi thế nhất và loại bỏ những biến đổi không thích hợp (kể cả bằng cách tiêu diệt chủ nhân của chúng).

Sự tuyển chọn bởi thiên nhiên không bao giờ tạo ra bộ phận nào trong một chủng loại chỉ để dành riêng cho việc làm lợi (hay làm hại) một chủng loại khác. Một bộ phận tạo thành 

bottom of page