top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

Nữ Quyền trong Hồi Giáo - 1

 

Khi nói về vấn đề quyền lợi phụ nữ trong Hồi Giáo, rất nhiều người cho là phụ nữ trong Hồi Giáo bị áp bức nặng nề ở nhiều phương diện. Trong khi đó một số người khác cho rằng phụ nữ Hồi Giáo có tiếng nói, có sự tự do lựa chọn trong tôn giáo của họ.

 

Trước hết chúng ta hãy nhìn vào quan điểm cho rằng phụ nữ có tiếng nói và tự do lựa chọn trong Hồi Giáo.

Theresa Corbin là một nhà văn trẻ sống ở New Orlean, Louisiana. Cô vốn sinh ra trong một gia đình Công Giáo, từ nhỏ đã thích nghiên cứu về tôn giáo. Tuy cô tự xưng là một phụ nữ theo chủ nghĩa nữ quyền (feminism), đến lúc 21 tuổi cô chuyển qua thành một tín đồ Hồi Giáo. Trong một bài viết cho CNN cô nói, “Hồi Giáo là một tôn giáo của thế giới, một tôn giáo dạy về ôn hòa, tha thứ, công bằng, danh dự cũng như chủ trương nhẫn nại, khiêm tốn và quân bình”. Cô cảm phục những lời dạy của các nhà tiên tri từ Mose đến Giê-su đến Muhammad. Theo cô, Hồi Giáo dạy cô “tự tìm kiếm sự thật và dùng trí tuệ của mình để tìm hiểu thế giới chung quanh”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cô cho biết theo sự hiểu biết về Hồi Giáo của cô, ngay từ khoảng 1200 năm về trước khi nữ phái Tây Phương còn bị xem là tài sản trao đổi của nam phái thì Hồi Giáo đã dạy rằng cả đàn ông và đàn bà đều bình đẳng dưới mắt Thượng Đế.

 

Theresa Corbin tin rằng đại đa số tín đồ Hồi Giáo là những người yêu chuộng hòa bình. Cô cho biết cô rất bực tức khi nghe thấy nhiều người tự xưng là Hồi Giáo nhưng lại bóp méo và lạm dụng Hồi Giáo cho mục đích chính trị. Cô cũng rất đau khổ khi cô bị một số người ghét bỏ chỉ vì niềm tín ngưỡng mà cô ôm ấp trong khi những người đó không hiểu biết gì về niềm tín ngưỡng của cô.

 

Theresa Corbin tự hào về phục sức Hồi Giáo của cô. Cô thường mặc một cái khăn trùm đầu (gọi là “hijab”). Cô không cho đó là một hình thức áp chế vì cô yêu thích và tự lựa chọn cách phục sức nầy. Cô nói, “chiếc khăn choàng đầu hijab không trói tay tôi lại, cũng không cấm cản tư tưởng và ý nghĩ thu nhập vào đầu tôi hay phát xuất ra khỏi miệng tôi”. Cô cho biết cô đã từng tưởng rằng phái nữ Trung Đông bị đối xử như tài sản của đàn ông, và việc họ bị bắt buộc phải ăn mặc che kín thân thể lại là một dấu hiệu của sự tự ti mặc cảm về họ hoặc một biểu tượng của sự sở hữu bởi nam phái. Bây giờ cô biết rằng đó là một quan điểm lệch lạc và sai lầm.

 

Chúng ta cũng có thể thấy một số người đã đi theo con đường của Theresa Corbin qua những bài viết, những phóng sự và nhất là những bài tự thuật đăng ở các trang mạng mang chủ đề “giải thích Hồi Giáo thật sự là gì”. Hầu như tất cả những người nầy đều có các nhận xét và cảm tưởng tương tự nhau: họ tự ý lựa chọn trở thành tín đồ và tuân phục các luật lệ Hồi Giáo, Hồi Giáo là một tín ngưỡng bị hiểu lầm, tín điều Hồi Giáo thật sự dạy về sự bình đẳng giữa nam và nữ, v.v.

 

Khi nhắc đến tiếng nói và sự tự do lựa chọn của phụ nữ trong Hồi Giáo, chúng ta cần phải nói đến các phong trào tranh đấu cho nữ quyền bành trướng ở những thập niên gần đây. Thí dụ như tổ chức nổi bật “Chị Em Phụ Nữ trong Hồi Giáo” (“Sisters in Islam”) khởi xướng bởi bà Zainah Anwar tại Mã Lai năm 1988. Đây là một tổ chức tư nhân (không thuộc về chính quyền) có tầm vóc ảnh hưởng mạnh mẽ về mặt chính trị lẫn tôn giáo ở Mã Lai. Nhóm nầy chủ trương giáo dục phụ nữ rằng Kinh Koran không hề truyền dạy việc bất bình đẳng giữa nam và nữ; và điều đó trong Kinh Koran ngày nay chẳng qua là các lời dạy của Thượng Đế đã bị diễn dịch lệch lạc bởi những người mang tư tưởng trọng nam khinh nữ thủ cựu. Nhóm “Chị Em Phụ Nữ trong Hồi Giáo” đi đến mọi thành phố, tỉnh lỵ lẫn các làng mạc trong vùng xa xôi để phổ biến quan điểm nầy qua những buổi hội họp, thảo luận công cộng.

 

Vào năm 2009 bà Zainah Anwar một lần nữa đứng trong nhóm tổ chức thành lập một phong trào tranh đấu toàn cầu cho nữ quyền gọi là Musawah (chữ Á Rập nghĩa là “bình đẳng”) được chính thức khởi xướng ở Kuala Lumpur. Nhóm tổ chức nầy gồm có 12 phụ nữ từ nhiều quốc gia Hồi Giáo khác nhau như Á Rập, Gambia, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. Phong trào nầy dựa trên hình thức và đường lối của nhóm “Chị Em Phụ Nữ trong Hồi Giáo”. Musawah cũng chủ trương phụ nữ có thể tranh đấu cho bình đẳng trong khi vẫn tuân thủ theo luật lệ Hồi Giáo.

 

Hiện tượng phụ nữ tranh đấu chống bất bình đẳng thật ra đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ Hồi Giáo. Tuy nhiên, khuynh hướng của các phong trào nầy thường là kình chống trực tiếp với những tín điều theo họ là bất công trong Kinh Koran. Họ đòi hỏi muốn giải thoát phụ nữ thì phải có sự sửa đổi hay xóa bỏ những tín điều trên.

 

Trong thế kỷ 20, sự xung đột giữa tư tưởng Hồi Giáo truyền thống và chủ nghĩa nữ quyền ngày càng trở nên căng thẳng. Tiêu biểu là năm 1979 khi cuộc cách mạng ở Iran thành công đồng thời cũng là lúc Liên Hiệp Quốc quyết định bảo trợ Nghị Định Tiêu Trừ mọi Hình Thức Bất Công đối với Phụ Nữ (Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination Against Women – hay gọi tắt là “CEDAW”). Đây là lúc hai luồng tư tưởng đối nghịch trên đứng trực diện nhau: một bên là hệ thống chính trị Hồi Giáo, một bên là lý tưởng nhân quyền và bình đẳng cho mọi công dân.

Trong nhiều nước Hồi Giáo, luật lệ quốc gia được soạn thảo dựa trên sự diễn dịch Kinh Koran và luật Sharia (là một hệ thống luật pháp hoàn toàn dính liền với những tín điều của Hồi Giáo).  Những cuộc tranh đấu của phụ nữ nói trên do đó đều gặp nhiều phản ứng thất lợi từ nhiều hướng và thường chỉ đạt được kết quả giới hạn. Một phụ nữ Hồi Giáo lúc bấy giờ chỉ có hai con đường để lựa chọn: thứ nhất hoặc đứng lên tranh đấu cho quyền lợi của họ đồng thời từ bỏ Hồi Giáo, hoặc thứ hai tiếp tục đón nhận niềm tín ngưỡng Hồi Giáo đồng thời chấp nhận những sự áp bức đi kèm theo trong đó.

 

Nhóm “Chị Em Phụ Nữ trong Hồi Giáo” và nhóm “Musawah” dùng một chiến lược khác hẳn. Họ giáo dục tín đồ Hồi Giáo rằng vì Kinh Koran thật ra không chủ trương bất bình đẳng giữa giới phái cho nên đúng theo quy luật của Hồi Giáo thì phụ nữ vẫn có quyền lợi tương đương với nam phái. Đối với nhiều phụ nữ Hồi Giáo, điều nầy mới lạ và vĩ đại chẳng khác gì như một khải huyền đến từ Thượng Đế.

 

Bà Anwar nói, “Chúng tôi muốn khẳng định rằng tất cả những gì chúng ta hiểu biết về Hồi Giáo đều là do con người diễn dịch lại lời của Thượng Đế. Vì con người áp đặt nhân tính của họ vào các lời dạy thiêng liêng nên họ đã lập ra những luật lệ sai lầm và do đó các luật lệ trên cần phải được sửa đổi”. Bà Anwar cũng nhấn mạnh rằng trong lịch sử phái nữ đã không được tham dự hay đóng góp gì vào quá trình soạn thảo luật Sharia. Hậu quả là có những luật lệ mà họ phải hứng chịu nhiều thiệt thòi nặng nề.

 

Bà Anwar cũng nhìn nhận rằng nếu chỉ dựa lên nhân quyền thuần túy mà thôi thì cuộc tranh đấu cho bình đẳng sẽ không thể thành công. “Nhân quyền” không có ý nghĩa gì mấy đối với đại đa số phụ nữ Hồi Giáo, nhất là ở thôn quê. Tri thức họ đã được huấn luyện thuần thục từ ngày mới sinh ra rằng Kinh Koran là lời của Thượng Đế, là nền tảng của cách hành sử trong gia đình và xã hội, là khuôn mẫu đạo đức, là luật pháp. Đối với họ, tôn giáo có ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện lên đời sống trong khi không có Nghị Định nào của Liên Hiệp Quốc hay bất cứ tổ chức gì có ý nghĩa hay giá trị bằng. Do đó, chiến thuật của các nhóm “Chị Em Phụ Nữ trong Hồi Giáo” và “Musawah” là cũng sử dụng sự tín ngưỡng trong tôn giáo để lèo lái phụ nữ, lẫn nam phái, Hồi Giáo đi theo một đường hướng mới tránh xa khỏi sự bất công hiện tại.

 

Quan điểm “tranh đấu cho quyền bình đẳng nhưng không từ bỏ Hồi Giáo” cũng được nhận thấy trong một chiến dịch nổi dậy chống sự đàn áp của chính quyền được gọi là “Mùa Xuân Á Rập” vào cuối năm 2010 qua đầu năm 2011 ở Tunisia, bắc Phi Châu. Con số phụ nữ tham gia các cuộc biểu tình trong chiến dịch nầy vượt hẳn ước lượng của nhiều người. Có lẽ một phần là nhờ họ được sự ủng hộ và được đứng cạnh hàng ngũ của nam giới cùng chí hướng. Một điều đáng ghi nhận là trong những cuộc biểu tình trên, nhiều phụ nữ tuy đang công khai đứng ra chống đối sự đàn áp dựa trên luật lệ Sharia, họ vẫn mặc trang phục truyền thống của phụ nữ Hồi Giáo là khăn trùm đầu hijab. Họ muốn cho thấy rằng họ đang đòi hỏi quyền lợi phụ nữ đồng thời không có ý định từ bỏ tôn giáo của họ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhiều người cho rằng ở trên là những thí dụ rõ ràng cho thấy phụ nữ Hồi Giáo có tiếng nói và có sự lựa chọn trong đời sống của họ.

 

Tuy nhiên có nhiều người khác cho rằng nhận xét đó chỉ áp dụng cho một khía cạnh nhỏ của Hồi Giáo hiện đại mà thôi. Theo họ, có những khía cạnh khác, bao trùm rộng lớn và sâu đậm hơn, và đen tối hơn của Hồi Giáo xưa và nay.

 

Azam Kamguian, một nữ sĩ và nhà tranh đấu cho nữ quyền người gốc Iran hiện đang sinh sống ở Anh Quốc, cho rằng nếu muốn hiểu chính xác về vị thế của phụ nữ trong Hồi Giáo thì chúng ta cần phải quan sát tình trạng kinh tế, chính trị lẫn mức độ ảnh hưởng của nền tín ngưỡng cổ truyền của Hồi Giáo tại địa phương họ đang sinh sống. Tuy vậy theo bà, mặc dù hệ thống chính trị tôn giáo ở các quốc gia Trung Đông đều không giống y nhau nhưng phụ nữ lúc nào vẫn chỉ là công dân hạng nhì trong tất cả các quốc gia đó.

 

Azam Kamguian đã từng bị bắt giam hai lần tại xứ sở Iran của bà vì đã lên tiếng phản đối hệ thống chính trị đương thời. Bà khẳng định rằng trong các nước Trung Đông và Bắc Phi có đầy rẫy những luật lệ bất công, những tổ chức kỳ thị và những hệ thống tư tưởng thiên vị chà đạp lên quyền lợi của phụ nữ. Xã hội Trung Đông đặt giá trị lên gia đình, thay vì lên từng cá nhân phụ nữ, như là một đơn vị cơ bản của quốc gia. Luật pháp Hồi Giáo chỉ định vai trò của phụ nữ là “vợ” và “mẹ” với bổn phận duy nhất là cung cấp tình dục cho người chồng và phục vụ gia đình họ. Họ không có quyền lợi như một cá nhân. Do đó họ không có quyền lợi và tiếng nói trong xã hội. Xã hội Trung Đông từ ngàn xưa được xây dựng trên một nền văn hóa tộc trưởng (patriarchal) nắm giữ và điều hành bởi nam phái. Luật lệ Trung Đông do nam phái đặt dựng ra, đứng dưới danh nghĩa “theo lời dạy của Allah”, do đó có những quyền lợi nghiêng hẳn về nam phái. Đây là một hệ thống thường được gọi chung là “Hồi Giáo chính trị” (“political Islam”). Từ xưa đến nay, bất cứ ý định nào muốn thay đổi cấu trúc trên đều gặp nhiều phản kháng kịch liệt từ hệ thống Hồi Giáo chính trị nầy.

 

Theo bà Azam, hai thập niên vừa qua là một thời kỳ đen tối cho phụ nữ Trung Đông: hệ thống Hồi Giáo chính trị ngày càng bành trướng mạnh, hệ thống chính quyền phi tôn giáo bị gạt bỏ, tín điều tôn giáo áp đặt lên đời sống dân chúng, hàng ngàn người bị hành quyết – hoặc bị chặt đầu hoặc bị ném đá đến chết – và những luật lệ đàn áp phụ nữ từ thời Trung Cổ đã được hồi sinh trở lại.

 

Bà Azam Mamguian than phiền về việc nhiều người trong giới học giả Tây Phương, giới báo chí, nhóm gọi là Hồi Giáo ôn hòa và một số trí thức Đông Phương hiện nay đang tìm cách bào chữa cho Hồi Giáo. Những người nầy muốn hóa giải cảm giác căm phẩn của đại chúng về Hồi Giáo và về những lực lượng Hồi Giáo. Những người nầy muốn cho chúng ta thấy rằng những điều chúng ta thấy ở trên thật ra không phải là Hồi Giáo chân chính; họ chia Hồi Giáo ra làm “tốt” và “xấu”, “ôn hòa” và “quá khích”.

 

Điều cần thấy là không phải mọi phong trào đòi hỏi nữ quyền trên thế giới đều đứng cùng một chiến tuyến giống hệt nhau. Ngay cả các phong trào nữ quyền do phụ nữ Hồi Giáo đề xướng cũng có nhiều cách nhìn khác nhau về thân phận của phụ nữ trong Hồi Giáo. Nhiều người theo chủ nghĩa nữ quyền và trong giới trí thức bênh vực Hồi Giáo cho rằng các luật lệ như y phục che trùm kín thân thể mặt mày hay cắt xén bộ phận sinh dục phái nữ không chỉ giới hạn trong các xã hội Trung Đông. Có những nhóm phủ nhận sự kiện phần đông phụ nữ Trung Đông bị áp bức hơn phụ nữ bên ngoài khối Trung Đông. Có những nhóm cho rằng việc áp bức phụ nữ có thật sự xảy ra nhưng không phải tại vì Hồi Giáo vì Kinh Koran nguyên thủy chủ định nam nữ bình quyền nhưng đã bị ô nhiễm bởi chủ nghĩa nam quyền của nền văn hóa Á Rập cổ và ảnh hưởng ngoại lai (thí dụ cho nhóm nầy là các nhóm “Chị Em Phụ Nữ trong Hồi Giáo” và “Musawah” vừa được đề cập đến ở trên). Có những người còn cho rằng việc phái nữ trong xã hội Tây Phương trang điểm son phấn cũng là một dạng áp bức, tuy nhiên là một loại áp bức hiện đại và là tàn dư của chủ nghĩa thuộc địa.

 

Bà Azam Mamguian dùng Kinh Koran để giải thích về Hồi Giáo. Đây là một phương cách chính đáng và hợp lý nhất. Đó là vì Kinh Koran được xem là lời dạy tuyệt đối và thiêng liêng của Allah, là nền tảng của đạo đức, là gương mẩu tất cả mọi người phải tuân theo, và là luật pháp cao trọng hơn cả luật pháp quốc gia.

 

Bà Azam Mamguian dẫn chứng nhiều đoạn, nhiều câu trong Kinh Koran cho thấy rõ ràng Allah chủ trương nam trọng nữ khinh. Tuy có thể cho rằng chúng chỉ cách diễn dịch sai lạc bởi nhóm cầm quyền tộc trưởng trong quá khứ, ngày nay chúng vẫn còn nằm trong Kinh Koran, chúng vẫn được chính thức xem bởi mọi người là lời của Allah, và chúng vẫn có giá trị gần như tuyệt đối trong thế giới Hồi Giáo. Dưới đây là vài thí dụ trong hàng trăm thí dụ khác.

 

Nữ phái chỉ là tài sản và không thể nắm quyền trên nam phái: “Đàn ông có uy quyền trên đàn bà, vì Thượng Đế đã muốn giới phái nầy hơn giới phái kia, và vì vậy chúng bây phải vâng lời. Đàn bà chính chuyên vì vậy phải tùng phục… và những kẻ mà ngươi nghĩ rằng cãi lời thì hãy trừng trị chúng và đánh đập chúng” (Nữ Phái, câu 38)

Một người đàn bà chỉ đáng giá phân nửa người đàn ông trên phương diện pháp lý và tài chính: “Nếu cần thì gọi hai người đàn ông làm chứng, nếu không có đủ đàn ông thì một đàn ông và hai đàn bà” (Con Bò, câu 282), và “Thượng Đế bảo nhà ngươi về con cái: một đứa con trai cũng bằng như hai đứa con gái” (Nữ Phái, câu 11).

Trong Hồi Giáo, phụ nữ được ân điển của Thượng Đế khi họ tùng phục chồng họ. Thông điệp của Allah rất rõ ràng: nam phái thống trị, nữ phái tùng phục.

 

Trong Hồi Giáo, bà Azam cho thấy, đặc tính tình dục của phụ nữ được nhìn nhận nhưng chỉ giới hạn và giam giữ trong vai trò dụng cụ tình dục của nam phái và sinh sản con cái. Hồi Giáo cho rằng phụ nữ là mối hiểm nguy vì họ làm nam phái lơ đảng trong nhiệm vụ của họ và do đó họ làm hư hoại xã hội. Do đó các luật lệ Hồi Giáo kềm kẹp bản chất dục tính của phụ nữ hơn, và hữu hiệu hơn, bất cứ hệ thống tín ngưỡng chính trị nào khác. Có rất nhiều đoạn trong Kinh Koran định nghĩa rõ ràng các dạng liên hệ tình dục nào được cho phép trong Hồi Giáo. Bất cứ vi phạm nào (gọi là “zena”) sẽ dẫn đến các trừng phạt như bị đánh bằng roi, giam cầm và bị chọi đá cho đến chết.

Bà Azam cho rằng vì vậy phụ nữ bị bắt buộc mặc những trang phục che kín đầu tóc, mặt mày thân thể. Đây là một cách kềm chế tự do và cách ly phụ nữ khỏi xã hội nhằm để bảo vệ nam phái và cộng đồng khỏi những hiểm nguy có thể đem đến bởi họ. Đây là lý lẽ của Hồi Giáo: “nếu dáng vóc dung diện của một người phụ nữ có thể động gợi dục tính của một người đàn ông, ngay cả khi cô ta không hay biết, vẫn có thể làm cho anh ta ham muốn cô, và từ đó dẫn đến ngoại tình”.

 

Đối với một tín đồ Hồi Giáo nhiệt thành, một phụ nữ không bao trùm lại lại cũng giống như một phụ nữ lõa lồ. Sự xuất hiện của phụ nữ không bao trùm kín lại ở nơi công cộng được xem là một tấn công vào rường cột đạo đức Hồi Giáo. Kinh Koran (Sura 24, câu 31) dạy rõ điều nầy.  

 

Do đó phụ nữ Hồi Giáo, không những ở các nước Hồi Giáo mà ngay cả ở trung tâm Âu Châu, đều trùm kín đầu tóc của họ, và các thiếu nữ trẻ lẫn cả các bé gái con cái trong gia đình họ.

 

Bà Azam cũng giải thích về phong tục gọi là “giết để bảo toàn danh dự” (“honour killing”) phổ biến và được dung dưỡng bởi luật pháp trong xã hội Hồi Giáo. Phong tục nầy bắt nguồn từ quy luật đạo đức và danh dự từ ngàn xưa trước cả Hồi Giáo. Nam phái có nhiệm bảo vệ tiết hạnh của các thân nhân phụ nữ trong gia đình họ. Hồi Giáo sau nầy dùng quan niệm trên và dạy thêm về sự cần thiết để trinh tiết của một phụ nữ được kiểm soát và bảo vệ bởi cha và anh em trai. Nếu phụ nữ nào không giữ được tiết hạnh, ngay cả trong trường hợp bị hãm hiếp, thì cả gia đình đều bị nhục nhã với xã hội. Quy luật đạo đức và danh dự từ đó cho phép người đàn ông được giết chết một thân nhân nữ phái bởi bất cứ lý do gì anh ta cho rằng làm nhục đến gia đình, kể cả những chuyện như phục sức “không thích hợp”. Hiện nay, bà cho biết, ở các nước như Jordan, Yemen, Cộng Hòa Á Rập, Kurdistan và ngay cả ở vài nước Âu Châu phụ nữ có thể bị kết án tử bởi chính thân nhân nam giới trong gia đình họ trong những tòa án gia đình.

 

Bà Azam Mamguian cho biết từ lâu rồi vẫn có một sự phản kháng lại Hồi Giáo và chính quyền Hồi Giáo trong Iran. Vì sự bành trướng gần đây của thế lực Hồi Giáo chính trị trong Trung Đông như vừa đề cập ở trên, từ giữa thập niên 1980 các phong trào phản kháng nầy trổi dậy ngày càng nhiều ở các nước Á Rập, Pakistan, Sudan và Jordan đòi bải bỏ luật đa thê, ngăn cấm phong tục “giết để bảo toàn danh dự”, thay đổi luật ly dị và ngưng sử dụng luật Sharia như nền tảng của luật gia đình.

 

Theo bà, sự đấu tranh giành tự do cho phụ nữ chống đối lại áp bức sẽ phải đối đầu trực diện với sự kiện Hồi Giáo nằm dính liền với hệ thống chính trị cầm quyền. Bà cho rằng tôn giáo cần phải được tách rời ra khỏi chính trị. Đây là điều kiện tiên quyết cho cuộc giải thoát phụ nữ khỏi sự áp bức của tôn giáo. Chỉ có một chiến dịch xã hội tân tiến, phi tín ngưỡng và bình đẳng mới có hy vọng dẹp bỏ sự kềm kẹp của Hồi Giáo trong vùng Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á.

 

Trong diễn văn ở buổi biểu tình kỷ niệm 100 năm ngày Phụ Nữ Thế Giới tại Ottawa, Canada vào tháng Ba 2011, bà Soraya Shahabi (Giám Đốc Trung Tâm Trung Đông cho Quyền Lợi Phụ Nữ - Middle East Centre For Women's Rights) nhắc lại lý do tại sao phụ nữ phải đứng lên đòi hỏi quyền tự do của họ. Bà nói về nhiều vấn đề, trong đó có luật bắt buộc phụ nữ đội khăn trùm kín đầu tóc họ - jihab. Bà nêu ra nhiều thí dụ, với đầy đủ tên tuổi nạn nhân và chi tiết diễn biến, mà những người vi phạm luật lệ nầy đã bị thảm sát. Trong nhiều trường hợp họ bị đánh đập tàn nhẫn và cưỡng hiếp, rồi bị kết tội chính họ là nguyên do để họ bị cưỡng hiếp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bà Soraya nhấn mạnh luật bắt buột đội khăn jihab biểu tượng cho sự nô lệ hóa và vi phạm nhân quyền phụ nữ. Bà kêu gọi phụ nữ Trung Đông đứng lên bày tỏ sự chống đối của họ về các luật lệ nầy.

Trong ngày buổi tình của hàng trăm phụ nữ ở Iran cách đó hai hôm, khoảng 50 phụ nữ đứng hàng trước của đội ngũ biểu tình đã lột bỏ khăn trùm đầu của họ và vài người còn châm lửa đốt chúng. Bà Soraya Shahabi cho biết bà hiện diện trong buổi biểu tình ở Ottawa nầy là để bày tỏ lòng đoàn kết với những phụ nữ đó. Bà nói: “Tôi không đội chiếc khăn trùm đầu áp bức nầy. Tôi đã phải đội nó khi tôi còn ở Iran chỉ vì muốn sống còn. Hôm nay để ủng hộ những chị em ở Iran, tôi đội nó chỉ để cho thấy tôi lột bỏ nó ra”. Và bà tháo gỡ chiếc khăn đang trùm đầu bà và quăng xuống đất.

 

Ông Staks Rosch trong Skeptic Ink viết một bài blog về những người cho rằng chiếc khăn trùm đầu jihab không phải là biểu tượng của sự áp bức phụ nữ. Ông dùng thí dụ về Laila Alawa, một thiếu nữ Hồi Giáo người Mỹ đã tuyên bố cô không hề bị áp bức trong việc đeo khăn trùm đầu jihab. Laila còn nói chính các phong trào phản đối jihab làm cho cô cảm thấy bị áp bức phải sống theo lý tưởng tự do Tây Phương về việc không nên trùm đầu tóc lại. Cô nói cô không cần ai phải “giải phóng” cô.

 

Staks Rosch phân tích rằng những người như Laila Alawa (và như Theresa Corbin được đề cập ở phần đầu bài nầy cũng vậy) không nhận thấy là dĩ nhiên không có thế lực Hồi Giáo nào áp bức họ cả nếu họ vui lòng tình nguyện trùm kín đầu tóc họ lại. Chỉ khi nào họ từ chối không làm điều nầy ở một nước Trung Đông thì họ mới thấy được họ có bị áp bức bởi luật lệ Hồi Giáo hay không. Ông cho thấy ngày nay khi Laila trùm đầu tóc đi lại ở nơi công cộng ở Mỹ thì điều tệ hại nhất có thể xảy ra là vài người kỳ thị sẽ nhìn cô với ánh mắt khó chịu, cũng không khác gì ánh mắt khó chịu họ dành cho những người vô thần khác. Không ai sẽ đánh đập hay bắt giam hay đòi hỏi cô phải bị chọi đá cho đến chết trong khi những việc nầy hiện đang xảy ra hàng ngày ở nhiều nước Trung Đông. Và đó là sự khác biệt họ cần nhìn thấy.

 

Ông Rosch không có vấn đề gì trong việc phụ nữ vì lý do tín ngưỡng hay bất cứ lý do nào khác tự nguyện trùm kín đầu tóc, mặt mày, thân thể họ khi đi ra đường. Đó là quyền tự do của họ. Tuy nhiên ông không tin rằng đa số phụ nữ Hồi Giáo làm điều nầy tự nguyện. Ông cũng thấy ông cũng có quyền tự do nghĩ, và nói ra ý nghĩ của ông, rằng theo ông trang phục loại nầy không mỹ thuật chút nào, không thích hợp về vệ sinh và sức khỏe ở những xứ khí hậu nóng bức, và có thể gây trở ngại cho việc bảo vệ an ninh trong một số môi trường. 

 

Tất cả những quan điểm trình bày trên đây về tình cảnh của phụ nữ trong Hồi Giáo đều được thu thập từ các tác giả thông suốt trong lãnh vực nầy. Chúng ta có thể thấy hai khối đối nghịch hẳn nhau ở đây và ngay trong mỗi khối cũng có những cách nhìn và cách hành sử khác biệt nhau. Bên dưới là danh sách các nguồn tài liệu chính tôi đã dùng ở đây. Tuy nhiên tôi khuyến khích độc giả nên tìm đọc thêm nhiều tài liệu khác trên mạng để tham khảo và tự đi đến quan điểm riêng của chính mình.

 

 

Nguồn:

 

1/ I'm a feminist and I converted to Islam – Theresa Corbin

http://edition.cnn.com/2014/10/14/opinion/muslim-convert-irpt/

 

2/ The Rise of the Islamic Feminists:  Muslim women are fighting for their rights from within Islamic tradition, rather than against it. - Elizabeth Segran

http://www.thenation.com/article/177467/rise-islamic-feminists?page=0,0

 

3/ Islam and the Liberation of Women in the Middle East - Azam Kamguian

http://www.centerforinquiry.net/isis/islamic_viewpoints/islam_and_the_liberation_of_women_in_the_middle_east/

 

4/ Women and Religious Oppression - Azam Kamguian  

http://www.famafrique.org/oppression.htm

 

5/ Women Pushing the Boundaries - Soraya Shahabi

http://www.famafrique.org/boundaries.htm

 

6/ What does the Religion of Peace Teach About...

http://www.thereligionofpeace.com/quran/010-women-worth-less.htm

 

 

 

      Tạp Chí Da Màu: http://damau.org/archives/36744

Tôn Giáo

 

Phật Giáo

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page