top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

Phật A Di Đà và Phật Di Lặc

 

Trong Phật Giáo Đại Thừa có 3 vị Phật lớn đó là 1/ Phật Thích Ca Mâu Ni, 2/ Phật A Di Đà và 3/ Phật Di Lặc.

 

Có nhiều bằng chứng cho thấy Thích Ca Mâu Ni là một nhân vật có thật trong lịch sử. Trong khi đó, tất cả sự giới thiệu và bối cảnh dẫn đến sự xuất hiện của Phật A Di Đà và Phật Di Lặc trong các kinh sách đều cực kỳ mơ hồ.

 

 

Phật A Di Đà

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                        Hình 1: Phật A Di Đà

 

 

Theo kinh sách Đại Thừa thì Phật A Di Đà sống qua hàng ngàn kiếp. Thí dụ như theo hòa thượng Thích Thiện Hoa biên soạn thì 4 trong hàng ngàn kiếp đó được diễn tả dưới đây. 

 

  (http://tinhdo.com.vn/tinhdo_news.php?id=598)

 

1/ Theo kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì "Đức Phật A Di Đà, kiếp trước là con của đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai. Ngài nhờ công đức thường giảng kinh Pháp Hoa cho chúng sanh nghe, nên thành Phật hiệu là A-di-đà ở cõi Tây Phương Cực Lạc".

 

2/ Theo kinh Quán Phật Tam Muội Hải thì "Đời quá khứ Ngài làm Tỳ-kheo, chăm lòng kính lễ quán tưởng tướng lông trắng giữa chặn mày của đức Phật Không Vương, nên được thọ ký Phật hiệu là A Di Đà ".

 

3/ Theo kinh Bi Hoa thì “Đời quá khứ hằng hà sa kiếp trước, A Di Đà là vua Chuyển Luân tên là Vô Trách Niệm. Một hôm vua nghe đức Phật Bảo Tạng đến thuyết pháp tại vườn Diêm Phù ở gần bên thành … Khi đó đức Phật Bảo Tạng liền phóng hào quang sáng ngời, soi khắp cả thế giới của chư Phật mười phương, cho chúng hội đồng thấy … Vua đảnh lễ Phật, quỳ gối chắp tay phát lời đại nguyện ... Do nhân duyên ấy, sau Ngài thành Phật hiệu là A Di Đà ở cõi Tây phương Cực Lạc”.

 

4/ Thích Ca kể rằng "Đời quá khứ lâu xa, cách hơn 10 ức kiếp, vua một nước tên là Diệu Hỷ có người con trai thứ hai là Kiều Thi Ca bỏ ngôi vinh quí theo Phật Thế Tự Tại xuất gia dưới pháp danh là Pháp Tạng. Pháp Tạng đứng trước Phật, phát 48 lời đại nguyện muốn độ khắp tất mười phương chúng sanh … Khi ấy chư thiên rải hoa, tán thán, quả đất rúng động, giữa không trung có tiếng khen rằng ‘Pháp Tạng sẽ thành Phật hiệu là A Di Đà’".

 

Một sự kiện có thể được nhận thấy rõ trong các tài liệu kinh sách kể trên là tính cách huyền bí thái quá của nhiều chi tiết chính yếu. Những bài biên soạn khác về Phật A Di Đà cũng đưa ra các câu chuyện huyền bí tương tự.

 

Ngay cả nếu chấp nhận rằng Phật A Di Đà đã có thật sự đầu thai qua hàng ngàn kiếp đi nữa thì địa danh, tên họ, gia tộc và kỷ niên của tất cả nhân vật trong chuyện đều được người viết kinh đề cập đến một cách đột ngột và tùy tiện. Các chi tiết trên đều không có bằng chứng lịch sử gì cũng như không thể nào kiểm chứng được.

 

Thí dụ như trong chuyện kể về kiếp thứ nhất ở trên thì “Đại Thông Trí Thắng Như Lai” là ai và gốc gác ở đâu? “Kiếp trước” là hồi nào, vào khoảng năm nào? Nếu chỉ vì “nhờ công đức thường giảng kinh Pháp Hoa cho chúng sanh nghe” mà được thành Phật thì như vậy chẳng phải trái ngược với lời dạy của Thích Ca Mâu Ni về cách thức đạt đến giác ngộ hay sao?

 

Trong chuyện kể về kiếp thứ hai ở trên cũng vậy, “phật Không Vương” là ai? Và có thật là chỉ nhờ “chăm lòng kính lễ quán tưởng tướng lông trắng giữa chặn mày của đức Phật Không Vương” nên được thành Phật chăng?

 

Trong chuyện kể về kiếp thứ ba và thứ tư, tên tuổi và gốc gác của các nhân vật cũng được giới thiệu đến dưới tính cách mơ hồ tương tự. Thời điểm trong các chuyện nầy cũng rất đáng nghi ngờ (thí dụ như “quá khứ hằng hà sa kiếp trước” và “10 ức kiếp”).

 

Nói chung, cách trình bày và giới thiệu các dữ kiện về Phật A Di Đà trong các kinh sách cũng như các tình tiết như “hào quang sáng ngời, soi khắp cả thế giới của chư Phật mười phương, cho chúng hội đồng thấy” hay là “khắp cõi đất đều rung động, hoa báu mưa xuống trên mình người, và giữa hư không tự nhiên tiếng nhạc vang lừng” làm người đọc không khỏi liên tưởng đến các chuyện giả tưởng như Tề Thiên Đại Thánh hay Mục Kiền Liên Thanh Đề. Và giá trị của chúng có lẽ cũng không khác nhau mấy.

 

Những tài liệu và dữ kiện về Phật A Di Đà rất khó thuyết phục người khảo cứu rằng đây là một nhân vật lịch sử. Hơn nữa, chỉ có Phật Giáo Bắc Tông (hay “Đại Thừa”) thờ Phật A Di Đà trong khi Phật Giáo Nam Tông (hay “Tiểu Thừa”, hay “Nguyên Thủy”) không công nhận vị phật nầy.

 

Phật A Di Đà được xem là vị phật quan trọng nhất trong các môn phái Đại Thừa như Tịnh Độ Tông, Thiên Thai Tông, Mật Tông. Lấy Tịnh Độ Tông làm thí dụ chẳng hạn, đây là một trường phái được sáng lập bởi nhà sư Huệ Viễn vào thế kỷ thứ 4 ở Trung Hoa và từ đó lưu hành rộng rãi ở Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Mục tiêu chính của Tịnh Độ Tông là tu học để được tái sinh ở Tây Phương Cực Lạc, là nơi trụ trì của Phật A Di Đà. Người tu theo phái nầy được dạy rằng nếu họ tin tưởng nhiệt thành và trì niệm, quán tưởng đến Phật A Di Đà và Tây Phương Cực Lạc thì sẽ được cứu độ khỏi luân hồi.

 

Nguyên lý tu trên hoàn toàn khác biệt và trái ngược với triết lý nền tảng về “giác ngộ” và “giải thoát” được Thích Ca Mâu Ni giảng dạy.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                             Hình 2: Tây Phương Cực Lạc của Phật Giáo Bắc Tông

 

 

Khi nhìn qua lịch sử hình thành và phát triển của Đại Thừa, kết luận hữu lý nhất là Phật A Di Đà đã được các tăng sư đem vào kinh sách dựa trên những truyền thuyết tưởng tượng của Ấn Độ Giáo. Những kinh sách nầy được sao đi chép lại qua bao nhiêu thế hệ không ai bao giờ kiểm chứng. Chùa chiềng theo kinh sách mà dựng tượng A Di Đà cũng không khác gì những tượng các Tổ, các Thánh Tăng, các La Hán, Tề Thiên Đại Thánh, Mục Kiền Liên, v.v. bất kể gốc gác lịch sử của các nhân vật trên.

 

Khuynh hướng của người Á Đông là thấy tượng thì bái lạy, thờ cúng. Cái quyến rũ lớn nhất về việc thờ cúng Phật A Di Đà là niềm tin “nếu thành tín quán tưởng và trì niệm về ngài thì sẽ được cứu độ về Tây Phương Cực Lạc”. Nguyên lý nầy mở ra cho tín đồ một lối đi đến giải thoát dễ dàng không cần phải dựa mấy vào sự tự lực tu học từ bản thân họ. Vì thế dần dần rồi Phật A Di Đà chiếm một vị thế ngang hàng với một nhân vật lịch sử trong Phật Giáo là Thích Ca Mâu Ni.

 

 

Phật Di Lặc

 

Phật Di Lặc cũng là một vị Phật của tông phái Đại Thừa. Phật Di Lặc được cho rằng trong tương lai sẽ thay thế Phật Thích Ca để hoằng pháp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                  Hình 3: Phật Di Lặc

 

 

Di Lặc có nghĩa là "người có lòng từ bi”. Di Lặc là một vị Bồ Tát  được tông phái Đại Thừa tin là vị Phật cuối cùng sẽ xuất hiện trên trái đất. Bồ Tát Di-lặc cũng được thờ cúng rất rộng rãi trong Phật giáo Tây Tạng,

 

Tuy thế, tông phái Nguyên Thủy của Phật Giáo không công nhận Phật Di Lặc. Họ cho rằng Phật Di Lặc chỉ là một sản phẩm tưởng tượng được các tăng sư Đại Thừa soạn viết vào kinh Phật dựa trên một vị thần trong kinh Vệ Đà của Ấn Độ Giáo. Tông phái Tiểu Thừa cho rằng các tăng sư Đại Thừa cần có một vị phật trụ trì ở cõi Cực Lạc nên họ đã sáng tạo ra Phật Di Lặc.

 

Trong Phật Giáo Nguyên Thủy có 3 câu kệ:

 

 “Quá khứ không truy tìm
Vị lai không ước vọng
Chỉ có hiện tại thôi”.

 

Ba câu kệ nầy cho thấy Phật Giáo Nguyên Thủy không nhìn nhận những chuyện quá khứ và vị lai, chỉ biết sống trong hiện tại. Vì thế họ không cần biết đến quá khứ vị lai mà chỉ chủ trương sống và làm mọi việc lành ngay trong hiện tại.

 

Tương tự như Phật A Di Đà, lai lịch của Phật Di Lặc cũng cực kỳ mơ hồ. Ngay trong các kinh sách của tông phái Đại Thừa cũng không có sự đồng nhất về tên tuổi và nguồn gốc của Phật Di Lặc. Những câu chuyện kể về Phật Di Lặc cũng chứa đựng đầy các chi tiết huyễn hoặc với pháp thuật thần thông tiêu biểu trong Ấn Độ Giáo và Lão Giáo.

 

Ngay những nghiên cứu gia về lịch sử Đại Thừa ngày nay cũng không dám quả quyết rằng họ có thể xác định được Di Lặc là một nhân vật lịch sử hay không. Trong các bài viết của họ chúng ta có thể thấy rất nhiều chữ như “tương truyền rằng” hay “truyền thuyết” đi liền với các chi tiết liên quan đến sự xuất hiện của Di Lặc.

 

Hãy đọc qua một đoạn trích dẫn từ bài viết sau đây về lai lịch của Di Lặc thì sẽ thấy sự bất đồng quan điểm giữa các sử gia như thế nào.

 

  (http://www.thientam.vn/index.php?nv=News&at=article&sid=494)

 

Trong Đại Tạng Kinh bản Hán dịch ghi Bồ-tát Di-lặc là tác giả của những bộ luận Du-già Sư-địa, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận Tụng, Biện Trung Biên Luận Tụng, Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh Luận.

 

Trong Đại Tạng Kinh Tây Tạng ngoài các luận nói trên còn có ghi thêm Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, Pháp Tánh Phân Biệt Luận và Đại Thừa Cứu Cánh Yếu Nghĩa Luận.

 

Tương truyền Di-lặc là thầy của ngài Vô Trước, sáng tạo ra lý Du-già Duy Thức và sau truyền trao cho Vô Trước. Theo Bà-tẩu-bàn-đậu Pháp Sư Truyện, Vô Trước từng lên cung trời Đâu Suất thỉnh vấn Bồ-tát Di-lặc về lý Không quán của Đại thừa, do đó mà xem Di-lặc cũng là thầy của Vô Trước, còn người đời sau thì cho rằng Ngài chính là Đức Phật Di-lặc trong tương lai.

 

Đối với các bộ luận đã nêu trên, thực tế có thể là do Vô Trước tóm thâu các học thuyết của tiên hiền mà tạm cho là của Di-lặc sáng tác.

 

Học giả Phật giáo nước Nga là E. Obermiller cho rằng truyền thuyết như ngài Long Thọ nhờ Bồ-tát Văn-thù khải phát mà trước tác các bộ luận, cũng vậy, ngài Vô Trước thì nhờ thần lực của Bồ-tát Di-lặc ở cung trời Đâu Suất mà tạo luận.

 

Học giả Nhật Bản là Sơn Khẩu Ích dựa vào thuyết này mà cho rằng người chú thích, luận thuyết các bộ luận đề tên ngài Di-lặc nói trên đều là do một mình ngài Vô Trước làm cả, và ngài Di-lặc chỉ là người khải phát linh cảm, và là một vị Phật Đương lai Nhất sanh bổ sứ.

 

Học giả E. Lamotte đồng ý luận thuyết này và bổ sung cho thuyết ấy được sáng tỏ. Ông cho rằng kinh điển Đại thừa thành lập sau thường mượn lời bậc Thánh để tăng thêm uy tín, cho nên nghi ngờ tính cách lịch sử của Di-lặc Luận sư là đúng.

 

Học giả Nhật Bản là Vũ Tỉnh Bá Thọ thì phản đối thuyết này, ông cho rằng Luận sư Di-lặc là nhân vật có thật trong lịch sử, đã sáng tạo giáo lý Du-già Đại thừa và Vô Trước chỉ là người viết lại các luận nói trên mà thôi.

 

Tại Trung Hoa, Bồ Tát Di-lặc cũng hay được trình bày với tướng mập tròn vui vẻ, trẻ con quấn quít xung quanh. Người ta tin rằng đó chính là hình ảnh của Bố Đại Hòa thượng, một hóa thân của Di-lặc ở thế kỷ thứ 10. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                 Hình 4: Tượng Phật Di Lặc ở chùa Bái Đính, Ninh Bình

 

 

Khái niệm “Phật Di Lặc” có liên hệ chặc chẽ với khái niệm “Hội Long Hoa”.

 

Hội Long Hoa, theo Phật Giáo Đại Thừa, là khi Phật Di Lặc xuất hiện thay thế Phật Thích Ca để hoằng pháp.

 

Có người so sánh hội Long Hoa với ngày Phán Xét của Thiên Chúa Giáo. Tín đồ Thiên Chúa Giáo mong chờ cho ngày Phán Xét xảy ra. Phật tử tông phái Đại Thừa phần đông cũng mong chờ cho hội Long Hoa xảy ra. Trong khi đó, Phật tử tông phái Tiểu Thừa xem hội Long Hoa chỉ là một sản phẩm tưởng tượng và không nhìn nhận ý niệm cũng như ý nghĩa của ngày nầy. 

 

 

Kết luận về Phật A Di Đà và Phật Di Lặc

 

Những chi tiết cực kỳ mơ hồ kể trên về nguồn gốc, xuất xứ của Phật Di Lặc cũng như của Phật A Di Đà gây ra những câu hỏi không giải đáp được về thực chất của hai nhân vật nầy trong lịch sử Phật Giáo.

 

Ngoài ra những đặc thù và triết lý giải thoát kể về Di Lặc cũng như về A Di Đà đều hoàn toàn đối chọi với những đặc thù và triết lý giải thoát của Thích Ca Mâu Ni.

 

Nguyên tắc suy luận cơ bản nhất cho rằng “A” và “Không A” không thể hiện hữu cùng một lúc.

 

Điều nầy cho thấy nếu Phật tử công nhận sự hiện hữu của Phật Thích Ca thì khó có thể đồng thời chấp nhận sự hiện hữu của Phật Di Lặc và Phật A Di Đà.

 

 

 

  Tạp Chí Da Màu: http://damau.org/archives/37375

 

 

 

Tôn Giáo

 

Phật Giáo

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page