Nguyễn Nhân Trí -
- Tôn Giáo
- Sự Chết và Con Người
- Thuyết Tiến Hóa
Chương 12:
Sự Phân Tản trên Môi Trường Địa Lý (tiếp theo)
Trong Chương 12 nầy Darwin nói tiếp đến sự phân cách của môi trường địa lý có ảnh hưởng đến sự thành hình của các chủng loại ra sao.
Mỗi khi mực nước trên mặt địa cầu thay đổi thì diện tích, chiều sâu, hình dạng và vị trí của những khối nước như biển, hồ, sông cũng thay đổi theo. Có khi có những khối nước tách rời ra thành những môi trường sống cô lập với những khối nước khác, có khi ngược lại. Sự tương tác và tiến hóa của những sinh vật dưới nước cũng xảy ra tương tự như những sinh vật sống trên cạn.
Một điều hiển nhiên là một sinh vật sống trong một vùng nước không thể tự nó di chuyển sang một vùng nước khác được. Tuy nhiên những khi địa hình thay đổi như vừa nói kể trên, hoặc những khi ngập lụt lớn thì những ao hồ (hay có khi cả vùng biển) thường ngày nằm cô lập có thể nối liền với nhau qua một thời gian ngắn hay vĩnh viễn. Những sinh vật trong những ao hồ hay biển trên nhờ đó có dịp di chuyển lan tràn đến những ao hồ hay biển khác.
Như đã nói ở Chương 11, thực vật thường dễ được các loài chim thú vô tình di chuyển từ nơi nầy sang nơi khác hơn động vật. Những thực vật sống dưới nước do đó dễ có mặt ở nhiều ao hồ nằm cách biệt hẳn với nhau trên cùng một lục địa. Thí dụ dễ thấy nhất là chim, vịt, v.v. thường mang theo rong rêu và sò ốc nước ngọt trong chân hay lông của chúng từ ao hồ nầy sang ao hồ khác. Có những loài cá ăn hạt cây rong rêutrong các ao hồ nước ngọt; khi các loài chim như cò, vạc sau khi nuốt ăn những con cá nầy bay đến những ao hồ khác ở xa rồi phóng ếu ở đó thì các hạt cây rong rêu trên sẽ được di chuyển sang địa điểm mới để sinh sôi nẩy nở. Tuy vậy, theo Darwin nhận xét, không có một chủng loại cá nước ngọt nào cùng hiện hữu trong ao hồ nước ngọt trên hai lục địa khác nhau.
Nhận xét sau đây rất quan trọng: các sinh vật sống trên một hòn đảo hầu như lúc nào cũng có nhiều điểm tương đồng nhất với những sinh vật sống trên lục địa gần đó nhất (so với những sinh vật sống ở các lục địa xa hơn). Ngay cả khi khí hậu của hai nơi nầy khác hẳn nhau, thí dụ như quần đảo Galapagos và lục địa Nam Mỹ. Đó là vì các sinh vật trên đã có thể di chuyển qua lại được khi những hòn đảo nầy còn dính liền (hoặc ở gần) với nhau và với lục địa chính.
Trong khi đó những nơi có khí hậu tương tự nhau, thí dụ như quần đảo Galapagos (ở Thái Bình Dương gần Nam Mỹ) và quần đảo Cape de Verde (nằm giữa Đại Tây Dương), vẫn có thể có những sinh vật hoàn toàn khác hẳn nhau. Đó là vì những chủng loại sống trên hai nơi nầy đã không từng có thể di chuyển qua lại với nhau được.
Darwin do đó kết luận rằng khả năng và cơ hội di chuyển của sinh vật từ nơi nầy sang nơi khác, chớ không phải điều kiện khí hậu, có ảnh hưởng lớn đến sự tạo thành những sinh vật mới. Đó là vì như đã nói, khi các chủng loại sống gần gũi và tương tác lẫn nhau thì quá trình tranh đấu để sống còn và tuyển chọn bởi thiên nhiên sẽ thúc đẩy sự tiến hóa của chủng loại.
Luận Giảng
Sự phân cách về địa lý là một yếu tố lớn trong lý thuyết về sự tạo thành những chủng loại khác nhau trên thế giới của Darwin.
Điều đáng kể là Darwin đã sử dụng lý thuyết về sự tạo thành và thay đổi địa hình của Lyell để ủng hộ và giải thích lý thuyết trên của mình. Thí dụ, lý thuyết của Lyell cho rằng sự thay đổi khí hậu đóng một vai trò trong sự thay đổi địa hình của trái đất, chẳng hạn như những gì đã xảy ra trong Thời Kỳ Băng Giá. Darwin từ đó cũng cho rằng sự thay đổi của khí hậu đóng phần rất lớn trong sự tạo thành các chủng loại khác nhau. Trong Thời Đại Băng Giá, chỉ có những sinh vật có thể chịu lạnh mới tồn tại. Khi khí hậu ấm dần lên, những sinh vật có thể di tản đến những nơi vẫn còn lạnh (thí dụ như các đỉnh núi cao) mới có thể sống sót. Theo Darwin đây là cách giải thích thỏa đáng tại sao hiện nay có những chủng loại giống nhau sống trên các đỉnh núi cao ở cách xa nhau trên khắp cùng thế giới.
Sự liên kết của Darwin với Lyell thật ra đã làm cho hai lý thuyết của họ, một về địa hình và một về sinh vật, có thể củng cố lẫn nhau cho đến khi kiến thức và kỷ thuật khoa học sau nầy chứng minh rằng cả hai đều chính xác.
Mới thoạt nhìn, Darwin có vẻ như không đồng nhất với chính ông trong vấn đề nầy. Đó là vì có khi ông cho rằng khí hậu chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ trong sự tiến hóa của chủng loại (sự di truyền của những biến thể trong sinh vật mới đóng một vai trò chính yếu), có khi khác ông nói rằng sự thay đổi của khí hậu đóng một vai trò đáng kể. Thật ra thì ở hai Chương 11 và 12 nầy ông không nói về “sự biến thể” mà chỉ chú trọng vào “sự cách ly” của chủng loại. Những lúc khác ông nói rằng sự biến thể dẫn đến sự tiến hóa; ở đây ông cho rằng sự cách ly dẫn đến sự khác biệt của một số chủng loại. Vì có sự cách ly nầy (từ sự thay đổi khí hậu) mà ngày nay những sinh vật sống ở các vùng núi cao đều tương đồng nhau (trong khi chúng khác hẳn với những sinh vật sống ở các địa phận thấp hơn).
Khi đưa ra giả thuyết về phương cách di chuyển của chủng loại từ nơi nầy sang nơi khác, Darwin cũng nhấn mạnh rằng sự việc nầy xảy ra một cách ngẫu nhiên. Thí dụ như một số loại hạt thực vật nhờ hình dáng dẹp nhẹ nên có thể bọc gió và dễ bay cao xa được, có những loại hạt có móc nhọn nên có thể bám vào lông chim thú để được chuyên chở đi đến các lãnh thổ khác. Những động vật nhỏ, nhẹ thường dễ được di chuyển nhờ theo các chim thú lớn hơn, hoặc trên những bè cây gỗ trôi nổi qua các sông biển. Những sinh vật chịu đựng được nước mặn thường thấy ở các đảo nằm cô lập ở xa vì chúng có thể vượt biển đến từ những lục địa gần đó. Sự ngẫu nhiên nầy, với các thí dụ trên, thật ra cũng chính là nguyên tắc vận hành của lý thuyết tuyển chọn bởi thiên nhiên.