top of page

        NGUỒN GỐC của CHỦNG LOẠI

(Charles Darwin)

 

 

 

   ĐẠI CƯƠNG

 

TÓM LƯỢC

 

Ai cũng có thể thấy rằng giữa các chủng loại khác nhau (động vật cũng như thực vật) có những sự khác biệt về cấu trúc thân thể, vóc dáng, màu sắc, nội tạng, khả năng hoạt động, cách thức sinh sống, v.v.  Những đặc tính cá biệt nầy di truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.

 

Tuy nhiên, Darwin cũng quan sát thấy rằng trong cùng một chủng loại thỉnh thoảng có những sự biến thể (thường là rất nhỏ) khác biệt giữa thế hệ nầy với thế hệ khác. Thí dụ như đôi khi có những con thú được sinh ra mang màu sắc, hoặc chiều dài của lông cánh, hoặc độ rỗng của xương, hoặc kích thước của bắp thịt chân, hoặc lưu lượng của phổi, v.v. khác biệt đôi chút so với tất cả cha mẹ tổ tiên của nó. Những biến thể nầy là một hiện tượng tự nhiên xảy ra thường xuyên. Darwin không giải thích tại sao. Tuy nhiên ông cũng nhận thấy những biến thể khác biệt “mới” nầy thường được tiếp tục di truyền sang từ thế hệ trước sang thế hệ sau.

 

Darwin cho rằng hiện tượng biến thể nói trên trong cùng một chủng loại có liên quan đến những đặc tính cá biệt giữa các chủng loại khác nhau. Nói rõ hơn, ông cho rằng hiện tượng biến thể và tính di truyền từ đời nầy sang đời khác trong cùng một chủng loại dần dần dẫn đến sự tiến hóa và phân nhánh ra thành các chủng loại khác nhau. Đây là lý thuyết về nguồn gốc của chủng loại của Darwin.

 

Theo Darwin, nhờ những sự khác biệt và biến thể trên mà các chủng loại thích ứng được và sống còn trong thế giới thiên nhiên. Thí dụ như chim nhờ có cánh nên bay được trên trời và sống được trên cây cao, cá nhờ có mang nên thở được dưới nước, hươi nai nhờ có chân dài khỏe nên chạy nhảy giỏi trên đồng cỏ tránh bị săn bắt bởi các thú ăn thịt, v.v. Thí dụ như loài cá heo đã biến đổi hai chân trước thành hai mái dầm để chúng bơi được, loài dơi đã phát triển màng cánh ở hai chân trước để làm cho chúng bay được, v.v.

 

Một nguyên lý chính yếu trong lý thuyết của Darwin là “sự tuyển chọn bởi thiên nhiên”. Nguyên lý nầy gắn liền với hiện tượng gọi là “sự tranh đấu để sống còn”. Nguyên lý nầy giải thích mối tương quan giữa sự biến thể và sự tiến hóa của chủng loại như sau:

 

  • Trong thiên nhiên, môi trường sống thay đổi không ngừng. Sự thay đổi không ngừng trong môi trường sống trên đòi hỏi một sự thay đổi không ngừng trong khả năng sinh tồn của mỗi chủng loại. Nếu một chủng loại không thể thích ứng với môi trường sống, hay sự thay đổi trong môi trường sống, của chúng thì chúng sẽ dần dần đi đến diệt vong.

 

  • Ngay cả trong một môi trường sống ổn định thì sự tranh giành tài nguyên như thức ăn, nước uống, chỗ ở giữa các chủng loại, và giữa các tập thể lẫn cá nhân trong cùng một chủng loại, cũng xảy ra không ngừng. Tài nguyên trong môi trường nào đều có một giới hạn nhất định. Vì vậy các sinh vật sống trong môi trường đó chỉ có thể sinh sôi nẩy nở lên đến một giới hạn nào đó mà thôi. Một chủng loại có một vài đặc tính mang đến cho chúng dù một lợi điểm nhỏ so với các chủng loại khác cũng có thể mang đến cho chúng ưu thế trong cuộc tranh giành tài nguyên trên. Nói cách khác, loài thú trên sẽ được thiên nhiên “tuyển chọn” để sống còn trong môi trường nầy.

 

  • Sự tuyển chọn bởi thiên nhiên là động cơ dẫn đến quá trình tiến hóa của chủng loại. Như đã nói ở trên, vì lý do gì đó đôi khi có những biến thể xảy ra từ đời cha mẹ qua đời con cái. Những con thú được sinh ra mang các biến thể có lợi điểm trong một môi trường sẽ có xác suất sống còn cao hơn những con thú được sinh ra không có các biến thể trên. Những đặc tính có lợi điểm trên sẽ được di truyền tiếp tục qua con cháu của chúng. Và rồi sẽ có những biến thể mới nữa xảy ra trong các thế hệ sau chồng chất lên những biến thể của các thế hệ trước. Chỉ có những biến đổi mang đến ưu thế cho chủng loại mới có thể còn tồn tại với thời gian.

 

  • Sự tiến hóa nầy sau nhiều thế hệ trong một chủng loại sẽ tạo nên nhiều chi nhánh hậu duệ. Mỗi chi nhánh hậu duệ nầy theo thời gian cũng sẽ tiến hóa và tạo ra nhiều chi nhánh hậu duệ khác của nó nữa. Nhiều chi nhánh hậu duệ vì lý do gì đó không thể thích ứng được với môi trường sống sẽ tàn lụn và biến mất. Chỉ có một số rất ít những chi nhánh hậu duệ thích ứng được với môi trường sống còn tồn tại.

 

Theo Darwin, chỉ cần quan sát và phân tích những sự khác biệt và nhất là những tương đồng của các chủng loại hiện nay, các nhà sinh vật học có thể đi ngược dòng thời gian và vẽ ra được quá trình thành lập của các chi nhánh tổ tiên của chúng.

 

Darwin cũng cho rằng sự cô lập về mặt địa lý là một yếu tố lớn đưa đến sự tạo thành các chủng loại mới. Ông quan sát và nhận thấy trong thiên nhiên có những chướng ngại vật thí dụ như các biển rộng hay các dãy núi cao có thể ngăn trở sự di chuyển và bành trướng của đại đa số sinh vật từ nơi nầy sang nơi khác. Tuy vậy khi một số ít sinh vật nhờ lý do nào đó đã vượt qua được các chướng ngại vật trên mà đến những nơi cô lập nầy rồi thì hậu duệ của chúng thường tiến hóa thành những chủng loại mới khác biệt hẳn với các chủng loại ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

 

Nhiều người bất đồng ý kiến và chỉ trích lý thuyết tiến hóa của Darwin. Lập luận thông thường nhất được dùng để đả kích thuyết tiến hóa là sự “vắng mặt của các khoen nối trung gian”. Lập luận nầy cho rằng nếu một chủng loại A qua nhiều triệu năm đã tiến hóa ra thành chủng loại B hiện nay thì tại sao người ta chỉ tìm thấy vật hóa thạch của chủng loại A mà chưa ai tìm được vật hóa thạch của các chủng loại trung gian nằm giữa A và B.

 

Lập luận nầy thật ra có vẻ rất đúng khi nhìn vào lịch sử địa chất và cổ sinh học. Tuy vậy, Darwin giải thích rằng tất cả những vật hóa thạch đã được tìm ra cho đến nay chỉ là một phần cực kỳ nhỏ của tất cả những sinh vật đã từng hiện hữu. Vì muốn có được một vật hóa thạch thì vô số các điều kiện cần thiết về địa chất, địa hình, vật lý, hóa học, hoàn cảnh và thời điểm chết, diễn biến địa chấn sau khi chết, v.v. đều phải được thuận lợi hoàn toàn và đầy đủ. Do vậy đại đa số các sinh vật sau khi diệt chủng không để lại dấu vết gì bao giờ cả. Hơn nữa, cho đến nay con người chỉ mới khám phá một tỉ lệ vô cùng nhỏ của những vật hóa thạch đã được tạo thành. Theo Darwin, đó là lý do mà bằng chứng cổ sinh học của những chủng loại trung gian cho đến nay vẫn còn thiếu sót.

 

Lý thuyết tiến hóa của Darwin trái ngược với quan điểm cho rằng vạn vật được sáng tạo riêng biệt và phát triển một cách độc lập. Nhiều người cho rằng hiện tượng mỗi chủng loại đều có những đặc tính giúp chúng sống thích ứng được trong môi trường thiên nhiên của chúng là bằng chứng cho thấy có sự “thiết kế thông minh” của một đấng sáng tạo. Theo Darwin, đó thật ra là bằng chứng cho thấy có một quá trình “tuyển chọn bởi thiên nhiên”.

 

Hơn nữa, Darwin đã áp dụng phương pháp khoa học quy nạp (nghĩa là dựa trên quan sát thực tế để đưa ra giả thuyết rồi dùng giả thuyết đó để kiểm chứng lại thực tế) để đi đến lý thuyết của ông. Trong bất cứ lãnh vực khoa học nào thì phương pháp nầy luôn luôn có giá trị và uy tín hơn hẳn những quan điểm dựa trên các lý lẽ không thực tế và không kiểm chứng được.

 

Trong khi quyển Nguồn Gốc của Chủng Loại dẫn chứng và kết luận về sự tiến hóa của sinh vật, Darwin đã cố ý không nhắc đến loài người. Quyển sách nầy đem đến nhiều tranh cãi lúc mới được xuất bản, và vẫn còn được tranh cãi ngày nay. Đó là vì cái nhìn của Darwin đưa ra một thách đố trực diện cho niềm tin của nhiều người. Tuy vậy, với sự tiến bộ vượt bực về cổ sinh học, sinh vật học, v.v. thì cho đến bây giờ lý thuyết tiến hóa của Darwin vẫn còn hoàn toàn thích hợp. Hầu hết những kiến thức và phương pháp thực hành của các ngành canh nông, thủy lâm, v.v. hiện tại đều dựa vào hay áp dụng nguyên lý tiến hóa nầy.

 

Dưới đây là vài điểm chính về Thuyết Tiến Hóa:

 

Tính Di Truyền của sự Biến Thể dẫn đến Nhiều Chủng Loại Khác Nhau

 

Trọng tâm của thuyết tiến hóa của Darwin là giả thuyết cho rằng sự biến thể trong mỗi chủng loại từ thế hệ trước sang thế hệ sau đã dần dần dẫn đến sự khác biệt giữa các chủng loại khác nhau. 

 

Darwin cho rằng sự khác biệt dường như bất tận về màu sắc, vóc dáng, nội tạng, lông, cánh, chân, tay, khả năng sinh sống, v.v. của các chủng loại khác nhau trong thiên nhiên ngày nay là kết quả của quá trình tuyển lựa bởi thiên nhiên. Những đặc tính của mỗi chủng loại (thí dụ như loài chim có cánh, loài cá có mang, loài thú có chân, v.v.) không phải là ngẫu nhiên mà là vì những đặc tính nầy đã đem đến lợi thế cho sự sinh tồn của chủng loại đó trong môi trường sống của chúng. 

Tuy Darwin và các khoa học gia cùng thời không biết gì về cơ cấu di truyền của sinh vật (thí dụ như DNA) nhưng qua sự quan sát hàng ngày trong thiên nhiên họ nhận thấy rằng:

 

  • Con cái có thể có những đặc tính biến đổi đôi chút với cha mẹ.

 

  • Các biến đổi trên có thể tiếp tục được di truyền qua những thế hệ sau.

 

Sự biến thể nầy có thể hoặc đem đến thêm lợi thế hoặc gây ra thất lợi cho thế hệ mới. Những biến thể có lợi cho một chủng loại có thể di truyền sang các thế hệ tương lai. Con thú nào sinh ra với những biến thể có lợi nầy sẽ có nhiều hy vọng tiếp tục sống còn và phát triển hơn những con thú khác. Những biến thể nào bất lợi sẽ không di truyền mãi được xuống các thế hệ tương lai vì những con thú thừa hưởng các đặc tính bất lợi nầy sẽ bị thất thế hơn và sẽ có ít cơ hội sinh sản hơn và do đó dần dần sẽ tuyệt giống.

 

Sự biến thể trong mỗi chủng loại nầy, nếu xảy ra, thường xảy ra từng bước rất nhỏ đến độ nếu không là người quan sát chuyên môn sẽ không nhận thấy được.

 

Thuyết Tiến Hóa cho rằng khi một chủng loại A sau một thời gian dài có thể biến thể dần dần đến một thế hệ mang nhiều đặc tính khác biệt đáng kể đủ để có thể được xem là một chủng loại “thân quyến” A1. Sau nhiều thế hệ nữa, chủng loại A1 có thể tiếp tục dần dần biến thành một chủng loại thân quyến mới khác A2, rồi A2 sẽ tiếp tục đổi khác nữa để thành A3, v.v. Đến một lúc nào đó, có thể nói là chủng loại A đã tiến hóa và trở thành một chủng loại “mới” gọi là B.

 

Theo Darwin, sự khác biệt ít nhiều bao nhiêu giữa chủng loại A và chủng loại B là tùy vào bao nhiêu thế hệ đã xảy ra và bao nhiêu sự khác biệt đã tích tụ và phát triển đến mức độ nào. Có những trường hợp mà chủng loại B sẽ hoàn toàn khác hẳn chủng loại A về cấu trúc của thân thể, vóc dáng, màu sắc, nội tạng, khả năng hoạt động, cách thức sinh sống, v.v. Quá trình biến đổi từ một chủng loại sang một chủng loại khác có thể mất vài trăm hay vài ngàn năm (như trường hợp các gia súc, cây trái qua sự thuần hóa của loài người) cho đến hàng triệu năm (như trong môi trường thiên nhiên).

 

Hơn nữa, nhiều chủng loại khác nhau B, C, D, E, v.v. cũng có thể xuất phát từ cùng một chủng loại A. Đó là khi chủng loại A sinh ra một số nhóm hậu duệ mà mỗi nhóm mang một vài biến thể khác biệt với các nhóm khác. Các biến thể khác biệt trong mỗi nhóm được tiếp tục di truyền xuống con cháu của nhóm đó và chồng chất tích tụ lên một thời gian dài. Càng lúc sự khác biệt giữa mỗi nhóm hậu duệ so với chủng loại A và những nhóm hậu duệ khác càng rõ rệt hơn. Nói cách khác, chủng loại A dần dần tẽ nhánh ra thành nhiều nhóm hậu duệ với những đặc điểm khác nhau. Đến một lúc nào đó, mỗi nhóm hậu duệ có thể được xem là mỗi chủng loại B, C, D, E, v.v. riêng biệt hẳn nhau.

 

Theo Darwin thì sự phân biệt giữa các chủng loại khác nhau thật ra chỉ là do cách xếp loại tùy nghi bởi các nhà sinh vật học. Theo ông, sự phân biệt giữa hai chủng loại đã xảy ra dần dần qua các “chủng loại thân quyến”: A1, A2, A3, v.v. như vừa đề cập ở trên. Nói cách khác, các nhà sinh vật học có thể tùy ý lựa chọn một mức độ khác biệt nào đó ở bất cứ thế hệ nào (hoặc A11, A12, A13, v.v., hoặc cả A9, A8, A7, v.v.) để cho rằng bắt đầu từ đó là một chủng loại mới và gọi nó là chủng loại B.

 

Cũng cần biết là trong thời Darwin, một số khoa học gia định nghĩa một chủng loại là một nhóm sinh vật không thể nào giao hợp và sinh sản thành công với các chủng loại khác. Vì lý luận như vừa kể trong hệ quả thứ nhất ở trên, Darwin không đồng ý với định nghĩa nầy. Tuy vậy ông không đưa ra giải thích tại sao hai sinh vật thuộc hai chủng loại khác nhau thường không có khả năng giao hợp, và nếu có đi nữa thì hầu như luôn luôn có sự tuyệt sản.

 

Thật ra ngành phân chủng học (taxonomy) ngày nay không đồng ý với Darwin về vấn đề nầy và vẫn dùng định nghĩa chủng loại dựa trên khả năng giao hợp và sinh sản thành công với các chủng loại khác.

 

 

 

Sự Tranh Đấu để Sống Còn dẫn đến Sự Tiến Triển của Chủng Loại

 

Vì số lượng tài nguyên (thức ăn, nước uống, chỗ ở) của mỗi môi trường có giới hạn nên mọi chủng loại phải không ngừng tranh giành những tài nguyên trên để có thể sinh tồn. Darwin gọi quá trình nầy là “sự tranh đấu để sống còn”.

 

Nếu một chủng loại không có những đặc điểm cần thiết (chẳng hạn như khả năng chạy nhanh để tránh bị thú khác ăn thịt, hoặc màu sắc hòa hợp với cây lá rừng để lẫn tránh hữu hiệu, hoặc cấu trúc cơ thể thích hợp để săn bắt được nhiều mồi, v.v.) thì chúng sẽ dần dần đi đến diệt vong.

Thí dụ một loài thú X mà vì lý do gì đó (kể cả vì sự tích tụ của những tiến hóa trong quá khứ) đã làm cho đôi mắt chúng có thể nhìn thấy rõ trong bóng tối hơn các loài thú khác dù chỉ một chút thôi cũng có thể giúp chúng săn mồi giỏi hơn hay dễ tránh né khỏi bị săn bắt bởi các giống thú dữ hơn. Điều đó sẽ giúp giống thú X nầy phát triển và bành trướng mạnh trong môi trường nhiều bóng tối nào đó trong khi các loài thú khác sẽ dần dần suy lụn và bị tiêu diệt khỏi môi trường nầy.

Theo Darwin, một chủng loại có hai cách để thắng lợi trong cuộc tranh đấu để sống còn không bao giờ ngừng nghỉ nầy. Thứ nhất, chúng chỉ cần sống còn và sống lâu hơn các 

chủng loại khác. Thứ hai, chúng cần sinh sản nhiều con cháu hơn các chủng loại khác để bảo đảm các đặc tính có lợi cho chúng được di truyền nhiều lần và sâu rộng. Hai phương cách trên thật ra tương quan và hỗ trợ lẫn nhau: một con thú sống lâu thường dễ có cơ hội sinh sản nhiều con cháu, và một bầy thú có nhiều con cháu thường dễ có những con thú sống lâu. Trong cuộc tranh đấu để sống còn, không những chỉ sự tồn tại lâu dài của từng cá nhân mà sự tồn tại lâu dài của cả bầy đàn so với các bầy đàn khác đều quan trọng như nhau.

Sự Tuyển Chọn bởi Thiên Nhiên dẫn đến Sự Tiến Hóa

 

Quá trình tranh đấu để sống còn kể trên đưa đến một sự tuyển chọn bởi thiên nhiên.

 

Trong thí dụ về loài thú X ở trên, nhờ cấu trúc của đôi mắt có thể nhìn thấy rõ trong bóng tối hơn các loài thú khác nên chúng có thể phát triển và bành trướng mạnh trong môi trường nhiều bóng tối trong khi các loài thú khác sẽ dần dần bị tàn biến đi. Nói cách khác, thiên nhiên đã “tuyển chọn” loài thú X để tồn tại trong môi trường đó.

 

Darwin cho rằng những đặc điểm có lợi cho một chủng loại sẽ có khuynh hướng được phát triển thêm mãi. Những hậu duệ nào của loài thú X ở trên sinh ra với cấu trúc của đôi mắt “ngẫu nhiên” được biến thể đôi chút giúp chúng có thể nhìn thấy trong đêm tối rõ hơn thế hệ cha mẹ chúng dù chỉ một ít cũng sẽ có hy vọng phát triển và sinh tồn dễ hơn các hậu duệ không có được sự “tân trang” nầy [Chú thích: Darwin sau nầy giải thích rõ thêm rằng sự “ngẫu nhiên” ông nói ở đây thật ra có những nguyên do của nó]. Những con thú được tân trang dễ có cơ hội sinh sản nhiều con cháu hơn và đặc tính được tân trang nầy cũng sẽ có nhiều cơ hội được di truyền qua hậu duệ của chúng. Quá trình nầy được lập đi lập lại mãi cho phép nhiều sự tân trang tương tự được tích tụ qua nhiều thế hệ. Đến một thế hệ nào đó thì khả năng nhìn thấy trong đêm tối của chúng sẽ có vẻ như hoàn toàn tinh vi và tuyệt hảo so với loài thú X ban đầu. 

Khi khả năng của đôi mắt của loài thú X thay đổi thì rất có thể hình dáng, kích thước, cấu trúc của chúng cũng sẽ thay đổi cùng một lúc. Đồng thời, vài bộ phận khác trong cơ thể của loài thú nầy cũng có thể cùng tiến hóa song song với sự tiến hóa của đôi mắt. Thí dụ như màu lông của chúng trở thành dễ tiệp lẫn vào bóng đêm hơn; thí dụ như dưới lòng bàn chân phát triển những đệm da mềm cho phép chúng di chuyển một cách im lặng hơn; v.v. Khi tổng hợp tất cả sự biến thể, và tiến triển, kể trên thì con thú X ở một thế hệ nào đó có thể sẽ có hình dáng, màu sắc, cấu trúc, sinh hoạt, v.v. hoàn toàn khác hẳn với loài thú X ban đầu.

 

Darwin nhìn nhận rằng sự tuyển chọn bởi thiên nhiên chỉ đóng một vai trò có giới hạn phần nào trong sự tiến hóa của chúng loại. Đó là vì tất cả các sự biến thể, tiến hóa cũng như thoái hóa, từ thế hệ trước sang thế hệ sau đều xảy ra 

một cách hầu như ngẫu nhiên. Darwin không thể giải thích được nguồn gốc hay lý do của những sự biến thể đó. [Chú thích: ở đây đang nói về sự biến thể xảy ra trong một môi trường sống ổn định.]

 

Darwin cũng nhấn mạnh rằng sự tuyển chọn trong thiên nhiên cũng như sự biến thể trong hậu sinh là những quá trình xảy ra rất chậm. Một bầy thú cần trải qua nhiều thế hệ mới có thể dần dần biến thể tách ra khỏi chủng loại tổ tiên của chúng và thêm nhiều thế hệ khác nữa thì một sự biến thể có lợi mới nổi bật lên và tồn tại được. 

Thiên Nhiên Quyết Định sự Sống Còn của mỗi Chủng Loại

 

Như vậy theo lý thuyết của Darwin, thiên nhiên “quyết định” chủng loại nào sống còn hay không.

Thiên nhiên có khi được Darwin cho đóng một vai trò thiện hảo, nuôi dưỡng và cung cấp những điều kiện thuận lợi để những chủng loại có khả năng thích ứng được có thể phát triển và tăng gia trong môi trường của chúng.

 

Những khi khác, Darwin diễn tả thiên nhiên như một sức mạnh vô tâm và khắc nghiệt. Thiên nhiên giới hạn những tài nguyên sẵn có (thức ăn, nước uống, chỗ ở) bắt buột tất cả mọi sinh vật phải tranh đấu chật vật không ngừng để sống còn. Những sinh vật không đủ sức tranh đấu sẽ phải trả giá bằng sự diệt chủng. 

 

Thiên nhiên cũng được diễn tả là một môi trường đầy những ngẫu nhiên vô tình. Một thế hệ mới đôi khi có một vài đặc điểm khác nhau đôi chút so với thế hệ cha mẹ của chúng. Sự biến thể nầy hầu như hoàn toàn ngẫu nhiên. Có những biến thể mang đến một vài lợi điểm gì đó, trong trường hợp nầy thì thế hệ mới có nhiều hy vọng sống còn hơn. Có những biến thể mang đến một vài thất lợi gì đó, thì thế hệ mới có ít hy vọng sống còn hơn. Nói chung, tối hậu thì những yếu tố quyết định chủng loại nào sẽ sinh tồn và chủng loại nào sẽ diệt vong đều nằm ở sự may rủi trong thiên nhiên.

Sự Cô Lập về Địa Lý Ảnh Hưởng đến sự Phân Nhánh của Chủng Loại

 

Trong chuyến thám hiểm bằng chiếc tàu HMS Beagle, Darwin nhận thấy trên mỗi hòn đảo của quần đảo Galapagos có những sinh vật dị biệt độc nhất so với ở bất cứ nơi nào khác. Điều nầy làm cho ông nghi ngờ rằng khi chủng loại bị cô lập thì mỗi nhóm ở mỗi địa điểm có khuynh hướng tiến hóa theo con đường riêng của chúng.

 

Hơn nữa Darwin còn thấy rằng các sinh vật dị biệt độc nhất tìm thấy ở các hòn đảo trên vẫn mang nhiều đặc điểm tương tự với các sinh vật ở trên bờ lục địa lân cận.

 

Darwin cũng nhận thấy trên lục địa ở những nơi mà sinh vật có thể di trú dễ dàng thì có rất nhiều chủng loại phân tán khắp nơi; ngược lại trong những nơi bị cô lập về địa lý (nghĩa là khó đi đến) thì con số các chủng loại ở đó rất nhỏ.

Theo Darwin, những hiện tượng trên cho thấy sự phân tán và cô lập về địa lý ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tuyển lựa và tiến triển của các chủng loại trong thiên nhiên.

 

Từ đó Darwin cho rằng tất cả các chủng loại hiện hữu ngày nay đều là hậu sinh của một hay vài chủng loại nguyên thủy xuất phát từ một vài địa điểm nào đó trên địa cầu. Khi những chủng loại nguyên thủy nầy sinh sản, các thế hệ hậu duệ của chúng di chuyển và phân tán đi khắp cùng thế giới. Vào vài thời điểm nào đó trong lịch sử, một số của chúng bị tách rời ra thành nhiều nhóm hoàn toàn cô lập bởi các nhóm khác. 

 

Thứ nhất, sự cô lập nầy xảy ra do những địa hình thay đổi qua các thời kỳ băng giá rồi ấm lại trên địa cầu làm mực nước biển dâng lên cắt lìa nhiều vùng đất, qua các vụ địa chấn lớn, qua sự di chuyển của các thềm lục địa, v.v. Những thay đổi về địa hình nầy cắt đứt lãnh thổ sinh sống và tách lìa các chủng loại nguyên thủy ra thành nhiều nhóm xa cách hẳn nhau.

 

Thứ hai, chim di trú hoặc gió hoặc dòng nước biển có thể mang theo các hạt giống, trứng, v.v. đến những hòn đảo xa xôi hay những nơi hẻo lánh mà thông thường các loài thú không thể đến được. Những hạt giống, trứng, v.v. nầy có thể sinh sôi nẩy nở và phát triển trong những môi trường hoàn toàn cô lập hẳn với tất cả các sinh vật khác cùng chủng loại.

 

Sự cô lập về địa lý trên dẫn đến sự tiến hóa riêng biệt của mỗi nhóm tùy theo hoàn cảnh và môi trường sống của chúng. Mỗi sinh vật tiến hóa riêng biệt ở mỗi lãnh thổ cô lập nầy qua một thời gian dài có thể dần dần biến thành một chủng loại mới.

Tiến Trình Dẫn Đến sự Toàn Hảo

 

Sự toàn hảo mà chúng ta nhìn thấy trong sự thích ứng của mỗi chủng loại với môi trường sống của chúng thật ra, theo Darwin, chỉ là một sự “có vẻ như toàn hảo”.

 

Darwin cho rằng sự tuyển chọn bởi thiên nhiên và sự tiến hóa cho phép muôn loài trong thiên nhiên bước dần đến một trạng thái càng lúc càng hoàn chỉnh hơn. Những đặc tính có lợi sẽ xuất hiện và sẽ được thiên nhiên tuyển lựa và được di truyền xuống các thế hệ tương lai. Theo thuyết tiến hóa, khả năng thích ứng của mỗi chủng loại trong môi trường sống của chúng sẽ càng lúc càng phức tạp hơn. Theo thời gian, các chủng loại đạt đến những đỉnh cao của hoàn chỉnh tạo thành những chủng loại với khả năng thích ứng “kỳ diệu” mà chúng ta thấy ngày nay.

 

Bởi vì tính chất hầu như ngẫu nhiên, không thể tiên liệu được của những biến thể giữa các thế hệ, tiến trình đến sự toàn hảo xảy ra dần dần và dưới dạng từng bước thang chập choạng qua một khoảng thời gian rất dài. Quá trình tuyển lựa bởi thiên nhiên chỉ có thể tạo ra những chủng loại có khả năng thích ứng tốt đẹp hơn. Những chủng loại thoái hóa so với các thế hệ tổ tiên của chúng sẽ không bao giờ tồn tại. Lý thuyết tuyển chọn bởi thiên nhiên của Darwin xác định một quá trình luôn luôn cải tiến và hoàn hảo hóa sự thích ứng của mỗi chủng loại trong thế giới thiên nhiên.

 

Vì vậy, những gì chúng ta cho rằng “tuyệt diệu” hay “toàn hảo” trong thiên nhiên ngày nay thật ra vẫn còn đang trong quá trình được cải tiến. Những “tuyệt diệu” và “toàn hảo” nầy thật ra vẫn có nhiều khuyết điểm mà vì thói quen hàng ngày chúng ta không nhận thấy được. Thí dụ như con mắt của động vật được nhiều người cho là một sản phẩm được sáng tạo toàn hảo; thật ra cấu trúc hiện tại của con mắt chỉ có thể cho phép chủ nhân của nó nhìn thấy trong một môi trường, một phạm vi khoảng cách, chu kỳ sóng và mức độ ánh sáng giới hạn nào đó mà thôi; đó là chưa kể con mắt là một trong các bộ phận mềm yếu dễ bị hư hại nhất trong cơ thể.

 

 

Sự Hàm Ý về việc Con Người cũng là một Sản Phẩm của Quá Trình Tiến Hóa

 

Không có chỗ nào trong quyển Nguồn Gốc của Chủng Loại thảo luận công khai về xuất xứ của con người.

 

Tuy vậy, Darwin có hàm ý ở vài chỗ rằng con người cũng đã tiến hóa không khác gì mọi chủng loại khác. Thí dụ như khi so sánh bộ xương giữa các chủng loại, ông đã so sánh cấu trúc xương cánh tay và bàn tay của loài người với cấu trúc xương cánh của loài dơi và cấu trúc xương mái dầm ở chân trước của loài cá heo. Cách so sánh nầy ngầm cho thấy loài người cũng nằm trong một quá trình tiến hóa tương tự như loài dơi và loài cá heo.

 

Darwin cũng tuyên bố rằng lý thuyết tiến hóa của ông áp dụng cho tất cả sinh vật hữu cơ, như vậy hàm ý luôn cả loài người.

 

Điều nầy mang đến những ý nghĩa nghiêm trọng. Khi xáp nhập loài người vào chung với muôn vật khác, Darwin đã đặt nghi vấn lên quan niệm cho rằng loài người đứng ở một vị thế “đặc biệt độc nhất” trong vũ trụ. Darwin đã ám chỉ rằng thiên nhiên, chớ không phải Thượng Đế, điều hành và kiểm soát sự thành hình và phát triển của loài người.

Tuy vậy, Darwin không hề bát bỏ sự hiện hữu của một Thượng Đế; ông nhắc đến “đấng Sáng Tạo” ở vài chỗ trong quyển Nguồn Gốc Chủng Loại. Theo Darwin thì quan niệm “mỗi chủng loại đều đã được sáng tạo ra một cách riêng rẽ và độc lập với nhau” không giải thích được những quan sát trong thiên nhiên. Theo Darwin, những gì quan sát trong thực tế chỉ có thể giải thích được bằng thuyết Tiến Hóa.  

bottom of page