top of page
SỰ CHẾT và CON NGƯỜI
 
SỰ SỐNG SAU KHI CHẾT?

 

Liên quan mật thiết với, và đi trước, bài nầy là bài SỰ MƠ HỒ CỦA BIÊN GIỚI GIỮA SỐNG VÀ CHẾT.

 

Các đề tài ở đây đề cập đến vài hiện tượng thường được gọi là “siêu nhiên” (supernatural):

 

- Giấc mơ muôn đời của nhân loại.

 

- Hệ thống thứ hai

 

- Hào Quang

 

- Giác quan ngoại thể

 

- Xuất hồn lúc sắp chết (Near death experience)

 

- Xuất hồn

 

- Linh hồn là một cá thể độc lập và trường cửu?

 

Những dữ kiện trình bày về đề tài “siêu nhiên”ở đây không phải là những câu giải đáp quả quyết về các hiện tượng nầy. Chủ ý của chúng chỉ là dựa trên nền tảng khoa học để xây dựng một môi trường dẫn đến những câu hỏi chính đáng về các hiện tượng trên.

 

Trong lãnh vực siêu nhiên, đa số có khuynh hướng sẵn sàng đón nhận bất cứ cách giải thích nào đưa đến họ, nhất là những giải thích càng huyền bí thì càng dễ được yêu chuộng. Một số ít người khác, trong đó có tôi, lại cảm thấy cần thiết để cố gắng tìm hiểu và tìm kiếm một phương cách nào đó để giải thích, hay ít ra là “hòa giải”, giữa kiến thức khoa học và những niềm tin tâm linh.

 

Đối với tôi, hiện tượng siêu nhiên chỉ là những hiện tượng chưa được kiểm chứng và giải thích rõ ràng bởi khoa học. Một ngày nào đó khi sự hiểu biết và kỹ thuật con người tiến triển đủ thì nhiều hiện tượng được coi là siêu nhiên ngày nay sẽ trở thành kiến thức phổ thông. (Cách đây không lâu những người bị các chứng bệnh như tâm thần phân liệt, trầm cãm, v.v. đã từng bị xem là bị ma hành, quỷ ám.)

 

Một số những gì trình bày ở đây chỉ là một cuộc hành trình đi dọc theo vùng ranh giới giữa những hiểu biết đã được và chưa được chính thức công nhận bởi khoa học. Và chúng chỉ là những cách nhìn khác với cách nhìn quen thuộc dựa trên phong tục tín ngưỡng thường ngày.

 

 

Trước hết, để làm rõ phần nào ý nghĩa những danh từ dùng trong loạt bài kế tiếp, dưới đây là danh sách một vài từ Việt và Anh mà tôi cho là đồng nghĩa.

 

Tri thức = Consciousness

Tâm thức = Mind

Cá tính = Personality

Linh hồn = Soul

Thần thể = Spirit

Cá thể = Entity

Sinh thể, vật thể = Organism,    

 

 

 

 

======

 

 

Giấc Mơ Muôn Đời của Nhân Loại

 

Khảo cổ học tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy giống người tiền sử Neanderthal (một chủng loại tương cận với giống người hiện đại của chúng ta trong quá trình tiến hóa, sống khoảng 60 ngàn năm trước Tây Nguyên và nay đã diệt chủng) cũng đã từng có những lễ nghi mai táng đồng loại của họ. Điều nầy cho thấy rất có thể họ cũng đã có ý tưởng về một sự sống sau khi chết.

 

Hầu như mọi nền văn hóa cổ của nhân loại đều có những tôn giáo được xây dựng chung quanh một hình thức “sự sống sau khi chết” nào đó. Đây là khái niệm cho rằng sau khi xác thịt đã tiêu hủy thì linh hồn – hoặc tri thức - của mỗi người vẫn còn tồn tại hoặc dưới dạng thần thể từng cá nhân hoặc là một phần của một tri thức đại thể. Có những tín ngưỡng cho rằng linh hồn của tổ tiên vẫn còn cư ngụ ở nơi họ đã từng sống, có tín ngưỡng cho rằng linh hồn sẽ thăng hoa về thế giới của người chết, hoặc có thể tái sinh, mặc dù không cần thiết phải là trở lại dưới dạng con người. Vô số tôn giáo dựa vào các tín ngưỡng tương tự như trên đã được thành hình từ khi các nền văn minh xưa cũ nhất trên thế giới vừa mới phát triển.

 

Có lý thuyết cho rằng khuynh hướng mong mỏi một đời sống sau sự chết, và sáng tạo ra một viễn ảnh về nó, đã nằm trong chất liệu di truyền của con người. Đây là giấc mơ muôn đời của nhân loại. Có người cho rằng đây chỉ là do ảnh hưởng văn hóa, xã hội, tín ngưỡng. Dù gì đi nữa thì câu hỏi “có sự sống sau khi chết hay không” có lẽ sẽ luôn luôn khó trả lời một cách chắc chắn. Thí dụ, có một hiện tượng được ghi nhận khá thông thường gọi là “near death experience” (“trải nghiệm lúc sắp chết”). Đây là khi một người trong trạng thái hôn mê (thí dụ như lúc vừa bị tai nạn hay đang nằm trên bàn mỗ, v.v.) nhưng có thể “thấy” như họ “xuất hồn” tách lìa ra khỏi thân thể và quan sát được những gì đang xảy ra chung quanh một thời gian ngắn trước khi “trở về” thân thể họ và tỉnh lại.

 

Nhiều người cho rằng hiện tượng nầy là bằng chứng cho thấysự hiện hữu của linh hồn, và do đó sự sống sau khi chết. Nhiều khoa học gia sau khi điều tra hàng ngàn trường hợp hồi sinh sau khi chết vẫn chưa thể hoàn toàn tuyệt đối đồng ý hay phủ nhận quan điểm trên.

 

Câu hỏi “có sự sống sau khi chết hay không” rất phức tạp vì nó tùy thuộc một phần vào nhiều câu hỏi khác thí dụ như: Sự sống thật sự là gì? Linh hồn là gì? Tri thức là một quá trình sinh hóa, hay nó cần có một linh hồn hay một thần thể riêng biệt cư ngụ trong một thân xác vật chất để hiện hữu? v.v.

 

Trong Phần I tôi đã nói về vài khía cạnh của câu hỏi "Sự sống, và sự chết, thật sự là gì?" Trong Phần II nầy tôi sẽ đề cập đến vài sự kiện liên quan đến "thần thể phi vật chất","tri thức", "linh hồn", "sự sống vĩnh cửu", v.v

 

 

 

Hệ Thống Thứ Hai

 

Chúng ta có thể dùng kiến thức khoa học ngày nay về chức năng của tế bào, về hệ thần kinh, về tính xúc tác của enzyme, về điện từ trong não bộ, v.v. và v.v. để giải thích được quy tắc vận hành vật chất của cơ thể một con người. Tuy vậy, có nhiều hiện tượng có vẻ như cho thấy ngoài phần cơ thể vật chất thì mỗi người dường như còn có một hệ thống vận hành thứ hai nữa.

 

Hệ thống thứ hai nầy, theo định nghĩa, phi vật chất. Nhiều người cho rằng những hiện tượng và khả năng được cho là “siêu nhiên” của con người (thí dụ như xuất hồn, thần nhãn, thần giao cách cảm,v.v.) đều có thể giải thích được nếu dùng khái niệm hệ thống thứ hai trên. Để phân biệt với phần hệ thống cơ thể vật chất, có người gọi hệ thống thứ hai nầy là phần thần thể phi vật chất.

 

Vấn đề là không ai có thể xác định rõ ràng (theo phương pháp khoa học có kiểm chứng bởi thực nghiệm) hệ thống thứ hai nầy có thật sự hiện hữu không, và nếu có thì nó là gì. Nhiều người gọi nó là “thần thể”, hay “linh hồn”.

 

Các môn phái thần học hay tôn giáo tín ngưỡng khác nhau đều có những định nghĩa khác nhau đôi chút về thần thể hay linh hồn là gì. Điểm tương đồng rõ rệt nhất của mọi tôn giáo là linh hồn hiện hữu song song “bên trong” thân thể một người khi họ còn sống và tiếp tục hiện hữu mãi mãi “bên ngoài” cơ thể vật chất sau khi chết. Có những môn phái thần học và tín ngưỡng (thí dụ như nhiều tôn giáo Á Đông như Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, v.v.) cho rằng thú vật cũng có thần thể hay linh hồn. Có những tôn giáo (thí dụ như Thiên Chúa Giáo) cho rằng chỉ có con người mới có linh hồn.

 

Thay vì định nghĩa thần thể hay linh hồn một cách trực tiếp, ở đây trước hết chúng ta hãy quan sát mộtvài hiện tượng trong thiên nhiên có thể và có vẻ như liên quan đến vấn đề nầy.

 

 

 

Hào Quang

 

Trong nhiều kinh sách có các bức tranh vẽ những thần, thánh, Phật, Chúa, v.v. với hào quang chung quanh đầu họ. 

 

Những kinh sách cổ Ấn Độ về hệ thống các “điểm chứa thần khí” hay “tụ điểm nhân điện” (chakra) trong cơ thể con người có nói về dạng hào quang nầy và cho rằng nó liên quan mật thiết đến linh hồn. Các thiền phái Ấn Độ cho rằng hào quang nầy phát xuất từ nguồn “sinh khí” bao trùm và cần thiết cho tất cả mọi sinh vật mà họ gọi là Prana, nó chính là một phần của thần thể của người đó. Theo họ thì một người càng mạnh khỏe, nhất là về mặt tâm linh, thì hào quang của họ càng tỏa ra rộng lớn và sáng chói. Nhiều phái thần học cho rằng hào quang (hay “trường nhân điện”) của mỗi người thể hiện tình trạng sức khỏe vật chất lẫn tâm linh cũng như những cảm tính, tình cảm, ước vọng, lo âu, v.v. sâu kín nhất của họ. Đường “sinh khí” và những điểm chứa thần khí trong thiền môn Ấn Độ hầu như trùng hợp với các huyệt đạo trong ngành châm cứu của Trung Hoa, Nhật Bản và Đại Hàn.

 

Trong nhiều thí nghiệm từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thập niên 1970,người ta đã có thể chụp ảnh được một dạng “hào quang”chung quanh thân thể con người. Những hào quang nầy ôm theothân thể, hình vóc của mỗi ngườivà có nhiều màu sắc, kích thước khác nhau tùy theo mỗi cá nhân. Dạng hào quang nầy cũng hiện diện chung quanh thân thể các sinh vật khác. Người ta cũng có thể chụp ảnh được hào quang chung quanh những con thú và thực vật.

 

Người ta cho thấy các hào quang trên là một dạng điện từ trường. Các dụng cụ chụp được hào quang nói trên có khả năng ghi nhận các điện từ trường cực nhỏ.Mỗi tế bào trong mọi sinh vật được cấu tạo bởi vô số những phân tử và nguyên tử; thành phần chính của những phân tử, nguyên tử nầy là hạt điện tử, proton, neutron, v.v. có mang điện. Tổng hợp tất cả cường độ điện của chúng tạo nên một điện trường nhỏ giao động rất nhanh không ngừng trongmỗi tế bào. Sự giao động của điện trường sinh ra từ trường. Những người làm thí nghiệm nầy cho rằng cách cấu tạo và vận hành của các tế bào trong cơ thể một sinh vật gây nên một điện từ trường xung quanh nó. Hầu như mọi sinh vật đều có thể có hào quang.

Khi chụp ảnh và quan sát hào quang của một chiếc lá,người ta thấy rằng hình dạng và màu sắc hào quang nầy thay đổi nhiều lần trong thời gian chiếc lá còn sống trên cây. Hào quang của một chiếc lá đã bị ngắt rời ra sẽ phai nhạt dần dần khi chiếc lá héo đi rồi biến mất sau khi chiếc lá chết hẳn. Nhiều người cho rằng các thí nghiệm trên là bằng chứng khoa học cho thấy sự hiện hữu của một trường năng lượng (energy field) hay trường sinh lực (life force) nằm trong mỗi chiếc lá, và tương tự trong mọi sinh vật kể cả con người.

 

Có một thí nghiệm tường trình rằng nếu cắt bỏ đi một mảnh của chiếc lá rồi chụp ảnh lập tức thì hào quang của nó vẫn còn giữ nguyên vẹn hình dạng chiếc lá ấy. Phần hào quang nơi mảnh lá bị cắt mất vẫn có đầy đủ từng đường gân, từng sớ chỉ của nó tuy nhiên với cường độ sáng mờ hơn phần chiếc lá còn lại. Các chuyên gia thí nghiệm trên cho rằng phần hào quang “ma” trêncho thấy trường sinh lựcnằm trong chiếc lá vẫn có thể hiện hữu tuy thân thể vật chất của nó đã bị mất đi.

 

Nhiều người bị cụt chân tay thỉnh thoảng có cảm tưởng như phần chân tay đã cụt của mình vẫn còn ở đó. Có người còn có khi bị ngứa hay đau trên phần chân tay đã mất. Có những người giải thích rằng đây là vì phần trường năng lượng (hoặc “sinh khí”, “sinh lực”, “thần khí”, “nhân điện”, v.v.) của phần chân tay bị cụt vẫn còn đó.

 

 

Cho đến đây, chúng ta có thể nghĩ rằng những gìtường thuật trong các thí nghiệm trên có vẻ như là bằng chứng khoa học giải thích được phần nào các lý thuyết về hào quang, trường sinh lực, v.v. trong thần học. Tuy vậy, khi nhìn kỹ vào phương cách khảo cứu trên thì người ta nhận thấy một số lỗ hổng quan trọng.

 

Trước nhất, những dụng cụ thu nhận được hào quang trên các động thực vật cũng có thể dùng để sản xuất hào quang trên các vật vô tri giác. Nhiều vật thể như đồng tiền, cây viết chì, viên sỏi, chiếc chìa khóa, v.v. đều tỏa ra các hào quang tương tự khi được đặt vào các dụng cụ trên.Vì các vật thể vô tri giác không thể nào có sự sống do đó không thể nào kết luận quả quyết rằng hào quang trên động thực vật là những trường năng lực mang sự sống.

 

Kế tiếp, người ta nhận thấy cường độ hào quang của một vật thể tăng giảm mạnh yếu tùy vào độ ẩm của vật thể đó. Vì nước là một chất dẫn điện tốt, một vật thể càng ẩm ướt càng có vẻ tỏa ra hào quang rộng sáng. Điều nầy đặt nghi vấn lên thí nghiệm về chiếc lá. Khi một chiếc lá còn sống trên cây, độ ẩm bên trong nó thay đổi thường xuyên trong ngày do đó không có gì lạ lùng cả nếu hào quang của nó cũng thay đổi theo.

 

Trong thí nghiệm chiếc lá bị cắt xén, sự thật là có khi người ta chụp được phần hào quang “ma” của phần lá bị cắt xén, tuy nhiên cũng có khi người ta không chụp được gì cả. Sau khi kiểm tra tận tường, người ta thấy nếu mặt phẳng nơi chiếc lá nằm được lau chùi cẩn thận trước khi chụp ảnh thì không có hiện tượng hào quang “ma” xảy ra. Lý do là vi khi chiếc lánguyên vẹn được đặt lên mặt phẳng trên, đôi ít độ ẩm từ thân chiếc lá dính lên mặt phẳng ấy. Sau khi chụp ảnh hào quang của chiếc lá nguyên vẹn, người ta cầm chiếc lá lên và cắt xén một mảnh rồi đặt trả nó lại xuống cùng chỗ cũ. Trên mặt phẳng lúc nầy đã có sẵn một ít độ ẩm theo hình dạng mảnh lá đã bị cắt bỏ đi. Vì thế khi chụp ảnh một lần nữa người ta vẫn có thể thấy được phần hào quang “ma” hơi mờ yếu hơn.

 

Khi giải thích theo khoa học về hiện tượng phần chân tay bị cụt vẫn có cảm giác còn ở đó, người ta có thể dùng kiến thức về cách vận hành của thần kinh hệ trong thân thể con người. Các cảm giác ngứa hay đau trên chỉ là vì trong não bộ người nầy vẫn còn những thần kinh và tế bào đã từng kiểm soát và điều khiển phần chân tay đã mất. Những thần kinh và tế bào nầy vì lý do gì đó đôi khi bị khơi động bởi những tín hiệu đã có sẵn trong bộ nhớ của chúng nên đem đến người ấy các ảo giác trên.

 

Tóm lại, tuy các lý thuyết về hào quang, nhân điện, v.v thường được cho rằng tương ứng với những thí nghiệm khoa học trên nhưng trong thực tế thì cho đến nay vấn đề nầy vẫn chưa thể kết luận một cách quả quyết được.

Giác Quan Ngoại Thể

 

Nhiều sinh vật trong thiên nhiên có thể phát ra một vùng điện từ trường với cường độ rất lớn so với dạng hào quang vừa kể trên. Vùng điện từ trường nầy có tác động tích cực và ích lợi cụ thể cho sự sống còn của chúng.

 

Nhiều loài cá, lươn, v.v. dùng điện từ trường để rà tìm thức ăn. Khi một con mồi lọt vào vùng điện từ trường của chúng thì chúng có thể “thấy” được hình dáng, vị trí của nó mặc dù nó có thể đang trốn sâu dưới đáy bùn.Một vài thủy vật loại nầy có thể phát ra vùng điện từ trường rộng cả mét chung quanh toàn thân của chúng. Những điện từ trường nầy có thể được điều chỉnh mạnh yếu hay vặn tắt mở tùy ý. Chúng cũng dùng điện từ trường nầy để định hướng khi di chuyển trong những nơi không có ánh sáng.

Cho đến nay người ta chỉ tìm thấy các sinh vật dưới nước có khả năng trên. Các sinh vật sống trên bờ dường như không có khả năng tương tự. Có thể đó là vì nước là một môi trường dẫn điện rất dễ dàng hơn so với không khí.

 

Các thủy vật vừa kể trên khi cần thiết có thể dùng điện từ trường, và não bộ, như một dạng giác quan nằm hẳn bên ngoài cơ thể chúng. Do đó có thể nói rằng các thủy vật trên cảm thấy và nhìn thấyđược thế giới chung quanh bằng một giác quan ngoại thể (không trực tiếp nằm trên cơ thể). Và từ đó cũng có thể nói rằng trong lúc ấy tri giác của chúng dường như đã được di chuyển hẳn ra ngoài phần cơ thể vật chất của chúng.

 

Nếu bây giờ xét về khi một người đang trải qua hiện tượng “xuất hồn”thì chúng ta có thể nói rằng đó cũng chính là khi tri giác của họ đã được di chuyển ra hẳn bên ngoài phần cơ thể vật chất của họ. Có nghĩa là lúc đó người ấy có khả năng “nhìn” và “nghe” được bằng một giác quan khác hẳn đôi mắtvà đôi tai họ vẫn dùng thường ngày.

 

 

Nhìn lại các loài thủy vật vừa nói ở trên, có khi nào con người có một dạng điện từ trường tương tự mà thường ngày họ không hề cảm biết? Có khi nào điện từ trường nầy thường ngày nằm thụ động và chỉ được bật mở lên trong những điều kiện bất thường (thí dụ như khi cơ thể đang gặp nguy cơ sắp chết)? Có khi nào điện từ trường nầy cho phép một người cảm nhận thế giới chung quanh họ với một cảm giác giống như họ đang được tách rời hẳn khỏi cơ thể vật chất của họ? Có khi nào vì chúng ta không quen thuộc với cách hoạt động của giác quan nầy nên chúng ta có ảo giác là đang “xuất hồn” hay không?

 

Có nghĩa là khi xét về hiện tượng gọi là “xuất hồn”, thay vì giải thích rằng “đó là phần linh hồn đang tách rời ra khỏi phần cơ thể vật chất” thì có thể nào chúng ta đưa ra một giải thích khả dĩ khác là “có một giác quan đặc biệt của cơ thể đưa đến ảo giác trên”?

Xuất Hồn Lúc Sắp Chết (Near Death Experience)

 

Có hàng trăm ngàn trường hợp những người trong trạng thái sắp chết sau khi hồi tỉnh tường thuật rằng họ đã “xuất hồn” ra khỏi xác. Nói đúng hơn, khi hiện tượng trên xảy ra, những người nầy đang ở trạng thái được xem là đã chết (ngưng hơi thở, ngưng tim đập). Trong nhiều trường hợp, những người nầy được bác sĩ cứu cấp làm hồi sinh trở lại, nhiều trường hợp khác họ tự hồi tỉnh lại sau một thời gian ngắn.

Thạc Sĩ Raymond Moody là người đầu tiên dùng từ “near death experience” (viết tắt là NDE,tạm dịch là “trải nghiệm lúc sắp chết”) để diễn tả hiện tượng nầy trong quyển “Life After Death” (“Sự Sống Sau Khi Chết”) xuất bản năm 1975. Tuy nhiên hiện tượng nầy đã từng được ghi chép từ xa xưa trong lịch sử. Triết lý gia Plato từ năm 360 trước Công Nguyên có nói về một người lính tên Er sau chết trận đã hồi sinh lại. Câu chuyện nầy kể rằng Er thấy hồn mình bay ra khỏi thân xác lên thiên đàng và được phán xét cùng lúc với nhiều linh hồn khác.

 

Nếu giải thích hiện tượng NDEtheo thần họcthì đây là khi thần thể(hay linh hồn) một người xuất ra khỏi xác và sau đó trở về nhập lại vào cơ thể họ. Trong thời gian hồn lìa khỏi xác, họ kể rằng họ có thể làm, nghe, thấy những điều mà thường ngày họ không thể nào làm, nghe, thấy được. Tiêu biểu, nhiều người kể lạithấy bay qua một đường hầm đầy ánh sáng. Họ cho đây là biên giới giữa sự sống và sự chết. Nhiều người kể lại họ gặp những nhân vật huyền bí với hình dáng bao phủ bởi ánh sáng chói rực, hoặc có khi những thân nhân đã chết từ lâu. Những nhân vật huyền bí trên thường là Chúa, Phật, tiên, thánh tùy theo tôn giáo, tín ngưỡng của người ấy.

 

Những người trải qua hiện tượng nầy cũng thường có cảm giác bay lên cao và có thể nhìn thấy mọi diễn biến đang xảy ra chung quanh thân xác vật chất của họ. Nếu đang trong một phòng (thí dụ trong bệnh viện) thì họ có thể nhìn xuống từ một góc trần nhà và thấy bác sĩ y tá đang xúm xít cố gắng hồi sinh họ. Họ có thể thấy rõ ràng mọi vật kể cả thân thể bất động của chính mình. Có nhiều trường hợp họthấy mình bay cao hẳn lên không trung hay đi đến những địa phương xa hẳn nơi thân thể họ đang nằm. Có những người mù bẩm sinh vẫn có thể kể lại những chi tiết rõ ràng chung quanh mà thường ngày họ không thể nào thấy được.Một số người cũng kể lại thấy toàn thể cuộc đời họ từ lúc sơ sinh cho đến hiện tại diễn ra trước mắt giống như một cuốn phim chiếu nhanh.

 

Hầu như tất cả những người đã trải qua NDE sau khi tỉnh dậy đều nói về một cảm giác vô cùng an bình, thoải mái, sung sướng và phần đông đều không muốn trở lại với thân xác trần gian của họ. Chỉ có một số nhỏ có cảm giác sợ hãi khi ở trong trạng thái nầy.

 

Rất nhiều trường hợp trên có thể được kiểm chứng khá rõ ràng cho nên khó phủ nhận rằng tất cả chỉ là những câu chuyện vô căn cứ hay bịa đặt. Phải có một cái gì đó xảy ra đến những người trải qua NDE.

 

Khoa học cho đến nay chưa thể giải thích hoàn toàn thỏa đáng được vấn đề nầy. Có phải đây chính là bằng chứng của linh hồn? Hay của sự sống sau khi chết?  Hay chỉ là ảo giác gây ra bởi các yếu tố bên ngoài và thay đổi hóa chất trong não bộ trong lúc sắp chết? Có nhiều lý thuyết khác nhau về hiện tượng nầy.

 

Cho đến nay chưa ai có thể giàn dựng một thí nghiệm để đưa một người đến trạng thái gần chết đến độ họ có thể “xuất hồn” tạm thời (và an toàn) rồi theo dõi vàxác định lời người ấy kể lại có thật sự xảy ra hay không. Tuy nhiên hầu hết những cảm giác của hiện tượng NDEđều có thể được giải thích bằng sinh học và tâm thần học.

 

Giác quan của một người định nghĩa thế giới chung quanh họ là gì. Những gì một người“thấy” được chẳng qua là do cách não bộ thu nhận và “phiên dịch” các tín hiệu đến từ những giác quan của họ. Con mắt của động vật (kể cả con người) thật ra chỉ là một dạng máy thu ảnh rất tồi tàn. Khi ánh sáng đi vào qua các thủy tinh thể, võng mạc, v.v. thì những thần kinh thị giác ngay sau mắt chúng ta chỉ nhận được các hình ảnh lờ mờ, chập chờn, méo mó. Tuy vậy, khi các tín hiệu trên vào đến não bộ thì chúng được chọn lọc và phối hợp với những kinh nghiệm thu lượm được để “phiên dịch” ra thành những hình ảnh chính xác và trung thực. Nguyên lý vận hành nầy cũng xảy ra tương tự cho các giác quan khác. Nói cách khác, não bộ chúng ta mới chính là bộ phận cho phép mỗi người cảm nhận được thế giới chung quanh một cách chính xác trong khi các giác quan chúng ta chỉ có thể thu nhận được những tín hiệu rất rối loạn và thiếu hoàn hảo.

 

Khi bị chấn động mạnh ở nhiều vùng não, nhất là ở những khu điều khiển thị giác và xúc giác, thì một người dễ có các ảo giác kỳ lạ có thể tưởng như là đang tách rời ra khỏi thân thể. Nhiều khi tuy một người đang hôn mê nhưng mắt họ vẫn có thể còn hé mở, tai họ vẫn còn thu nhận âm thanh nên thị giác và thính giác họ vẫn còn cảm nhận ít nhiều những gì xảy ra xung quanh. Tuy nhiên vì sự xáo động não bộ kể trên,khả năng định vị của họ có thể bị sai lệch hẳngây ra cảm tưởng đang nhìn thấy từ các vị trí và góc cạnh khác bên ngoài cơ thể.

 

Ngoài ra, trong những khi vừa mới bị tai nạn, hoặc đang nằm trên bàn mổ, hoặc bị ngộp nước, v.v. thì nhiều bộ phận lẫn giác quan trong cơ thể một người có thể tạm thời ngưng hoạt động, hoặc một phần hoặc toàn bộ.Não bộ khi bị thiếuô-xy có thể phản ứng gây ra những ảo ảnh kể cả cácvùng ánh sáng đang lan rộng dần ra trước mắt. Một người bị ảo ảnh nầy có thể cảm thấy mình đang bay vào một đường hầm sáng chói. 

 

 

Những loại thuốc như ketamine hay PCP cũng có thể gây ra các cảm giác rất giống như những người trải qua NDE kể lại. Thật ra nhiều người sau khi chịu ảnh hưởng các loại thuốc trên kể lại cảm giác như đã thật sự chết rồi.

Cảm giác êm ả, an bình tột cùng trong lúc trải qua NDE có thể chỉ là kết quả của các chất endorphin được sản xuất cao độ trong não bộ những lúc cơ thể gặp xáo động mạnh hay nguy hiểm cực kỳ căng thẳng. Thí dụ một số người sống sót sau khi té từ một độ rất cao(lúcleo núi hay nhảy dù chẳng hạn) thường có đủ thời gian để nhận biết rằng mình sắp chết; họ kể lạicác cảm giác bình thản tương tự nói trên (mặc dù họ không hề trải qua hiện tượng NDE trong thời gian nầy).

 

Nói cách khác, sự kết hợp giữa các yếu tố như thiếu ô-xy, giác quan bị sai lầm, khả năng định vịrối loạn, quá liều endorphin, v.v có thể là lý do gây ra các cảm giác hầu như vô thực thường được tưởng lầm là đã bay thoát khỏi thân thể vật chất hay đang ở những cõi thế giới khác.

 

Một điều cần biết là khi giải đoán những tín hiệu cung cấp bởi giác quan, nếu não bộ đối diện các dữ liệu không đầy đủ hoặc kỳ lạ thì nó sẽ phối hợp chúng với những kinh nghiệm, kiến thức sẵn có trong tiềm thức đểphân tích và cố đưa đến một giải đáp hợp lý nhất.Nói cách khác, não bộ có khuynh hướng sử dụng những gì chúng ta “đã biết”để diễn giải thành những gì chúng ta “đang nghe thấy”. Đó là tại sao chúng ta có thể nhìn thấy, và nhận thấy, dễ dàng những gì chúng ta đã biết và quen thuộc; trong khi đó chúng ta thường tuy có thể nhìn thấy nhưng không thể nhận thấy được những gì hoàn toàn xa lạ với kinh nghiệm sẵn có của chúng ta. Não bộ của chúng ta khi không nhận diện được một dữ kiện hoàn toàn xa lạ, nó có khuynh hướng tạm thời gạt bỏ nó qua một bên và dùng những dữ kiện quen thuộc hơn đã có sẵn để diễn giải lập tức những gì đang xảy ra. Phản ứng nầy có giá trị sinh tồn trong đời sống thiên nhiên. Những sinh vật có thể phản ứng nhanh chóng trước mọi diễn biến đối diện nó thường có nhiều cơ hội sống còn hơn những sinh vật phản ứng chậm chạp.

 

Chúng ta thường không biết rõ trong tiềm thức chúng ta chứa đựng những gì. Có những ký ức đã nằm đó từ nhiều năm, có những nhận thức vừa vô tình được thu nhận vài giây đồng hồ qua. Một điều chắc chắn là tri thức (consciousness) và tâm thức (mind) của con người có những khả năng mà khoa học ngày nay chưa thấu hiểu được. Có lý thuyết cho rằng khi một người nhìn thoáng qua một trang sách, tri thức và tâm thức họ thường có thể thu nhận toàn thể mọi chữ, mọi hình ảnh trên trans sách đó trong tích tắc và cất trọn vào tiềm thức. Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng triệu hồi những chi tiết đó từ tiềm thức khi cần thiết. Một số ít người được cho là có “trí nhớ như máy chụp ảnh” (photographic memory) là những người có khả năng nầy, họ chỉ cần nhìn thoáng qua một cái gì là có thể nhớ và lập lại lại rõ ràng từng tiểu tiết sau bất kỳ thời gian bao lâu.

 

Lý thuyết trên giải thích các trường hợp NDE mà người ta có thể thấy được những gì họ cho rằng ngoài sự hiểu biết của họ.Nhiều khi một người đã từngbiết qua những sự kiện, dữ liệu, cảnh trí, v.v. đã xảy ra trong đờihọ mà không hề để ý hoặc nhớđến. Tuy vậy tri thức và tâm thức họ vẫn “chụp ảnh” chúng và tích trữ trong tiềm thức. Như vừa nói ở trên, khi cần thiết thì não bộ sẽ đem những kinh nghiệm, kiến thức sẵn có trong tiềm thức để phối hợp với những tín hiệu cung cấp bởi giác quan. Vì không biết mình đã có sẵn kiến thức nầy nên một người có thể ngạc nhiên không hiểu tại sao có thể “nghe thấy” được những sự kiện, dữ liệu, cảnh trí, v.v. mà họ nghĩ rằng họ chưa từng trải qua.

 

Khoa học ngày nay vẫn chưa giải thích được hoàn toàn tất cả chi tiết về hiện tượng NDE. Bất cứ cách giải thích nào hầu như cũng có những trường hợp cho thấy nó hoặc không áp dụng được hoặc không đồng nhất. Mặt khác, cho đến nay cũng chưa có trường hợp NDE nào sau khi trải qua một quá trình kiểm nghiệm khoa học nghiêm nhặt mà vẫn có thể cho thấy chỉ có “linh hồn lìa khỏi xác” là cách giải thích khả dĩduy nhất mà thôi.

 

Trở lại cách giải thích “ảnh hưởng do thiếu ô-xy” đã đề cập ở trên chẳng hạn, một cựu phi công chiến đấu cơ (do đó qua quá trình luyện tập và thực nghiệm ông rất kinh nghiệm về các triệu chứng thiếu ô-xy trong cơ thể) sau khi chính ông trải qua hiện tượng NDE cho biết những cảm giác do thiếu ô-xy ông thường gặp rất khó chịu,ngột ngạt và rối loạn so với các cảm giác êm ả, thanh lặng, bình thản vô cùng của NDE. Mặt khác, như đã nói, cũng có một số người trải qua hiện tượng NDE với cảm giác sợ hãi và khủng hoảng.

 

Cóvài trường hợp lúc đang trải qua NDE người ta kể lại họ đã thấy một đồ vật gì đó; sau khi kiểm chứng thì quả thật có đồ vật ấy và chỗ nó nằm là một nơi mà tầm mắt bình thường của bất cứ ai ở trong phòng ấy không thể nào thấy nó được. Nếu các chuyện nầy có thật đi nữa thì cũng có thể có nhiều giải thích khả dĩ khác nhau. Như đã nói ở trên, tri thức và tâm thức của một người có thể ghi giữ những chi tiết và dữ kiện chung quanh mà họ không hề hay biết.Thí dụcó một đồ vật nằm trên cao ngoài tầm mắt trong phòng; tuy nhiên hình ảnh nóvẫn có thể phản chiếu lên những tấm kínhcửa sổ chung quanhvà thị giác của một người có thể vô tình thu nhận được hình ảnh trên mà họ không hề để ý. Khi trải qua NDE, não bộ của họ pha trộn kiến thức sẵn có nầy với những tín hiệu rối loạn từ các giác quan đang tạm thời hư liệt để đưa đến cảm giác họ đã thấy được vật dụng đó trong khi đang bay lơ lửng trên trần nhà.

 

Nếu muốn đi sâu hơn vào con đường trơn trợt của lãnh vực khoa học bán chính thức (parascience) để giải thích về các trường hợp NDE vừa kể trên thì chúng ta cũng có thể vận dụng đến lý thuyết giác quan đặc biệt đã đề cập đến trước đây. Theo lý thuyết nầy, lúc cơ thể ở trong điều kiện nào đó, thí dụ như khi gặp tình thế nguy kịch, thì có khi nó tự khởi hoạt một giác quan đặc biệt có thể giúp một người cảm nhận, và nghe thấy, được những gì xảy ra ở những khoảng cách chung quanh từ các vị trí và góc cạnh bên ngoài hẳn cơ thể thật sự của họ. Giác quan đặc biệt nầy có thể hoạt động ngay cả khi toàn bộ ngũ quan của họ đang tạm thời đóng kín. Có thể vì không quen thuộc với cách vận hành của giác quan đặc biệt nầy người ta có cảm giác như họ đang bay thoát ra ngoài thân xác vật chất của họ mà vẫn có thể cảm nhận, nghe, thấy mọi sự việc.

 

Tôi nhìn nhận trước ở đây rằng lý thuyết “giác quan đặc biệt” sử dụng trong cách giải thích vừa rồi chưa hề được kiểm nghiệm nghiêm nhặt theo phương pháp khoa học và không nhất thiết được công nhận bởi mọi người. Một số người có thể cho cách giải thích trên gượng gạo, chấp vá và khó tin. Tuy vậy nó vẫn không vô căn cứ và vô lý hơn cách giải thích cho rằng có một linh hồn phi vật chất nhưng vẫn có thể cảm nhận được những chấn động sóng của các năng lượng vật chất (thí dụ như ánh sáng và âm thanh).

 

Có một điều không thể phủ nhận được là những gì một người thấy trong trạng thái NDE chịu ảnh hưởng rất lớn bởi văn hóa, phong tục và tín ngưỡng của người ấy. Bằng chứng là chưa bao giờ có ai đạo Thiên Chúa mà khi xuất hồn lại thấy gặp được Phật Thích Ca, hay ngược lại chưa bao giờ có Phật tử nào kể lại họ đã gặp Giê-Su hay Đức Mẹ.

Hơn nữa, những người đã xuất hồn đều kể lại họ thấy mình đang mặc quần áo, có trường hợp là quần áo giống như cơ thể của họ đang mặc, có trường hợp quần áo khác. Hiện tượng nầy có vẻ như cho rằng quần áo của họ cũng có thần thể, và khi thần thể một người xuất ra khỏi cơ thể vật chất của họ thì thần thể của các quần áo nầy cũng đồng thời xuất ra khỏi cấu trúc vật chất của chúng!

Xuất Hồn

 

Hiện tượng “xuất hồn” nói chung là khi một người thật sự cảm thấy mình đã thoát ra khỏi cơ thể của họ. Đã có nhiều khoa học gia Tây Phương nghiên cứu về hiện tượng nầy; họ gọi nó là “out-of-body experience” (nghĩa là “trải nghiệm khi bên ngoài cơ thể”, và thường viết tắt là OBE).

 

“Xuất hồn khi sắp chết” (“near death experience” hay NDE) chỉ là một trường hợp đặc biệt của hiện tượng xuất hồn nói chung.

 

Trong trường hợp tiêu biểu, một người thấy họ “bay”ra khỏivà lơ lửng bên trên cơ thể mình; họ thường có thể nhìn thấy chính cơ thể họ cũng như mọi cảnh trí chung quanh. Hầu hết mọi thứ họ diễn tả lại đều đúng với cảnh trí thật sự. Tuy nhiên thường có vàichi tiết không chính xác, thí dụ như họ thấy cánh cửa phòng đang đóng trong khi nó thật sự đang mở.Có người thấy cơ thể hiện tại của mình đang nằm đó, cũng có những người kể lại họ thấy cơ thể lúc còn trẻ của họ. Thường họ chỉ nhìn thấy sự vật nhưng có người kể lại họ cũng có thể nghe âm thanh. Điểm chính yếu nhất là họ có cảm giác rất rõ rệt là họ đang nghe và thấy từ một vị trí nằm hẳn bên ngoài cơ thể của họ.

 

Có người tường thuật khi xuất hồn họ có thể du hành đến những thế giới khác, đi qua một đường hầm tối đến một nơi có ánh sáng rực rỡ và thanh bình, gặp những linh hồn của những người quen biết đã qua đời. Có người kể lại họ đi lên đến các hành tinh khác như Hỏa Tinh, v.v.

 

Người ta biết rằng các cảm giác giống như trạng thái xuất hồn có thể xảy ra vì nhiều lý do: não bộ bị thương tổn, giác quan bị rối loạn, mất ngủ lâu ngày, đói khát cực độ, ảnh hưởng của một số dược phẩm và ma túy, não bộ bị kích động bằng điện, v.v.Thống kê cũng cho biết khoảng một trong mười người vì lý do gì đó có thể trải qua trạng thái dạng nầy dưới nhiều mức độ khác nhau ít nhất một lần trong đời.

 

Nói chungcó rất nhiềulý thuyết về hiện tượng nầy. Nhiều người cho rằng đây là bằng chứng cho thấy sự hiện hữu của thần thể hay linh hồn. Nhiều nhà khảo cứu cho rằng khi so sánh cáchđiều hành của não bộ, hiện tượng xuất hồn có liên hệ với hiện tượng chiêm bao,nhất là hiện tượng chiêm bao trong đó người đang ngủ nhận biết mình đang chiêm bao và có thể điều khiển diễn tiến của giấc chiêm bao đó ra sao (một hiện tượng gọi là “lucid dreaming”, tạm dịch là là “chiêm bao tỉnh táo”). Tuy nhiên chúng khác nhau ở chỗ khi một người xuất hồn họ cho rằng những gì họ đang nhìn thấy đang xảy ra thật sự. Thống kê có vẻ hỗ trợ quan điểm xuất hồn liên hệ với chiêm bao. Khi phỏng vấn những người đã từng xuất hồn, 85% cho biết họ xuất hồn trong lúc hoặc đang ngủ, hoặc đang nghỉ ngơi nhắm mắt, hoặc đang chiêm bao, hoặc đang nằm trên giường, hoặc đang đau bệnh; một số nhỏ cho biết họ đang dưới ảnh hưởng dược phẩm hay ma túy.

 

Cảm giác lạ lùng khi xuất hồn lần đầu tiên có thể vừa hứng khởi vừakinh ngạc. Điều nầy phối hợp với những hình ảnh một người có thể nhìn thấy rõ rệt trong khi xuất hồn làm họ dễ dàng tin chắc chắn rằng “đây không thể nào là chiêm bao được”. Điều cần biết là những gì một người nghe thấy trong chiêm bao thường cũng có thể rất rõ rệtvà chi tiết, nếu họ có lý do nhớ đến chúng. Thường thường chúng ta không nhớ mấy về chiêm bao của mình sau khi thức dậy, vì thế chúng có vẻ như “không thật”. Đời sống hàng ngày cũng vậy, chúng ta thường trải qua trọn mỗi ngày thức dậy, đánh răng rửa mặt, ăn sáng, đi làm, ăn trưa, lái xe về nhà, ăn tối, v.v. mà không hề để ý đến chi tiết nào rõ rệt cả, nếu không có lý do gì để cần phải nhớ đến chúng. Chỉ khi nào có chuyện bất thường gì xảy ra thì chúng ta sẽ lập tức thu nhận tích cực những gì chúng ta nghe thấy và do đó chúng ta sẽ có thể nhớ lại diễn biến nầy rành mạch trong tương lai. Những giấc mơ tuyệt vời hay những ác mộng cũng vậy, chúng ta thường nhớ rất kỹ càng mọi chi tiết và có cảm tưởng như chúng đã xảy ra thật sự.

Hiện tượng xuất hồn thường xảy ra đến một người đột ngột không báo trước. Tuy nhiên cũng có một số người có thể tự điều khiển mình vào trạng thái nầy bất cứ lúc nào họ muốn. Có những phương pháp thiền với mục đích chính là để xuất hồn.

 

Thống kê cho thấy những người đã từng xuất hồn phần đông là những người có khuynh hướng ưa thích chuyện tưởng tượng và hay tin vào những điều thần thoại, huyền bí hơn những người không bao giờ xuất hồn. Tuy thế không phải ai cũng vậy.

 

Năm 2012 có một nữ sinh viên ngành tâm lý học tại Đại Học Ottawa cho biết cô có thể tự ý xuất hồn bất cứ lúc nào từ khi còn bé. Cô cho biết mỗi khi xuất hồn cô thấy mình nằm lơ lửng trên không và có thể hoặc lật úp xuống nhìn thấy cơ thể của mình, hoặc xoay vòng vòng như chong chóng song song với mặt đất, hoặc bay thẳng lên xuống nhiều độ cao thấp khác nhau. Cô kể lại lúc nhỏ ở mẫu giáo cô rất ghét giờ ngủ trưa, một hôm cô khám phá mình có thể làm được điều nầy nên từ đó thường xuyên xuất hồn như một cách giải trí trong lúc bị bắt buộc nằm ngủ chung với các đứa bé khác. Khi lớn lên cô vẫn tiếp tục thỉnh thoảng xuất hồn, luôn luôn do tự ý mình một cách dễ dàng, thường là để dỗ ngủ. Trong khi người khác đếm cừu thì cô xuất hồn ra khỏi cơ thể. Cô cũng cho biết cô tưởng ai cũng làm việc nầy được.

 

Như đã nói, tường thuật hiện tượng xuất hồn rất phổ biến nhưng hầu như chưa mấy khi xảy ra trong môi trường thí nghiệm khoa học được kiểm soát chặt chẽ. Cơ hội nghiên cứu một người mạnh khỏe có thể tự ý xuất hồn bất cứ lúc nào chưa bao giờ xảy ra, cho đến lúc nầy. 

 

Người dẫn đầu cuộc thí nghiệm về cô sinh viên trên, giáo sư Claude Messier và phụ tá Andra Smith cho biết không có gì đặc biệt về cô gái nầy chỉ trừ cô thường rất khó ngủ. Đối với cô, cô không cảm thấy đây là một việc bất thường hay liên quan đến tâm linh. Đối với cô đây chỉ là một việc cô làm rất bình thường. Cô cho biết mỗi khi xuất hồn tuy cô có thể điều khiển sự di chuyển của mình nhưng đồng thời biết là cơ thể “thật sự” của cô không hề chuyển động. Tuy vậy mọi cảm giác đều rất rõ ràng và “thật”. Thí dụ

như cô cho biết nếu cô xoay vòng vòng quá lâu thì cô sẽ bị chóng mặt.

 

Người ta chụp ảnh (fMRI scan) hoạt động trong não bộ cô trong khi cô đang xuất hồn và thấy rằng hầu như mọi hoạt động chỉ xảy ra ở não cầu bên trái thay vì ở cả hai bên như trong khi một người đang tưởng tượng điều gì. Mọi điều khiển về sự di chuyển của cơ thể đều nằm trong não cầu bên trái. Đây là nơi hệ thần kinh định vị giúp chúng ta cảm giác được cơ thể mình đang ở vị trí nào trong khoảng không gian chung quanh. Thí nghiệm cũng cho thấy phần não bộ điều khiển thị giác của cô trong lúc đó hầu như ngưng hoạt động.

 

Kết luận của cuộc thí nghiệm trên cho thấy cô không hề tưởng tượng; những gì cô thấy và cảm nhận đều thật sự xảy ra trong não bộ cô. Phản ứng của não bộ cô giống hệt như khi cơ thể cô đang thật sự trải nghiệm qua những chuyển động cô diễn tả. Tuy nhiên điều nầy không có nghĩa là linh hồn cô đã rời khỏi cơ thể cô. Đây chỉ là kết quả của cách thức não bộ cô làm việc và không phải là một hiện tượng tâm linh gì cả. Đây chỉ là một khả năng đặc biệt mà chẳng qua cô có được. Có thể nói điểm khác biệt duy nhất giữa cô và vô số người xuất hồn khác là cô có thể tự ý làm chuyện nầy xảy ra một cách dễ dàng bất cứ lúc nào cô muốn. Hơn nữa, đối với cô đây là một việc bình thường hàng ngày chớ không có gì đặc biệt hay huyền bí cả.

 

Một thí nghiệm nổi tiếng và khá lý thú khác về hiện tượng xuất hồn xảy ra năm 1968 khi chuyên gia tâm thần Mỹ Charles Tart của Hội Nghiên Cứu Tâm Thần Hoa Kỳ (American Society for Psychical Research)quan sát một người được gọi là Miss Z qua 4 đêm trong phòng thí nghiệm của ông. Miss Z là một người được biết có thể xuất hồn hầu như hàng đêm. Charles Tart muốn dùng trường hợp Miss Z để chứng minh thật sự linh hồncô có xuất khỏi cơ thể và nhìn thấy mọi vật chung quanh mình hay không.

 

Mỗi đêm khi Miss Z ngủ, đầu của cô được nối liền với một chiếc máy có thể ghi nhận mọi hoạt động trong não bộ. Chính Charles Tart đích thân theo dõicác điện não đồ suốt đêm từ căn phòng kế bên. Trên kệ tủ cao trong phòng Miss Z ngủ có đặt một tấm bảng mang 5 điện số thay đổi khác nhaumỗi đêm. Cô không biết những con số nầy là gì. Từ nơi Miss Z nằm, cô không thể nào nhìn thấychúng. Người ta muốn thử xem Miss Z có đọc được các con số nầy khi cô xuất hồn hay không.

 

Sau ba đêm đầu, Miss Z không thấy gì cả. Sau đêm thứ tư (đêm cuối cùng) cô nói trúng các con số nầy. Charles Tart cho rằng đây là bằng chứng cho thấy Miss Z đã xuất hồn trong đêm nên mới đọc được các con số nằm trên cao.

 

Cuộc thí nghiệm nầy gây một tiếng vang khá lớn lúc bấy giờ trong giới nghiên cứu về tâm thần và tâm linh. Nhiều người cho rằng đây là một bước ngoặc quan trọng vì quan niệm linh hồn là một vật thể phi vật chất riêng biệt hiện hữu song song với thân thể vật chất đã được kiểm chứng và xác nhận bởi khoa học. Tuy nhiên những nghiên cứu gia khác sau khi đọc kỹ bản tường trình của cuộc thí nghiệm nầy đã có các nhận xét và chỉ trích sau đây.

Trước hết thí nghiệm nầy đã không được tổ chức cẩn thận do đó không có những phương thức kiểm soát đầy đủ để phòng ngừa và loại bỏ tất cả sự kiện có thể xảy ra đưa đến việc nghi ngờ giá trị về kết quả của nó. Trong suốt 4 đêm thí nghiệm, Miss Z nằm trên giường trong một căn phòng cách biệt hẳn với người kiểm soát. Tuy giữa hai căn phòng có một khung cửa kính nhưng nơi Miss Z nằm chỉ có gắn máy ghi âm (với mục đích theo dõi xem cô có nói mớ hay không) chớ không có máy thu hình.Cách kiểm soát chính của cuộc thí nghiệm nầy là những dây điện nối giữa đầu Miss Z và máy điện não đồ được thu ngắn lại để nếu cô muốn đứng dậy trên giường thì cô sẽ phải lôi kéo các dây điện nầy, và làm như thế sẽ gây ra những xáo động dễ thấy trên điện não đồ.

 

Bản tường trình kết quả của Charles Tart cho thấy có một sự xáo động trên điện não đồ nhưng vì lý do gì đó ông cho rằng đây chỉ là vì trục trặc tạm thời của máy. Ngay chính ông cũng ghi chú rằng ông đã có những lúc ngủ gật trong các đêm đó. Và một điểm quan trọng khác nữa là chính Charles Tart ghi chú rằng trước đêm thứ tư (tức là đêm cuối cùng) Miss Z “rất bực tức vì ba đêm rồi không có kết quả gì cả và nhất định đêm nay phải xuất hồn bay cao lên để đọc được những con số đó cho bằng được”.

 

Từ các nhận xét trên, những người phê bình cho rằng không có gì bảo đảm trong đêm cuối cùng Miss Z đã không tự sắp xếp các dây điện lại để có thể đứng dậy trên giường lén nhìn xem các con số trên tủ cao là gì. Charles Tart ngồi ở phòng kế bên có thểkhông nhìn thấy gì cả vì ông đang ngủ gục. Chi tiết đáng kể nhất là theo chính ghi chú của Charles Tart thì sau 3 đêm vẫn chưa đọc được các con số Miss Z lúc ấy rất bực tức vì đó vì điều nầy ảnh hưởng đến danh tiếng của cô.

Những người phê bình đặt câu hỏi tại sao Charles Tart khi nhận thấy rằng những xáo trộn trên điện não đồ đêm ấy ông lại chỉ cho là vì máy trục trặc mà thôi. Nếu thế thì tại sao ông không tiếp tục cuộc thí nghiệm thêm một vài đêm nữa để có được kết quả chắc chắn?

 

Những chuyên gia nghiên cứu khác cũng chỉ trích thí nghiệm của Charles Tart chỉ dựa trên một kết quả duy nhất từ một người duy nhất (Miss Z) và chỉ của 1 trong 4 đêm thí nghiệm. Do đó ông không có đủ dữ liệu cần thiết để phân tích, so sánh trước khi đi đến một kết luận có giá trị khoa học. Họ cũng đưa ra vấn đề rằng kết quả thí nghiệm nầy không hề được kiểm nghiệm chính thức bởi các học giả kinh nghiệm cùng ngành khác (peer review), và đây là một điều kiện cần thiết mà mọi thí nghiệm, mọi giả thuyết, mọi lý thuyết khoa học đều phải có để bảo đảm giá trị của nó.

 

Người ta cũng phê bình về việc Hội Nghiên Cứu Tâm Thần Hoa Kỳ (American Society for Psychical Research) không phải là một tổ chức khoa học được chính thức công nhận bởi mọi khoa học gia mà chỉ là một tổ chức vô vụ lợi có trụ sở ở New York và được tài trợ bởi tư nhân. Tương tự, bản tường trình về thí nghiệm được Charles Tart đăng trên Đặc San Hội Nghiên Cứu Tâm Thần Hoa Kỳ và đặc san nầy tuy đón nhận bài đăng của bất cứ ai nhưng hầu như không có mối liên hệ gì với cộng đồng khoa học gia Mỹ.

Một thí nghiệm vào năm 2007 bởi Henrik Ehrsson của Học Viện về Não của Đại Học London (Institute of Neurology at University College of London) cho thấy ai cũng có thể bị “lừa” để có cảm giác xuất hồn một cách hoàn toàn máy móc.

Người tham dự thí nghiệm nầy được ngồi trên một chiếc ghế và đeo vào mặt hai màn ảnh nhỏ, mỗi màn ảnh chụp riêng lên một con mắt. Mỗi màn ảnh nầy được nối liền với một máy quay phim; hai máy quay phim nầy được đặt kế bên nhau và nằm khoảng 2 mét đàng sau lưng người nầy. Màn ảnh nằm bên trái chụp lên con mắt trái nối liền với máy quay phim nằm bên trái, màn ảnh nằm bên phải chụp lên con mắt phải nối liền với máy quay phim nằm bên phải. Với cách sắp xếp trên, người nầy có thể nhìn thấy hình ảnh của chính mình giống như một người khác đang đứng cách 2 m đàng sau lưng họ có thể nhìn thấy. Những gì họ nhìn thấy có độ sâu 3 chiều giống y như trong không gian thật sự. Họ sẽ có cảm giác lạ lùng là giác quan của họ (trong trường hợp nầy, thị giác) có vẻ như không còn nằm trên cơ thể thật sự của họ nữa. Họ do đó sẽ có cảm tưởng như đã bị tách rời ra khỏi cơ thể thật sự của họ.

 

Khi một người khác đứng kế bên người trên dùng một cây gậy chạm nhẹ vào ngực anh ta thì ảo giác trên càng rõ ràng hơn nữa vì mắt anh ta nhìn thấy “cơ thể” anh ta cách đó 2 mét đang bị cây gậy đụngđến trong khi đồng thời ngực anh ta ở đây cũng có cảm giác bị cái gì đụng vào.

 

Thí nghiệm trên minh chứng một điều nhiều nhà nghiên cứu đã biết; đó là khi một người xuất hồn họ có thể nghe thấy mọi sự việc chung quanh họ nhưng những tín hiệu trên không còn đến từ giác quan của họ nữa. Nói cách khác, người nầy lúc ấydường như vẫn có đầy đủ cảm giác của một cơ thể nhưng những cảm giác nầy không còn nhận được từ các giác quan của họ. Cảm giác lạ lùng nầy thật ra chỉ là kết quả từ khả năng tuyệt diệu của bộ óc có thể sản xuất ra những hình ảnh âm thanh rõ ràng giống như thật ngay cả khi nó không nhận được tín hiệu nào gởi đến từ các giác quan. Sự kiện nầy cũng xảy ra mỗi lần chúng ta chiêm bao vì chiêm bao chính là khi chúng ta nghe thấy những cảnh trí và cảm nhận những tác động cơ thể của mình trong lúc chúng thật ra đang không hề xảy ra.

 

Sam Pamia, một phó giáo sư y khoa của Đại Học New York, nghĩ rằng nếu phần nhiều những trường hợp xuất hồn xảy ra trong các phòng giải phẩu (nơi người ta kể lại họ rời cơ thể mình bay lên gần trần nhà nhìn xuống thấy mọi sự việc trong phòng kể cả việc các bác sĩ đang cố làm hồi sinh trên thân thể họ) thì đây là nơi tốt nhất để làm thí nghiệm kiểm chứng. Năm 2008, ông hợp tác với 25 bệnh viện ở Âu Châu, Canada và Mỹ cùng sự điều động của trường Đại Học Southampton để tiến hành một cuộc thí nghiệm được đặt tên là AWARE (viết tắt cho AWAreness during REsuscitation). Trong các phòng giải phẩu, họ đặt những tấm bảng treo lơ lửng từ trần nhà. Bề mặt của các tấm bảng nầy có những hình vẽ quay lên trên trần nên không ai đứng dưới nhà có thể nhìn thấy chúng được. Họ lý luận rằng nếu các người xuất hồn thật sự thấy những gì đang diễn tiến trong phòng khi đang bay lơ lửng trên trần nhà thì họ sẽ phải thấy và có thể diễn tả lại các hình vẽ trên những tấm bảng nầy là gì.

Cho đến nay, kết quả chính thức của cuộc thí nghiệm nầy vẫn còn đang được duyệt thảo qua một quá trình kiểm nghiệm chính thức bởi các đồng nghiệp kinh nghiệm và độc lập khác (peer review). Tuy vậy ông Pamia đã tường trình kết quả sơ khởi về cuộc thí nghiệm AWARE tại một buổi hội thảo ở American Heart Association vào cuối năm 2013. Ông cho biết tất cả đã có 152 bệnh nhân (dưới 15% tổng số bệnh nhân giải phẩu) tường thuật là họ đã xuất hồn trong thời gian đang được giải phẩu ở các bệnh viện trên. Tuy nhiên chỉ có 2 người kể lại họ đã nhìn thấy cảnh vật trong phòng, và chỉ một trong 2 người nầy diễn tả có vẻ đúng như những gì đã xảy ra. Điều cần chú ý là cho đến nay không có ai đã nhìn thấy các hình vẽ trên những tấm bảng treo trên trần nhà cả.

 

Thống kê gần đây cho thấy không dưới 80% dân Mỹ tin rằng linh hồn

 họ sẽ tiếp tục sống còn sau khi cơ thể vật chất của họ đã chết. Con số nầy gia tăng hơn nữa sau sự phổ biến rộng rãi của vài quyển sách kể lại nhiều câu chuyện xuất hồn của những người từ đủ thành phần giai cấp trong xã hội, kể cả một khoa học gia và bác sĩ chuyên khoa về não của Đại Học Harvard, ông Eben Alexander, người trước đây đã từng đặt nghi vấn về vấn đề xuất hồn.  

 

Ông Alexander bây giờ quả quyết rằng sau khi não bộ của một người ngừng hoạt động, linh hồn của họ sẽ xuất ra khỏi thân xác và bay về một nơi tốt đẹp hơn. Trong một buổi phỏng vấn với báo New York Times, ông nói “Tri thức và linh hồn của chúng ta không lệ thuộc vào não bộ hay cơ thể chúng ta; nó sống mãi mãi, và không ai có một bằng chứng cụ thể nào cho thấy rằng điều nầy không đúng”. 

 

Đây là một quan niệm vô cùng quyến rũ cho những người lo nghĩ về sự ngắn ngủi của đời sống và là một niềm an ủi to lớn cho những ai vừa mất người thân yêu của họ. Nhiều người tin rằng đây là một vấn đề nằm xa khỏi hẳn khả năng và lãnh vực khoa học, và đó là lý do tại sao không thể nào đem những lý lẽ và kiến thức khoa học ra để chứng minh hiện tượng trên.

 

Tuy vậy, một điều cần biết là trong khi chúng ta có thể chứng minh sự hiện hữu của một sự vật gì đó, chúng ta không thể nào chứng minh tuyệt đối rằng một sự vật không hiện hữu. Muốn chứng minh một sự vật hiện hữu, người ta chỉ cần tìm ra một thí dụ, một trường hợp người ta đã tìm gặp sự vật ấy. Trong khi đó, nếu muốn chứng mình một sự vật không hiện hữu, chúng ta cần phải tìm kiếm ở mọi nơi trong vũ trụ, mọi lúc trong dòng thời gian kể cả ở tương lai, khảo nghiệm mọi điều kiện, mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, v.v. để gạt bỏ tất cả mọi khả dĩ về sự hiện hữu của nó.Rõ ràng là không ai có thể làm điều trên được.Tuy nhiên nhiều người không hiểu được nguyên lý nầy. Điều đáng tiếc là đôi khi ngay cả một khoa học gia xuất thân từ Havard như ông Alexander vẫn không tránh được lỗi lầm trên khi tuyên bố rằng không ai có thể chứng minh cho thấy không có linh hồn sau khi chết.

 

Những người như ông Alexander đáng lẽ phải nhận thấy rằng vì họ quả quyết về sự hiện hữu của linh hồn nên chính họ mới có trách nhiệm để chứng minh điều nầy. Họ không thể nào đổ trách nhiệm chongười khác phải chứng minh rằng họ không đúng. Theo nguyên tắc lý luận cơ bản, khi một người đưa ra một sự kiện thì họ là người cần phải biện chứng sự hiện hữu của sự kiện đó; trong khi ấy một người tuyên bố không tin vào một sự kiện không cần phải (và nếu muốn cũng không thể) biện minh cho sự không hiện hữu của nó.

 

Hơn nữa, nếu muốn chứng minh một định luật có giá trị, người ta cần phải cho thấy định luật nầy áp dụng đúng cho mọi trường hợp. Thí dụ không ai có thể phủ nhận các định luật về trọng lực. Tất cả mọi vật trong đời sống bình thường chung quanh chúng ta đều tuân theo các định luật nầy. Từ một quả táo bị sức hút của địa cầu cho đến sự hấp dẫn giữa hai tinh tú trong ngân hà, tất cả đều luôn luôn xảy ra, luôn luôn lập lại giống y hệt như nhau và luôn luôn có thể kiểm chứng, đo lường, tiên đoán.

 

Nếu muốn nói rằng linh hồn của con người sẽ sống còn mãi mãi sau khi cơ thể ngừng hoạt động và bị hủy diệt thì tại sao chúng ta không thấy sự kiện nầy xảy ra đối với mọi người, mọi nơi, mọi lúc? Thí dụ như những câu chuyện xuất hồn trong lúc gần chết (near death experience - NDE) chỉ xảy ra với một phần rất nhỏ so với tất cả những người đã trải qua trạng thái đã chết và sống lại. Có nghĩa là quan điểm trên không đúng với thực tại trong đại đa số trường hợp.

 

=====

 

Những câu chuyện xuất hồn nói chungđược người ta thích thú tìm đọc say mê chỉ vì nó rất kỳ lạ và hiếm hoi chớ không xảy ra hàng ngày đến mọi người. Không ai bận tâm đến câu chuyện một quả táo rụng từ trên cành rơi xuống đất. Do đó chúng ta không nên quả quyết rằng con người có một linh hồn sẽ sống còn mãi mãi sau khi thân xác họ đã chết.Đó là chưa kể đến việc cho đến nay không có trường hợp xuất hồnnào có thể được chứng minh rằng nó luôn luôn xảy ra, luôn luôn lập lại giống y hệt như nhau và luôn luôn có thể kiểm chứng, đo lường, tiên đoán. Và vì không thỏa điều kiện cần thiết trên, vấn đề nầy không nên được xem là có giá trị bất khả phủ nhận.

 

Trong khi đó, như đã nói, mặc dù không ai có thể chứng minh tuyệt đối rằng tri thức của một người là sản phẩm của não bộ cũng như giác quan của họ, có rất nhiều sự kiện có vẻ như hỗ trợ điều nầy. 

Một trong những sự kiện có thể nói rằng hầu như “luôn luôn xảy ra, luôn luôn lập lại giống y hệt như nhau và luôn luôn có thể kiểm chứng, đo lường, tiên đoán” liên quan đến vấn đề thương tích não.

 

Kỹ thuật khám nghiệm và phân tích hoạt động của não bộ ngày nay cho phép chúng ta thấy rõ nhiệm vụ riêng biệt của của từng phần, từng vùng não bộ. Khi một vùng não bộ bị thương tíchhay bị cắt bỏ đi thì những chức năng của một người thường ngày được chỉ huy và điều khiển bởi vùng não bộ đó sẽ bị ảnh hưởng. Trong đa số trường hợp, bác sĩ có thể tiên đoán được những ảnh hưởng nầy và thảo luận với bệnh nhân trước khi giải phẩu. Không những chỉ các chức năng vật chất liên quan đến cơ

băp hay sự vận hành của chân tay, thị giác, xúc giác, v.v mà cả những chức năng nằm trong lãnh vực tinh thần, tâm trí, cá tính, cá thể của người ấy.

 

Có vô số trường hợp sau khi bị tai biến mạch máu não, bệnh nhân trở thành một con người khác hẳn về mặt tâm tính và tình cảm. Có những người trở thành khó tính, lạnh lùng, vô cảm xúc, khắc nghiệt, tàn ác trong khi có những người trở thành dễ dãi, hiền lành, hiếu hòa, nhân ái. Có nhiều trường hợp sau giải phẩu nãobệnh nhân mất hẳn khả năng quyết định, họ trở thành một người không có lập trường, ai nói gì cũng nghe, không thể lý luận và giải quyết điều gì, trở thành hèn yếu, dễ tin, dễ nhát sợ. Có một trường hợp sau khi giải phẩu bướu não bệnh nhân mất tất cả tính chất đạo đức đã có sẵn trước đây; ông trở thành một người vô trách nhiệm có khuynh hướng làm những điều hoàn toàn trái ngược với khuôn phép xã hội và tiêu chuẩn luân lý.

 

Những chức năng kể trên xác định cá tính, bản chất, nhân cách của một người. Chúng là cơ cấu của cảm xúc, sự suy nghĩ, lý luận, v.v. dẫn đến những thương ghét vui buồn sâu kín nhất lẫn các hành vi, tư cách bộc lộ rõ rệt trong đời sống hàng ngày. Nói cách khác đây là định nghĩa cơ bản của tri thức.

 

Nếu cho rằng linh hồn của một người có thể sống còn sau khi chết thì tri thức của họ cũng phải được giữ nguyên vẹn sau khi thân thể đã bị hủy hoại. Tuy vậy, vô số các thí dụ tương tự như trên cho thấy tri thức và cá tính của một người bị biến đổi hay tiêu tan sau khi não bộ của họ bị thương tích. Nếu mỗi người chúng ta có một linh hồn có thể cho phép chúng ta nghe thấy, suy nghĩ và cảm nhận sau khi cơ thể chúng ta đã bị hủy diệt thì tại sao linh hồn nầy lại không thể cho phép chúng ta tiếp tục làm những điều trên một cách bình thường sau khi một phần não bộ (tức là một phần cơ thể) chúng ta ngừng hoạt động?

 

Cách đây hơn 750 năm, nhà thần học nổi tiếng Saint Thomas Aquinas cũng đã nhận ra điều nầy phần nào. Ông cho rằng khi không còn cơ thể nữa, tức là không còn mắt, tai, mũi, v.v. thì linh hồn sẽ không có những cảm quan thấy, nghe, ngữi, v.v. nữa và sẽ chỉ biết chờ đợi trong vùng bóng tối vô cảm giác cho đến ngày Phán Xét khi thân xác được Thiên Chúa làm cho sống lại. Ông cũng cho rằng linh hồn không có thân xác chỉ có thể còn giữ được những đặc tính như khả năng suy luận, hiểu biết và cảm nhận đạo đức (tức là những đặc tính không lệ thuộc vào các bộ phận vật chất của cơ thể). Tuy vậy như vừa thấy từ những thí dụ kể trên, ngày nay người ta đã có thể xác định rõ ràng phần não bộ nào chịu trách nhiệm cho loại tư tưởng và hành vi nào của con người. Do đó những đặc tính cá thể mà Aquinas thuở xưa, và nhiều người khác ngay cả bây giờ, cho rằng thuộc về linh hồn có vẻ như đều sẽ bị tiêu hủy khi các phần não bộ tương ứng trên bị tiêu hủy.

Có những người sẽ lý luận rằng linh hồn chỉ cần một thân xác để vận hành trong cõi sống hiện tại nhưng không cần một thân xác trong thế giới sau khi chết. Họ so sánh linh hồn như tín hiệu sóng radio truyền ra từ một đài phát thanh và thân xác vật chất như một chiếc radio; khi chiếc radio được mở đúng băng tần sóng nào đó thì nó trở thành sống động với những tiếng nói, ca nhạc, v.v. và khi chiếc radio bị hư hại thì không còn âm thanh gì phát ra được nữa tuy nhiên tín hiệu sóng vẫn còn hiện hữu.

 

Cách so sánh trên thiếu sót một điểm rất quan trọng, đó là sự tương tác giữa chiếc radio và môi trường chung quanh nó; hay nói rõ hơn là về những giác quan của một người. Giác quan là cửa sổ thông thương tri thức, tâm thức của một người với thế giới chung quanh họ. Những dữ kiện, tín hiệu thu nhận từ giác quan được phối hợp với những bản chất, tính khí, khả năng suy luận, kiến thức có sẵn trong tiềm thức và trong cấu trúc cơ bản có sẵn để tạo nên tâm thức, tri thức, bản thể và tất cả những gì khác để làm người đó thành một cá thể khác biệt với mọi cá thể đồng loại.

 

Có thể nói rằng giác quan không những là cửa sổ của linh hồn mà còn đóng một vai trò trọng yếu trong việc sản xuất ra linh hồn. Nếu có phải so sánh thì con người có thể tạm thời so sánh với một chiếc máy hát nhạc thường thấy ở các bar rượu. Trong máy đã có sẵn một số dĩa nhạc, tùy người ta bỏ tiền vào và nhấn nút nào thì chiếc máy nầy sẽ phát ra bài nhạc gì đó tương ứng. Tiếng hát, âm nhạc không được truyền đến từ một đài phát thanh ở đâu cả mà chỉ xuất phát từ bên trong chính chiếc máy (các dĩa nhạc) cộng với tác động của môi trường chung quanh nó (tùy người bỏ tiền vào bấm nút lựa bản nhạc nào). Khi chiếc máy bị hư thì không còn âm thanh gì phát ra nữa.

 

Linh Hồn là một Cá Thể Độc Lập và Trường Cửu?

 

Một lý thuyết thường được đề cập đến, đó là mỗi người có hai hệ thống vận hành cơ yếu. Hệ thống thứ nhất là cơ thể vật chất của họ. Hệ thống thứ hai là thành phần vô vật chất trong đó tập hợp những tri thức, tâm thức, nhân cách và cá tính của họ.Hai hệ thống nầy hiện hữu và vận hành song song với nhau, trong khi người nầy còn sống và sau khi họ đã chết. Lý thuyết nầy có vẻ giải thích đượcnhiều hiện tượng mà hiện nay khoa học phổ thông cổ điển không giải thích được. 

 

Tuy vậy, ngay cả nếu như chúng ta chấp nhận về hệ thống thứ hai nầy thì có một câu hỏi khác sẽ được đưa ra lập tức: hệ thống thứ hai có thể hiện hữu độc lập không cần sự hiện hữu của hệ thống thứ nhất hay không?  Nói cách khác, linh hồn có thể hiện hữu sau khi thân xác đã bị hủy diệt hay không?

 

Có vô số câu chuyện về xuất hồn, nhập xác, ma quỷ, v.v. có vẻ cho thấy rằng hệ thống thứ hai chẳng những hiện hữu không cần hệ thống thứ nhất mà còn đôi khi có thể tương tác với môi trường vật chất không khác gì hệ thống thứ nhất. Có nghĩa là đôi khi phần linh hồn của một ngườichẳng những có thể sinh tồn sau khi chết mà còn có thể giao tiếp được với những người còn sống khác.

 

Tuy nhiên, một điều cần phải nhìn nhận lànhững gì được xem là bằng chứng về các trường hợp sinh tồn sau khi chếtxảy ra vô cùng hiếm hoi. Nếu chỉ xét về phương diện sinh vật học mà thôi thì sau hơn 150 triệu năm từ khi các động vật hữu nhũ bắt đầu tiến hóa, tổng lượng tất cả sinh vật kể cả loài người đã từng sống và chết trên địa cầu nầyđã đạt đến một con số cực kỳ to lớn vượt xa hẳn khả năng ước lượng của bất cứ ai. Vậy mà tất cả chúng đều đã biến mất không hề để lại dấu vết gì cả.

 

Đây có thể là vìcác lý do (hay nói đúng ra, giả thuyết) sau đây.

 

Thứ nhất, có thể là vì sinh vật kể cả loài người không hề có một hệ thống thứ hai nào cả. Chúng ta có thể thấy đây là cách giải thích tiêu biểu của những người vô thần, họ không tin vào sự hiện hữu của thần thể hay linh hồn gì cả. Như đã nói, không ai có thể chứng minh được sự không hiện hữu của một sự vật. Tuy nhiên, đại đa số mọi trường hợp liên quan đến sự chết chung quanh chúng ta đều có vẻ đồng nhất với cách lập luận nầy. Do đó xét trên bình diện xác suất thống kê thì lý lẽ nầy có giá trị thực tế nhất.

 

Lý do thứ nhì, có thể là những hệ thống thứ hai của mọi sinh vật, nếu hiện hữu lúc cơ thể chúng còn sống,đềuđã tàn lụn và tan biến mất sau khi chúng chết đi. Lý do nầy dựa trên lý luận khoa học (như vừa được đề cập ở các bài trước đây) cho rằng tri thức của một người là sản phẩm của não bộ của họ. Tri thức lệ thuộc và phát xuất từ não bộ. Nếu có một hệ thống thứ hai thì hệ thống nầy cần năng lượng từ thân xác vật chất để hiện hữu và vận hành. Do đó khi thân xác của một người bị tiêu hủy thì tri thức(hay linh hồn, hay hệ thống thứ hai) của họ cũng tan biến theo, nếu không lập tức thì cũng không lâu sau đó. Cho đến nay đây chỉ có thể được xem là một giả thuyết vì chưa có chứng minh nào tuyệt đối dẫn đến kết luận nầy. Tuy nhiên trên phương diện xác suất thì giả thuyết nầy cũng rất khả dĩ.

 

Lý do thứ ba, có thể tri thức của mọi sinh vật sau khi chết có khả năng sống dưới một cấu trúc khác hẳn với cấu trúc thế giới của chúng ta nên chúng ta không thể cảm nhận được. Giả thuyết nầy cho rằng ngay khi một người còn sống thì hệ thống thứ hai, hay phần hồn, của họ vẫn hiện hữu và có cấu trúc khác hẳn với những phân tử, nguyên tử của thân xác vật chất của họ. Do đó sau khi người nầy chết thì phần hồn của họ chỉ cần tách lìa ra khỏi thân xác và tiếp tục sinh tồn như một cá thể độc lập trong thế giới riêng của nó. Vì cấu trúc của thế giới nầy khác hẳn với thế giới của người sống nên tuy cả hai chiếm đóng cùng một không gian chung nhưng không hề cảm nhận được lẫn nhau. Giả thuyết nầy giải thích thêm rằng thỉnh thoảng có những xáo động ở bờ biên giới giữa hai hệ thống nên một phần của thế giới nầy có thể tương tác tạm thời với một phần của thế giới kia. Đây là những lúc mà người sống có thể nghe thấy được người đã chết, và ngược lại.Giả thuyết nầy rất lý thú và có thể dùng để giải thích được nhiều hiện tượng. Tuy nhiên cho đến nay không có bằng chứng xác đáng nào cho thấy điều nầy thật sự xảy ra.

 

Lý do thứ tư, có thể là các hệ thống thứ hai trên đã di chuyển qua một nơi nào khác. Lý do nầy được một số người xem là phù hợp với cảm nghĩ tâm linh và niềm tín ngưỡng cho rằng người chết sẽ hoặc được lên thiên đàng hoặc bị xuống địa ngục hoặc một cõi thế giới nào khác. Có thể nói giả thuyết nầy là một trường hợp đặc biệt của giả thuyết thứ ba kể trên. Và tương tự, cho đến nay không có bằng chứng thỏa đáng (có nghĩa là thí nghiệm khoa học với sự kiểm soát chặt chẽ và nghiêm túc) nào cho thấy điều nầy thật sự xảy ra.

 

Và lý do thứ năm, có thể các hệ thống thứ hai đã hoàn trở lại để tiếp tục sống trong cơ thể của những sinh vật mới. Lý do nầy có thể được dùng để giải thích quan niệm đầu thai, hay những hiện tượng nhập hồn vào xác, hay quỷ ám. Cũng vậy, mặc dù có vô số câu chuyện xưa nay kể về điều nầy nhưng chưa bao giờ có trường hợp nào được kiểm chứng thỏa đáng theo phương cách khoa học cả.

 

Chúng ta cũng có thể kết hợp các giả thuyết vừa kể trênđể đưa ra bất cứ giả thuyết nào chúng ta muốn. Dưới đây là một thí dụmà tôi cho rằng không hoàn toàn ngoài vòng tưởng tượng bất khả dĩ.

 

  • Trong cơ thể sinh vật có hai hệ thống vận hành: hệ thống thứ nhất là cơ thể vật chất, hệ thống thứ hai phi vật chất và nhiều người còn gọi là thần thể (spirit) hay linh hồn (soul). Hệ thống thứ hai sử dụng năng lượng của hệ thống thứ nhất để hiện hữu và vận hành.

 

  • Hệ thống thứ hai có thể hiện hữu tạm thời sau khi cơ thể ngừng hoạt động. Nó cũng có thể tách rời ra khỏi cơ thể sau khi não bộ đã chết.

 

  • Tuy nhiên hệ thống thứ hai nầyvẫn cần có một nguồn năng lượng để tiếp tục sống còn và sinh hoạt bên ngoài hệ thống thứ nhất. Nguồn năng lượng nầy có thể lấy được từ những nguyên tử, phân tử trong không gian và vũ trụ.

 

  • Nếu thần thể của một người có thể tiếp nhận được nguồn năng lượng nầy thì nó có thể tiếp tục sống còn như một cá thể riêng biệt và độc lập dưới dạng vô vật chất. Tuy vậy đây chỉ là những ngoại lệ cực kỳ nhỏ chớ không phải là một quy luật tổng quát áp dụng cho mọi người, mọi hoàn cảnh.

 

  • Hơn nữa, trong hầu như tất cả mọi trường hợp, hệ thống thứ hai của một người sau khi chết đi vì không tiếp tục thu nhận được (hay đầy đủ) năng lượng cần thiết, hoặc từ vũ trụ hoặc từ một nguồn nào khác, nên đều dần dần tan biến đi không lâu sau khi cơ thể vật chất của họ ngừng hoạt động. Thời gian từ khi chết đến lúc tan biến hoàn toàn của mỗi người đều khác nhau.

 

  • Trong khi hệ thống thứ hai của một ngườiđang tan rả dần dần, cấu trúc cũng như các đặc điểm riêng biệt như tâm thức hay tính khí của người đó cũng biến đổi. Do đónếu thần thể của mộtngười vẫn còn tồn tại được sau khi họ chết thì thần thể nầy cũng không còn giống chính xác như thần thể của họ lúc còn sống. Có nghĩa là họ không hẳn còn là họ nữa.

 

  • Một nguồn năng lượng khác dễ tìm thấy và thích hợp nhất có lẽ là một cơ thể của một sinh vật khác.Một bào thai vừa mới tượng hình thường dễ được sử dụng nhất vì nó cũng giống như một căn nhà còn trống chưa có chủ. Đây có thể là một số trường hợp đầu thai. Cũng có khi cơ thể của một sinh vật, hay một người, còn đang sống cũng được sử dụng. Đây là một số những trường hợp được gọi là bị ma nhập, quỷ ám.

 

  • Thế giới của những thần thể vẫn hiện hữu sau khi chếtcó thể lẫn lộn giữa thế giới người sống. Tuy nhiên cả hai thế giới không thể cảm nhận nhau được trừ những khi vì lý do gì đó mà những băng tần sóng của hai trường năng lượng ảnh hưởng và tương tác tạm thời với nhau. Thế giới của người sống và người chết cũng có thể hoàn toàn cách biệt trên phương diện không gian lẫn thời gian. Và có thể có nhiều thế giới người chết khác nhau; tùy điện lực cũng như băng tần sóng của mỗi cá thể mà họ có thể sinh sống ở các thế giới nào. 

 

Tôi xin nhấn mạnh là thí dụ ở trên hoàn toàn chỉ là lý thuyết thuần túy chưa hề được kiểm chứng bởi khoa học. Nó có thể giải thích được nhiều hiện tượng xảy ra mà khoa học hiện tại không giải thích thỏa đáng được. Đồng thời nó cũng không cần sử dụng đến những khái niệm tín ngưỡng tôn giáo tưởng tượng vô căn cứ. 

 

Như vừa thấy, chúng ta có thể hoàn toàn dựa lên trí tưởng tượng của mình để phối hợp và diễn giải từ những giả thuyết đã sẵn cóđể đưa đến bất cứ cách giải thích cho bất cứ hiện tượng nào. Mỗi người có thể lựa chọn những gì họ muốn cho là sự thật tùy theokhả năng suy luận hay nhu cầu tâm lý và tâm linh của họ mà không cần quan tâm đến việc cách giải thích nầy có phản ảnh thực tế hay không.

 

Điều nầytheo tôi rất lý thú trên phương diện thảo luận lý thuyết. Nó có thể mở ra những cánh cửa mà khoa học cổ điển thường không có khuynh hướng hay cơ hội nhìn đến. Tuy nhiên, điều nầy có thể trở thànhtai hại khi người ta áp dụng những giả thuyết trên vào đời sống hằng ngày như những định luật có giá trị thật sự. Và nhất là luôn luôn có nhữngngườilợi dụng các giả thuyết vô căn cứ với mục đích kiểm soát, kềm chế, lường gạt, bóc lột người khác. Và khi được hứa hẹn một đời sống vĩnh cửu thì luôn luôn có vô số người sẵn sàng chịu bị kiểm soát, kềm chế và ngay cả lường gạt, bóc lột chỉ để bám víu vào cái ảo tưởng được sinh tồn mãi mãi sau khi chết.

 

 

Da Màu: http://damau.org/archives/37966

Da Màu: http://damau.org/archives/38033

 

 

 

bottom of page