Nguyễn Nhân Trí -
- Tôn Giáo
- Sự Chết và Con Người
- Thuyết Tiến Hóa
ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM
ISIS - Căn Nguyên và Giải Pháp
Cần Thiết
Lỗi tại ai?
Nhiều người hỏi tại sao hiện tượng ISIS đã xảy ra. Nói cách khác, “Lỗi tại ai?”
Thật ra thì không có ai chủ tâm tạo dựng ra ISIS và tình thế bành trướng mạnh mẽ của ISIS như ngày nay cả. Nhóm cuồng tín Hồi Giáo nầy không có đồng minh và là kẻ thù của nhiều người. Chẳng qua là vì những chính sách thiển cận và nhận định sai lầm của nhiều quốc gia khác nhau. Những quốc gia đồng minh với Mỹ, những quốc gia thù nghịch với Mỹ, và ngay cả Mỹ cũng đều dự phần đóng góp vào các lầm lỗi trên.
Trước hết, có thể nói là người có trách nhiệm nhiều nhất cho sự thành hình và bành trướng của ISIS ngày nay là Bashar al-Assad, đương kim Tổng Thống Syria. Năm 2003 sau khi Mỹ dẫn quân vào Iraq, Assad lo ngại bước tiến kế tiếp của Mỹ là tấn công Syria. Chiến lược tự vệ của ông ta là ngầm gởi phiến quân Hồi Giáo vào Iraq để phá rối và cầm chân Mỹ ở Iraq. Điều nầy giúp cho nhiều nhóm phiến quân ở Iraq có dịp phát triển lớn mạnh, trong đó có những nhóm al-Qaeda của Iraq. Một trong những nhóm nầy sau nầy trở thành cái gọi là ISIS.
Năm 2011 khi nội chiến bùng nổ ở Syria, Assad áp dụng chiến lược nầy một lần nữa ngay trên đất nước Syria. Assad thả ra một số lớn các “chiến sĩ của Thượng Đế” (jihadist) tù nhân từ những trại giam trong nước và giúp đỡ chúng thành lập các tổ chức thánh chiến để gây hấn với các nhóm phiến quân hiện đang đánh phá quân đội của ông. Đây là một chiến lược nguy hiểm gần như tự sát, tuy nhiên nó đã thành công. Sau khi Assad ngầm giúp tạo dựng ra các tổ chức phiến loạn al-Qaeda ở Syria, nếu muốn cứu vãn sự ổn định của Syria thì Mỹ và các nước đồng minh phải lựa chọn giữa Assad và phe phiến loạn để giúp đỡ. Mỹ và đồng minh cảm thấy các phe phiến loạn quá cực đoan và khó điều khiển nên họ quyết định đứng vào phe Assad.
Sau đó ISIS tách ra khỏi và bắt đầu gây chiến công khai với các nhóm al-Qaeda trong Syria. Assad nhận thấy ISIS có lợi cho ông ta. Trong khi các nhóm phiến loạn đối nghịch đánh phá quân đội của ông ta thì ISIS chỉ chú trọng vào tiêu diệt và giành lấy địa phận của các nhóm phiến loạn đó. Vì thế lúc đó Assad nói chung không can thiệp đến sự bành trướng của ISIS và để chúng gián tiếp phụ giúp quân đội ông ta khống chế các nhóm phiến quân đối nghịch. Cái giá Assad phải trả là ISIS đã chiếm đóng một phần lớn lãnh thổ của Syria ở phía đông.
Người thứ hai có trách nhiệm cho hiện tượng ISIS là Nouri al-Maliki, Thủ Tướng Iraq nhiệm kỳ 2006-2014. Dưới quyền Maliki là một chính phủ độc tài và tham nhũng. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq năm 2011, Maliki công khai nâng đỡ nhóm Hồi Giáo đa số Shia và đàn áp nhóm Hồi Giáo thiểu số Sunni thậm tệ. Khi những người Sunni phản đối, Maliki thẳng tay trừng trị họ. Vì các cộng đồng Sunni trong Iraq thấy rõ ràng chính phủ Maliki kỳ thị họ, từ đó họ xem đây là một chính phủ bù nhìn của Mỹ, và bất hợp pháp. Đây là lý do các nhóm phiến loạn gốc Hồi Giáo Sunni nổi lên khắp nơi và cuộc thánh chiến của họ bắt đầu lan tràn trong Iraq.
Năm 2014, Mỹ giúp tay vào việc hạ bệ Nouri al-Maliki và thay thế ông bằng Thủ Tướng Haider al-Abadi, một người có khuynh hướng thân thiện với nhóm Hồi Giáo Sunni. Tuy nhiên, việc nầy đã quá trễ để hóa giải các hậu quả tai hại của Maliki trước đó.
Nước Á Rập Saudi và các nước trong khối Vùng Vịnh Á Rập cũng có trách nhiệm gián tiếp về hiện tượng ISIS. Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy các nước nầy đã ủng hộ tài chính cho ISIS, họ đã tài trợ các nhóm phiến quân khác để quấy nhiễu Tổng Thống Syria Bashar al-Assad. Các nước nầy muốn lật đổ Assad. Sự tài trợ nầy đã giúp các phong trào thánh chiến nói chung ở Syria lớn mạnh, và do đó gián tiếp góp phần vào việc thành lập và phát triển của ISIS. Đúng là có những cá nhân trong các nước Vùng Vịnh Á Rập kể cả Á Rập Saudi đã và đang trực tiếp ủng hộ ISIS. Tuy nhiên chính quyền các nước nầy luôn tìm cách ngăn chận việc nầy. Đối với họ, ISIS là mối đe dọa đáng kể. Bằng chứng là ISIS đã mấy lần tấn công Á Rập Saudi và Kuwait.
Quốc gia kế tiếp có trách nhiệm cho hiện tượng ISIS là Thổ Nhĩ Kỳ. Tương tự như các nước Á Rập Vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ khuyến khích các nhóm phiến quân quấy phá Syria vì họ muốn lật đổ Tổng Thống Assad. Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các nhóm phiến loạn thánh chiến qua lại thông thả dọc theo biên giới giữa họ và Syria. Khi ISIS trở thành một lực lượng đáng kể, Thổ Nhĩ Kỳ tuy không ủng hộ chúng nhưng cũng không tích cực tìm cách tiêu diệt chúng. Thổ Nhĩ Kỳ đang đánh nhau với các nhóm kháng chiến người Kurd trong nước, và ISIS cũng đang đánh nhau với các người Kurd ở Syria. Vì thế Thổ Nhĩ Kỳ không muốn trừ dẹp kẻ địch của các nhóm Kurd.
Iran cũng góp phần vào hiện tượng ISIS. Iran là đồng minh lớn nhất của Syria. Sự hiện diện của Iran giúp Thổng Thống Assad giữ quân bình cán cân thế lực của Syria ở Vùng Vịnh Á Rập, nhất là đối với nước đối nghịch Á Rập Saudi. Iran có quân đội trên lãnh thổ Syria trực tiếp hỗ trợ Assad. Iran cũng đồng tình với chính sách của Assad về việc làm ngơ trước sự bành trướng của ISIS ở Syria. Tuy vậy, Iran cũng đồng thời giao chiến với ISIS ở Iraq.
Sau chót là Mỹ, cả dưới quyền chỉ huy của Thổng Thống George W Bush trước đây và sau nầy dưới sự lãnh đạo của Thổng Thống Obama.
Năm 2003 khi Mỹ dẫn quân vào Iraq, hầu như tất cả các nhóm phiến quân ở Trung Đông hội tụ lại để cùng nhau đánh đuổi kẻ thù cũ của họ từ cuộc Thánh Chiến trước đây trong thời Trung Cổ. Có thể nói cuộc tấn công vào Iraq của Mỹ là lý do lớn nhất đưa đến hiện tượng ISIS ngày nay. Không có cuộc tấn công nầy, nhóm phiến quân vô danh của Abu Musab al-Zarqawi đã không có cơ hội để lớn mạnh và đổi lớp nhiều lần để dần dần trở thành ISIS. Sự có mặt của Mỹ đưa đến cuộc nội chiến trong Iraq giữa 2 nhóm Hồi Giáo thù nghịch nhau từ muôn đời, đó là nhóm đa số Shia và nhóm thiểu số Sunni. Vì nhóm Sunni bị chính quyền thân Mỹ Maliki đàn áp nên họ nhanh chóng trở thành lực lượng nòng cốt của ISIS. Dưới chế độ của Saddam Hussein, Iraq đối nghịch với cả Iran và Á Rập Saudi. Sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, sự quân bình nầy bị phá hỏng dẫn đến việc Iran và Á Rập Saudi kình gờm thế lực lẫn nhau. Từ đó, cả hai nước nầy gián tiếp giúp cho các nhóm phiến loạn trong vùng lớn mạnh, như vừa nói ở trên.
Việc Tổng Thống Obama rút quân khỏi Iraq, theo hiệp ước đã ký bởi George W Bush, cũng được nhiều bình luận gia xem là một sai lầm đáng kể. Có thể sự rút quân nầy đã cho các nhóm phiến quân ấn tượng đang chiến thắng nên họ càng thừa thắng xông lên. Trong khi đó quân đội chính phủ Iraq cảm thấy bị bỏ rơi nên càng mất tinh thần chiến đấu hơn nữa. Một sai lầm không nhỏ nữa của Obama là ông đã bỏ phí 3 năm (từ 2011 đến 2014) mới ra tay lật đổ Thủ Tướng Iraq Maliki. Như đã đề cập ở trên, hậu quả tai hại của chính quyền Maliki trong 3 năm đó là việc đa số các nhóm Hồi Giáo Sunni đều đã nghiêng hẳn về phe ISIS.
Làm sao để tiêu diệt ISIS?
Các trận không kích của Mỹ trong mấy năm qua, và chiến dịch không kích của Nga gần đây, có gây ra tổn thất đáng kể cho ISIS. Và một phần (khoảng 25%) lãnh thổ đã bị chiếm đóng bởi ISIS cũng nhờ đó được các nhóm phiến quân “đồng minh” người Kurd lấy lại. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng chỉ không kích mà thôi sẽ không đủ để đánh bật ISIS ra Iraq và Syria. Muốn chiến thắng ISIS thì không phải chỉ dùng bom đạn mà thôi. Có một số vấn đề chính trị, và tâm lý quần chúng, cần phải được giải quyết trước khi có thể tiêu diệt được ISIS. Tìm ra giải pháp thỏa đáng về mặt chính trị là một điều khó khăn rất nhiều so với chiến thắng bằng bom đạn.
Nói chung có 3 vấn đề chính cần phải xảy ra:
Trước nhất, ngày nào cuộc nội chiến ở Syria còn tiếp diễn thì ngày đó ISIS vẫn còn lớn mạnh. Chính quyền Syrian dưới sự lãnh đạo của Assad không muốn đánh diệt ISIS vì còn đang chật vật với các nhóm phiến loạn trong nước. Các nhóm phiến quân ở Syria cũng không muốn chú tâm đánh diệt ISIS vì dưới mắt họ thì Assad là kẻ thù chính. Cuộc nội chiến giữa chính phủ Assad và phiến quân Syria kéo càng dài và càng lan rộng thì ISIS càng có dịp để lấp đầy các lỗ hổng an ninh và quân sự trong Syria. Thêm vào đó, những người dân Syria trong phái Hồi Giáo Sunni càng cảm thấy bị đe dọa, đàn áp bởi một chính quyền đa số Hồi Giáo Shia thì họ càng sẵn sàng quy phục ISIS để tìm sự bảo vệ cho họ.
Vì thế chính quyền Syria và những nhóm phiến quân Syria cần phải ngồi lại hòa giải với nhau bằng cách nào đó trước khi thế giới có hy vọng đánh bại ISIS. Sau trận khủng bố ở Paris vừa qua, thủ lãnh nhiều quốc gia đang cố đẩy mạnh về vấn đề nầy. Tuy vậy đây là một điều dễ đề nghị nhưng rất khó thực hiện được.
Vấn đề thứ hai cần xảy ra là mối bất hòa giữa 2 nước Iran và Á Rập Saudi cần phải chấm dứt. Iran và Saudi là hai cường quốc trong vùng. Mỗi bên đều muốn bảo vệ uy thế của mình trong Syria bằng cách ủng hộ (ngấm ngầm lẫn công khai) một phe đối nghịch nhau trong cuộc nội chiến Syria. Iran và Saudi do đó là nguyên nhân lớn giữ cho cuộc nội chiến nầy kéo dài mãi. Họ đứng bên ngoài để xem, và thúc đẩy, hai nhóm đối nghịch trong Syria thay mặt họ bắn giết lẫn nhau. Và cuộc nội chiến nầy càng kéo dài, như vừa nói ở trên, thì ISIS càng có môi trường bành trướng hơn.
Điều trớ trêu là cả Iran lẫn Á Rập Saudi đều ghét ISIS và ủng hộ ai chống lại ISIS. Tuy vậy họ vẫn quan tâm về những lợi thế của họ có thể chiếm được ở Syria nhiều hơn là việc tiêu trừ ISIS. Vì thế chỉ khi nào cả Iran và Á Rập Saudi ngưng gián tiếp dự phần và bảo tồn cuộc nội chiến ở Syria thì ISIS mới mất môi trường phát triển.
Vấn đề thứ ba cần xảy ra là chính quyền Iraq thật sự chỉnh sửa lớn trong chính sách đối xử với các cộng động Sunni trong nước của họ. Thủ tướng hiện chức Haider al-Abadi là một người có khuynh hướng thảo luận với người Sunni. Ông muốn dựng nên một chính phủ có cấu trúc tương đối cân bằng đại diện cho cả người Shia lẫn người Sunni. Tuy nhiên, có nhiều áp lực trong Iraq không muốn điều nầy xảy ra. Đó là những người Shia bảo thủ đang nắm nhiều thế lực trong nước. Iran, và những người thân Iran, cũng muốn Iraq là một quốc gia được đa số Hồi Giáo Shia nắm quyền.
Vì thế, ngay cả nếu Thủ Tướng Abadi thật tình muốn hòa giải, các lực lượng Sunni vẫn nghi ngờ một chính quyền đa số Shia. Quá khứ đã cho họ nhiều bài học đắng cay khó lòng quên được một cách nhanh chóng. Trở ngại nầy tuy không đến nổi cực kỳ khó khăn như hai vấn đề vừa kể trên nhưng cũng không dễ giải quyết trong một ngày một buổi.
Và ngay cả khi 3 trở ngại kể trên đã được giải quyết thì ISIS cũng không tự sụp đổ. Các đoàn quân ISIS vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu bảo vệ các lãnh thổ chúng đã chiếm được. Các chiến dịch không tập của Mỹ và Liên Xô tuy gây ít nhiều thiệt hại cho ISIS nhưng chắc chắn không đủ để tiêu diệt chúng. Muốn tiêu diệt ISIS thì cần phải có các lực lượng quân sự lâm trận trên mặt đất để giành lấy lại từng thị trấn, từng thành phố. Và các lực lượng quân sự nầy phải là những nhóm Hồi Giáo Sunni.
Đó là vì những lãnh thổ đang bị ISIS chiếm đóng lâu dài hiện giờ đều là lãnh thổ của các cộng đồng Hồi Giáo Á Rập Sunni. ISIS cũng là Á Rập Sunni. Tuy các cộng đồng dân chúng ở đây hứng chịu các quy luật hà khắc của ISIS nhưng họ vẫn thà là như vậy còn hơn thấy các nhóm Hồi Giáo đối nghịch khác thống trị họ.
Hiện nay Mỹ đang hỗ trợ các nhóm người Kurd ở Syria và ở Iraq để họ trực tiếp đánh ISIS. Mỹ cũng hỗ trợ quân đội Iraq ở Iraq để làm chuyện nầy. Tuy nhiên không ai trong các nhóm nầy là Á Rập Sunni. Phần đông binh sĩ trong quân đội Iraq hiện thời là người Hồi Giáo Shia, và những nhóm phiến quân được Iran bảo trợ. Do đó hiện nay không có nhóm đồng minh bản xứ nào của Mỹ đứng ở vị thế có thể giành lấy lại lãnh thổ đã bị chiếm đóng bởi ISIS ở Iraq cũng như ở Syria. Những nhóm quân đồng minh trên của Mỹ có vẻ cũng hiểu rõ điều nầy nên họ ngần ngại không dốc lòng đánh chiếm các thành phố Sunni đang dưới quyền kiểm soát của ISIS. Họ biết ngay nếu họ đánh chiếm được các lãnh thổ nầy thì họ cũng sẽ không giữ chúng lâu dài được.
Nói tóm lại, chỉ có một quân đội Sunni mới có thể nổi lên đánh đuổi được ISIS ra khỏi lãnh thổ của Á Rập Sunni.
Và điều nầy chỉ có thể xảy ra nếu Mỹ và đồng minh bảo đảm với các nhóm phiến quân Sunni sau khi ISIS bị tiêu diệt thì họ sẽ không trở lại nằm dưới quyền cai trị của các nhóm Shia độc tài đối nghịch.
Ở Iraq, người Sunni cần nghe lời giao kết rằng họ sẽ được thành lập một lãnh thổ và chính phủ địa phương Sunni độc lập, cũng tương tự như chính phủ địa phương của người Kurd. Và sự độc lập nầy phải được bảo vệ bởi sự bảo đảm của Mỹ cũng như bởi quân đội Sunni của riêng họ. Nếu chính quyền Iraq không đồng tình thì Mỹ vẫn phải trực tiếp viện trợ võ khí và huấn luyện quân sự cho chính phủ Sunni nầy để họ có thể tự bảo vệ họ.
Tương tự ở Syria, người Sunni cần lời giao kết quả quyết của Mỹ là họ sẽ không bị đàn áp bởi chính quyền Assad lẫn các nhóm phiến quân Shia. Trên thực tế, điều nầy có nghĩa là họ cũng phải có một lãnh thổ và chính quyền riêng của họ. Và điều nầy cũng có nghĩa là Mỹ sẽ phải thay thế Assad bằng một nhân vật chính trị khác và người nầy phải có chính sách bình đẳng giữa hai nhóm Sunni và Shia.
Cho đến khi các điều trên xảy ra, Mỹ và đồng minh có giỏi lắm cũng chỉ có thể gây những vết ngoại thương trên thân thể con thú ISIS thay vì đánh được những đòn chí tử vào nội tạng của nó. Và tình thế nầy càng kéo dài thì ISIS sẽ trở thành nguy hiểm hơn. Chúng cần phải bảo tồn hình ảnh chiến thắng của chúng để có thể tiếp tục giữ tiếng tăm cho chúng và chiêu mộ thêm nhân lực. Nếu không đánh chiếm thêm lãnh thổ được thì chúng cần phải ngả qua tấn công khủng bố để đối phương thấy chúng vẫn còn trong thế chủ động. Đó có lẽ là lý do tại sao Paris, cũng như Beirut hay chuyến bay dân sự của Nga vừa rồi trở thành mục tiêu của chúng.
Tạp Chí Da Màu: http://damau.org/archives/40410
Thiên Chúa Giáo
Hồi Giáo