top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

Một Chút về Thượng Đế

 

Những Tư Tưởng Ngây Ngô

 

Trong thời kỳ phôi thai của văn minh nhân loại, có những tư tưởng ngây ngô về nguồn gốc và sự vận hành của vũ trụ được nẩy sinh ra.

 

Nhiều tư tưởng ngây ngô nầy được dần dần hệ thống hóa trở thành một số các tổ chức tôn giáo.

 

Hãy nhìn vào một thí dụ minh diễn dưới đây.

 

- Tuổi của trái đất khoảng 5 tỉ năm.

 

- Sự sống trên trái đất bắt đầu khoảng 3.4 tỉ năm về trước. Loài khủng long đã bị diệt chủng khoảng hơn 65 triệu năm. Và lịch sử loài người chỉ bắt đầu được ghi chép lại trong vòng 10 ngàn năm nay.

 

- Một cuộn giấy đi cầu trung bình có 400 mảnh, mỗi mảnh dài khoảng 11 cm.

 

- Lấy một cuộn giấy đi cầu, tìm một hành lang thật dài rồi cuộn mở nó ra. Cuộn giấy đi cầu khi mở hết ra sẽ dài khoảng 44 mét.

 

- Nếu chiều dài cuộn giấy đi cầu nầy tượng trưng cho lịch sử trái đất thì mỗi mảnh giấy tượng trưng cho 12 triệu năm rưỡi.

 

- Nếu mảnh giấy thứ nhất là lúc trái đất mới thành hình thì sự sống đầu tiên trên địa cầu xuất hiện ở mảnh giấy thứ 120. Loài khủng long sống khoảng giữa mảnh giấy thứ 380 và mảnh giấy thứ 394.

 

- Loài người tiền sử xuất hiện trên mảnh giấy cuối cùng ở khoảng 3 cm trước khi cuộn giấy chấm dứt.

 

- Loài người hiện đại (tức là chúng ta) xuất hiện trong vòng 1 mm chót của mảnh giấy cuối cùng.

 

- Lịch sử loài người nằm trong vòng 1/10 của mm sau cuối.

 

- Hai ngàn năm gần đây nhất của nhân loại tương đương với 1/50 của một mm (có nghĩa là nhỏ hơn gấp mấy lần bề dầy của một sợi tóc mịn nhất) ở tận cùng cuộn giấy dài 44 mét.

 

Nếu muốn, chúng ta có thể dùng một thí dụ tượng hình khác để so sánh: lịch sử của các tôn giáo hiện hành từ lúc thành hình đến nay nằm trong dòng lịch sử của trái đất cũng giống như một con kiến đang bơi trong một hồ nước có chiều dài bằng 5, 6 hồ bơi Olympic cộng chung lại.

 

Trong khoảng thời gian vài ngàn năm cực kỳ ngắn ngủi nầy, một vài nhóm người nhận thấy trạng thái kỳ diệu của vũ trụ, và sự sống, mà họ đang chứng kiến vượt xa qua khỏi sức cảm nhận của họ. Họ cho rằng phải có một cá thể có khả năng hiểu biết và quyền thế siêu phàm hơn họ vô kể tạo dựng ra và điều hành những sự việc nầy.

 

Vốn là một loài thú sống theo bầy, con người quen thuộc với khái niệm “con thú đầu đàn”. Họ tưởng tượng ra một con thú đầu đàn cho họ và đặt tên là “Thượng Đế”. Họ đưa ra cái ý niệm là có đấng Thượng Đế toàn năng đó đã sáng tạo ra tất cả mọi vật trong vũ trụ.

 

Mỗi nhóm người nầy đều hãnh diện cho rằng thượng đế của họ là duy nhất và bất tận. Họ không biết rằng cái vũ trụ xung quanh họ đã hiện hữu hàng chục tỉ năm trước khi họ hiện hữu. Họ không biết rằng mỗi nhóm người mang các ý niệm tương tự với họ đều cho rằng thượng đế của họ cũng là “duy nhất” và “bất tận” tương tự.

 

Khi so sánh những sự kiện và những con số ở trên, có người không khỏi cho rằng cái ý niệm Thượng Đế trong các tôn giáo độc thần hết sức ngây ngô.

 

Tuy vậy thật ra thì tác giả của những tư tưởng ngây ngô nầy không có gì đáng trách.  Mấy ngàn năm về trước, nhân loại không có kiến thức cần thiết để họ có thể nhận thấy rằng những tư tưởng nầy của họ ngây ngô đến mức nào.

 

Điều đáng nói ở đây là mấy ngàn năm sau khi nhân loại đã có đủ kiến thức về nguồn gốc và sự vận hành của vũ trụ thì vẫn có vô số người không thể nhận thấy rằng những tư tưởng đó ngây ngô đến mức nào.

 

 

Nghĩa Trang của Những Thượng Đế

 

Cách đây không lâu, Jupiter đã từng là chúa tể của tất cả thần linh trong đế quốc La Mã. Ai lên tiếng chê bai, chống báng Jupiter đều bị xem là lạc hậu, man rợ và có khi còn bị trừng phạt nặng nề hay giết chết. Ngày nay tìm đỏ mắt trên toàn thế giới cũng sẽ chẳng tìm ra một người còn tôn thờ vị “thần linh tối thượng” nầy.

 

Tương tự, nếu kể đến các nền văn minh vĩ đại và lẫy lừng của lịch sử nhân loại như Ai Cập, Hy Lạp, Aztec của Mễ Tây Cơ cổ, v.v. thì danh sách những thần linh tối thượng của họ có thể kéo dài hàng ngàn tên khác nhau.

 

Nhân danh các thần linh tối thượng nầy có những đền đài hùng vĩ nhất đã được xây dựng, những kinh sách tôn kính nhất đã được soạn thảo, những chiến tranh thảm khốc nhất đã được diễn ra.

 

Tất cả những thần linh tối thượng nầy có một điểm giống nhau: ngày nay họ đều đã chết hết.

 

Và cái nghĩa trang của họ chỉ là những tàn tích hoang phế bụi bặm thuộc về kho phế thải trong tiềm thức của nhân loại.

 

Điều nầy cho thấy gì về giá trị của những thần linh tối thượng mà chúng ta hiện đang thờ phượng?

 

Nói cách khác, có những người có khuynh hướng cho rằng thượng đế của họ là thiêng liêng và tối cao trong toàn thể vũ trụ. Nhưng thật ra thì thượng đế của mỗi tôn giáo chỉ là một trong danh sách hàng ngàn những thượng đế của hàng ngàn tôn giáo khác đã sinh ra và chết đi trong lịch sử nhân loại

 

 

Tất Cả Mọi Tôn Giáo Không Thể cùng Đúng cả.

 

Tín đồ nào cũng cho rằng kinh sách của họ kể lại những phép mầu như sinh ra bởi nữ đồng trinh, đi trên mặt nước, cứu người chết sống lại, sống lại bay lên trời, v.v. và truyền dạy những đạo đức tốt như yêu thương đồng loại, chăm sóc gia đình, tôn trọng trật tự xã hội, v.v. Rồi họ cho rằng các phép mầu và các điều đạo đức nầy là những “chứng cớ không thể chối cãi được rằng tôn giáo của họ mầu nhiệm và tối thượng.

 

Những người nầy không thấy được rằng hầu như tất cả các tôn giáo khác đều có những kinh sách tương tự kể lại các phép mầu tương tự, giảng dạy những điều đạo đức tương tự và có vô số tín đồ sùng bái một cách cuồng nhiệt tương tự.

 

Các tín đồ nầy không thấy được rằng các "phép mầu" đối với một tôn giáo nầy chỉ là những chuyện huyễn hoặc hay "mê tín dị đoan" đối với các tôn giáo khác. Đó là tại sao không có tín đồ Hồi giáo nào tin là Giê-su đã sống dậy sau 3 ngày trong mộ đá rồi bay lên trời cả. Đó là tại sao không có tín đồ Công Giáo nào tin là Tiên Tri Muhammed đã cỡi ngựa có cánh bay lên trời cả.

 

Trong vòng mấy mươi ngàn năm gần đây nhất, nhân loại đã chứng kiến biết bao nhiêu tôn giáo và nền tín ngưỡng khác nhau. Tất cả những tôn giáo và nền tín ngưỡng nầy tôn thờ nhiều thượng đế khác nhau, diễn giải về vũ trụ nhiều cách khác nhau và đều quả quyết rằng chỉ có chân lý của họ là tuyệt đối và tối thượng. Vô số những tôn giáo và niềm tín ngưỡng nầy đã thành hình, thịnh vượng rồi tàn lụi.

 

Như đã thấy, những tôn giáo mà chúng ta hiện có ngày nay chỉ mới hiện diện trong khoảng vài ngàn năm gần đây mà thôi. Chỉ là một cái chớp mắt trong lịch sử con người. Đôi khi rất khó hiểu được tại sao có những người có thể cho rằng cái tôn giáo của họ hiện tại sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng bởi luật đào thải của thời gian.

 

Và chỉ cần nhìn vào những dữ kiện trên, đôi khi cũng rất khó hiểu được tại sao tín đồ của bất cứ tôn giáo nào cũng đều có thể tin rằng niềm tín ngưỡng của họ là “thật” và “đúng” nhất. Còn hơn nữa, những người nầy cũng cho rằng những niềm tín ngưỡng, những tất cả tôn giáo khác đều là “giả” và “sai”. Điều nầy rõ rệt nhất trong các tôn giáo độc thần.

Và nếu chỉ có thể có một và chỉ một tôn giáo “thật” và “đúng” mà thôi trong khi tất cả tôn giáo đều giành phần họ là “thật” và “đúng” thì chẳng phải là hầu như chắc chắn rằng tất cả tôn giáo đều là “giả” và “sai” hay sao?

Lý luận trên áp dụng được bất kể nếu có một thượng đế thật sự hiện hữu hay không. Và nếu có thì cũng bất kể nếu thượng đế đó mang bất cứ một hình dạng nào đi nữa.

 

 

 

 

Tôn Giáo

 

Phật Giáo

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page