Nguyễn Nhân Trí -
- Tôn Giáo
- Sự Chết và Con Người
- Thuyết Tiến Hóa
ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM
Quan Thế Âm Bồ Tát
Hình ảnh quen thuộc ngày nay của Phật Bà Quan Âm là một nữ bồ tát đẹp dịu hiền mặc áo trắng tay cầm bình nước Cam Lồ, tay cầm nhành dương liễu đứng trên một tòa sen trước một rừng trúc ở biển Nam Hải.
Thật ra nhiều sự kiện lịch sử cho thấy Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ là một sản phẩm tưởng tượng.
Quan Thế Âm hay Quan Âm còn có tên khác là Avalokitesvara. Cả hai tên Avalokitesvara và Quan Âm đều có nghĩa đại loại là "nghe được tiếng kêu than của chúng sinh".
Avalokitesvara xuất hiện đầu tiên trong Phật Giáo Ấn Độ là một nam bồ tát. Qua một quá trình tiến hóa trong lịch sử, Avalokitesvara đã dần dần được những soạn giả của kinh điển cho biến thể thành một bồ tát nữ được yêu chuộng và phổ biến rộng rãi trong Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam gọi là Quan Âm.
Hình 1: Avalokitesvara cầm hoa sen - Thế kỷ 9, Ấn Độ
Khảo nghiệm các hình tượng của Quan Âm trong lịch sử cho thấy sự biến thể nầy xẩy ra dần dần qua nhiều thế kỷ. Một số hình tượng của Avalokitesvara diễn tả một người đàn ông mặc áo giáp hở ngực có râu, một số hình tượng khác diễn tả một người đàn ông tướng mạo dịu dàng không khác phụ nữ mấy. Những hình tượng nầy vẫn còn thấy ở một số chùa chiềng hiện tại trong và ngoài Ấn Độ.
Sau khi Phật giáo được truyền sang Trung Hoa, Quan Âm không những là bồ tát cứu khổ cứu nạn mà còn là bồ tát mang đến sự sống, có nghĩa là ban bố con cái cho những người hiếm mọn. Vì vai trò nầy mà có nhu cầu để Quan Âm là một người đàn bà thay vì đàn ông (mới thích hợp hơn cho các vấn đề liên quan đến việc sinh sản của phụ nữ). Các hình tượng Quan Âm do đó biến đổi dần dần từ một người đàn ông hẳn hoi ra thành những hình tượng mềm mại dịu dàng với phái tính không rõ rệt. Một số kinh sách soạn ra thời đó rồi bắt đầu diễn tả Quan Âm như một phụ nữ (một bồ tát cứu khổ cứu nạn, một "mẹ từ bi") và ý niệm nầy dần dần bắt rễ sâu rộng trong lịch sử Phật Giáo.
Hình 2: Quan Âm với phái tính không rõ rệt
Nhiều sử gia cho rằng một trong những người đã có công nhất (mặc dù chỉ gián tiếp) trong việc tạo dựng và phổ biến hình ảnh Quan Âm như một "mẹ từ bi" chính là Hoàng Hậu Võ Tắc Thiên ở thế kỷ thứ 7.
Võ Tắc Thiên là một người rất tôn sùng đạo Phật. Trong quá trình gầy tạo và củng cố địa vị là một Nữ Hoàng Đế duy nhất trong một nền văn hóa cực kỳ trọng nam khinh nữ Trung Hoa thời bấy giờ, Võ Tắc Thiên luôn luôn cố ý đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. Một cách hữu hiệu để đạt mục đích nầy là phát động và phổ biến ý niệm Quan Âm là một phụ nữ. Ngoài ra bà cũng có tham vọng được xem là một bồ tát. Bà đã cho đúc rất nhiều tượng phật mang hình dáng của chính bà và rất nhiều tượng Quan Âm mang hình ảnh một người phụ nữ dịu hiền. Đối với Võ Tắc Thiên, việc Quan Âm là một phụ nữ rất quan trọng vì mọi người đều cần có một bồ tát cứu nạn và nếu vị bồ tát nầy là một phụ nữ thì vai trò của phụ nữ cũng sẽ được nâng cao lên trong xã hội.
Nhiều kinh sách viết soạn trong thời kỳ nầy (thừa lịnh Võ Tắc Thiên) còn truyền lại đến ngày nay đã góp phần rất lớn vào việc quảng bá hình ảnh Quan Âm là một phụ nữ.
Có kinh kể rằng Avalokitesvara là một hoàng tử sống ở miền nam Ấn Độ đã bỏ hết sự giàu sang để đi tu và nguyện thành bồ tát để cứu độ chúng sinh. Tuy vậy, trong lịch sử không hề có gì để kiểm chứng được sự hiện hữu thật sự của vị tiểu sử hoàng tử nầy.
Trong kinh Mani Kanbum (được công nhận có thể là chứa đựng những lời dạy "nguyên thủy" nhất của Phật Giáo) kể rằng Avalokitesvara được “sinh ra trong một tia sáng từ con mắt phải của Phật Di Đà”. Không có tài liệu nào trong Phật học cho thấy Avalokitesvara xuất phát từ một nhân vật có thật.(Ngay cả Phật Di Đà cũng chỉ là một nhân vật tưởng tượng; ngoại trừ những câu chuyện huyền bí trong một số kinh điển thì không sử gia nào có thể xác định được tiểu sử thật sự của Phật Di Đà –tôi xin phép được trình bày chi tiết về vấn đề nầy trong một bài viết khác).
Chỉ có một điều duy nhất tất cả kinh sách đồng ý là Avalokitesvara biểu bượng cho từ bi và trí tuệ, nổi tiếng nhất là đặc tính cứu độ chúng sinh.
Hiện tượng "mẹ từ bi" xảy ra trên khắp thế giới trong nhiều tôn giáo. Đây là một nhu cầu cần thiết của tín đồ, họ cần có một đấng thiêng liêng nhiều phép thuật thần thông và dịu hiền chăm lo cứu độ họ qua những tai biến trong cuộc đời. Một trong những hiện thân phổ biến rộng rãi của Quan Âm có 11 đầu, ngàn tay, ngàn mắt. Vì tín đồ cần có một người có thể nhìn thấy mọi sự việc và can thiệp giúp đỡ mọi người, mọi nơi, mọi lúc nên họ đã tạo dựng ra một bồ tát thích ứng với nhu cầu của họ.
Hình 3: Quan Âm ngàn tay ngàn mắt
Một thí dụ điển hình về việc “tạo dựng một bồ tát thích ứng với nhu cầu” của người ta là Quan Âm Thị Kính của Việt Nam. Quan Âm Thị Kính là nhân vật chính trong một sản phẩm văn hóa soạn thảo bởi một tác giả vô danh. Từ là một nhân vật tưởng tượng, Quan Âm Thị Kính cũng dần dần được sùng bái và thờ tự trong dân gian. Có một sự bất đồng nhất về gốc gác của Thị Kính. Có sách cho rằng Thị Kính là “con gái của nhà họ Mãng, quận Lũng Tài, thành Đại Bang, nước Cao Ly”, có nguồn cho rằng Thị Kính xuất thân từ một ngôi chùa cổ gọi là Pháp Vân Tự (hay là chùa Dâu) ở Bắc Ninh. Phật Bà chùa Dâu được xem là Phật Bà Quan Âm Thị Kính.
Hình ảnh Quan Âm Thị Kính bồng con trên tay rất gần gũi và tương đồng với những hình tượng Quan Âm và đồng tử của Trung Hoa. Theo các sử gia, tượng Quan Âm tay ôm đồng tử lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử tín ngưỡng Việt Nam vào thế kỷ thứ 17 và đã trở nên nổi tiếng vào thế kỷ thứ 18, hiện nay vẫn còn bảo lưu tại nhiều chùa.
Hình 4: Quan Âm và đồng tử
Phần lớn Phật tử vì không có khả năng hay phương tiện nghiên cứu nên không biết rằng Quan Âm chỉ là một sản phẩm tưởng tượng. Họ tin tưởng triệt để vào sự “linh hiển” của Quan Âm Bồ Tát. Góp thêm phần vào việc giả chân bất định, những tăng sư nào đó đã còn chế đặt ra ba “ngày vía” của nhân vật không có thật nầy : 19 tháng 2 là kỷ niệm Quan Âm “đản sinh”, 19 tháng 6 là kỷ niệm Quan Âm “thành đạo” và 19 tháng 9 là kỷ niệm Quan Âm “xuất gia”. Phần lớn Phật tử đều ăn chay và các chùa chiềng đều tổ chức những lễ nghi trang trọng trong 3 ngày nầy.
Thật ra thì một số Phật tử khác tuy đã có nghe hay đọc qua về nguồn gốc của Quan Âm nhưng họ vẫn không quan tâm lắm. Đối với họ thì trong những tình cảnh đau khổ ngặt nghèo nhất họ chỉ cần có một niềm tin về một đấng cứu khổ cứu nạn, một mẹ từ bi; và Quan Âm là một giải đáp sẵn có, thuận tiện và hợp lý nhất. Sự kiện Quan Âm chỉ là một sản phẩm tưởng tượng là một điều mà họ không cần, và không muốn biết đến.
Chú Thích:
Theo nguyên tắc, những bài biên khảo thường đăng kèm bên dưới một danh sách nguồn gốc những tài liệu, dữ kiện sử dụng trong bài. Trong bài nầy, và trong hầu hết những bài tôi biên soạn, có một sự vắng mặt cố ý của danh sách nguồn gốc tài liệu nầy.
Từ khi internet trở thành phổ thông, việc tìm kiếm tài liệu và dữ kiện biên khảo cũng trở thành rất dễ dàng cho tất cả mọi người. Thật ra là QUÁ dễ dàng. Hầu như khi “google” bất cứ đề tài nào, chúng ta cũng có thể tìm ra nhiều bài biên khảo, bình luận, tường trình, tự thuật đã được trình bày bởi nhiều tác giả khác. Vấn đề của một người biên khảo chính chắn trong thời đại internet không phải là tìm kiếm tài liệu mà là tuyển chọn tài liệu nào để sử dụng.
Muốn tuyển chọn tài liệu, người biên soạn cần phải đọc qua tất cả những gì họ tìm thấy rồi dùng kiến thức và sự suy luận của chính mình để gạn lọc và đúc kết những dữ kiện được xem là “có giá trị” hay “hợp lý”. Mỗi người sẽ bị ảnh hưởng bởi tầm mức hiểu biết và định kiến sẵn có của mình trong quá trình tuyển chọn những gì “có giá trị” và “hợp lý” nầy. Từ đó kết quả biên khảo của mỗi người sẽ khác nhau ít nhiều.
Tôi muốn độc giả có cơ hội tự đi qua quá trình tuyển chọn nầy.
Tôi không muốn họ đọc xong bài biên khảo của tôi, nhìn thấy một danh sách tài liệu nguồn do tôi tuyển chọn (có thể với những tác phẩm và tác giả tên tuổi, đầy ấn tượng), rồi tự động nghĩ rằng những gì tôi trình bày và lập luận là “đúng” và “thật”.
Tôi muốn độc giả hãy “ngờ vực” những gì tôi đưa đến cho họ. Tôi muốn độc giả có luôn thói quen hãy “ngờ vực” những gì bất cứ tác giả nào khác đưa đến cho họ, bất kể các tác giả đó có tên tuổi hay không. Chữ “ngờ vực” tôi dùng ở đây thật ra có nghĩa là “tin với một mức độ e dè nào đó”. Mức độ e dè nầy sẽ cao hay thấp tùy theo mức độ hiểu biết về đề tài của người đọc, tùy theo dữ kiện đó là gì, và tùy theo nhiều điều kiện khác. Cái mà tôi không muốn là độc giả tin tưởng tuyệt đối vô điều kiện và lập tức vào bất cứ cái gì họ nghe hay đọc, ngay cả từ những tác phẩm hay tác giả được xem là “nền tảng” hay “kỳ cựu” trong bất cứ lãnh vực nào.
Tôi muốn độc giả có thói quen luôn luôn sử dụng kiến thức sẵn có và sự suy luận của chính họ để so sánh, phán xét và gạn lọc bất cứ những gì họ đang tìm học. Không những đối với các dữ kiện khác lạ và đối nghịch với những gì họ đã hiểu biết mà thường xuyên luôn cả đối với những dữ kiện quen thuộc mà họ vẫn thường chấp nhận như định thức. Nếu họ có thể làm được điều nầy thì mức độ hiểu biết của họ trong một phạm trù nào đó mới có thể thoát khỏi gông cùm của định kiến mà phát triển được.
Tôi hy vọng có thể đem sự “ngờ vực” trên đến cho độc giả khi không đính kèm theo danh sách nguồn tài liệu trong các bài biên khảo của tôi. Tôi hy vọng độc giả sẽ có khuynh hướng muốn thách thức giá trị biên khảo của tôi. Tôi muốn độc giả giúp tôi phán xét và gạn lọc thêm những tài liệu tôi đã (hoặc chưa có dịp) khảo cứu. Nếu họ không thể dùng những dữ kiện vững chắc hay lập luận theo phương cách khoa học chính đáng để đả phá những gì tôi trình bày, đây là một điều tốt cho tôi. Và tốt hơn nữa cho tôi là nếu họ có thể (tương tự, dựa trên dữ kiện vững chắc hay lập luận theo phương cách khoa học chính đáng) tìm thấy và chỉ bảo cho tôi về những sai lầm nào đó xảy ra trong sự biên khảo của tôi. Nếu không biết được sự sai lầm của mình thì sẽ không có cơ hội sửa đổi, và từ đó sẽ không có cơ hội tiến triển.
Khi biên soạn bài nầy, vì muốn giới hạn trong khuôn khổ “tiểu luận”, tôi đã cố ý hết sức tóm gọn những dữ kiện dẫn đến kết luận “Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ là một sản phẩm tưởng tượng”. Những dữ kiện tôi đưa ra ở đây tuy chính xác nhưng thật ra rất sơ lượt và có lúc không đầy đủ. Để mở ngõ cho những độc giả muốn tìm hiểu thêm, tôi xin đề nghị hãy bắt đầu bằng cách google chữ “Avalokitesvara and Kuan Yin”.
Tạp Chí Da Màu: http://damau.org/archives/37153
Thiên Chúa Giáo
Hồi Giáo