top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

Abhinyana - Nhà Sư Du Mục

Theo lời Abhinyana kể, ông viết quyển sách đầu tiên vào năm 1984 với tựa đề “Keys for Refugees” (“Chìa Khóa cho Những Người Tị Nạn”). Đây là lúc số người Việt Nam vượt biên đang nằm chờ định cư ở các trại tị nạn còn rất cao. Đại ý quyển sách nầy để ủng hộ tinh thần những người tị nạn trên. Đặc biệt ông cũng khuyến khích các Phật tử trong số những người nầy trì chí gìn giữ đạo của mình khi đứng trước nỗ lực không ngừng của những tổ chức truyền đạo hoạt động mạnh mẽ trong các trại tị nạn lúc ấy.

 

Vài năm sau ông tái ấn bản quyển nầy với tựa đề mới “Down to Earth” (“Thấp Xuống Dưới Đất” – một cụm từ có ý nghĩa nói về điều gì bình dị, thực tế). Rồi gần 10 năm sau đó (1998) ông in lại quyển sách nầy một lần nữa dưới tựa “Against the Stream” (“Ngược Dòng”). Và lần nầy ông đổi tên mình thành Beach Comber (tức là người lang thang trên bãi biển thu nhặt những món trôi dạt lên bờ như vỏ sò hến, cây củi mục, v.v.)

 

Một trong những ý nguyện lớn nhất trong đời của Abhinyana là chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về Phật Pháp của ông đến mọi người. Vì đó ông đã bỏ ra nhiều công sức và thời gian viết sách để làm việc nầy.

 

Lúc tôi mới quen biết Abhinyana (đầu thập niên 1990) tuy đã có internet nhưng không phổ biến rộng rãi như ngày nay. Cách truyền bá tư tưởng hữu hiệu nhất thời đó là in sách ra rồi biếu tặng miễn phí. Abhinyana dùng tất cả tiền “cúng dường” của Phật tử trong việc in sách và chi phí di chuyển (để đi đến những nơi ông trình thuyết về Phật pháp).

 

Sách thời đó của Abhinyana được sản xuất rất “thủ công nghệ”. Cách trình bày các quyển sách của ông thời bấy giờ rất sơ sài: ngoại trừ trang bìa có màu và hình, tất cả trang bên trong đều chỉ là chữ đen trắng không có minh họa gì cả. Hoặc ông tự đánh máy bài vỡ vào từng trang để in, hoặc ông nhờ những bạn bè hay Phật tử tình nguyện làm việc nầy. Sách thường bằng Anh ngữ, tuy nhiên sau nầy cũng có một số ít bằng Việt ngữ. Tôi là một trong vài người có cái hân hạnh phiên dịch một số bài ông đã viết sẵn bằng tiếng Anh qua tiếng Việt.

 

Tuy gia đình cha mẹ ông ở Úc, thời bấy giờ Abhinyana sống nhiều ở Mã Lai. Ông nhờ những bạn ở đây giúp ông trong việc in ấn các sách nầy vì theo ông kể, in ở Úc rất mắc tiền. Khi ông du hành đến đâu và cần có sách để phân phát cho Phật tử thì những người bạn ở Mã Lai sẽ đóng gởi qua đường bưu điện đến cho ông ở đó. Bất cứ ai trên thế giới muốn có những sách nầy thì chỉ cần cho ông hay. Những người ở Mã Lai sẽ đóng gởi thẳng đến địa chỉ của họ. Tất cả đều miễn phí tuy nhiên  thường kèm theo lời yêu cầu nếu có thể xin hoàn trả cước phí bưu điện lại cho người gởi ở Mã Lai.

 

Tất cả sách của Abhinyana đều để phát biếu miễn phí và không có bản quyền. Ai muốn sao chép in ấn lại dưới bất cứ hình thức nào đều không cần xin phép ông. Ở đầu mỗi quyền sách ông đề rõ điều nầy. Thí dụ như trong quyển “Because I care” (“Vì Tôi Quan Tâm”) ông viết, có phần dí dõm, ở trang đầu: Copyleft 1996. Any or all of this book may be used and reproduced without permission of the author. There is no copyright, all I ask is that it not be copied wrong. Đối với Abhinyana, việc suy diễn sai ý tưởng của một người có thể là điều tai hại và xúc phạm nhất đối với tác giả lẫn độc giả. Tôi nhớ nhiều lần ông nói về những cái gọi là “kinh Phật” hay “lời Phật dạy” mà theo ông thì chỉ toàn đã được biến chế ra sau nầy vì chúng hoàn toàn đi ngược lại những gì ông hiểu biết về triết lý của Thích Ca Mâu Ni.

 

Lúc mới gặp Abhinyana, tôi hỏi ông tu ở chùa nào thì ông trả lời là ông không cư ngụ nhất định ở đâu cả. Sau nầy tôi hay gọi đùa ông là “nhà sư du mục” (“nomadic monk”). Ông giải thích khi một tăng sư trụ trì ở một chùa nào lâu quá thì họ sẽ ít nhiều có khuynh hướng cho đó là chùa “của” họ. Abhinyana không muốn vướng mắc vào lỗi lầm đó.

 

Đứng đầu một cái chùa theo ông là một gánh nặng cho một tu sĩ Phật Giáo. Ông không muốn có một tài sản nào cả mà ông phải quản lý, chăm sóc. Ông nói ông đã nhìn thấy quá nhiều trường hợp mà thượng tọa trụ trì chỉ biết lo nghĩ về việc kiếm tiền tu bổ, khuếch trương, bành trướng ngôi chùa của mình thay vì bỏ tâm trí ra để truyền dạy đạo Phật cho mọi người. Ông cũng đã nhìn thấy quá nhiều sư sãi tranh chấp quyền vị trong chùa, hoặc sự ganh đua giữa các chùa với nhau để xem chùa nào có chính điện lớn nhất, có cổng tam quan đẹp nhất, có nhiều tượng Phật nhất, v.v.

 

Theo Abhinyana, trách nhiệm và bổn phận của một tu sĩ Phật Giáo là truyền bá Phật pháp một cách chân chính. Một phần không nhỏ trong những bài ông viết nói về các tệ nạn, sai trái xảy ra lan tràn trong Phật Giáo ở các nước Á Châu lẫn các nước Âu Mỹ. Ngoài việc lợi dụng danh nghĩa của đạo Phật để kinh doanh, các sư sải dạng trên còn thực hành và giảng dạy những điều mê tín dị đoan như bói toán, cầu phước, cúng vong, v.v. để cung ứng thị hiếu của Phật tử. Miễn là họ dán nhãn hiệu “lời Phật dạy” là mọi người răm rắp tin theo và không ai dám chất vấn. Qua nhiều thế hệ như thế nên ngay cả đại đa số tu sĩ cũng nghĩ các mê tín dị đoan kia là một phần của đạo Phật và tiếp tục truyền bá giảng dạy chúng đến mọi người khác. Đây là một điều mà Abhinyana cho là tai hại nhất cho đạo Phật mà ông đã nhiều lần chỉ trích.

 

Abhinyana cũng không ngần ngại khi phê bình về những tôn giáo khác, đặc biệt về Thiên Chúa Giáo (là nơi mà ông đã xuất thân ra). Trong khi ông ca ngợi vô số các công việc từ thiện của những tu sĩ, những tổ chức Công Giáo thì ông cũng dẫn chứng nhiều trường hợp mà những người tự xưng là “phục vụ Thiên Chúa” đã lạm dụng lòng tín ngưỡng của tín đồ để phục vụ quyền lợi riêng của họ. Thí dụ như Hội Thánh La Mã đã dùng những lời răn không còn phù hợp với tiêu chuẩn nhân bản ngày nay về cách đối xử với những kẻ “ngoại đạo” để khai trừ các phần tử chống đối họ và để bành trướng thế lực của Hội Thánh. Các chiến dịch “tay cầm thánh giá tay cầm kiếm” để “đưa ánh sáng Thiên Chúa đến xóa sạch những tà đạo đen tối” trong lịch sử là một thí dụ về chủ trương bành trướng Thiên Chúa Giáo bằng bất cứ phương cách nào của Hội Thánh.

 

Theo Abhinyana, trách nhiệm lớn nhất của Phật tử là thực hành và truyền bá Phật pháp một cách trung thực và chân chính. Trách nhiệm kế đó, theo ông, là nhìn thấy và làm cho mọi người nhìn thấy những sai trái, tệ hại trong lãnh vực tôn giáo để cải thiện và sửa đổi. Ông chủ trương dùng kiến thức thực tế và phương cách lý luận để nhận định những gì sai đúng trong tôn giáo. Ông bài bác việc nhắm mắt tin vô điều kiện vào những gì người khác cho là “thiêng liêng” và do đó “bất khả giải thích bằng lý trí”.  Ông cho rằng đây là cái “bi, trí, dũng” mà mỗi đệ tử của Thích Ca Mâu Ni đều cần phải học và hành. Điều nầy không dễ dàng vì cần phải có kiến thức và lòng can đảm, những điều mà không phải ai cũng đạt được một sớm một chiều.

 

Nói cách khác, Abhinyana gạt bỏ quan điểm “tôn giáo là  bất khả xâm phạm”. Theo ông, chúng ta cần phải nhận định và phán xét những gì xảy ra trong phạm trù tôn giáo, tín ngưỡng không khác gì chúng ta làm với những phạm trù khác trong đời sống hàng ngày. Và đối với tôi thì ông là người đầu tiên quảng bá chủ trương nầy, đặc biệt là công khai qua sách vở. Suốt đời tôi trước khi gặp ông, tôi được dạy bảo rằng “tôn giáo là một phạm trù thiêng liêng” và “tu sĩ là những người có đạo đức đáng kính”. Tôi không hề dám chất vấn những điều mà chính tôi đã cảm thấy là “không ổn” trong một số triết lý và phương cách thực hành của cái gọi là Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo mà tôi nhìn thấy chung quanh. Abhinyana, nhà sư du mục đã khai mở một con đường hoàn toàn mới lạ cho tôi trong phương diện tìm hiểu về tâm linh và tín ngưỡng.

 

Vì công việc làm ăn và đời sống bận bịu, tôi dần dần mất liên lạc với Abhinyana. Tuy vậy tôi vẫn ghi nhớ và thực hành những gì tôi đã học hỏi được từ ông. Cách suy nghĩ, cách hành sử trong cuộc sống hàng ngày và các bài viết của tôi đều phản ảnh những triết lý và phong cách kể trên của ông. Những gì tôi hiểu về triết lý của Thích Ca Mâu Ni cũng trùng hợp với những gì Abhinyana cho là Phật pháp chân chính. Qua nhiều lần dọn nhà tôi đã quăng bỏ khá nhiều sách vở tích tụ nhiều năm trong cái thư viện nhỏ của tôi, tuy nhiên tôi vẫn còn cất giữ đầy đủ tất cả những quyển sách in thô sơ khổ giấy A5 của ông.

 

Cách đây không lâu tình cờ đọc bài trên Văn Tuyển tôi mới hay Abhinyana đã qua đời năm 2008. Điều hối tiếc lớn nhất của tôi là đã không tìm cách bắt liên lạc lại với ông trong những năm đầu thập niên 2000 lúc ông vẫn còn sống. Tôi không tin sự hiện hữu của linh hồn hay một sự sống trường cửu sau khi chết. Tuy nhiên tôi tin rằng theo một ý nghĩa nào đó thì Abhinyana sẽ bất tử nếu di sản tinh thần của ông, những tư tưởng nằm trong những ấn bản của ông, vẫn còn được lưu truyền và quảng bá sâu rộng đến mọi người. Đó cũng là ước nguyện lớn nhất suốt cuộc đời làm tu sĩ của ông. Và tôi có ý định sẽ góp phần thực hiện điều nầy trong nhiều năm sắp đến.

 

 

 

VănTuyển:  http://vantuyen.net/2015/03/01/abhinyana-nha-su-du-muc/

Tôn Giáo

 

Phật Giáo

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page