top of page

 

Chương 10:

Trình Tự trong Địa Chất Học của Sinh Vật Hữu Cơ

 

Nguyên tắc nền tảng chính yếu nhất trong thuyết Tiến Hóa của Darwin có thể tóm gọn trong vài chữ, đó là “sự biến thể trong hậu sinh”.

 

Trong Chương 10 nầy, Darwin trở lại vấn đề nầy để giải thích rõ thêm cách thức chủng loại mới được tạo thành qua quá trình tuyển chọn bởi thiên nhiên. Ông nhấn mạnh rằng đây là một quá trình rất chậm. Khi các sự biến thể thường rất nhỏ xảy ra dần dần chồng chất lên nhau, chủng loại mới sẽ thay thế dần chủng loại cũ, đưa đến sự tuyệt chủng của những chủng loại không tiến hóa theo kịp để thích ứng với điều kiện và môi trường sống mới. Có những chủng loại biến đổi tương đối nhanh, có những chủng loại biến đổi chậm hơn; tuy vậy tất cả đều biến đổi và hậu sinh của chúng đều sẽ hoặc biến thành các chủng loại mới hoặc trở thành diệt chủng. Những biến đổi mới mỗi lúc mỗi trở thành phức tạp và hoàn hảo hơn. Qua vô số thế hệ, vô số các chủng loại mới được tạo thành; đa số chúng bị diệt chủng, chỉ một số nhỏ còn tồn tại đến ngày nay. Tuy vậy tất cả chủng loại mới cũ xưa nay đều có liên hệ với nhau cách nầy hay cách khác qua sự tuyển chọn bởi thiên nhiên.

 

Đối với Darwin thì sự diệt chủng của chủng loại là một hiện tượng bí ẩn vì ông không thể xác định chính xác được nguyên do dẫn đến sự diệt chủng của nhiều chủng loại. Ông chỉ có thể ước đoán rằng sự tuyển chọn bởi thiên nhiên và sự tranh đấu để sống còn quyết định sự tồn vong của mỗi chủng loại.

 

Thí dụ, hai chủng loại tương cận nhau sống trong cùng một môi trường thường là hai đối thủ tranh giành sự sống kịch liệt nhất. Một chủng loại thường sẽ thắng thế, và chủng loại kia thường sẽ trở thành yếu kém hơn, dân số của chúng sẽ nhỏ dần đi và sau đó sẽ biến mất hẳn. Darwin giải thích rằng một khi một sự biến thể nào đó đã bị diệt vong thì chủng loại gốc của nó ít khi nào có thể sản xuất ra được một sự biến thể giống như vậy trong cùng một môi trường nữa. Hơn thế, lúc đó ngay chính chủng loại gốc ấy cũng rất có thể đã diệt vong. Hiện tượng diệt chủng cho thấy sự sống còn trong thiên nhiên rất mỏng manh và sự tuyển chọn bởi thiên nhiên quyết định tất cả.

Mặc dù sự tuyển chọn bởi thiên nhiên chỉ tác động lên từng chủng loại (chớ không phải lên toàn cả hệ thống sinh thái cùng một lúc), Darwin cho rằng toàn thể chủng loại trên địa cầu đều thay đổi liên tục không ngừng. Tài liệu địa chất cho thấy những sự thay đổi tương tự nhau trong địa tầng ở nhiều chỗ trên địa cầu. Thí dụ, những địa tầng đá vôi tương tự nhau xuất hiện ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ, và những vật hóa thạch tương tự cũng đã được tìm thấy trong các địa tầng đá vôi nầy. Điều nầy cho thấy mọi chủng loại bất kể ở đâu cũng đều tiến hóa cùng một lúc với các sự thay đổi địa tầng xảy ra trên mặt địa cầu. Tuy vậy các 

 

chủng loại không cư ngụ ở một chỗ nhất định mãi mãi mà chúng di dân từ nơi nầy sang nơi khác và trong quá trình di chuyển đó cũng tạo thêm những chủng loại mới do ảnh hưởng của sự tuyển chọn bởi thiên nhiên. 

 

Darwin ở Chương 10 nầy cũng nhắc lại về mối tương quan giữa những chủng loại “thân quyến” hay trong cùng chung gia đình đã nói đến trong Chương 4. Ông cho thấy tài liệu vật hóa thạch có thể giúp nhận diện được mối liên hệ giữa hai chủng loại có ngoại hình hoàn toàn khác biệt nhau. Đó là vì hai chủng loại có thể có cấu trúc tương đồng với chủng loại tổ tiên của chúng hơn là tương đồng với nhau.

 

Tuy vậy, khi một chủng loại tiến hóa thì chúng sẽ trở thành phức tạp và tinh vi hơn chủng loại tổ tiên của chúng. Sự biến thể trong hậu sinh luôn luôn đưa đến một sự tiến triển về cấu trúc giúp chủng loại đó có nhiều cơ hội sống còn và sinh sản thêm. Tuy vậy, chủng loại chỉ tiến hóa đến mức độ mà môi trường sống của chúng đòi hỏi và những sự biến thể trong chúng cho phép. Khi nhìn vào các chủng loại hiện diện ngày nay, chúng ta có thể thấy nhiều sự thiếu sót, kém hoàn hảo. Darwin nói về sự khác biệt của mức độ tiến hóa giữa một số chủng loại trong các khu vực khác nhau trên địa cầu; có những chủng loại ở Anh Quốc có thể sinh sống trong nhiều môi trường sống khác nhau vì chúng đã tiến hóa cao hơn những chủng loại tương tự ở Tân Tây Lan, những chủng loại ở đây không thể sống còn được nếu bị di chuyển ra khỏi môi trường sống bình thường của chúng. Tương tự, vật hóa thạch ở Úc Đại Lợi tương tự như những chủng loại còn đang hiện hữu ở Nam Mỹ cho thấy những chủng loại ở Nam Mỹ thuộc vào tầng cấp thấp hơn trong quá trình tiến hóa. Đó là vì môi trường sống ở Nam Mỹ chỉ đòi hỏi chúng tiến hóa đến mức độ hiện tại mà thôi trong khi môi trường sống khắc nghiệt hơn ở Úc đã đòi hỏi cùng một chủng loại đó phải tiến hóa cao hơn. Darwin từ đó kết luận rằng do sự thay đổi trong điều kiện sống cũng như do sự xuất hiện của những chủng loại mới di dân đến, những chủng loại địa phương nào còn thô sơ hoặc không tiến hóa kịp đều sẽ chết dần đi và nhường chỗ cho các chủng loại hoàn hảo hay đã tiến hóa cao hơn.

 

 

Luận Giảng

 

Darwin một lần nữa nhìn nhận ở đây là ông không biết giải thích rõ ràng một vài khía cạnh trong lý thuyết tuyển chọn bởi thiên nhiên của ông. Tuy nhiên ông vẫn có thể dùng sự quan sát và so sánh giữa thực tế với lý thuyết đễ dẫn đến những kết luận có giá trị khoa học vững chắc.

 

Darwin cho rằng sự diệt chủng là một hậu quả không tránh khỏi của điều kiện sống khắc nghiệt, tuy nhiên ông không thể khẳng định chính xác được điều kiện gì và những biến thể gì dẫn đến sự diệt chủng của một chủng loại. Mặc dù nhiều khía cạnh của lý thuyết tuyển chọn bởi thiên nhiên vẫn còn là một điều bí ẩn, nhưng sự kiện mà các quá trình và hiện tượng Darwin diễn tả đã và đang thật sự xảy ra mọi nơi, mọi lúc cho thấy ông đã đi đúng đường.

 

Việc Darwin xác định rằng quá trình tuyển chọn bởi thiên nhiên luôn luôn dẫn đến sự cải tiến và tiến bộ trong chủng loại rất quan trọng cho ngành sinh vật học sau nầy. Tương tự, nhận định của Darwin rằng mọi chủng loại có thứ tự cấp bậc tiến hóa cao thấp khác nhau cũng rất quan trọng không kém. 

 

Tuy vậy, trường phái Xã Hội Chủ Nghĩa sau nầy đã lạm dụng nguyên lý cấp bật tiến hóa cao thấp nói trên của Darwin để phân biệt sắc dân và tầng lớp trong xã hội con người. Thí dụ như trường phái nầy cho rằng các người nghèo đói, những sắc dân da màu hay không thuần chủng, những tội phạm là những tầng lớp, cấp bật tiến hóa thấp kém hơn những thành phần nhân loại khác. Chủ nghĩa Phát Xít trong Đệ Nhị Thế Chiến là một thí dụ nổi bật và cụ thể.

 

 

bottom of page