top of page

Chương 3:

Sự Tranh Đấu để Sống Còn 

 

 

Darwin cho rằng sự “tranh đấu để sống còn” có tương quan mật thiết với sự “tuyển chọn bởi thiên nhiên” (đề tài nầy sẽ được thảo luận chi tiết trong Chương 4).

 

Thiên nhiên thường được xem là một kho tài nguyên vô tận cung cấp mọi sinh vật đủ loại môi trường sinh sống cùng với thức ăn, nước uống, chỗ ở, phương tiện cùng hoàn cảnh để sinh sản và truyền giống, v.v. Tuy vậy, khi nói về sự tranh đấu để sống còn, Darwin đưa ra hai nguyên lý sau: 1/ Trong thiên nhiên luôn luôn có một sự tranh chấp liên tục, dữ dội và không bao giờ ngừng nghỉ giữa cá nhân, giữa tập thể và giữa chủng loại về tài nguyên; và 2/ sự tranh chấp trên và số lượng giới hạn của tài nguyên trong thiên nhiên không cho phép bất cứ một sinh vật nào bành trướng mãi mãi.

 

Sự tranh đấu để sống còn thường rất trực tiếp, thí dụ như trong rừng già mỗi loại cây đều tìm mọi cách để đón nhận ánh sáng mặt trời; khi tàng lá của một loại cây che bóng râm lên một khu vực thì các cây khác mọc bên dưới nó sẽ cố gắng vươn cao hơn hay tránh né xa ra để tìm gặp được ánh sáng mặt trời. Sự tranh đấu để sống còn có thể ngược chiều và gián tiếp, thí dụ như khi loài sư tử trên đồng cỏ Phi Châu tiến hóa trở thành to lớn hơn, mạnh mẽ hơn, có móng vuốt bén nhọn hơn thì các loài hươu nai thay vì tiến hóa để to lớn và mạnh mẽ hơn thì chúng đối phó bằng cách có tai và mũi thính hơn và chạy nhanh hơn để cố gắng khỏi trở thành thức ăn của loài sư tử. 

 

Sự tranh đấu để sống còn có thể xảy ra từ nhiều góc cạnh cùng một lúc, thí dụ như trên một loại dây chùm gởi (một loại thực vật ký sinh sống bám vào những cây “chủ nhà” để hút chất dinh dưỡng từ cây đó) có thể gọi là tranh đấu với các dây chùm gởi khác đang cùng bám vào một cây chủ nhà để giành vị trí tốt nhất và chiếm độc quyền sử dụng cây chủ nhà; các dây chùm gởi cũng có thể gọi là đang tranh đấu giành sự sống với cây chủ nhà vì nếu cây chủ nhà không lớn mạnh đủ thì sẽ bị các dây chùm gởi hút hết nhựa và chết. Sự tranh giành để sống còn thường có tính dây chuyền, thí dụ như khi một đôi chim kiếm sống bằng cách bắt sâu bọ, nhặt hạt cỏ, ăn trái cây, v.v. thì chúng đang giết hại, tàn phá những sinh vật khác chung quanh chúng; trong khi đó 

thì trứng của chúng, con của chúng và chính ngay bản  thân chúng cũng có thể trở thành thức ăn của loài vật khác.

 

Sự tranh giành tài nguyên dữ dội nhất xảy ra giữa những cá nhân cùng chủng loại. Đó là vì chúng thường cùng sinh sống trong cùng một môi trường, cùng có chung nhu cầu, cùng sử dụng những tài nguyên giống nhau, cùng có những lợi điểm sinh tồn cũng như những yếu điểm giống nhau. Sự tranh đấu để sống còn dữ dội kế tiếp là giữa những tiểu loại thuộc cùng chung một chủng loại.

 

Tất cả mọi cá nhân, mọi tập thể, mọi chủng loại trong thiên nhiên đều tìm đủ mọi cách để phát triển dòng giống của chúng tiếp tục vào tương lai. Một cách bảo đảm sự sống còn cho chủng loại thông dụng nhất là sinh sản thật nhiều: nhiều trứng, nhiều con, nhiều trái, nhiều hạt, v.v. Với một dân cư to lớn có nhiều con cháu thì sau những mất mát, hư hại do bệnh tật, tai nạn, thiếu thốn, bị săn bắt làm mồi cho các thú khác, v.v. vẫn còn có một số thành viên của mỗi thế hệ có thể sống sót để lớn mạnh và tiếp tục sinh sản được.

 

Tuy nhiên, vì sự giới hạn của thức ăn, nước uống, chỗ ở trong mỗi môi trường sống, hiển nhiên là tất cả chủng loại trong môi trường đó không thể nào phát triển lớn mạnh cùng một lúc được. Darwin nói đến nguyên lý về sự giới hạn của mức tăng trưởng dân số trong thiên nhiên, mượn của kinh tế gia Thomas Malthus. Nguyên lý nầy cho thấy sự giới hạn của tài nguyên trong một môi trường sẽ kềm giữ tổng dân số của mọi chủng loại trong môi trường ấy ở một mức độ giới hạn nào đó. Và vì mỗi sinh vật đều phải liên tục tranh đấu để sống còn nên sự sống còn của một chủng loại thường sẽ đe dọa sự sống còn của các chủng loại khác. Vì vậy nên tuy con số chủng loại và dân số của mỗi chủng loại trong một môi trường sống có thể thay đổi nhưng tổng dân số trong môi trường đó không thể vượt cao hơn một giới hạn nhất định.

 

Vì những lý do trên nên sự tranh đấu để sống còn của mọi sinh vật nói chung thường có liên hệ mật thiết lẫn lộn với nhau và do đó có thể cực kỳ phức tạp. Thường thì rất khó nhận ra yếu tố gì cho phép một chủng loại bành trướng mạnh mẽ trong một môi trường hay yếu tố gì làm cho nó suy lụn đi.

 

Yếu tố thức ăn, nước uống và chỗ ở thường có ảnh hưởng lớn đến mức độ bành trướng của một chủng loại. Tuy nhiên, một lý do khác thường có ảnh hưởng lớn hơn trên dân số của một chủng loại là sự bị ăn thịt bởi các chủng loại khác. Dân số của các loài chim, vịt hoang, gà đồng trong một vùng chắc chắc sẽ suy giãm nếu chuột bọ, chồn, cáo trong vùng đó không bị bắn giết đều đặn (vì chuột bọ, chồn, cáo ăn cắp trứng và phá tổ các loại chim, vịt, gà hoang).

 

Mức độ phức tạp của sự tranh đấu để sống còn có thể thấy trong thí dụ sau đây. Ở Paraquay (một quốc gia nhỏ ở Nam Mỹ) hầu như không hề có ngựa hoang hay trâu bò hoang hay chó hoang mặc dù các chủng loại trên sinh sống thoải mái trong thiên nhiên ở các vùng đất phía bắc và phía nam của xứ nầy. Lý do là trong vùng Paraquay có một loại ruồi sinh trứng vào miệng rún của các con ngựa, trâu bò và chó sơ sinh làm chúng bệnh và không sống được. Trong các vùng đất khác, dân số của loài ruồi nầy bị một vài loại chim ăn côn trùng kềm giữ ở một mức độ thấp. Các loại chim ăn côn trùng nầy lại thường bị săn bắt bởi các loại chim ăn thịt như chim cắt, diều hâu. Trong trường hợp nầy, chỉ cần một sự thay đổi nhỏ trong dân số của loài chim cắt, diều hâu (thí dụ như chúng bị săn bắn nhiều bởi loài người hay tổ của chúng bị hủy hoại bởi quá trình phá rừng lấy gỗ, v.v.) thì dân số ngựa, trâu bò và chó hoang của một khu vực có thể thay đổi hoàn toàn chỉ trong một thời gian ngắn. Thực tế thì trong vô số các trường hợp khác không ai biết chắc chắn 100% điều gì đã xảy ra làm cho dân số của một chủng loại thay đổi.

 

Một thí dụ nữa sẽ cho thấy sự tranh đấu để sống còn cũng nhiều khi có ảnh hưởng mật thiết một cách đáng ngạc nhiên giữa động vật và thực vật. Vài loài hoa dại thường thấy ở các vùng quê Anh Quốc cần có loài ong bầu để giúp chúng thụ phấn. Tự các loài hoa nầy không làm điều đó được và những loài ong khác không hút nhụy của chúng. Loài chuột đồng thường phá hoại tổ của loài ong bầu để ăn cắp mật. Dân số của loài chuột đồng thì bị kiểm soát và giới hạn bởi dân số các con mèo của nông dân nuôi trong vùng. Một điều có thể nhận thấy rõ ràng là những nơi có nhiều tổ ong bầu là những nơi số lượng mèo trong vùng cao. Và trong những vùng nầy sẽ có nhiều các loại hoa dại kể trên. Những vùng mà nông dân không nuôi nhiều mèo hầu như không bao giờ thấy các loại hoa trên.

 

Khí hậu cũng thường được xem là một nguyên do lớn quyết định dân số của các chủng loại trong một lãnh thổ. Chúng ta thấy tỉ lệ dân số của các chủng loại cùng sống chung trong một thung lũng sẽ thay đổi khi chúng ta đi dần lên những rặng núi cao lân cận. Đến từng cao độ nào đó, dân số vài chủng loại sẽ giảm đi rõ rệt. Khi đi về miền nam hay bắc cực của địa cầu cũng vậy, đến một vĩ độ nào đó thì hầu như mọi sinh vật đều vắng mặt ngoại trừ một vài sinh vật có cấu trúc cơ thể và khả năng sinh hoạt đặc biệt thích hợp với khí hậu cực lạnh mà thôi. Darwin cho rằng yếu tố chính để các chủng loại khác không thể sống còn trong các môi trường khắc nghiệt thật ra không phải là khí hậu mà là vì chúng không thể tranh giành tài nguyên một cách hữu hiệu được. Thức ăn, chỗ ở thường hiếm hoi trong các môi trường nầy. Một chủng loại có thể dần dần thích ứng được với sự thay đổi của nhiệt độ nhưng nếu không có đủ các trang bị cần thiết thì cũng sẽ chết đói vì không săn mồi được (hay chính chúng cũng sẽ trở thành thức ăn cho các chủng loại khác).

 

 

Luận Giảng

 

Darwin diễn tả thiên nhiên với hai vai trò tương phản nhau. Một mặt, thiên nhiên được xem là một nguồn tài nguyên dồi dào và tuyệt vời vì có thể cung cấp đầy đủ điều kiện cho vô số chủng loại sinh sống và phát triển. Một mặt, thiên nhiên được diễn tả như một bối cảnh đen tối nơi mà mỗi chủng loại đều phải liên tục đấu tranh cho sự sinh tồn của chúng bằng cách sát hại, tàn phá lẫn nhau; sự sống còn của một sinh vật thường đi đôi với sự hủy diệt của một sinh vật khác.

 

Có một lối nhân cách hóa mà Darwin và nhiều tác giả về sinh vật học khác thường dùng có thể gây ra một sự hiểu lầm, mà theo tôi, khá đáng kể. Đó là khi diễn tả quá trình tranh đấu để sống còn trong thiên nhiên, các tác giả nầy thường vô tình gây cho người đọc một ấn tượng rằng các sinh vật trong cuộc có vẻ như có khả năng lựa chọn đường hướng tiến hóa của chúng. Thí dụ dưới đây sẽ làm rõ ý của tôi hơn.

Quá trình tranh đấu không ngừng để tồn tại của hai chủng loại, chẳng hạn như giữa loài dơi và loài bướm đêm, đã được diễn tả như sau:

 

Loài dơi khi săn mồi ban đêm phát ra những âm thanh cao tần số và lắng nghe sự dội lại của các âm thanh nầy để định vị và bắt mồi. Có loài bướm đêm phản ứng bằng cách tiến hóa nhĩ lực của chúng để có thể nhận biết các âm thanh cao tần của loài dơi và lập tức chuyển hướng bay để tẩu thoát mỗi khi nghe các âm thanh nầy. Có loài bướm đêm tiến hóa để có thể phát ra các âm thanh cao tần số của riêng chúng để làm xáo trộn hệ thống săn mồi của loài dơi. Về sau, có loài dơi phản ứng lại bằng cách sử dụng các tần số hoặc cao hơn hoặc thấp hơn khoảng âm thanh mà loài bướm đêm có thể nghe được. Có loài dơi cũng phản ứng lại bằng cách phát ra âm thanh nhỏ hơn và điều chỉnh âm thanh nầy càng nhỏ hơn nữa khi tiến gần đến con mồi; cách nầy làm con bướm đêm không nghe được âm thanh truy lùng của con dơi cho đến khi đã quá muộn để tránh né.

 

Những bài viết tương tự thường so sánh sự tranh đấu sinh tồn trong thiên nhiên như một cuộc chiến tranh hay một cuộc chạy đua vũ trang không ngừng.

 

Thật ra thì loài dơi và loài bướm đêm trong thí dụ trên không có khả năng lựa chọn với chủ định để phản ứng lại vũ khí mới của đối thủ. Loài bướm đêm không có khả năng phân tích hệ thống săn mồi của loài dơi để quyết định sẽ tiến hóa đến các giải pháp đối phó thích hợp. Loài dơi cũng không có khả năng suy nghĩ cần phải thay đổi chiến thuật như thế nào để vượt qua các giải pháp đối phó của loài bướm đêm. Thật ra thì có thể qua nhiều ngàn năm sau khi loài dơi bắt đầu sử dụng hệ thống săn mồi bằng âm thanh của chúng, loài bướm đêm luôn luôn là món ăn thường xuyên hàng đêm của loài dơi. Tuy vậy ở một thế hệ nào đó bắt đầu có những biến thể dị biệt xảy ra trong một số các cá nhân bướm đêm (chẳng hạn như do sự biến đổi tự nhiên trong trình tự DNA) làm cho chúng có thể nghe nhận được đôi chút các âm thanh săn mồi của loài dơi. Các cá nhân bướm đêm với nhĩ lực cải tiến ngẫu nhiên nầy có nhiều xác suất né tránh khỏi bị làm mồi cho loài dơi hơn so với các con bướm đêm khác và do đó có nhiều cơ hội hơn để 

sống còn và sinh sản. Con cháu của chúng cũng có được di truyền nhĩ lực cải tiến, cùng với những cải tiến tương tự dần dần chồng chất thêm lên qua nhiều thế hệ sau. Dân số của chúng có thể  sẽ càng lúc càng đông lên và qua một thời gian dài (có thể nhiều ngàn năm sau) thay thế tất cả dân số của các bướm đêm có nhĩ lực yếu. Loài dơi cũng vậy, đến một lúc nào đó sau khi loài bướm đêm bắt đầu có nhĩ lực cải tiến thì chúng không còn bắt được nhiều mồi mỗi đêm được nữa. Tuy vậy, có thể có những biến thể xảy ra trong cấu trúc cơ thể của một số dơi hậu sinh làm cho chúng có khuynh hướng phát ra các âm thanh cao hơn hoặc thấp hơn dãy tần số “thông thường”, hoặc có khuynh hướng phát ra âm thanh truy lùng nhỏ hơn trong lúc săn mồi. Chỉ vì sự ngẫu nhiên đó mà các con dơi nầy có thể săn được nhiều mồi hơn các con khác không có những khuynh hướng trên, và do đó có thể sinh sản nhiều hơn. Qua nhiều thế hệ, loài dơi “mới” nầy sẽ phát triển càng lúc càng lớn mạnh hơn và thay thế tất cả loài dơi “cũ”. 

 

 

Các quá trình tiến hóa lần lượt trên của loài bướm đêm và loài dơi làm người ta có khuynh hướng diễn tả hiện tượng nầy như một cuộc chạy đua có mục đích và chủ định rõ rệt của mỗi chủng loại.

 

Cách diễn tả có tính cách thậm xưng và nhân cách hóa nầy có thể gây ra hiểu lầm lớn. Ngay trong chữ “tranh đấu” của ý niệm “tranh đấu để sống còn” cũng có thể đưa đến ấn tượng về một sự chủ tâm và cố ý của các sinh vật. Đó là tại sao nhiều độc giả khó tin rằng các loài thú vật và thực vật trong thiên nhiên có thể có trí thông minh đủ để có các “phản ứng” hữu hiệu như các học giả theo thuyết tiến hóa thường giải thích. 

 

 

bottom of page