top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

Thánh Teresa

Chúa Nhật 4 tháng Chín 2016 vừa qua, Giáo Hoàng Francis làm lễ phong thánh cho nữ tu Teresa, người xưa nay thường được thế giới biết đến bằng tên “Mẹ Teresa”.

Nữ tu Teresa tên tộc Agnes Bojaxhiu, sinh năm 1910, con của hai vợ chồng chủ tiệm tạp hóa người Albany ở nước ngày nay chúng ta gọi là Cộng Hòa Macedonia. Bà bắt đầu đi tu lúc 16 tuổi ở Ái Nhĩ Lan. Năm 1929 bà dọn đến Calcutta (bây giờ là Kolkata, thủ phủ của miền Tây Bengal, Ấn Độ) để dạy học. Năm 1946, bà thành lập tổ chức Truyền Giáo Phước Thiện và năm 1952 mở trụ sở đầu tiên ở Kolkata chuyên chăm sóc người bệnh tật, nghèo đói. Năm 1965, nhờ công việc từ thiện nổi tiếng, dòng tu của bà được Giáo Hoàng thu nhận thành trực thuộc dưới Tòa Thánh. Năm 1979, bà nhận được giải Nobel vì việc làm từ thiện của bà. Năm 1997, bà qua đời vì bệnh tim hưởng thọ 87 tuổi.

Năm 2002, Tòa Thánh chứng nhận rằng một người phụ nữ Ấn Độ nhờ cầu nguyện Teresa nên một ung bướu trong bụng đã biến mất một cách mầu nhiệm. “Phép lạ” đầu tiên nầy xảy ra vào 1998, đúng một năm cùng ngày sau khi Teresa qua đời. Năm 2015, Giáo Hoàng Francis công nhận phép lạ thứ hai khi một người đàn ông người Ba Tây hồi phục hoàn toàn khỏi bệnh bướu não vào năm 2008 sau khi thành khẩn kiên trì cầu nguyện tên bà.

Suốt đời Teresa làm việc không ngừng nghỉ với những người bà gọi là “nghèo đói, tật nguyền, đui mù, cùi lỡ”. Họ gồm những trẻ mồ côi, người già bệnh, người cùi, kẻ nghiện ngập, người đói khát, không nhà, nạn nhân thiên tai cũng như nạn nhân xã hội như chữa hoang, mãi dâm. Trụ sở chính của bà ở Kolkata nhưng ngày nay các cơ sở y tế dưới tên bà có mặt ở 139 quốc gia khác ở Á Châu, Phi Châu, Châu Mỹ La Tin, Bắc Mỹ Châu, Âu Châu và Úc Châu.

Vô số người ca tụng công trình từ thiện của bà. Họ tôn thờ bà như một thánh sống. Họ vinh danh bà là “Thánh của Đời Cống Rãnh”. Tuy nhiên, quyết định phong thánh cho Teresa của Giáo Hội Công Giáo đã gặp không ít phản kháng bởi dư luận. Điều nầy cũng không có gì lạ, từ mấy thập niên nay nhiều người đã công khai chỉ trích rằng Teresa thật ra không mấy thánh thiện như lời truyền tụng.

Có những người diễn tả bà là “một tu sĩ Công Giáo cực đoan và tàn nhẫn chỉ quan tâm đến chuyện truyền đạo hơn việc thực sự phục vụ cho người nghèo bệnh.” Tờ Washington Post tường thuật việc chương trình từ thiện của nữ tu Teresa bị một cộng đồng Ấn Độ Giáo kết án có một mục đích tối hậu mờ ám. Họ tố cáo Teresa chủ trương tích cực chiêu dụ những người đau yếu tìm đến bà hãy từ bỏ Ấn Độ Giáo của họ để gia nhập Thiên Chúa Giáo. Có nhiều nhân chứng tường thuật những nữ tu của Teresa lợi dụng lúc người bệnh nặng không có sức lực, và tâm thần phán xét minh mẩn, để làm việc truyền đạo và ép buột theo đạo. Việc rửa tội những người lúc đang hấp hối hay hôn mê (để bảo đảm họ trở thành “con của Chúa” trước khi chết) xảy ra thường xuyên.

Nhiều người cũng chỉ trích rằng các trụ sở y tế của nữ tu Teresa cực kỳ dơ bẩn, thiếu vệ sinh lẫn những phương tiện y khoa và thuốc men tối thiểu nhất. Thí dụ như tờ Huffington Post tường thuật rất nhiều trường hợp được thấy rằng các bệnh nhân tìm đến bà đáng lẽ có thể vượt qua khỏi cơn bệnh của họ và sống sót nếu các nữ tu ở đây chỉ cần cấp cho họ một liều thuốc trụ sinh. Một vi phạm vệ sinh căn bản nổi bật nhất bị than phiền là nhiều trụ sở y tế của Teresa chuyên dùng kim chích lại nhiều lần cho nhiều người mà không hề khử trùng, họ chỉ rửa kim qua bằng nước lạnh. Ngay từ 1994, đặc san y khoa của Anh, tờ The Lancet, đã lớn tiếng chỉ trích về vấn đề nầy nhưng cho đến nay vẫn không có gì thay đổi. Họ cho rằng việc nầy rất có thể đã dẫn đến vô số trường hợp truyền nhiễm từ người bệnh nầy sang người bệnh khác.

Theo tờ Patheos, một đặc san về nhân phẩm, cho biết vấn đề không phải là Teresa không có khả năng tài chính để trang bị các trụ sở y tế vì ngân quỹ của bà không bao giờ thiếu kém tiền quyên góp từ mọi nơi liên tục đổ vào. Theo họ, và theo nhiều nhân chứng đã từng làm việc tự nguyện tại các trụ sở của bà, Teresa chủ trương không ban phát thuốc giảm đau cho những người bệnh đau đớn hay sắp chết là vì theo bà, “sự đau đớn là một món quà của Chúa” và “đau đớn sẽ đưa họ đến gần Chúa hơn”. Cố học giả Christopher Hitchen kể lại trong một cuộc phỏng vấn bà đã nói với ông rằng “Có một cái gì đó tuyệt vời khi nhìn thấy những người nghèo khổ chấp nhận số phận của họ và trải qua đau đớn giống như Chúa Giê-Su đã trải qua. Thế giới nầy sẽ trở thành tốt đẹp hơn từ nỗi đớn đau của họ.” (!)

 

Một tác giả và vật lý gia người Anh gốc Ấn, Aroup Chatterjee, người đã từng làm việc tự nguyện ở một trong những trung tâm phước thiện của nữ tu Teresa, gọi bà là “một người quá khích, cực đoan và giả dối mà báo chí thế giới không nhìn thấy”. Trong tác phẩm “Phán Quyết Cuối Cùng” (“The Final Verdict” – 2003) của ông, ông chỉ trích bà “không quản lý rõ ràng, minh bạch sự chi thu của những nguồn tiền quyên góp cho tổ chức từ thiện của bà”. Giống như nhiều người đã từng làm việc cho Teresa, ông thắc mắc không hiểu các món tiền khổng lồ biếu tặng bà đã biến mất ở đâu trong khi điều kiện y tế tại những trụ sở từ thiện của bà thiếu thốn cực độ. Ông than phiền trong khi các người bệnh tìm đến Teresa không có đủ thuốc giảm đau thì bà thường xuyên du hành từ quốc gia nầy đến quốc gia khác bằng vé phi cơ thượng hạng để giao du với những nhân vật quan trọng và cực kỳ giàu có nhất.

Tờ Independent tường thuật nữ tu Teresa đã nhận tiền quyên tặng của một số thủ lãnh độc tài nổi tiếng nhất trên thế giới thời đó mà không hề bao giờ lên tiếng về những hành vi vô nhân đạo của họ. Thí dụ như năm 1981, Teresa đến Haiti để nhận lãnh huân chương vinh dự thượng hạng Legion of Honour từ nhà độc tài Jean-Claude Duvalier. Năm 1989, bà đến thăm viếng Albania và công khai bày tỏ lòng ngưỡng mộ cố lãnh tụ cộng sản và thủ tướng Enver Hoxha của nước nầy. Bà cũng ủng hộ việc đề xướng Licio Gelli cho giải thưởng Hòa Bình Nobel năm 1996. Gelli là người đứng đầu hội bí mật Propaganda Due Masonic có nhiều uy thế chính trị và đã từng dính liếu đến nhiều vụ giết người và tham nhũng nối tiếng ở Ý. Ông cũng thân thiết với phong trào hậu Phát-Xít ở Ý và nhóm đảo chính quân phiệt ở Á Căn Đình.

Teresa cũng giao thiệp gần gũi với nhiều nhân vật tên tuổi mang thành tích đen tối trong giới thương mãi. Năm 1988, Teresa đến thăm viếng và nhận tiền của nhà xuất bản Anh giàu có Robert Maxwell, người sau nầy bị khám phá đã biển lận hơn 450 triệu bảng Anh từ các quỷ hưu trí của nhân viên của ông. Khi Charles Keating, một vận động viên và thương gia nổi tiếng ở Mỹ, bị kết tội lường gạt trong những vụ làm ăn lớn, Teresa đã công khai xin khoan hồng cho ông. Trước đó Keating đã từng biếu tặng Teresa hàng triệu đô-la và cho bà mượn sử dụng chiếc phản lực cơ tư nhân của ông khi bà đến Mỹ.

Năm 2013, các khảo cứu gia của Đại Học Montreal và cách đó không lâu, của Đại Học Ottawas, sau khi điều tra tận tường đã cùng kết luận rằng hình ảnh thánh thiện chói ngời của Teresa không phản ảnh trung thực những gì xảy ra trong thực tế. Họ cho rằng “huyền thoại xung quanh Mẹ Teresa chỉ là kết quả của một chiến dịch tuyên truyền năng nổ hậu thuẩn bởi một Giáo Hội Công Giáo đang suy sụp”.

Christopher Hitchen trong phim tài liệu “Thiên Thần của Địa Ngục” (“Hell’s Angel” – 1994) của ông cho rằng hiện tượng “Mẹ Teresa thánh thiện” chỉ là sản phẩm của một “cuộc phối hợp thô tục giữa những tường thuật thổi phồng của giới báo chí lắm chuyện và lòng mê tín dị đoan thời Trung Cổ”.

Một thí dụ minh chứng điều vừa nói là câu chuyện kể lại bởi Ken McMillan, một chuyên viên quay phim phóng sự của đài BBC. Anh kể về năm 1969 khi ông và ký giả người Anh Malcolm Muggeridge cùng đi đến Calcutta để tường thuật cho đài BBC về trụ sở chăm sóc các người bệnh gần chết của “Mẹ Teresa”. Trong chuyến đi nầy, McMillan sử dụng lần đầu tiên một loại phim mới ra của Kodak. Anh chưa bao giờ thử qua loại phim nầy nên có phần không vững tâm lắm khi phải quay phim bên trong những căn phòng chứa bệnh nhân tối lù mù ở đó. Anh lo ngại rằng hình ảnh của đoạn phim nầy sẽ không rõ ràng lắm. Tuy vậy khi trở về Luân Đôn, lúc cả hai cùng xem lại đoạn phim thì ngạc nhiên thay mọi hình ảnh đều sáng sủa với đầy đủ chi tiết. Ken McMillan chưa kịp khen ngợi kỹ thuật mới của phim Kodak thì Malcolm Muggeridge đã quay lại phát biểu một cách phấn khởi, “Đó là nhờ ánh sáng thiên thần. Đó là vì Mẹ Teresa. Chú mầy sẽ thấy đó là ánh sáng thiên thần!”

Và ký giả Muggeridge đã viết bài tường thuật đăng tải trên BBC dựa vào nhận xét, và ý tưởng, đó của ông. Mulggeridge là người nỗ lực nhiều nhất trong việc tuyên dương đức hạnh của Teresa ở Anh Quốc. Điều nầy cũng không có gì ngạc nhiên lắm. Muggeridge là một người chủ trương tích cực chống phá thai, giống như nữ tu Teresa. Trong diễn văn khi nhận giải Nobel năm 1979, Teresa đã tuyên bố “phá thai là nguyên nhân lớn nhất hủy diệt hòa bình”.

Vô số chuyên gia y tế và tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ đã nhiều lần than phiền rằng chủ trương chống phá thai và ngừa thai, của “Mẹ Teresa”, đứng ở vị thế của bà, đã gây ra vô số chết chóc ở những khu vực nghèo nàn nhất thế giới.

Chẳng những nhân cách và hoạt động của nữ tu Teresa, phương cách và quá trình của Giáo Hội sử dụng để phong thánh cho bà cũng bị nhiều học giả chỉ trích.

Theo luật Giáo Hội, nếu một người được chứng nhận đã trực tiếp thực hiện hai phép lạ từ Thiên Chúa thì người đó sẽ được phong thánh. Trong trường hợp nầy, hai bệnh nhân khác nhau đã cầu nguyện Teresa, và theo Tòa Thánh, nhờ vậy mà Thiên Chúa đã ban phép chữa lành cho hai bệnh nhân đó. Vì thế Teresa được xem là đã thay mặt Chúa thực hiện hai phép lạ. Với hai phép lạ được chính thức chứng nhận, theo luật lệ của Tòa Thánh, bà hội đủ điều kiện để được phong thành thánh.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn kỹ lại chi tiết của hai phép lạ liên quan đến nữ tu Teresa.

Như đã sơ lược ở trên, phép lạ đầu tiên của nữ tu Teresa là làm tiêu tan một bướu độc trong bụng một phụ nữ Ấn Độ. Người nầy là bà Monica Besra, sinh sống ở một ngôi làng xa xôi khoảng 400 km phía bắc Kolkata, Ấn Độ.

Vào năm 1997, bà Besra kể, bà thường xuyên bị nóng sốt và đau bụng dữ dội. Qua một năm trời, bà đi gặp hàng chục bác sĩ khác nhau nhưng không ai chẩn đoán được gì cả. Một bác sĩ nhìn kết quả siêu âm bụng rồi cho hay là bà đang mắc một chứng bệnh nặng.

Năm 1998, bà tìm đến trụ sở y tế Truyền Giáo Phước Thiện của nữ tu Teresa ở Tây Bengal. Lúc đó bà đang đau đớn cực độ đến nỗi không đi đứng được. Một nữ tu ở đó nói với bà “Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày giỗ đầu của Mẹ Teresa, tôi sẽ cho bà một tấm ảnh nhỏ của đức Mẹ.” Nữ tu đó đặt tấm ảnh lên bụng bà Besra và khuyên bà nên cầu nguyện xin Mẹ Teresa. Tuy Besra không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo nhưng bà vẫn thành khẩn cầu nguyện liên tục suốt đêm đó. Bà kể lại bà dần dần ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đến khoảng 1 giờ sáng bà chợt bừng tỉnh dậy và thấy khối u trên bụng bà đã biến mất.

Bà rất mừng rỡ và sáng ngày kể cho mọi người nghe biết chuyện nầy. Mọi người đều cho rằng đây là một phép lạ. Giáo phận ở Tây Bengal cử Hồng Y Lobo đến điều tra hư thực. Lobo là một người tin rằng phép mầu có thể xảy ra. Ông nói, “nhưng chỉ với những người trung thành và tin tưởng vào Thiên Chúa”.

Sau 9 tháng điều tra, Hồng Y Lobo tuyên bố rằng Thiên Chúa đã ban một phép lạ cho bà Monica Besra. Ông cho biết ông và các phụ tá viên của ông đã phỏng vấn 35 nhân chứng. Tuy nhiên khi đài SBS hỏi có bao nhiêu trong 35 nhân chứng đó không tin đây là một phép mầu thì Hồng Y Lobo từ chối không trả lời. Ông cho biết “Công việc chúng tôi làm có những điều mà chúng tôi không được phép tiết lộ.”

Sau nầy, người ta biết được là có những nhân chứng mấu chốt trong chuyện nầy không hề được Hồng Y Lobo phỏng vấn. Một trong những người trên là bác sĩ Ranjan Mustafi, một bác sĩ bệnh phụ nữ đã từng chữa trị cho bà Besra. Ông nầy cho đài SBS hay là bà không hề bị bướu độc trong bụng mà chỉ một khối u do bệnh lao gây ra, và có lẽ khối u nầy đã biến mất sau khi bà dùng đúng thuốc.

Khi được hỏi về việc nầy, Hồng Y Lobo nói ông đã gởi 3 lá thư qua hệ thống bưu điện để mời bác sĩ Mustafi đến phỏng vấn. Tuy nhiên bác sĩ Mustafi khẳng định ông chưa hề bao giờ nhận được lời mời gì từ Hồng Y Lobo.

Ngôi làng nơi bà Besra ở là một khu vực nghèo nàn, phần đông mọi người kiếm sống rất vất vả bằng cách làm ruộng. Từ Kolkata đến đó phải mất hơn 12 tiếng đồng hồ lái xe qua những đoạn đường lồi lõm gồ ghề cực độ. Tuy vậy trong vài tuần đó nhiều ký giả báo chí cũng đổ xô đến để săn tin. Trong ngày đài SBS có mặt, có hai ký giả khác cũng đã đến để tìm gặp bà Besra. Phóng viên của SBS nghe lóm hai người nầy than phiền với nhau rằng khi họ phỏng vấn thì bà Besra chỉ đưa ra những câu trả lời giống y hệt nhau một cách rất máy móc chẳng khác gì bà đang trả bài đã học sẵn trước.

Nói về phép lạ thứ hai, Marcilio Haddad Andrino là người đàn ông cho rằng mình vô cùng may mắn. Ông kể lại ông đã bệnh nặng một thời gian lâu trước khi ông được biết là mình bị 8 bướu có mủ trong não. Ông và vợ ông cầu nguyện cho sự cứu độ của Mẹ Teresa, ông cho biết. Họ đặt một thánh tích của nữ tu Teresa lên đầu ông và thường xuyên cầu nguyện chung với nhau.

Ngày 9 tháng Mười Hai 2008, một cơn nhức đầu khủng khiếp làm Andrino bừng thức dậy. Bác sĩ của ông bảo ông phải vào giải phẩu cấp cứu lập tức.

Tuy nhiên trong lúc đang nằm trên băng ca chờ đẩy vào phòng mổ, ông kể lại, một phép mầu xảy ra. Andrino chợt thấy một cảm giác bình yên vô biên bất ngờ bao phủ cả người ông. Và cơn nhức đầu tự nhiên biến mất. Bác sĩ sau khi chụp quang tuyến lại đầu ông thì thấy các khối u đã teo nhỏ lại. Ba ngày sau ông hoàn toàn bình phục và những hình quang tuyến chụp sau đó cho thấy não của ông không còn một dấu vết gì của những khối u nữa.

Ông, và mọi người chung quanh ông kể cả những bác sĩ cũng đồng ý là sự bình phục bất ngờ nầy của ông không thể nào giải thích bằng cách gì hết ngoại trừ đây là một phép mầu.

Và phép mầu nầy cũng được Tòa Thánh chính thức chứng nhận.

Ở đây chúng ta có thể thấy rằng hai trường hợp chữa lành bệnh kể trên được chứng nhận là “phép mầu” vì Tòa Thánh cho rằng 1/ dựa trên chứng cớ y khoa thì những bệnh đó không thể nào bình phục được như vậy, 2/ tuy thế chúng rõ ràng đã bình phục hoàn toàn, và 3/ điều đó cho thấy là những lời cầu khẩn Mẹ Teresa đã trực tiếp dẫn đến việc Thiên Chúa ban phép chữa lành cho các bệnh nhân.

Philip Almond, Giáo Sư Nghiên Cứu về Lịch Sử Tôn Giáo của Đại Học Queensland ở Úc cho rằng Tòa Thánh kiểm chứng phép lạ bằng một phương pháp rất chủ quan. Chủ quan là vì người đứng đầu việc kiểm chứng là một tu sĩ Công Giáo và là một người tin rằng phép lạ có thể xảy ra. Với định kiến đó trong đầu, và lòng sùng tín sẵn có, phán quyết của ông rất có thể bị ảnh hưởng trầm trọng. Ngoài ra, kết quả của cuộc kiểm chứng không hề được kiểm tra một cách độc lập (peer review) để ngăn ngừa những sai sót có thể xảy ra trong quá trình kiểm chứng. Nếu phương cách kiểm chứng nầy dùng cho một nghiên cứu khoa học thì kết quả của nó sẽ có giá trị rất giới hạn.

Ông Almond sẵn sàng chấp nhận việc hai hiện tượng bình phục trên đã không thể giải thích được bởi y học. Đó là vì lúc nào cũng có những trường hợp mà khoa học hiện đại không giải thích được một hiện tượng gì đó.

Tuy vậy, theo ông, ngay cả nếu một hiện tượng không thể giải thích được bằng khoa học thì cũng không thể nào khẳng định rằng đó là phép mầu của Chúa Trời. Đó là vì ở đây, ngoài cách giải thích bằng phép mầu còn có những cách giải thích rất khả dĩ khác đã không hề được người của Giáo Hội, như Hồng Y Lobo, quan tâm đến. Thí dụ như vì sai lầm về chẩn đoán bệnh trạng lúc ban đầu của bệnh nhân, hay vì hiệu quả của các phương cách chữa trị y khoa đang áp dụng đồng thời, hay vì hiệu quả tâm lý placebo (thuốc giả có thể gây hiệu ứng thật), v.v. Do đó, trên phương diện Lý Luận Học, phương cách quy định việc phong thánh của Giáo Hội Công Giáo dựa trên một lối suy luận hoàn toàn thiếu sót và ngây ngô.

Trong bài bình luận đăng trên tờ Guardian ngày 2 tháng Chín 2016, ông Almond gọi đây là lối suy luận “Thượng Đế của Lỗ Hổng”: Khi có một lỗ hổng nào trong kiến thức khoa học thì cứ giải quyết bằng cách dùng Thượng Đế để lấp vào lỗ hổng đó. Nếu không giải thích chuyện gì được thì cứ cho nó là phép lạ. Và theo ông đây là một phương cách khá nguy hiểm để giới thiệu sự hiện hữu của Thượng Đế. Lịch sử đã cho thấy khoa học qua vài trăm năm nay đã đóng kín rất nhiều lỗ hổng trong kiến thức nhân loại. Mặc dù vẫn còn rất nhiều lỗ hổng trước mặt, mỗi lần một lỗ hổng được đóng kín là mỗi lần Thượng Đế nầy bị thu bóp nhỏ lại thêm một chút.

Lối lý luận nầy cũng dẫn đến thắc mắc nếu Mẹ Teresa có thể giúp chữa lành hai bệnh nhân trên thì tại sao vô số những tín đồ khác cũng thành tâm cầu nguyện bà nhưng đã bị Thiên Chúa ruồng bỏ không chữa trị cho? Còn những thiên tai, chiến tranh hay tai nạn chết người vô lý bất ngờ không giải thích được thì sao? Có phải chúng cũng là do ý của Thiên Chúa hay sao? Và nếu thế thì tại sao?

Và để kết luận, ông hỏi, “Tại sao Thiên Chúa nói chung có vẻ không muốn can thiệp thường xuyên đến những đau khổ của tín đồ? Hay là Ngài không có khả năng làm điều đó?”

Francis Rocca, một ký giả của Tòa Thánh chuyên viết bài trên báo The Wall Street, cho biết việc Giáo Hoàng Francis phong thánh cho nữ tu Teresa sẽ làm cho mọi người thấy rằng Vatican là một “giáo hội nghèo cho người nghèo” (“a poor church for the poor”) quan tâm đặc biệt đến những nước đang phát triển. Ông cho biết, “Trong lúc đang có những chia rẽ trong nội bộ Công Giáo, lễ phong thánh nầy sẽ cho Giáo Hoàng một cơ hội hiếm có để hàn gắn hai phe phái thường xung đột với nhau: một bên là những tín đồ quan ngại đến các vấn đề công bằng về quyền thế và tài lực trong xã hội, một bên là những người theo Mẹ Teresa chủ trương các giáo điều dễ gây tranh cãi nhất của Giáo Hội.”

Lời nhìn nhận trên có vẻ như giải thích được tại sao Tòa Thánh cương quyết tiến hành việc phong thánh cho Teresa bất kể nhiều dư luận bất lợi hiện nay. Lời nhìn nhận trên càng làm người ta nghi ngờ có những động lực khác, như chính trị hay quyền lợi riêng gì khác của Tòa Thánh, đứng sau lưng sự “chứng nhận” các phép lạ của Teresa. Đã có những trường hợp tương tự khác, bệnh nhân cũng bình phục một cách không thể giải thích được. Tuy nhiên có lẽ là thay vì cầu nguyện Teresa, họ đã cầu nguyện những nhân vật khác không được sự ủng hộ của Tòa Thánh nên những sự bình phục “kỳ diệu” của họ không được chứng nhận là phép lạ.

Hội Khoa Học và Lý Luận Ấn Độ từ lâu nay đã nhiều lần phản đối việc Tòa Thánh phong thánh dựa trên phép mầu nầy. Đại diện của hội, ông Arindam Bhattacharya hỏi, “Làm sao Giáo Hoàng Công Giáo lại có thể cổ động việc phép mầu chữa lành bệnh ở thời đại y khoa hiện đại ngày nay? Có phải ông ấy muốn quay ngược kim đồng hồ trở lại thời Trung Cổ hay sao?”

Ông cho biết ông lo lắng rằng trong một xứ sở tràn ngập những người dân thất học mê tín dị đoan như Ấn Độ, việc Giáo Hội quảng bá về phép lạ theo lối nầy sẽ làm càng nhiều người tin thêm là bệnh tật có thể chữa trị được bằng các phương pháp thần bí. Ông nói, “Nếu những người nghèo khổ đang bệnh nặng nhưng lại tin rằng phép lạ có thể cứu họ nên không tìm đến các trạm y tế để được chữa trị đàng hoàng, và nếu họ chết thì ai sẽ có trách nhiệm? Giáo Hoàng Francis hay hội Truyền Giáo Phước Thiện? Đó là sát nhân. Theo tôi rõ ràng đó là sát nhân.”

Christopher Hitchen trong tác phẩm của ông tựa đề “Vị Thế Truyền Giáo: Lý Thuyết và Thực Hành của Mẹ Teresa” (“The Missionary Position: Mother Teresa in Theory and Practice”) cho rằng “càng nhiều người sẽ càng nghèo đói và bệnh tật thêm nếu ai cũng noi gương làm theo những gì bà ấy làm”.

Christopher Hitchen là một tác giả vô thần tiền phong nên không có gì ngạc nhiên về những lời phê bình thẳng thừng của ông. Tuy nhiên, hầu hết những lời chỉ trích khác được tóm lược ở trên đều xuất phát từ các nguồn độc lập và trung lập. Ngay chính một số cựu thành viên tự nguyện tích cực nhất trong tổ chức Truyền Giáo Phước Thiện của Teresa cũng đã trở thành những nhân chứng sẵn sàng nhất để hỗ trợ các lời chỉ trích trên.

Mỗi người sẽ có một cách nhìn khác nhau về những phê bình và tường thuật của các tác giả kể trên. Câu tục ngữ “nếu không có lửa tại sao có khói?” không phải lúc nào cũng chính xác. Quan điểm của người viết ở đây chỉ là “Nếu thấy có khói thì ít nhất cũng nên tìm hiểu tại sao có khói”.

Chú thích:

 

Dữ liệu trong bài nầy được thu nhặt từ những trang web như:

http://www.9news.com.au/world/2016/09/02/18/12/mother-teresa-saint-or-hells-angel#IVHHJY2IOHpUCJqk.99

http://www.abc.net.au/news/2016-09-03/questioning-the-miracles-of-saint-teresa/7809818

https://whyevolutionistrue.wordpress.com/2013/03/05/a-new-expose-on-mother-teresa-shows-that-she-and-the-vatican-were-even-worse-than-we-thought/

http://www.sbs.com.au/news/article/2016/09/03/serious-doubts-over-alleged-miracle-cloud-mother-teresas-canonisation

http://www.huffingtonpost.com/krithika-varagur/mother-teresa-was-no-saint_b_9470988.html

https://www.theguardian.com/news/2016/sep/02/mother-teresa-saint-criticism-miracles-missionaries-abortion-suffering-canonisation

https://whyevolutionistrue.wordpress.com/2013/03/05/a-new-expose-on-mother-teresa-shows-that-she-and-the-vatican-were-even-worse-than-we-thought/

http://www.wsj.com/articles/mother-teresas-canonization-advances-pope-francis-agenda-1472751947

http://quanvan.net/2016/09/12/nguyen-nhan-tri-thanh-teresa/)

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page