top of page

Chương 1:

Sự Biến Thể trong những Sinh Vật đã được Thuần Hóa bởi Con Người 

 

 

Từ nhiều ngàn năm trước con người đã bắt đầu thuần hóa (tức là chăn nuôi và canh tác) nhiều động thực vật khác nhau. Họ quan sát thấy rằng các con thú sinh ra bởi cùng cha mẹ hầu như không bao giờ hoàn toàn giống nhau. Có những con thú mang một vài đặc điểm khác hẳn với anh chị em của chúng. Hơn thế nữa, có khi có những con thú mang vài biến thể dị biệt chưa bao giờ thấy trong các thế hệ cha mẹ, ông bà của chúng. Các hiện tượng nầy xảy ra thường xuyên trong động vật cũng như trong thực vật.

 

Nhiều biến thể dị biệt xảy ra ở một thế hệ nào đó có thể di truyền được sang những thế hệ sau.

 

Darwin nhận thấy rằng những chủng loại đã được thuần hóa ngày nay có thể được phân chia ra nhiều các tiểu loại hơn các chủng loại trong thiên nhiên. Thí dụ như có rất nhiều các giống lúa, cam, táo, v.v. trong nông nghiệp so với các giống lúa, cam, táo, v.v. hoang trong thiên nhiên. Tương tự, có rất nhiều giống bò, heo, gà, chó, v.v. được chăn nuôi bởi con người so với các số giống bò, heo, gà, chó, v.v. hoang trong thiên nhiên.

 

Darwin cho rằng hiện tượng nầy có liên quan đến hiện tượng biến thể dị biệt vừa kể trên.

 

Nhiều khoa học gia cùng thời Darwin cho rằng sự biến thể và khác biệt của các chủng loại là do điều kiện của môi trường sống (như sự khác biệt về thức ăn, nhiệt độ, v.v.). Đó là thí dụ tại sao các loài thú sống ở vùng lạnh thường có lông dầy và nhiều mỡ dự trữ trên người hơn so với các loài thú ở vùng ấm áp. Tuy vậy, Darwin nghĩ đây không phải là nguyên do chính yếu dẫn đến sự biến thể trong chủng loại; đó là vì có những sự biến thể mới vẫn xảy ra trong những chủng loại đã được thuần hóa từ lâu đời rồi trong khi không hề có một sự thay đổi nào ở môi trường sống của chúng.

 

Darwin cũng không đồng ý với lý thuyết cho rằng thói quen sử dụng một bộ phận nào đó trong cơ thể (nghĩa là bộ phận đó được sử dụng nhiều) là nguyên do chính của sự biến thể trong chủng loại. Tuy ông công nhận thói quen sử dụng khác nhau có thể đưa đến cấu trúc cơ thể khác nhau, thí dụ như loài vịt không biết bay có chân phát triển lớn mạnh trong khi loài vịt biết bay có cánh phát triển lớn mạnh, ông vẫn thấy lý thuyết nầy không giải thích được nhiều trường hợp biến thể rõ rệt khác.

 

Theo Darwin, tính di truyền của những biến thể dị biệt kể trên là cơ cấu chính đưa đến sự biến thể trong chủng loại. Những sinh vật cha mẹ truyền các đặc điểm dị biệt của chúng xuống con cháu, và một số các đặc điểm dị biệt nầy được tiếp tục truyền xuống các thế hệ tiếp sau. Sự di truyền giải thích được tại sao thỉnh thoảng có những biến thể chưa hề thấy lại đột nhiên xuất hiện trong cá nhân một động thực vật và rồi tái xuất hiện trong các thế hệ con cháu của chúng.

Darwin nhìn nhận khoa học trong thời đại ông không có đủ kiến thức để thấu hiểu về quy luật di truyền. Thí dụ như không ai biết rõ tại sao có khi có những đặc điểm dị biệt xuất hiện tự nhiên và đột ngột trong một vài cá nhân; cũng như tại sao có những biến thể nhảy một vài thế hệ, xảy ra trong cha mẹ nhưng không xảy ra trong con cái của chúng, và rồi lại tái xuất hiện trong con cái của con cái của chúng.

 

Có những biến thể đem đến ích lợi hay hợp sở thích của con người. Con người lựa chọn những cá nhân, những nhóm động 

thực vật nào có những biến thể mang ưu điểm để cho phép chúng sinh sản và tồn tại trong tương lai. Khi các biến thể dạng nầy xảy ra qua nhiều thế hệ và càng tích tụ chồng chất lên nhau thì những ưu điểm trên trong các thế hệ hậu sinh càng rõ rệt, và đồng thời chúng càng dần dần biến đổi khác biệt đi. Đến một mức độ khác biệt nào đó, các thế hệ sau sẽ được xem là những tiểu loại, hay có khi là những chủng loại mới.

 

Nói cách khác, trong quá trình chăn nuôi và canh tác, con người tích cực và liên tục tuyển chọn những tiểu loại, và chủng loại, nào có ích lợi hay hợp với sở thích của họ nhất. Các tiểu loại và chủng loại nầy sẽ được con người giữ lại để phát triển. Các tiểu loại và chủng loại không ích lợi hay không hợp sở thích của họ sẽ bị loại bỏ ra và bị tuyệt giống đi.

 

Ngoài những đặc tính có lợi hiển nhiên cũng có khi có những đặc tính tiềm ẩn rất khó nhận biết. Những đặc điểm ích lợi tiềm ẩn có thể được tích tụ qua nhiều thế hệ chăn nuôi và canh tác mà không do sự chủ động của con người. Thí dụ như một số loài vật có thể phát triển khả năng chống cự lại bệnh tật gây ra bởi một số vi khuẩn; hay thí dụ như có giống cừu mà những con nào lông trắng thì có thể ăn và tiêu hóa được một số cây lá có độc tố trong khi các con cừu lông đen tuy cùng giống nhưng sẽ bị trúng độc. Tuy vậy, kết quả vẫn là những sinh vật nào mang các đặc tính hữu ích nầy sẽ được con người ưa chuộng hơn những giống khác.

 

Trong Chương 1 nầy, Darwin chú trọng về nguồn gốc của các sinh vật đã được chăn nuôi và canh tác  bởi con người. Trong đa số trường hợp, không ai có thể xác định rõ ràng một chủng loại đã phát xuất từ một chủng loại gốc duy nhất hay từ nhiều chủng loại gốc khác nhau.

 

Một thí dụ khảo cứu tiêu biểu của Darwin là loài bồ câu. Darwin nhận thấy tất cả giống bồ câu đã thuần hóa đều có cấu trúc cơ thể và màu sắc căn bản tương tự nhau. Tuy vậy mỗi giống có một vài đặc tính cá biệt nổi bật mà các giống khác không có. Thí dụ như giống bồ câu đuôi quạt (fantail) có nhiều lông đuôi xòe ra rộng, giống bồ câu phùng ngực (pouter) có thể tự phùng bầu diều (và do đó ngực) của nó lớn lên, giống bồ câu đưa tin của Anh (English carrier) có thân mình thon ốm và cổ dài với mỏ dài đồng thời có cách bước đi rất khệnh khạng, loài bồ câu lộn nhào (tumbler) có khả năng lộn nhào ngược đầu lại khi đang bay và có mặt rất ngắn, v.v. Ngoài ra, mỗi giống bồ câu trên còn phân ra thành một số tiểu giống nữa; mỗi tiểu giống tuy đều mang đặc tính cá biệt của giống đó nhưng đồng thời có thêm vài đặc điểm khác nhau. Một điều cần nhớ là các giống bồ câu nầy đều nằm trong môi trường quản lý bởi con người và không hề hiện hữu trong thiên nhiên.

Bồ câu đá hoang (Rock pigeon – Columba livia)

Bồ câu đưa tin của Anh (English carrier)

Bồ câu đuôi quạt (fantail)

Bồ câu lộn nhào (tumbler)

Bồ câu phùng ngực (pouter)

Theo Darwin, và nhiều nhà sinh vật học khác, thì tất cả các giống bồ câu trên đều xuất phát từ một chủng loại bồ câu đá hoang (rock pigeon – Columba livia). Darwin giải thích như sau:

 

1. Ngoại trừ các đặc tính cá biệt kể trên trong mỗi giống, so trong tất cả chủng loại bồ câu hoang thì các giống nầy đều mang những đặc điểm tương tự với chủng loại bồ câu đá hoang Columba livia nhất. Thí dụ như một vài đặc điểm về màu lông, nổi bật nhất là 2 sọc đậm màu ở cánh, của loài gốc bồ câu đá hoang Columba livia thường xuất hiện ở nhiều thế hệ của các giống bồ câu trên.

 

2. Nếu cho rằng mỗi giống bồ câu trên đã phát xuất từ một chủng loại bồ câu hoang khác nhau thì cần phải có tối thiểu 7 hay 8 chủng loại bồ câu hoang khác nhau trong thiên nhiên, và mỗi chủng loại nầy đều cần phải có tối thiểu một đặc tính của các giống bồ câu đã được thuần hóa kể trên. Có nghĩa là trong thiên nhiên cần phải có ít nhất một loại bồ câu có đuôi xòe tròn rộng bằng hay hơn giống đuôi quạt, ít nhất một loại bồ câu có khả năng phùng ngực to ra bằng hay hơn giống phùng ngực, ít nhất một loại bồ câu có mặt ngắn và khả năng lộn nhào ngược trong khi đang bay, v.v. Tuy vậy, chưa ai bao giờ tìm thấy loài bồ câu hoang nào trên thế giới mang những đặc tính trên.

3. Nếu trong lịch sử đã từng có các loài bồ câu hoang mang những đặc tính trên thì tất cả các loài nầy không có lý do gì đều đã diệt chủng. Bằng chứng là hiện nay vẫn còn nhiều chủng loại bồ câu hoang khác đang sinh sống một cách ổn định hàng ngàn năm nay ở đủ mọi môi trường và vùng đất trên thế giới.

 

4. Nếu đã từng có các loài bồ câu hoang mang những đặc tính trên đi nữa thì con người trong các thời đại đơn sơ trước đây rất khó đã có thể thành công trong việc thuần hóa và truyền giống tất cả các chủng loại ấy. Đó là vì như các nhà chăn nuôi đều biết, mang một giống thú hay một giống cây cỏ hoang về nuôi sống là một điều rất dễ so với việc làm sao cho chúng có thể sinh sản trong môi trường nhân tạo. Hiện tượng nầy xảy ra cho đại đa số các chủng loại gốc của các giống động thực vật đã được thuần hóa và canh tác bởi con người (ngoại trừ một số nhỏ các chủng loại như loài thỏ, chuột, v.v.)

 

5. Sau khi pha lẫn những tiểu loại (hay “giống”) bồ câu khác nhau thì con cháu của chúng vẫn có khả năng sinh sản bình thường. Điều nầy cho thấy rằng hầu như chắc chắn tất cả các giống bồ câu hiện nay đều đã xuất phát từ một chủng loại duy nhất. Đó là vì nếu pha lẫn hai chủng loại khác nhau thì những đứa con lai giống của chúng đều hoặc sẽ tuyệt sản hoặc sẽ có nhiều khó khăn trong vấn đề sinh sản. 

 

Tổng kết các nhận xét trên cho thấy tất cả các giống bồ câu hiện nay tuy mang hình dáng và có những đặc tính khác nhau đều đã xuất phát từ một loài bồ câu gốc Columba livia.

 

Ngoài bồ câu ra, Darwin cũng khảo cứu nhiều chủng loại đã được thuần hóa khác và đều có những nhận xét tương tự. Ông do đó kết luận rằng hầu hết mỗi nhóm trong các chủng loại nầy đều xuất phát từ một chủng loại gốc, chớ không phải từ nhiều chủng loại gốc khác nhau như nhiều người nghĩ.

 

 

 

Luận Giảng

 

Trong Chương 1, Darwin dùng sự quan sát của ông trên các sinh vật đã được con người thuần hóa để cho thấy mối quan hệ giữa sự di truyền của các biến thể xảy ra trong cá nhân và sự phân chia thành ra nhiều chủng loại khác nhau.

 

Darwin nhận thấy những biến thể trong các chủng loại đã được thuần hóa, và cải tiến liên tục, bởi con người xảy ra qua những thời gian tương đối rất ngắn ngủi so với những chủng loại trong thiên nhiên. Đó là vì con người có chủ đích và toàn quyền điều khiển sự sinh sản và truyền giống của các sinh vật do họ quản lý và cải tiến nên chỉ trong vòng vài mươi năm là chúng ta có thể nhận thấy được sự biến đổi rõ ràng về hình vóc lẫn khả năng và thói quen sinh sống của một giống vật hay một giống cây cỏ. Darwin tin rằng chỉ trong vòng vài ngàn năm, có nhiều trường hợp chỉ cần vài trăm năm (và gần đây có thí nghiệm cho thấy chỉ cần vài mươi năm), là nhiều động thực vật dưới sự quản lý của con người đã có thể biến đổi thành ra những sinh vật hoàn toàn khác biệt so với những sinh vật tổ tiên của chúng. Trong khi đó có thể mất hàng trăm ngàn năm để những sinh vật trong thiên nhiên đạt được các biến đổi tương tự.

 

Mục đích chính của Darwin khi nghiên cứu về nguồn gốc của các chủng loại được quản lý bởi con người là để so sánh với các chủng loại trong thiên nhiên và diễn giải về nguồn gốc của chúng.

 

Nguồn gốc của phần lớn các chủng loại đã được con người thuần hóa khá mơ hồ. Đó là vì con người đã bắt đầu làm việc nầy từ thời tiền sử, và người thời tiền sử cũng như ở các thời đại thô sơ kế tiếp không có ý niệm hay phương tiện để ghi chép lại những gì họ làm. Thí dụ, nhiều chủng loại đã được thuần hóa từ thời cổ đại như chó (giữa 15.000 và 30.000 năm), trâu bò (khoảng 9.000 năm), lừa ngựa (khoảng 4000 năm), v.v.

 

Tuy vậy, cũng có nhiều chủng loại khác (như các loại chim nhất là bồ câu và các loại cá kiểng, hoa kiểng, v.v.) mà quá trình thuần hóa, canh tác và cải tiến của chúng đã được ghi chép lại cẩn thận trong vòng vài trăm năm nay. Những tài liệu nầy giúp Darwin củng cố lý thuyết của ông thêm vững chắc.

 

Từ những quan sát về các sinh vật đã được cai quản bởi con người, kèm với những tài liệu tìm được, Darwin cho rằng chỉ có kết luận sau đây là hợp lý nhất: nhiều chủng loại được con người cai quản ngày nay tuy có các đặc tính khác biệt hẳn nhau nhưng thật ra đều đã xuất phát từ một chủng loại gốc trong quá khứ.

 

Ông cho rằng diễn tiến của một quá trình thuần hóa và canh tác xảy ra như sau:

 

  • Một chủng loại được con người mang về từ môi trường thiên nhiên để thuần hóa. Đây là chủng loại “gốc”.

 

  • Dần dần, có một vài biến thể nhỏ (những đặc điểm khác biệt) xảy ra giữa cha mẹ và con cái. Darwin không biết rõ tại sao có những dị biệt nầy xảy ra, tuy nhiên ông không nghĩ môi trường sống hay thói quen sử dụng là nguyên nhân chính đưa đến những biến thể trên. (Khoa học ngày nay, với kiến thức về di truyền học, chứng minh rằng những biến thể dị biệt trên thường là do các “tai nạn” rủi ro xảy ra trong quá trình thành lập các chuỗi DNA từ thế hệ nầy sang thế hệ khác).

 

  • Con người sẽ giữ lại các con thú (hay cây trái) sinh ra với các dị biệt có ích lợi hoặc hợp với ý thích của họ với mục đích để làm giống sinh sản ra những thế hệ sau. Họ sẽ loại bỏ các con thú (hay cây trái) sinh ra với các dị biệt không có các ưu điểm trên.

 

  • Nhiều dị biệt sinh ra đột ngột ở một thế hệ nào đó có thể di truyền sang các thế hệ con cháu của chúng. (Darwin cho rằng đây là yếu tố mấu chốt trong lý thuyết phát sinh chủng loại của ông).

 

  • Những biến thể dị biệt có ưu điểm trên dần dần chồng chất lên qua nhiều thế hệ. Con người tiếp tục lựa chọn và phát triển những sinh vật sinh ra với các dị biệt thích hợp cho họ và loại bỏ những sinh vật không thích hợp. Tùy nhu cầu của mỗi nhóm người ở mỗi hoàn cảnh địa lý, xã hội khác nhau mà các dị biệt trong gia súc và cây trái của họ được tuyển chọn khác nhau. Từ đó mỗi mỗi tập thể, mỗi dân tộc tạo ra mỗi nhóm gia súc và cây trái khác nhau.

 

  • Khi dân số của một nhóm sinh vật mang các ưu điểm trên càng lớn lên thì các ưu điểm ấy càng có dịp xảy ra và di truyền nhiều hơn và nhanh hơn. Khi nhóm sinh vật nầy đạt đến một dân số đáng kể nào đó thì chúng sẽ được xem là một tiểu loại khác.

 

Darwin cho rằng theo trình tự kể trên, một chủng loại gốc có thể dần dần phân nhánh ra thành nhiều tiểu loại khác nhau và hiện hữu ở nhiều vùng đất khác nhau.

 

Sự quan sát và suy luận của Darwin có thể áp dụng đúng cho hầu như tất cả các chủng loại đã được thuần hóa và canh tác bởi con người. Ông cho rằng tất cả chúng đều đã qua những quá trình cải tiến tương tự vừa kể trên trước khi biến thành những chủng loại mà chúng ta biết ngày nay.

 

Một thí dụ về động vật là loài bò. Con người bắt đầu thuần hóa một giống bò hoang (auroch) ở Á Châu, Âu Châu và miền bắc Phi Châu khoảng giữa 7.000 và 10.000 năm về trước. Giống bò hoang nầy to lớn, vạm vỡ, có sừng dài và hung hăng hơn nhiều so với các giống bò sữa hiện nay. Giống bò hoang nầy chỉ mới tuyệt chủng vào năm 1642. Giống bò sữa ngày nay, và các tiểu loại lân cận, có hình dạng, tính khí, khả năng và nhu cầu sinh sống rất khác với chủng loại gốc của chúng.

Bò hoang (auroch)

Bò sữa ngày nay

Một thí dụ về thực vật đó là trái chuối chúng ta ăn thường ngày. Các loại chuối ngày nay đã được loài người bắt đầu canh tác và phát triển từ một vài loại chuối hoang có lẽ là ở Papua New Guinea khoảng 9.000 năm về trước. Các loài chuối hoang nầy vẫn còn được tìm thấy trong thiên nhiên ngày nay, trái của chúng có nhiều hình dáng khác hẳn với trái chuối ngày nay và đầy những hạt cứng không ăn được. Loài chuối chúng ta ăn hiện nay không có khả năng thụ phấn thành quả nếu không có sự giúp đỡ của con người.

Môt loại chuối hoang

Môt loại chuối hoang khác

Môt loại chuối ăn ngày nay

Các thí dụ trên cho thấy rõ chỉ cần qua một thời gian tương đối ngắn ngủi (vài ngàn năm), con người đã có thể điều khiển sự phát triển của nhiều chủng loại (hay nói cách khác, làm chúng “tiến hóa”) theo ý muốn của họ để biến chúng thành những chủng loại khác biệt hẳn (về hình dạng, cấu trúc, tính khí, khả năng hoạt động và sinh sống) với các chủng loại “gốc”.

 

bottom of page