Nguyễn Nhân Trí -
- Tôn Giáo
- Sự Chết và Con Người
- Thuyết Tiến Hóa
ẢO VỌNG và GÔNG CÙM
LỜI TỰ BẠCH
Tôi yêu những hình ảnh quê hương của bàn thờ ông thiên trước sân mỗi nhà trong xóm quê, của bà mẹ già lụm cụm thắp hương khấn vái tổ tiên trong đêm giao thừa, của lễ hội đình nhộn nhịp với nhang đèn tượng mã rực rỡ.
Tôi yêu những mẩu chuyện mộc mạc của bà lão cúng ông địa nãi chuối khi tìm ra bầy gà tưởng đã đi lạc mất, của anh tài xế xe đò đốt giấy tiền vàng bạc cho cô hồn trước đầu xe mỗi sáng để đừng gặp tai nạn, của bác ngư phủ không cho vợ đặt chân lên thuyền khi đang trong kỳ kinh nguyệt vì sợ xui xẻo.
Tôi hiểu được khi một người mắc bệnh ung thư ở giai đoạn cuối cùng thì không có gì cần thiết và quan trọng hơn lời hứa hẹn rằng cái chết sắp đến với họ thật ra chỉ là giai đoạn chuyển tiếp vì rồi họ sẽ vẫn còn hiện hữu ở một cõi thế giới nào khác toàn vẹn và vĩnh cửu hơn.
Tôi hiểu rằng đối với một người mẹ đang bồng trên tay đứa con vừa qua đời, chỉ có niềm tin rằng đứa con nầy vẫn còn tồn tại đâu đó và bà rồi sẽ có dịp gặp lại nó một ngày trong tương lai mới có thể xoa dịu phần nào được sự đau đớn tột cùng của bà.
Tôi thông cảm rằng những người đang sống cuộc đời bần hàn, khốn khổ có thể cảm thấy an ủi ít nhiều khi tin rằng Thượng Đế toàn năng từ bi của họ vì lý do huyền bí gì đó đã sắp đặt cho cuộc đời họ như vậy (nếu họ là một tín đồ Thiên Chúa Giáo), hoặc vì kiếp trước họ đã làm nhiều điều tội lỗi nên kiếp nầy họ đành phải trả cho hết nghiệp dữ đó (nếu họ là một tín đồ Phật Giáo).
Tôi nhìn thấy được giá trị và sự quan trọng của các niềm tin trên. Tôi hiểu rằng đây là một loại thuốc an thần cần thiết để giúp những người nầy đối phó với các nỗi sợ hãi, khổ đau, mất mát trong đời sống họ.
Tuy vậy, ở một mức độ tri thức khác tôi không có kiên nhẫn với những người quảng bá và duy trì các điều tệ hại và tai hại xảy ra trong tín ngưỡng nói chung và nhất là trong các tổ chức tôn giáo nói riêng.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình đạo Phật tiêu biểu. Cũng giống như hầu như tất cả mọi đứa trẻ khác, tôi theo đạo của gia đình tôi. Tôi cũng bắt chước theo người lớn ăn chay, đi chùa, lạy Phật, làm phước. Có một lúc, hoàn cảnh đưa đẩy tôi tiếp cận với Thiên Chúa Giáo. Vì vậy có thể nói là tôi khá quen thuộc với những niềm tin cơ bản của hai đạo nầy. Nhưng có thể nói rằng trong hơn ba mươi năm đầu tiên trong đời tôi đã sống như là một người theo đạo Phật “bình thường”.
Thật ra ngay từ lúc đó tôi đã có vài mối nghi ngờ và bất đồng ý về một số điều giảng dạy trong các đạo nầy. Tuy vậy, cũng như bao nhiêu người khác, tôi không bao giờ dám thắc mắc hay chất vấn vì tôi đã được dạy dỗ từ bé rằng tất cả những gì thuộc về tôn giáo đều là “thiêng liêng” và phải được kính nể.
Đến một cỡ tuổi nào đó, người ta thường để dành nhiều thì giờ hơn cho lãnh vực tâm linh. Có lẽ đó là lúc mà họ chợt nhận thấy sự mong manh và ngắn ngủi của đời sống. Có lẽ đó là lúc mà ngoài những bận bịu, đam mê, cám dỗ thường ngày trong đời sống thì sự chết bất chợt bắt đầu trực tiếp hay gián tiếp lảng vảng đâu đó trong tiềm thức và tư duy của họ.
Khi giai đoạn nầy xảy đến với tôi, tôi bắt đầu tự tìm tòi, học hỏi tích cực về tôn giáo; bắt đầu là Phật Giáo rồi kế đó là Thiên Chúa Giáo. Thuở nhỏ tôi nói chung là một học sinh giỏi. Tôi siêng học, nhất là các môn tôi ưa thích như toán, vật lý, hóa học, triết lý và sau nầy, luận lý học. Các môn học trên đem lại cho tôi một khả năng phân tích và suy luận cơ bản khá vững chắc.
Có lẽ vì thế mà khi tìm học về tôn giáo thì tôi một nửa để thỏa mãn nhu cầu tâm linh và một nửa với tinh thần của một khảo cứu gia. Tôi bắt đầu tự tìm tòi học hỏi thêm về lãnh vực tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Và thay vì chỉ đọc những tài liệu viết bởi các tác giả tôn giáo mà thôi, tôi cũng đọc những tài liệu viết bởi các tác giả “ngoại đạo” nữa. Nhờ vậy mà tôi có sự so sánh giữa những quan điểm khác nhau từ nhiều góc độ khác nhau.
Theo sự hiểu biết của tôi, một trong những lời dạy cơ bản nhất của Thích Ca Mâu Ni là “Hãy dùng tri thức mà tự suy nghĩ để tìm hiểu về chân lý; đừng nhắm mắt mù quáng nghe theo lời của bất cứ ai, kể cả của Ta”. Tôi dùng lời dạy trên của Thích Ca Mâu Ni làm tôn chỉ gối đầu. Tôi không chấp nhận một tín điều, một lời giảng dạy, một lý thuyết nào vô điều kiện. Tôi luôn luôn thắc mắc, chất vấn, phân tích, tranh luận với mọi người - và quan trọng nhất là với chính tôi.
Tôi liệt kê ra những câu hỏi như “chuyện gì xảy ra sau khi chết?”, “có linh hồn hay không?”, “ma quỷ thần thánh Trời Phật có thật không?”, “con người từ đâu đến?”, v.v. rồi tự tìm tòi và đúc kết các lý thuyết khác nhau lại để cố đưa ra những câu trả lời cho chính tôi. Các câu trả lời nầy nhiều lúc thay đổi theo thời gian và theo những kiến thức mới hơn, những cách suy nghĩ khác hơn của tôi. Nói cách khác, các câu hỏi lẫn các câu trả lời của tôi tiến hóa theo kiến thức và sự suy nghĩ của tôi.
Qua một quá trình tìm tòi, phân tích, suy luận dài thì các lý thuyết và câu trả lời của tôi dần dần quy tụ về một hướng. Và hướng nhìn nầy không cho phép tôi chấp nhận đại đa số những gì mà các tôn giáo nói chung (nhất là Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo nói riêng) đang quảng bá và truyền dạy.
Vào khoảng đầu thập niên 1990, tôi có dịp quen biết một tu sĩ Phật Giáo du mục người Anh pháp danh Abhinyana (đã từ trần vài năm trước). Tư tưởng của ông ấy nói chung là “Nếu thấy điều xằng bậy trong lãnh vực tôn giáo, tín ngưỡng mà không mạnh dạn lên tiếng phê bình, chỉnh sửa thì không làm tròn trách nhiệm của một người tự xưng là đi theo con đường Phật pháp”. Có lẽ đây là lần đầu tiên mà tôi gặp một tu sĩ làm chuyện nầy, và có lẽ đây là bước ngoặc thay đổi hẳn cách nhìn của tôi về phương diện tâm linh.
Từ đó tôi trở thành một người vô tôn giáo.
Như đã nói, tôi công nhận nhiều ích lợi và điều tốt lành đem đến bởi tôn giáo. Tuy vậy, những mê tín dị đoan, những điều huyễn hoặc tà mị, lường gạt bóc lột, đàn áp, cưỡng bách, tàn ác, vô đạo đức, v.v. liên quan đến triết lý nền tảng của Thiên Chúa Giáo và nhiều lãnh vực thực hành của cái gọi là Phật Giáo ngày nay cần được mọi người nhìn thấy và công nhận.
Tôi không muốn chấp nhận những điều trên vì chúng có nhiều ảnh hưởng xấu cho xã hội và con người, trong đó có tôi và các thế hệ con cháu của tất cả chúng ta.
Nếu chữ “tín đồ” có thể dùng để chỉ mọi người tin theo một hệ thống tín ngưỡng hay tôn giáo nào đó, kể cả Phật tử, con chiên lẫn tăng ni, tu sĩ, linh mục, v.v. thì, theo tôi, tín đồ vì đã bị thuần hóa từ nhỏ bởi quan niệm “bất cứ điều gì liên quan đến tôn giáo, kể cả các lãnh tụ và tổ chức tôn giáo, đều là thiêng liêng và do đó bất khả xâm phạm” nên họ không muốn, và không dám, đối diện các vấn đề trên. Tôi thông cảm, nhưng không muốn chấp nhận, điều nầy.
Có những người tự cho là “trí thức” (hay đáng lẽ biết sử dụng lý trí và kiến thức của họ) nhưng lại trực tiếp lẫn gián tiếp bảo vệ cũng như truyền bá những tư tưởng cổ hũ và huyễn hoặc. Tôi ngao ngán và bực bội trước sự thiếu văn hóa, lẫn thiếu trách nhiệm, của họ.
Nói chung, tôi cho rằng những mê tín dị đoan, những điều huyễn hoặc tà mị, lường gạt bóc lột, đàn áp cưỡng bách, tàn ác, vô đạo đức, v.v. nói trên là một dạng gông cùm của tâm linh con người. Qua lịch sử và đời sống xã hội, tôi nhìn thấy đầy rẫy chung quanh tôi tác hại của chúng.
Nhận định đó đã giúp tôi có thể tẻ hướng đi riêng theo một con đường khác và thoát ra khỏi những gông cùm ấy.
Có người hỏi tại sao tôi phê bình, chỉ trích tôn giáo. Họ cho rằng tôi làm như vậy là không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người khác.
Theo tôi thì phê bình, chỉ trích tôn giáo, và nhiều sự kiện liên quan đến tín ngưỡng, không có nghĩa là không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người khác. Tương tự, tôi tôn trọng quyền tự do bài bạc, uống rượu của người khác nhưng không có nghĩa là tôi không phê bình, chỉ trích những sự kiện tai hại liên quan đến bài bạc và nghiện ngập.
Đối với tôi thì bài bạc, rượu chè và tôn giáo đều là những sản phẩm của con người. Bài bạc, rượu chè có giá trị tiêu khiển, giải trí nhưng cũng có những tai hại của chúng. Những tai hại nầy vì rõ rệt về vật chất nên nhiều người nhìn thấy được. Tôn giáo có những giá trị tâm linh, tinh thần nhưng tương tự cũng có những mặt tệ hại, tai hại của nó. Điều khác biệt là những tai hại của tôn giáo vì phức tạp và không hiển nhiên nên nhiều người không nhận thấy. Điều khác biệt nữa là vì tôn giáo được xem là “thiêng liêng” nên được nhiều người bảo vệ, che chở.
Hơn nữa, nếu tự do tín ngưỡng là quyền của một người được tin vào một điều gì đó thì nó cũng là quyền của một người khác được không tin vào một điều ấy. Nếu tín đồ được quyền phơi bày niềm tin của họ một cách công khai (thí dụ như xây dựng nhà thờ hay chùa chiềng, tham dự các buổi lễ hội cúng bái, bàn luận về giáo lý, v.v.) một cách thoải mái thì những người vô tôn giáo cũng phải có quyền được phát biểu công khai những tư tưởng phi tín ngưỡng của họ mà không lo sợ bị kỳ thị hay áp bức.
Có người hỏi tôi dựa vào tiêu chuẩn nào khi phê phán những người dùng đức tin của họ để lý luận.
Câu trả lời của tôi là tôi dùng cùng chung một tiêu chuẩn mà những người nầy vẫn dùng hàng ngày cho tất cả mọi lãnh vực khác trong đời sống của họ. Họ và tôi đều cùng dùng lý trí kết hợp với kiến thức khoa học và nguyên tắc lý luận cơ bản để suy xét, phân tích, kiểm chứng, so sánh, v.v trước khi đi đến bất cứ kết luận hay quyết định gì trong bất cứ lãnh vực gì liên quan đến từ vấn đề giao dịch, thương mãi,đầu tư cho đến các vấn đề sinh hoạt, vật chất lẫn tinh thần như ăn mặc, mua sắm, đi đứng, giao thiệp, hôn nhân, giáo dục, văn hóa, giải trí, v.v. và v.v.
Đối với tôi thì điều đáng buồn là thế mà khi bàn luận về lãnh vực tín ngưỡng thì những tín đồ nầy lại loại bỏ tất cả các phương tiện suy luận trên để thay thế chúng bằng khái niệm “đức tin”. Khái niệm “đức tin” nầy trong tôn giáo đòi hỏi một sự tin tưởng vô điều kiện bằng cách gạt bỏ mọi suy luận dựa trên cơ sở thực tế.
Có người gán đặt là tôi có ý định muốn bài trừ, dẹp bỏ tôn giáo.
Theo tôi thì việc tiêu diệt tôn giáo chỉ là mơ mộng của các chuyên gia vô thần. Tôn giáo đã và sẽ mãi mãi hiện diện với con người. Tôn giáo có nhiều ích lợi lớn: trong nhiều trường hợp, nó đem đến sức mạnh và đoàn kết con người với nhau. Ích lợi quan trọng nhất của tôn giáo là có tác dụng như một loại thuốc an thần hay giảm đau cho nhân loại. Có điều là thuốc an thần hay giảm đau nào cũng có phản ứng phụ và những trường hợp lạm dụng. Khi phê bình về tôn giáo và tín ngưỡng ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh về những phản ứng phụ của chúng và những trường hợp lạm dụng mà thôi.
Chẳng những thế, tôi cũng không có tham vọng thuyết phục làm người khác từ bỏ niềm tín ngưỡng và tôn giáo của họ. Tôi chỉ muốn trình bày về bản chất thật sự của tín ngưỡng và cái bề mặt đen tối, tai hại của tôn giáo cho người khác thấy mà thôi. Không ai có thể làm ai khác từ bỏ niềm tin của họ được. Chỉ khi nào một người tự chất vấn và tự nhận thấy bản chất thật của tôn giáo rồi và nếu muốn thì may ra một ngày nào đó họ tự thay đổi cái nhìn về tâm linh của họ.
Tôi dùng chữ “may ra” ở trên là vì ngay cả khi một người đã nhận thấy tôn giáo của họ có các khuyết điểm nghiêm trọng nhưng trong đa số trường hợp họ không thể thay đổi gì cả. Phần lớn những người nầy sẽ lo sợ sự chống đối của gia đình của họ, không muốn đối phó với áp lực của cộng đồng và xã hội, không muốn bị kỳ thị là người“vô thần”, v.v. Cái lý do lớn nhất thường là họ không có đủ can đảm chịu nhận là họ và gia tộc lẫn cả truyền thống của họ đã sai lầm trong vấn đề nầy. Phản kháng lại niềm tin và tôn giáo của chính mình cần có rất nhiều can đảm, nhất là để làm điều đó công khai.
Tuy vậy, tôi hy vọng là có những người nếu họ đã hiểu rõ bản chất thật sự của tín ngưỡng thì họ sẽ bớt e dè, sợ sệt để chất vấn, tìm hiểu các vấn đề đáng được chất vấn, tìm hiểu trong tôn giáo của họ. Tôi biết có nhiều người đã mang những nghi ngờ, đã nhận thấy những khuyết điểm trầm trọng trong tôn giáo của họ nhưng vẫn còn đang ngần ngại không biết phải nghĩ sao hay làm gì. Khi đọc qua những quan điểm của tôi thì hy vọng họ có thể sẽ tự tin hơn để củng cố thêm được cái nhìn của họ và tự đi đến những kết luận riêng cho chính họ.
Kế đó, tôi cũng hy vọng là có những người nếu họ nhận thấy được cái bề mặt đen tối, tai hại của tôn giáo thì họ sẽ hành sử và áp dụng niềm tín ngưỡng của họ vào đời sống một cách thích hợp hơn.
Thí dụ, họ sẽ tự giải thoát họ ra khỏi những tín điều cổ hũ, vô lý trong tôn giáo của họ. Thí dụ, họ sẽ không còn sợ sệt bởi những hăm dọa hoang đường hay bị dẫn dụ bởi các hứa hẹn ảo tưởng trong kinh sách. Thí dụ, họ sẽ không còn tôn thờ các tăng sư, linh mục một cách mê muội và nhắm mắt nghe theo các lời giảng dạy của những người nầy một cách mù quáng. Thí dụ, họ sẽ không còn bị gạt gẫm, tự gạt gẫm và góp phần truyền bá sự gạt gẫm nầy đến người khác và các thế hệ con cháu của họ.
Tuy nhiên, đây phải là quyết định riêng của mỗi cá nhân. Nếu họ muốn thì họ phải tự bước tới về hướng đi mà họ lựa chọn. Tôi chỉ có thể nói về dòng suối của tôi; những ai đang khát nước cần phải tự tìm đường đến dòng suối của họ để uống.
Theo tôi, chúng ta ai cũng cần có trách nhiệm phải nhìn thấy những tệ nạn sai trái trong tôn giáo và giúp cho mọi người khác nhìn thấy những tệ nạn sai trái nầy. Nếu không thì làm sao có hy vọng gì nâng cao trình độ dân trí và cải thiện đời sống xã hội? Nếu mỗi thế hệ của cả dân tộc càng ngày càng tràn ngập những người tối ngày chỉ biết đi chùa bái lạy cầu phước, cúng vong hay vào nhà thờ khấn nguyện cho linh hồn họ được cứu rỗi thì tương lai dân tộc đó sẽ đi đến đâu?
Về mặt giải quyết các vấn đề trong xã hội, dân tộc đó sẽ trở thành những người thay vì suy nghĩ, nghiên cứu tìm ra giải đáp hay tranh đấu và tìm phương hướng hành động thì họ chỉ biết dựa vào những sức mạnh vô hình hoang tưởng. Nếu cúng bái và cầu nguyện đem lại kết quả thì tại sao vẫn còn những chết chóc, khổ đau, bất hạnh cũng như vô số điều bất công, dã man xảy ra hàng ngày ngay cho những tín đồ sùng đạo nhất?
Về mặt trí tuệ, thay vì nhận diện những việc lường gạt, bóc lột, lạm dụng quyền hành vì tư lợi để tích cực cải sửa thì họ lại e sợ bị mất phước đức hay bị mang tội nếu phê bình các tu sĩ, tăng sư (“Ai làm sai trái thì họ có tội còn tui chỉ biết đọc kinh, lần chuỗi”). Họ sẽ trở thành một dân tộc được huấn luyện biết vâng lời vô điều kiện bất kể sai đúng miễn là họ được an thân. Họ cũng sẽ là những thế hệ được dạy dỗ phải từ bỏ lý trí và khả năng suy xét để lệ thuộc một cách tiêu cực vào sự phán đoán kể cả vô căn cứ của kẻ khác.
Chính quyền hiện hành ở Việt Nam đầy rẫy những kẻ ngu dốt và mê tín dị đoan. Ai nói “cộng sản không tín ngưỡng” là không nhìn thấy thực tế. Vô số cán bộ cũng rước tượng phật, tượng đức Mẹ về nhà xì xụp cúng bái và cũng đi cúng vong, cầu hồn, coi đồng cốt, bói toán, v.v. Cán bộ càng cao cấp thì tượng phật càng to lớn, cúng kiếng càng nhiều tiền, đốt vàng mã càng “hoành tráng”, đi cầu khẩn “xác cô” “vía bà” càng thường xuyên vì có đầy đủ phương tiện.
Hiện tượng “nhà ngoại cảm” là một thí dụ. Hiện tượng nầy không hề được mấy ai biết đến trong những năm còn đói nghèo nhưng ngày nay đang tràn ngập từ bắc vô nam và được cả nhà cầm quyền chính thức công nhận và sử dụng. Mê tín dị đoan đi đôi với ngu dốt. Chính quyền Việt Nam không có khả năng hay ý thức để kéo dân trí ra khỏi bãi bùn lầy mê tín dị đoan vì phần lớn chính họ cũng đang lặn ngụp trong bãi bùn lầy đó.
Những người phản đối việc chỉ trích những sai trái trong tôn giáo là những người góp phần bịt mắt bịt tai người dân và dung túng những tệ nạn đó. Nếu chỉ đứng từ xa kêu gào hô hào lật đổ chính quyền thối nát mà không chịu cố gắng sửa đổi bại phong hủ tục cùng vung bồi dân trí và nhân trí trong xã hội thì làm sao hy vọng thành công?
Tôi biết rằng ngay cả với sự tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật ngày nay, vẫn có nhiều hiện tượng mà không ai có thể giải thích thỏa đáng được. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta nên kết luận rằng các hiện tượng nầy “huyền bí” hay “thiêng liêng”.
Nhiều người tin rằng có các đấng thiêng liêng có thể phù hộ họ trong lúc họ sống và cứu rỗi họ về một cõi vĩnh cửu sau khi họ chết. Niềm tin nầy đem lại một sự an lành cho tâm linh họ. Tuy vậy, theo tôi cho đến nay chưa có bằng chứng khách quan và thỏa đáng cho thấy có đấng thiêng liêng nào phù hộ, cứu rỗi ai cả. Tôi cũng không nghĩ rằng mỗi cá thể chúng ta sẽ còn tồn tại vĩnh viễn sau cái chết. Hiểu được, và quan trọng nhất là chấp nhận được, sự kiện nầy đem lại tự do và sức mạnh tâm linh cho tôi.
Có nhiều người còn cho là tôi làm việc cho cộng sản khi thấy tôi chỉ trích tôn giáo, nhất là Thiên Chúa Giáo. Những người đó dùng lối suy luận sau đây: 1/ Cộng sản bài kích tôn giáo, và 2/ Tôi “bài kích” tôn giáo, do đó 3/ Tôi là cộng sản. Theo tôi, điều nầy chỉ cho thấy rõ sự yếu kém trong kiến thức cơ bản của họ về quy tắc Tam Đoạn Luận.
Có người cũng cho rằng vì chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo cho nên mặc dù tôi không phải là cộng sản nhưng khi đả kích tôn giáo là tôi đang vô tình giúp sức cho cộng sản. Theo tôi thì đó không phải là một lý do chính đáng để im miệng chịu đựng những điều tàn tệ, những lỗi lầm trong tôn giáo mãi mãi.
Tôi đã rất nhiều lần đắn đo không biết những bài viết của tôi sẽ đem lại những ích lợi và những tai hại gì đến người đọc; và các ích lợi đó có đáng kể bao nhiêu so với các tai hại, nếu có. Tôi biết rằng một số bài viết của tôi sẽ làm nhiều người phẩn nộ vì họ cho rằng tôi xúc phạm đến các niềm tin thiêng liêng của họ. Đây có lẽ là điều làm tôi băn khoăn và áy náy nhất. Tuy nhiên, tôi hy vọng là những người nầy sẽ dần dà nhận hiểu ra được đây chỉ là một điều bất đắc dĩ mà tôi phải làm; không ai muốn bỏ công sức và thời giờ ra để cố ý gây hiềm khích và tự chuốc phiền hà vào mình. Tôi chỉ nghĩ những người nầy nên nhận biết rằng liều thuốc an thần của họ có nhiều phản ứng phụ và các phản ứng phụ nầy đang gây ra những ảnh hưởng xấu lên thế giới của tôi, cũng như của họ.
Tôi biết rằng bất kể tôi nói gì hay giải thích gì đi nữa thì những tín đồ sùng đạo triệt để vẫn sẽ bác bỏ các lý luận của tôi để bênh vực tôn giáo của họ và tiếp tục tin theo những gì họ muốn tin. Tôi hiểu rằng một cây nến không thể nào là đối thủ của bóng tối. Tôi hiểu rằng một ngàn cây nến cũng không thể nào là đối thủ của bóng tối. Một căn phòng tối cần phải có một cánh cửa ăn thông với ánh sáng bên ngoài. Tuy vậy nếu phần lớn những người sống trong phòng sợ chói mắt và nguyền rủa ánh sáng thì việc mở cửa ra chỉ là một ảo tưởng.
Có những người trước đây đã thắp lên các ngọn nến của họ trong căn phòng tối nầy. Vì vậy sau khi cân nhắc tôi đã quyết định sẽ cố thắp lên ngọn nến của tôi. Ít ra là cho chính tôi.
Tạp Chí Da Màu: http://damau.org/archives/38840
Thiên Chúa Giáo
Hồi Giáo