top of page
SỰ CHẾT và CON NGƯỜI
TANG LỄ - PHẢN ỨNG CỦA CON NGƯỜI TRƯỚC SỰ CHẾT

Một Hình Thức Phủ Nhận

 

Tỷ lệ tử vong trong tất cả mọi sinh vật là 100%. Khi một người chết đi thì gia đình và xã hội chung quanh họ sẽ dùng những quy luật, thủ tục đã có sẵn từ bao đời để áp dụng cho họ.

 

Dân tộc Ashanti ở miền tây Phi Châu chôn người chết của họ dưới mặt đất với tư thế nằm nghiêng bên trái và hai tay lót dưới đầu. Thổ dân Tiwi ở miền bắc Úc để người chết nằm trên mặt đất rồi phủ đất đá lên trên. Một nhóm thổ dân Úc khác ở New South Wales nung khói tử thi cho đến khi nó khô cứng lại trước khi bỏ vào hang động. Dân tộc Bavenda ở Nam Phi bỏ người chết vào nhà của họ, đóng cửa lại bỏ đi và căn nhà đó trở thành nhà mồ của họ. Người da đỏ Sioux khâu người chết vào trong những bộ da nai hoặc bò rừng rồi để trên những tàng cây cao. Vài sắc dân Tây Tạng chặt tử thi làm từng khúc, lóc thịt ra khỏi xương, nghiền xương nhỏ ra rồi trộn tất cả với bột lúa mạch và mang đến những bờ núi cao cho thú hoang ăn. Vài sắc dân khác chỉ gói tử thi lại bằng vải thô rồi đem để trên núi để cho kên kên và chó sói ăn. Tín đồ Ấn Độ giáo chen chúc bên bờ sông Ganges để hỏa thiêu xác người thân họ rồi rải tro xuống nước; có những tử thi không cần được hỏa thiêu mà được thả thẳng xuống sông. Người Việt Nam hoặc mai táng người chết trong nghĩa trang, hoặc hỏa táng, với những nghi thức cúng tụng rườm rà tùy theo tôn giáo mỗi người.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thật ra tất cả mọi dân tộc đều có những thủ tục nghi lễ đi kèm theo đám tang của thân nhân họ. Ngay từ những nhóm người tiền sử cho đến những xã hội tân tiến nhất ngày nay. Và tất cả các thủ tục nghi lễ tang chế nầy đều cùng mang một hàm ý duy nhất: chết không phải là kết thúc mà chỉ là một quá trình chuyển tiếp. Và đây là điều mà tất cả con người đều mong ước: chinh phục sự chết và trở thành bất tử.

 

Niềm sợ hãi về sự chết và sự tan biến vào hư vô dẫn đến phản ứng và hành vi trên của con người.

 

Con người là gì? Thứ nhất, con người là một con vật biết suy nghĩ. Thứ hai, con người là một con vật nhận biết được thế lực bất khả kháng của sự chết đang chờ đợi họ. Họ nhận biết thế nào rồi họ cũng sẽ phải chết. Và trong tiềm thức họ cũng biết rằng sau khi chết họ sẽ trở thành hư không. Tuy vậy có cái gì đó trong đầu họ làm cho họ muốn phủ nhận và chống đối lại việc nầy.

 

Cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy bất cứ loài vật nào khác có cùng khuynh hướng trên. Dĩ nhiên là mọi loài vật đều tuân theo bản năng sống còn tự nhiên và phản ứng khi đứng trước những nguy hiểm có thể dẫn đến sự chết. Tuy vậy, không giống như con người, chúng không hề có hành vi gì có vẻ như muốn phủ nhận việc hiện hữu đương nhiên của sự chết.

 

Hầu như tất cả những việc gì con người làm đều bị ảnh hưởng bởi sự nhận biết và sự cố gắng kháng cự lại sự chết của họ. Có thể nói niềm sợ hãi về sự chết là một trong những yếu tố quan trọng nhất điều khiển mọi tư tưởng và hành vi hàng ngày mặc dù khi họ thường không cảm nhận được điều nầy.

 

Trong những người trẻ tuổi và những người có sức khỏe dồi dào thì niềm sợ hãi về sự chết, tuy vẫn hiện diện trong tiềm thức, thường không nằm túc trực trên tri thức của họ. Những người già yếu hay bệnh tật nghiêm trọng thì sự chết là một điều chiếm đóng các suy nghĩ của họ thường xuyên.

 

Một trong những phương cách hữu hiệu nhất để con người yên tâm về vấn đề chết là tự trấn an họ bằng các mơ ước và tưởng tượng một sự sống trường cửu sau cái chết mà họ không thể nào tránh được. Không những chỉ mơ ước và tưởng tượng mà thôi, con người còn cho phép họ tin tưởng vào ảo vọng trên như một sự kiện thực tế. Mê tín dị đoan và tín ngưỡng, tôn giáo nhờ thế ra đời và thịnh hành.

 

Khi đứng trước những tàn phá của thiên tai, bệnh hoạn, nguy hiểm, v.v. (tất cả đều có thể dẫn đến sự chết), con người cảm thấy vô cùng tuyệt vọng với sự nhỏ bé và bất lực của họ. Để chống chọi lại niềm tuyệt vọng nầy, họ muốn và cần có một sự bảo vệ từ một thế lực lớn mạnh hơn họ. Con người nhân cách hóa những mối hiểm nguy trong thiên nhiên mà họ không có đủ kiến thức để giải thích hay chống trả được; họ gọi chúng là các “thần linh”. Rồi như những con thú yếu đuối cần có sự che chở của con thú đầu đàn, con người sáng tạo ra những “thượng đế”. Quan niệm nầy cho phép con người biến đổi từ những con thú bất lực trước sự tàn nhẫn lạnh lùng của thiên nhiên trở thành những sinh vật có giá trị đặc biệt có thể cầu xin để được ưu đãi và yêu thương bởi những thượng đế của họ. Quan niệm nầy rất có ích lợi cho sự sống còn của nhân loại vì nó làm dịu bớt đi được phần nào nỗi lo sợ vô vọng về sự chết luôn luôn ngấm ngầm cắn rứt trong tiềm thức của họ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Như đã thấy ở trên, khi đồng loại của họ chết, con người ngay từ xưa nay đã chế đặt ra đủ loại nghi thức, luật lệ (mà họ gọi là “tang lễ”) để giải quyết sự việc nầy. Trước nhất, họ muốn bám víu vào ý tưởng rằng chết không có nghĩa là chấm dứt tất cả. Đồng thời họ muốn né tránh không phải nhìn thấy sự hư hoại, thối rữa, tiêu hủy xảy ra với cơ thể đã chết của đồng loại họ (và một ngày nào đó của chính họ).

 

 

Một Hành Trình Không Trở Lại

 

Khi nhìn kỹ vào một đám tang của hầu như bất cứ dân tộc và tôn giáo nào, chúng ta có thể thấy những lễ nghi trong đám tang ấy có hai mục đích chính. Thứ nhất, người còn sống muốn biểu lộ lòng thương tiếc của họ trước một sự mất mát to lớn và thi hành những thủ tục nhằm giúp đỡ thân nhân vừa chết của mình có một “đời sống” tốt đẹp ở một thế giới khác nào đó dựa trên niềm tín ngưỡng của họ. Thứ hai, họ muốn bảo đảm rằng người đã chết sẽ không thể trở về để quấy nhiễu họ.

 

Trong phần dưới đây tôi muốn chú trọng vào mục đích thứ hai kể trên.

 

Con người luôn luôn sợ hãi về sự chết, và do đó sợ hãi cả người chết, kể cả người thân của họ. Vô số nghi thức tang lễ và phong tục đã được chế đặt ra với dụng ý để bảo vệ người còn sống. Nhiều nghi thức tang lễ để cố tránh làm phật lòng người vừa chết hoặc phật lòng các ma quỷ thần thánh đã gây ra cái chết của người ấy. Nhiều nghi lễ để cố ngăn cách và ngăn cản không cho người chết lẫn ma quỷ có cơ hội tiếp xúc và làm hại người còn sống.

 

Có vô hình vạn trạng những nghi thức tang lễ tùy theo dân tộc, thời điểm cũng như tín ngưỡng, tôn giáo. Tất cả những nghi thức tang lễ ngày nay, của bất cứ dân tộc nào, đều bắt nguồn từ các phong tục mê tín dị đoan được bắt đầu và thịnh hành nhiều thế kỷ, hay có khi hàng ngàn năm, trước.

 

Phong tục vuốt mắt người vừa chết khép lại (ngoài việc giúp cho xác người chết giống như “đang ngủ” thay vì giống như “đã chết”) xuất phát từ niềm tin cần phải đóng chặt cánh cửa thông thương giữa thế giới người còn sống và thế giới của người vừa chết lại. Phong tục đậy mặt người vừa chết lại là để cho hồn của người chết không thể trốn thoát trở về thế giới người sống qua miệng và mũi của họ. Có những bộ lạc Phi Châu sẽ đốt cháy nhà của một người vừa được chôn để hồn của họ không trở về ở được.

 

Vào thế kỷ 19 ở Âu Châu và Mỹ Châu, người chết (hoặc quan tài của họ) được khiêng ra khỏi nhà với chân đi trước để cho hồn của họ không thể nhìn ngược lại được vào nhà và lôi kéo người nào khác trong gia đình đi theo họ. Phong tục nầy cũng áp dụng trong hầu hết mọi tang lễ ở Việt Nam. Tất cả gương soi trong nhà có tang lễ đều bị phủ vải kín để hồn người chết không bị kẹt dính vào bên trong chúng và do đó không thể bị kẹt lại quanh quẩn trong nhà được. Các tấm ảnh gia đình đều được úp mặt xuống để hồn người chết không thể ám những thân nhân còn sống trong ảnh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ở nhiều xứ Á Châu khi một người vừa chết, gia đình họ thay phiên nhau canh giữ tử thi ngày đêm cho đến khi mai táng. Một trong những lý do họ làm việc nầy là để tránh thú vật (nhất là mèo) đến gần hay nhảy qua tử thi vì họ tin rằng người chết có thể bị dương khí của con thú làm tạm thời sống lại và trở thành “quỷ nhập tràng”.

 

Có những dân tộc áp dụng nhu cầu “bảo vệ người còn sống” một cách rất cực đoan. Dân Saxon (tổ tiên của dân tộc Anh) cắt đứt chân của người chết để họ không thể đi trở về được. Một số bộ lạc Nam Mỹ cắt đứt rời đầu của người chết và chôn nó riêng để người chết vì quá bận rộn tìm kiếm đầu mình nên không có thời giờ phá rối người còn sống.

Những tảng đá và bia mộ to lớn nặng nề trong nghĩa trang (ngoài việc phô trương vị thế quan trọng của người đã mất) có thể đã xuất phát từ niềm tin rằng đè giữ hồn người chết lại để họ không thể trồi lên được. Nhiều nhà mồ cổ ở Âu Châu có lối ra vào ngoằn ngoèo để không cho hồn người chết thoát ra ngoài vì người ta lúc đó tin rằng linh hồn chỉ có thể di chuyển theo đường thẳng. Nhiều gia đình, ngay cả ở Việt Nam, sau khi làm lễ mai táng cho người thân họ sẽ trở về nhà theo một lối đi khác hẳn với lối họ đã đi đến nghĩa trang. Họ tin rằng làm như vậy thì hồn người chết sẽ không biết đường nào để đi theo họ trở về nhà lại.

 

Theo phong tục Việt Nam, nếu trong nhà có người vừa chết thì thân nhân thường mời “thầy” về xem ngày. Chữ “thầy” ở đây áp dụng cho thầy cúng, thầy tụng, thầy tu, thầy chùa hay bất cứ ai tự xưng là biết “coi ngày”, tức là “ngày tốt” hay “ngày xấu”. Nếu chẳng may thầy nói rằng người chết nhằm “ngày trùng” (và chuyện nầy xảy ra khá thường xuyên) thì thân nhân phải nhờ thầy cúng tụng, trấn ếm để người chết không thể “trở về” lôi kéo thêm thân nhân chết theo họ. “Nhờ thầy” ở đây có nghĩa là trả tiền trực tiếp hay gián tiếp cho thầy để làm việc nầy. Nghi lễ cúng tụng, trấn ếm có thể kéo dài cả ngày nên công sức của thầy thường được đền bù hậu hĩ. “Trấn ếm” thường có nghĩa là nhờ thầy dán bùa chú lên quan tài, hay có khi lên thân thể hay quần áo của tử thi, để linh hồn người chết không thể nào thoát ra và trở lại lôi kéo người trong gia đình được. Việc người nầy chỉ cách mấy hôm trước đây lúc còn sống đã từng là cha mẹ hay người phối ngẫu thân thiết dường như không còn ý nghĩa lắm nữa. Gia đình của họ dường như đã lập tức thay thế sự thương yêu đã từng đối với người chết bằng một niềm sợ hãi đối với họ.

 

Ngay cả một số nghi thức tang lễ ngày nay được xem như là dấu hiệu tôn trọng người vừa chết có khi thật ra đã xuất phát từ vấn đề “bảo vệ người còn sống”. Việc nổi kèn trống inh ỏi, dộng chuông nhà thờ hay chuông chùa, dàn chào bắn súng, v.v. trong nhiều phong tục dân tộc đều đã từng có ý nghĩa để làm các ma quỷ đang hiện diện xung quanh tang lễ sợ hãi và tránh xa ra.

 

Ở các thế kỷ 17, 18 những người dân Anh vừa mới có đám tang trong gia đình đều đeo màng vải đen thưa che mặt họ lại mỗi khi đi ra đường. Người ta thời đó tin rằng hồn người vừa chết thường lảng vảng chung quanh thân nhân họ; nếu một người lạ nhìn thẳng vào mặt người đang có tang thì hồn người chết có thể nhập vào người lạ nầy. Ngày nay, người ta đeo màng vải thưa trên mặt tại đám tang vừa để che dấu sự sầu khổ trên mặt và vừa như một món thời trang.

Những người khiêng quan tài thường mang găng tay. Ngày nay việc nầy được xem là một trong những hình thức giúp cho tang lễ tăng phần long trọng. Tuy nhiên phong tục nầy đã xuất phát từ niềm tin rằng nếu những người nầy đụng tay trần của họ vào quan tài thì hồn người chết sẽ dễ chui qua da tay và xâm nhập vào họ.

 

Ở nhiều nghĩa trang Âu Châu, đại đa số các người chết chôn trong mộ đều nằm đầu quay về hướng Tây và chân quay về hướng Đông. Đây là một phong tục rất xưa xuất phát từ những tôn giáo cổ của Âu Châu thờ đa thần và thiên nhiên (Paganism). Những người nầy cho rằng chôn như vậy thì người chết khi sống lại mở mắt ra sẽ nhìn thấy phương đông (là hướng mặt trời mọc - biểu tượng cho sự sống lại) và sẽ đi thẳng về phía đó đến cõi sống mới của họ.  Thiên Chúa Giáo sau nầy đã tiếp tục sử dụng quan niệm sẵn có đó để biến thành niềm tin rằng vào ngày Phán Xét thì đấng cứu thế của họ sẽ đi đến từ phương Đông; vì vậy ngay cả ngày nay nhiều nghĩa trang Tây Phương vẫn còn tuân theo cách xếp đặt trên.  

 

Sự kiện nhiều nghi thức tang lễ chú trọng vào việc bảo vệ người sống là một điều khá lý thú. Có vẻ như là ngay sau khi một người trong gia đình vừa chết đi rồi thì họ không còn thuộc về gia đình của họ nữa. Thân nhân của họ một mặt than khóc thương tiếc về sự ra đi của họ nhưng một mặt cũng làm đủ mọi cách để người chết không thể còn liên quan hay mang ảnh hưởng xấu đến người còn sống. Nói cách khác, gia đình họ muốn bảo đảm sự ra đi của họ là một hành trình không trở lại. Phản xạ sinh tồn của con người một lần nữa trong trường hợp nầy cho thấy sự an toàn và sống còn là tối quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác.

 

 

 

       Tạp Chí Da Màu: http://damau.org/archives/36462

bottom of page