Nguyễn Nhân Trí -
- Tôn Giáo
- Sự Chết và Con Người
- Thuyết Tiến Hóa
ẢO VỌNG và GÔNG CÙM
GIỚI THIỆU
Có một sự thật khó phủ nhận, đó là mỗi người chúng ta sinh ra một mình và rồi sẽ chết một mình.
Có những lúc trong đời, con người khát khao muốn biết chuyện gì xảy ra cho họ bên ngoài hai thời điểm sinh và tử ấy. Như lữ hành trong sa mạc, họ vọng tưởng về những ốc đảo với hàng cây xanh và suối nước ngọt; lần lượt hết ảo ảnh nầy đến ảo ảnh khác.
Những bài tiểu luận ở đây là nhận định của tôi về một số vấn đề liên quan đến các ảo ảnh đó, cái mà chúng ta gọi là tín ngưỡng và tôn giáo.
Ở đây, khi dùng chữ “tôn giáo”, tôi chủ yếu nói về Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo vì đây là hai tôn giáo phổ biến nhất ở Việt Nam. Tôi cũng đề cập đến Hồi Giáo vì phong trào khủng bố được bọn cuồng tín gọi là “thánh chiến” đang có nguy cơ lan tràn trên thế giới hiện nay.
Trước hết, tôi xin xác nhận rằng tôn giáo nói chung có nhiều ích lợi cho con người và xã hội. Tôn giáo phục vụ nhu cầu tâm linh của con người rất hữu hiệu bằng cách xoa dịu sự đau khổ trước những mất mát không tránh khỏi và trấn an những nỗi sợ hãi không giải tỏa được. Tôn giáo cũng đóng góp phần nào vào việc phổ biến một khuôn khổ đạo đức và kềm giữ hành vi của một số người trong khuôn khổ đó.
Tuy vậy, dưới một cái nhìn khác thì tôn giáo cũng là ảo vọng và gông cùm của nhân loại.
Tại sao là ảo vọng?
Tại vì hầu như tất cả mọi tín điều trong tôn giáo đều chỉ là sản phẩm tưởng tượng đã được con người tự tạo dựng ra để cố thỏa mãn các nhu cầu tâm linh trên của họ. Các niềm tin nầy không tương ứng với những gì thật sự xảy ra trong thực tế.
Tại sao là gông cùm?
Tại vì đại đa số người ta trở thành nô lệ cho những sản phẩm tâm linh tưởng tượng nầy. Lịch sử nhân loại đã và đang cho thấy rằng tôn giáo và tín ngưỡng là một trong những công cụ hữu hiệu và phổ biến nhất để con người lường gạt, cai trị, đàn áp, bóc lột lẫn nhau.
Ở đây tôi không có ý định bài trừ tôn giáo. Trước nhất, đó là một điều vô tưởng và bất khả thi. Thứ hai, đó là vì tôn giáo có những ích lợi cho xã hội như vừa kể trên.
Tôi cũng không có ý định cải hóa bất cứ ai. Đó là vì tôi tin rằng không thể nào thay đổi niềm tín ngưỡng của một người nếu chính người ấy không muốn điều đó xảy ra. Ở đây tôi chỉ đưa ra những nhận xét, những nghi vấn để người đọc tự đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời cho chính mình. Nếu họ muốn.
Có những câu hỏi và câu trả lời có thể đưa một người ra khỏi vòng cương tỏa của những ảo vọng và gông cùm nói trên.
Ở đây tôi chỉ muốn trình bày về những tai hại và tệ nạn đi kèm theo và nằm trong tôn giáo. Theo tôi, mỗi người dù là tín đồ hay không đều có bổn phận với xã hội để nhìn thấy và làm cho mọi người khác nhìn thấy những tai hại và tệ nạn trên. Không nhìn thấy thì làm sao có hy vọng gì sửa đổi hay cải tiến nó được?
Tôi cũng không cố ý xúc phạm hay làm thương tổn đến bất cứ ai mặc dù có những bài bình luận ở đây sẽ chỉ trích trực diện vào niềm tín ngưỡng và tôn giáo của họ. Tôi chỉ dựa vào những nhận xét khách quan, những dữ kiện thực tế để viết những bài bình luận nầy.
Thông điệp duy nhất của tôi ở đây, nếu có, là xin đừng quên sử dụng tri thức và khả năng lý luận sẵn có của mình khi suy nghiệm về các vấn đề tâm linh. Nói cách khác là hãy tập thói quen đừng nhắm mắt tin theo vô điều kiện bất cứ điều gì được rao giảng bởi bất cứ ai, bất cứ kinh sách hay tài liệu gì.
Nội dung đại cương của các tiểu luận nầy trình bày về:
- Nguồn gốc và bản chất của tín ngưỡng và tôn giáo.
- Những sự việc tệ hại và tai hại trong tôn giáo.
- Những sai lầm thông thường của tín đồ; vì vô ý thức và vì vô kiến thức.
Các tiểu luận nầy là sự phối hợp nội dung của một số bài viết tôi đã đăng trên những diễn đàn hay trang mạng khác. Đôi khi có những lập luận, những chi tiết có vẻ như được lập đi lập lại. Đó là vì nhiều vấn đề trong lãnh vực tín ngưỡng tôn giáo có liên quan mật thiết chằng chịt lẫn nhau nên rất khó có thể tách rời chúng hoàn toàn ra được.
Trước khi vào các đề mục chính, tôi xin có vài lời về tôi (tôi là ai, tại sao tôi soạn thảo ra những tiểu luận nầy) qua bài "Lời Tự Bạch" dưới đây:
Và dưới đây là các đề mục chính:
Phật Giáo
Tôn Giáo
Thiên Chúa Giáo
Hồi Giáo