Nguyễn Nhân Trí -
- Tôn Giáo
- Sự Chết và Con Người
- Thuyết Tiến Hóa
ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM
Luật Nhân Quả
Tôi có vài vấn đề với một khái niệm cơ bản của Phật Giáo, đó là cái thường được gọi là "luật Nhân Quả".
Luật Nhân Quả có thể được giải thích đại loại là “gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy”.
Trên lý thuyết, luật Nhân Quả có thể giải thích được dựa trên các nguyên tắc vật lý như Bảo Toàn Năng Lượng hay Lực và Phản Lực. Tuy vậy, theo tôi thì lý thuyết nhân quả nầy không thể chứng nghiệm được trong thực tế; nó quá tổng quát đến độ trở thành gần như vô giá trị. Và hơn nữa nó không thể hiện một cách xác định và khẳng định được trong thực tế.
Đó là vì mối liên hệ giữa nhân và quả trên thực tế không phải chỉ là 1 hay 2 chiều mà là gần như vô số chiều. Với một mối liên hệ cực kỳ phức tạp như vậy thì những cách diễn tả như “gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy” hay “làm lành sẽ gặp lành, làm ác sẽ gặp ác” trở thành quá đơn giản. Không ai có thể áp dụng chúng vào đời sống hàng ngày một cách chính xác đủ để giúp ích được gì cả. Tất cả chỉ là những ước đoán, một cách hoàn toàn mơ hồ và lỏng lẻo.
Sự cực kỳ phức tạp của mối liên hệ giữa "nhân" và "quả" được cho thấy sau đây.
Trước hết, xét về mối liên quan hệ quả giữa một cá nhân với chính người ấy: Giả dụ rằng bất cứ mỗi hành vi và ý nghĩ của một người đều có hệ quả lớn nhỏ lên tất cả hành vi và ý nghĩ khác của người đó, và ngược lại. Giả định nầy tương đối giản dị và dễ thấy (tuy nhiên việc nầy có thật sự xảy ra trong thực tế hay không vẫn không xác định được theo phương cách khoa học).
Kế đó, xét về mối liên quan hệ quả giữa một cá nhân với tất cả mọi người có liên hệ với cá nhân đó: Giả dụ rằng bất cứ mỗi hành vi và ý nghĩ của một người đều có hệ quả lớn nhỏ lên bất cứ mỗi hành vi và ý nghĩ của tất cả mỗi người khác liên quan xa gần đến người ấy, và ngược lại. Giả định nầy lập tức trở thành rất phức tạp khi xét đến sự tương quan của tất cả mọi người có liên hệ nhân quả với người đó qua một thời gian tương đối ngắn ngùi, thí dụ như một đời người, chớ đừng nói chi đến nhiều kiếp người chồng chất lên nhau.
Hơn nữa, vì Phật Giáo cho rằng có hàng hà sa số thế giới hiện hữu đồng thời với nhau nên không gian sẽ không còn là 3-chiều nữa mà là vô số chiều. Và một lý thuyết Phật Giáo khác cũng cho rằng có hàng hà sa số kiếp mà tất cả mọi kiếp đều liên quan đến nhau. Từ đó dựa theo lý thuyết của vật lý định lượng (quantum physics) vì không gian có vô số chiều và thời gian có vô số tầng lớp thì chúng ta có thể suy ra thời gian rất có thể không còn là 1-chiều nữa. Nói cách khác, khi xét về liên quan hệ quả thì chúng ta rất có thể cần phải xét về những mối liên hệ của một người đối với tất cả sự việc chung quanh họ không những trong một dòng thời gian “đi tới" mà còn trong dòng thời gian khác “đi lùi" nữa.
Có nghĩa là nếu áp dụng tất cả những lý thuyết trên vào chung với nhau thì rất có thể không mỗi hành vi và ý nghĩ của một người từ quá khứ vô tận có liên quan hệ quả đến hiện tại mà mỗi hành vi và ý nghĩ của họ trong tương lai vô tận cũng có liên quan hệ quả đến hiện tại nữa.
Nếu chỉ nói về lý thuyết "biệt nghiệp" (nghĩa là liên quan hệ quả giữa từng người với mọi sự việc chung quanh họ) mà thôi thì cũng đã phức tạp rồi. Nếu thêm vào đó lý thuyết "cộng nghiệp" (nghĩa là liên quan hệ quả giữa từng nhóm người với từng người, và với từng và tất cả nhóm người khác) thì mức độ phức tạp của vấn đề nầy sẽ nhân thêm lên gấp không biết bao nhiêu lần nữa.
Như vừa thấy nếu tất cả những giả dụ trên đều được áp dụng chồng chất lên nhau cùng một lúc thì sự liên quan hệ quả giữa bất cứ một sự kiện nào đó và hầu hết mọi sự kiện khác sẽ vô cùng phức tạp và thường có ảnh hưởng cực kỳ nhỏ đến độ gần như không còn đáng kể nữa.
Để giải thích về chữ "cực kỳ nhỏ" ở trên, tôi dùng thí dụ sau đây. Nếu sự kiện A chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi một sự biện B mà thôi thì ta có thể nói rằng "A chịu chi phối 100% bởi hệ quả của B". Nếu sự kiện A chịu ảnh hưởng bởi 10 sự kiện B1, B2, B3,…, B10 khác nhau thì hệ quả của mỗi sự kiện B ở trên nói chung chỉ bằng 1 phần mười của tổng số các hệ quả tác động lên sự kiện A ở một thời điểm nào đó. Nếu sự kiện A chịu ảnh hưởng bởi vô số sự kiện B khác nhau thì hệ quả của mỗi sự kiện B sẽ nhỏ vô cực so với tổng số các hệ quả tác động lên sự kiện A ở một thời điểm nào đó.
Trong phương diện hệ quả dựa trên nguyên lý Nhân Quả trên thì không ai có thể tiên đoán một cách chắc chắn và chính xác được tương lai của một người dựa trên những hành vi trong quá khứ và hiện tại của họ.
Chứng cớ rất rõ ràng cho nhận định nầy là trong thực tế là có vô số người suốt đời làm điều lành nhưng gặp toàn điều dữ, và ngược lại. Trong đời sống hàng ngày, việc “làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ” chỉ xảy ra ở một số trường hợp; ở vô số trường hợp khác, điều nầy dường như không hề xảy ra. Ngay cả những khi việc nầy có vẻ xảy ra, không có gì để xác định được rằng đó là do nguyên lý “nhân quả” chớ không phải chỉ là do một sự ngẫu nhiên hay do vô số những nguyên nhân khả dĩ khác.
Đây là lý do mà theo tôi thì khái niệm “nhân quả” chỉ có thể được gọi là “giả thuyết” chớ không nên là “luật” vì khi đã là “luật” thì nó cần phải kiểm chứng được và đáng tin cậy trong mọi trường hợp.
Một điều cần nhấn mạnh là tôi không hẳn cho rằng luật Nhân Quả không đáng quan tâm đến. Tôi chỉ cho rằng luật Nhân Quả tuy có thể hiện hữu nhưng vì cực kỳ phức tạp nên không thể nào biết được mỗi hành vi và ý nghĩ sẽ có hệ quả gì đáng kể hay không; và nếu có thì bao nhiêu và ra sao.
Có người lý luận rằng mỗi giọt nước nhỏ dần dần cũng có thể làm đầy (hay làm vơi) một hồ nước lớn. Tôi không bất đồng ý với cái nhìn nầy. Tuy vậy tôi cũng cho rằng thay vì dùng cái luật Nhân Quả mơ hồ trên để làm chuẩn mực cho cách hành sử hàng ngày thì tại sao chúng ta không cứ làm điều thiện chỉ vì chúng ta muốn làm điều thiện hay chỉ vì chúng ta cảm thấy vui sướng khi làm điều thiện? Tại sao chúng ta cần phải cân nhắc, lo nghĩ là mỗi việc chúng ta làm sẽ có nhân quả ra sao?
Khái niệm Nhân Quả có những ích lợi của nó. Cũng như nhiều thứ khác trong tôn giáo, khái niệm Nhân Quả có thể dùng để đem lại hy vọng hay để an ủi. Một bà già hiền lành nhưng nghèo khổ suốt đời có thể dựa vào khái niệm Nhân Quả để hy vọng một ngày mai tươi đẹp hơn, ở kiếp sống nầy hay kiếp sống sau. Bà cũng có thể dùng khái niệm Nhân Quả để tự an ủi rằng gã ăn cướp giật tiền của bà hôm nọ thế nào cũng gặp chuyện rủi ro xảy đến cho hắn một ngày nào đó.
Khái niệm Nhân Quả thật ra có thể khuyến khích người ta năng làm việc thiện và tránh làm việc ác. Thí dụ một con lừa có thể được khuyến khích để bước đi tới bằng cách hoặc đập roi vào mông nó hoặc dùng một củ cải nhử trước miệng nó. Tuy vậy theo tôi thì nếu con lừa hiểu được rằng nó cần phải bước đi tới và tự nó muốn bước đi tới thì vẫn hay hơn và có hiệu quả nhiều hơn.
Có người cho rằng trên đời có vô số thí dụ rõ ràng khi người làm lành gặp được việc lành và người làm ác gặp phải điều dữ. Theo tôi đó chỉ là hiện tượng “thu thập dữ kiện một cách thiên vị”.
Lúc nào cũng có 4 trường hợp:
1/ người hiền gặp điều hiền,
2/ người hiền gặp điều dữ,
3/ người dữ gặp điều hiền, và
4/ người dữ gặp điều dữ.
Nếu mọi điều kiện tiên đề đều bằng nhau thì xác suất xảy ra của 4 trường hợp nầy tương đối ngang ngửa nhau. Tuy vậy, những người tin vào Nhân Quả thường chỉ chú trọng, nhận thấy, ghi nhớ và phổ biến lại những gì có vẻ tương ứng với khái niệm Nhân Quả (trường hợp 1 và 4). Vì những trường hợp khác (2 và 3) không nằm trong cách nhìn của họ nên họ thường không chú trọng, nhận thấy, ghi nhớ hay phổ biến lại.
Vì lý do trên, chỉ có những mẩu chuyện hỗ trợ nguyên lý Nhân Quả được truyền đi dạy lại với nhau từ đời nầy sang đời khác. Vì lý do trên, khái niệm Nhân Quả tồn tại và lan tràn sâu rộng trong tín ngưỡng Phật Giáo.
(http://damau.org/archives/45554)
Thiên Chúa Giáo
Hồi Giáo