top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

ISIS - Mối Tương Quan với

Hồi Giáo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Việc ngăn trừ và tiêu diệt phong trào cuồng tín Hồi Giáo ISIS ngày càng là một vấn đề khẩn cấp hơn cho nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ngay bây giờ nếu thế giới Tây Phương có đủ lực lượng quân sự và thế lực chính trị để làm chuyện đó thì vẫn chưa đủ. Có một vấn đề nữa cần phải giải quyết cho tận gốc. Nếu không thì trong tương lai vẫn sẽ có những bọn cuồng tín tương tự xuất hiện nữa.

 

Nhiều người đặt câu hỏi, “ISIS có là những tín đồ Hồi Giáo thật sự không?” Hay nói cách khác, “ISIS có diễn giải Kinh Koran chính xác không?”

 

Các nhận xét sau đây có thể trả lời câu hỏi trên.

 

Tài liệu cho thấy phần đông các lãnh đạo ISIS đều là những người thông suốt Hồi Giáo và thật lòng sùng tín. Thí dụ như thủ lãnh hiện thời của ISIS, Abu Bakr al-Baghdadi, là một học giả lão luyện về Hồi Giáo. Còn trong hàng ngũ những kẻ tham gia ISIS thì có nhiều hạng khác hẳn nhau; một số vì lý tưởng tôn giáo, một số vì những động lực khác và kiến thức về Hồi Giáo của họ cũng khác biệt nhau từ rất cao đến rất thấp.

 

Chính các lãnh đạo của ISIS cho rằng họ là Hồi Giáo “thật sự”, hay “ròng” hay “không pha loãng”. Các lãnh đạo ISIS đều am tường Kinh Koran và áp dụng chính xác những tín điều thích hợp với họ trong quyển sách đó. Nhóm cuồng tín nầy không hề bịa đặt những tín điều mà họ dùng làm nền tảng cho các hành vi dã man của họ.

 

ISIS công khai hãnh diện về các chính sách và hành vi trên. Chỉ cần đọc tạp chí trên mạng gọi là “Dabiq” của ISIS chúng ta có thể thấy những lý luận tiêu biểu của tông phái Wahabbism, một chi nhánh cực đoan của Hồi Giáo Sunni. Chúng ta có thể thấy từ giáo chủ đầu tiên của tông phái nầy, ibn Taimaya (1263-1328), cho đến tất cả mọi giáo chủ khác sau nầy đều truyền giảng lời phán dạy của Allah một cách rất đồng nhất. Một trong những thông điệp được lập đi lập lại rõ rệt là: Những kẻ ngoại đạo và những kẻ phản đạo (Hồi) đều đáng bị giết chết.

 

Một câu hỏi nữa thường nghe là “Thái độ của cộng đồng Hồi Giáo trên thế giới với ISIS là gì?”

 

Vô số tín đồ trong khối Hồi Giáo thật ra đều ghê sợ và oán ghét ISIS. Chính họ là nạn nhân lớn nhất và bị xem là một trong các kẻ thù hàng đầu của ISIS. Ngay cả một số quốc gia và giáo hội Hồi Giáo ở Trung Đông cũng lên án ISIS vì chúng cũng tuyên chiến với họ. Đối với chúng, họ không phải là Hồi Giáo “thật sự” và do đó cần phải tiêu diệt. Tất cả những gì không đúng theo cách nhìn của chúng đều nằm trong dạng nầy.

 

Có phân tích cho rằng không ít thành viên ISIS là những kẻ đã có sẵn bản chất hung hản, ưa thích bạo lực và hứng thú trong việc gây chết chóc đau thương cho kẻ khác. Chúng do đó chú trọng vào những giáo luật khắc nghiệt và man rợ trong Hồi Giáo đồng thời chủ trương một lối nhìn quá khích đối với những kẻ khác biệt chúng. Các tín điều dã man của Hồi Giáo chỉ là những cái cớ để xách động và thực thi những tội ác khủng khiếp của chúng. Nếu không có các tín điều đó thì chúng cũng sẽ tìm ra những cái cớ khác, trong những hoàn cảnh khác. Vì thế, đổ lỗi cho Hồi Giáo là căn nguyên của ISIS là không đúng.  

 

Tuy nhiên, cho rằng ISIS “không liên quan gì” đến Hồi Giáo cũng không đúng. Rất không đúng. Đây thường chỉ là một ngụy biện của một số người bên ngoài ISIS. Chính ISIS khẳng định rằng họ là Hồi Giáo. Hồi Giáo và ISIS có liên quan mật thiết với nhau. Một bằng chứng nữa là tuy không phải bất cứ tín đồ Hồi Giáo nào cũng là thành viên ISIS nhưng tất cả thành viên ISIS đều là tín đồ Hồi Giáo.

 

Những điều trên cho thấy Hồi Giáo đóng một vai trò không nhỏ trong việc thành lập, tồn tại và hoạt động của ISIS như chúng ta thấy hôm nay.

 

Cho rằng ISIS không liên quan gì đến Hồi Giáo là quá ngây thơ, và cẩu thả. Trong khi đó, cho rằng ISIS biểu tượng hoàn toàn của Hồi Giáo cũng là quá giản dị, và thiếu sót. Nếu muốn phân tích rõ hơn về mối tương quan giữa ISIS và Hồi Giáo thì chúng ta cần thấy rằng một đặc chất chính của tôn giáo và tín điều là mơ hồ và chủ quan. Tín đồ tin những gì họ muốn tin và hành động theo những gì họ cho là đúng. Việc nầy liên quan đến các vấn đề sau đây.

Thứ nhất là vấn đề tín đồ chỉ chọn lọc những gì họ muốn chấp nhận trong tôn giáo họ. Những gì không thích hợp với tư duy hay hoàn cảnh cần thiết của họ sẽ bị vô tình hay cố ý cất dấu qua một bên. Thành viên ISIS chỉ chú trọng vào những giáo điều sắt máu khắc nghiệt dã man của Hồi Giáo. Các tín đồ ôn hòa chỉ chú trọng vào những lời truyền giảng về yêu thương và hòa đồng.

 

Thứ hai là vấn đề diễn giải kinh sách một cách chủ quan. Tương tự như trên, cùng một giáo điều có thể được diễn giải hoàn toàn khác nhau bởi hai nhóm tín đồ khác nhau tùy theo nhu cầu của họ. Thành viên ISIS sử dụng nghĩa đen của từng câu chữ trong các giáo điều thích hợp cho họ trong Kinh Koran. Đa số tín đồ và học giả Hồi Giáo khác cho rằng những cách diễn giải của ISIS là “hạn hẹp và thiếu sự linh động cần thiết để hiểu đúng tinh thần của lời Allah dạy.” Các cộng đồng Hồi Giáo ôn hòa diễn giải Kinh Koran dựa trên tiêu chuẩn đạo đức thích hợp với quan điểm thế giới ngày nay.

 

Vấn đề thứ ba, theo tôi quan trọng hơn hết, là không mấy ai muốn giải quyết công khai và thành thật các vấn đề nêu trên. Và những cố gắng để giải quyết các vấn đề trên cho đến nay đều không có hiệu quả mấy.

 

Thí dụ như khi ISIS áp dụng nguyên tắc “Sabi” (đây là một từ Á Rập nói về quyền cầm giữ phụ nữ làm nô lệ) lên những phụ nữ dân tộc Yazidi trong khi chúng chiếm đóng vùng tây bắc của Iraq vào tháng Tám năm 2014. Chúng lý luận rằng đây là một việc làm đúng theo lời Allah dạy vì dân tộc Yazidi là những kẻ “ngoại đạo”.

 

Khi tường thuật về những gì xảy ra cho phụ nữ Yazidi, báo chí Á Rập tránh né không đề cập trung thực và trực diện về nguyên tắc Sabi. Họ chỉ đưa ra những câu hỏi về vấn đề “Việc xem người Yazidi là những kẻ ngoại đạo là một thái độ đúng đắn hay không?” Họ không nói gì về vấn đề “Nguyên tắc Sabi có phải là một giáo điều đạo đức hay không?”

 

Một số học giả Hồi Giáo trên thế giới phản đối những gì ISIS làm. Họ cho rằng tục lệ cầm giữ phụ nữ làm nô lệ đã có sẵn trước khi Hồi Giáo thành hình, đồng thời họ nhìn nhận rằng Hồi Giáo đã thu nhận và thực hành tục lệ nầy trong thời kỳ ban đầu khi các vương bang Hồi Giáo (caliphate) còn tồn tại. Tuy vậy, thay vì bàn luận về việc “Tục lệ nầy còn thích hợp với tiêu chuẩn đạo đức ngày nay hay không?” thì họ lại chú trọng vào việc “ISIS tuyên bố tái lập lại một vương bang Hồi Quốc trên lãnh thổ chúng chiếm đóng, tuy vậy đây có phải là lý do để hồi sinh và áp dụng lại tục lệ nầy hay không?”

 

Các học giả Hồi Giáo khác lại chú trọng vào việc chứng tỏ ISIS không có đủ quyền hạn và tư cách để thành lập một vương bang Hồi Quốc. Họ cũng không quan tâm đến việc cần phải dẹp bỏ nguyên tắc Sabi, tức là dẹp bỏ hẳn ý niệm về quyền cầm giữ phụ nữ làm nô lệ, và khẳng định rằng nguyện tác nầy không được chấp nhận bởi cái Hồi Giáo của họ và của thế giới ngày nay.

 

Các phương thức phê bình và chỉ trích trên không có tác dụng gì đến tư tưởng và hành vi của các thành viên ISIS. Các phương thức nầy chỉ chạy chung quanh vấn đề chính và do đó không giải quyết được gì cả.

 

Thật ra thì không có một giải pháp nào nhanh chóng và dễ dàng cả. Muốn triệt hạ lý luận của ISIS, và từ đó hủy diệt lý do hiện hữu của chúng, chúng ta cần phải nhắm vào gốc ngọn của vấn đề. Đó là những tư tưởng tôn giáo ISIS dùng làm nền tảng cho cuộc thánh chiến của chúng.

 

Giải pháp nầy đòi hỏi sự can đảm không nhỏ từ tất cả mọi người, đặc biệt là từ lãnh đạo của các cộng đồng Hồi Giáo. Giải pháp nầy đòi hỏi chúng ta cùng chung nhau CÔNG KHAI và CHÍNH THỨC phân tích và diễn giải lại một cách THÀNH THẬT một số giáo điều trong Kinh Koran. Điều nầy có nghĩa là CẢI TỔ LẠI toàn bộ Hồi Giáo. Điều nầy có nghĩa là nhìn nhận cũng như xác định rõ ràng rằng các tín điều cổ hủ, dã man thí dụ như giáo luật Sharia không còn thích hợp với tiêu chuẩn đạo đức nhân loại: Tuy các giáo luật nầy đã được sử dụng trong lịch sử nhưng chúng không thể nào tiếp tục hiện hữu trong xã hội ngày nay.

 

Chính các lãnh tụ Hồi Giáo tự xưng là “ôn hòa” cần phải chủ động tích cực nhất trong công tác nầy. Đó là vì họ được xem là những người dẫn đường, những người đại diện mang lời dạy của Allah đến tín đồ. Chỉ có họ mới có hy vọng thay đổi cách nhìn hiện tại của thành viên ISIS và các tín đồ thân ISIS. Khi có nhiều những lãnh tụ Hồi Giáo “ôn hòa” nầy lên tiếng công khai và quyết liệt thì những lời truyền dạy đầy hung bạo hận thù của các lãnh đạo Hồi Giáo cực đoan mới có hy vọng bị áp đảo và dẹp tắt.

 

Càng nhiều tín đồ thay đổi cái nhìn của họ thì càng ít người tiếp tục tham gia ISIS. Từ đó may ra ISIS mới dần dần sụp đổ. Và từ đó, các nhóm phiến quân Hồi Giáo cuồng tín khác hiện tại cũng như trong tương lai sẽ may ra không còn chỗ đứng vững mạnh nữa.

 

Hiện nay, các lãnh tụ Hồi Giáo “ôn hòa” vì lý do nầy hay lý do khác đang quá thận trọng khi phê bình đến những gì liên quan đến tôn giáo họ. Hoặc họ cảm thấy không thể, hay không dám, đụng chạm đến những gì họ cho là “thiêng liêng” của Thượng Đế họ? Hoặc họ không muốn làm thương tổn Hồi Giáo để bảo vệ vị thế và quyền lợi hiện tại của họ? Hoặc họ tuy tán đồng với những gì ISIS đang làm nhưng vì thời điểm chưa đến nên không thể làm gì khác hơn là cố tránh né không phê phán gì mạnh mẽ?

 

Trong một hoàn cảnh lý tưởng nhất, muốn cho giải pháp vừa nêu trên hiệu quả thì tất cả các tổ chức tôn giáo trong và ngoài Hồi Giáo, các chính quyền nhiều quốc gia, các hệ thống truyền thông và giáo dục quốc tế cả Tây Phương lẫn khối Trung Đông đều phải tham gia một cách đồng nhất và đồng loạt.

 

Theo sau đó là việc trực diện thách thức và bài bác tất cả những tuyên ngôn tôn giáo mang tính chất thù hận và hung hãn. Ở đây kể cả các chương trình phát thanh lẫn truyền hình xách động chia rẽ giữa tôn giáo với nhau lẫn giữa tôn giáo và phi tôn giáo. Những cơ sở truyền thông nầy hiện nay đang hoạt động hợp pháp không những trong khối Á Rập Trung Đông mà còn trong thế giới Tây Phương, kể cả ở Anh và Mỹ.

 

Như vừa nói, đó là trong một hoàn cảnh lý tưởng nhất. Biện pháp vừa nêu trên không dễ dàng thực hiện chút nào cả. Thật ra nó còn khó có thể bắt đầu xảy ra. Đó là vì nhiều thế lực chính trị hiện tại, trong và ngoài khối Á Rập Trung Đông, đang dựa vào những tranh chấp liên quan đến tôn giáo, trong đó có ISIS, để vụ lợi. Và thay đổi tư tưởng tín ngưỡng là một việc luôn luôn phức tạp, tốn nhiều công sức và thời gian. Nếu mọi người đều đồng tâm và mọi việc tiến hành ổn thỏa thì ít nhất cũng mất một hay hai thế hệ chúng ta mới thấy có sự thay đổi tư tưởng tín ngưỡng đáng kể.

 

Tuy vậy không phải vì thế mà chúng ta không cố gắng bắt đầu.

 

Đối với một người phi tôn giáo như tôi, tín điều chỉ là những ảo tưởng chủ quan. Tuy nhiên, nếu cần phải, và sẽ phải, sống với tín ngưỡng và tôn giáo thì tôi lựa chọn ủng hộ những ảo tưởng chủ quan nào tương đồng với đạo đức nhân bản con người. Có không ít những lời dạy trong Hồi Giáo thuộc dạng nầy. Và cũng có không ít những quan điểm dựa trên tiêu chuẩn đạo đức thiết thực thuần túy nằm kế bên các tín điều huyễn hoặc.

 

Thí dụ như trong Kinh Koran có câu dạy “Không có sự ép buộc trong tôn giáo”, hay câu “Tôn giáo là những gì ngươi đối đải với kẻ khác” của chính Mohammed. Thí dụ như “Có hai nhóm người: một nhóm là những anh em cùng tôn giáo với ngươi, ngoài ra nhóm kia là những người đồng chủng loại với ngươi” của người anh em họ của Mohammed là Ali Ibn Abi Talib.

 

Chúng ta cần phải ủng hộ, cổ động, và thúc đẩy sự phổ biến các lời dạy nầy. Quan trọng hơn nữa là phổ biến các thông điệp nầy qua sự chú trọng trên phương diện nhân bản (thay vì phương diện tôn giáo hay chủng tộc) của chúng. Chúng ta cần sử dụng chúng như một dạng vũ khí, bên cạnh những vũ khí quân sự, để đối đầu với bọn phiến quân cuồng tín cực đoan.

 

Đây sẽ là một con đường dài nhiều chông gai nhưng cần thiết. Nếu không thì, như đã nói, ngay cả nếu/khi ISIS bị tiêu diệt thì sớm muộn gì cũng có những nhóm khác tương tự xuất hiện thay thế chúng.

 

 

 

     Tạp Chí Da Màu: http://damau.org/archives/40543

Tôn Giáo

 

Phật Giáo

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page