top of page

 ẢO VỌNG và GÔNG CÙM CÙM

Những Hạt Cỏ Độc - 1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ảnh trên trích từ một đoạn video của nhóm cuồng tín Hồi Giáo cho thấy cuộc hành quyết một tù binh cách đây không lâu trước đền thờ “Chính Tòa” Hồi Giáo ở Mosul, Iraq.

 

Trong đoạn video trên, trước khi cảnh cắt đầu nạn nhân, chúng ta nghe các tuyên dương chính nghĩa của họ nhân danh Allah để trừng phạt những kẻ “vô đạo”. Và kế đó là một thông điệp mạt sát Mỹ và Do Thái. Tổng Thống Mỹ Obama bị gọi là “con chó của La Mã”, hàm ý ông làm việc cho Tòa Thánh La Mã. Còn những người Do Thái chống lại Hồi Giáo bị cho là “liên kết với Thập Tự Quân”, nhắc đến cuộc Thánh Chiến khi Thiên Chúa Giáo chinh phạt lãnh thổ Hồi Giáo vào thời Trung Cổ.

 

Chúng ta có thể nhận thấy hai điều. Thứ nhất, nhóm cuồng tín Hồi Giáo trên đang thực hiện “niềm tín ngưỡng thiêng liêng” của họ, cụ thể là các lời răn trong Kinh Koran về cách đối xử với những kẻ ngoại đạo. Thứ hai, Mỹ và tất cả nước Tây Phương khác theoThiên Chúa Giáo đều bị các nhóm cuồng tín Hồi Giáo gom vào chung một mối là kẻ thù của họ; món nợ máu trong lịch sử từ thời Trung Cổ vẫn còn được nhắc đến để biện hộ cho cuộc “thánh chiến” của họ.

 

Ở đây tôi muốn chú trọng về các lời răn trong Kinh Koran về cách đối xử với những kẻ ngoại đạo.

 

Kinh Koran, được truyền tụng là đã được Tiên Tri Muhammad cảm nhận lời Thượng Đế Allah và đã được tín đồ ghi chép lại. Theo Hồi Giáo, Allah là đấng sáng tạo của vũ trụ.

 

Dưới đây chỉ là một vài thí dụ trong kinh Koran cho thấy Allah chủ trương tiêu diệt những kẻ “ngoại đạo”, tức là bất cứ ai không tôn thờ hay tuân phục giáo điều của Allah:

 

“Những kẻ ngoại đạo sẽ bị đốt cháy bằng lửa”. 2:39, 90

 

“Nếu gặp những kẻ ngoại đạo ở bất cứ nơi đâu, hãy giết chúng. Nếu chúng tấn công ngươi, hãy giết chúng. Đó là phần thưởng dành cho những kẻ ngoại đạo. (Tuy nhiên nếu chúng từ bỏ đạo của chúng thì đừng giết chúng”. 2:191-192

 

“Những kẻ ngoại đạo sẽ bị trừng phạt vĩnh viễn bằng lửa. Khi lớp da nầy của chúng cháy đi hết thì một lớp da mới sẽ được mọc ra lại”. 4:46

 

“Không được làm bạn với những kẻ ngoại đạo. Khi gặp những kẻ ngoại đạo ở bất cứ nơi đâu hãy giết chết chúng”. 4:89

 

“Hãy giết chết những kẻ tôn thờ hình tượng ngoại đạo khi thấy chúng ở bất cứ nơi nào”. 9:5

 

Đây là những lời dạy của Allah, một Thượng Đế tối cao và tuyệt đối, đến tín đồ Hồi Giáo. Những lời dạy nầy rất rõ ràng, dễ hiểu và lập đi lập lại nhiều lần trong Kinh Koran. Không có cách giải thích hay biện hộ nào có thể pha loãng hay bẻ cong ý nghĩa của các mệnh lệnh tối thượng trên. Cũng không thể biện luận rằng “Kinh Koran thật ra không chủ trương thù nghịch với kẻ ngoại đạo, chỉ vì người ta diễn dịch sai lầm lời dạy của Allah mà thôi”; vì nếu như vậy thì toàn bộ Kinh Koran có thể chỉ do sự diễn dịch hay chế biến bởi con người và do đó không còn có giá trị gì nữa.

 

Hành động sát nhân của bọn cuồng tín Hồi Giáo do đó nếu xét về những lời dạy trên thì họ chỉ tuân thủ những gì đòi hỏi bởi tôn giáo của họ. Tuy vậy, bất cứ người nào có một chút suy nghĩ và cảm tính về nhân bản đều cho đó là các hành vi và tư tưởng cực đoan, tàn ác. Nhất là khi các hành vi và tư tưởng cực đoan, tàn ác đó đang đe dọa nền móng văn hóa, xã hội lẫn an ninh cá nhân và gia đình của họ. Đó là vị thế của nhiều người Tây Phương hiện nay, và đặc biệt là những người Thiên Chúa Giáo sống trong các địa phận đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi làn sóng tàn phá của nhóm cuồng tín tự xưng “Quốc Địa Hồi Giáo của Iraq và Syria” (hay “ISIS”).

 

Vấn đề tôi muốn đưa ra ở đây là những lời dạy cực đoan dạng trên không chỉ hiện hữu trong Hồi Giáo mà còn trong các tôn giáo độc thần khác. Thí dụ như trong chính Thiên Chúa Giáo. 

 

Theo tín ngưỡng Thiên Chúa Giáo thì hai bộ Cựu Ước và Tân Ước của Kinh Thánh cũng được xem là lời của Thiên Chúa, đấng sáng tạo của vũ trụ, đã truyền phán cho con người.

 

Dưới đây là vài thí dụ trong Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa cũng chủ trương tiêu diệt những kẻ ngoại đạo:

 

- Cựu Ước: Ðệ Nhị Luật 6:14-15

 

Anh em không được theo những thần khác trong số các thần của các dân chung quanh anh em. Vì Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), Ðấng ở giữa anh (em), là một vị thần ghen tương; hãy coi chừng kẻo Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), nổi cơn thịnh nộ với anh (em) và tiêu diệt anh (em), không còn cho sống trên mặt đất.

 

- Cựu Ước: Ðệ Nhị Luật 13:7-10

 

Nếu người anh em của anh (em), con của mẹ anh (em), hoặc con trai con gái anh (em), hoặc người vợ anh (em) âu yếm, hoặc người bạn anh (em) coi như chính mình, lén lút rủ rê anh (em): "Chúng ta hãy đi phụng thờ các thần khác" những thần mà anh (em) và cha ông anh (em) không biết, trong số các thần của những dân ở chung quanh, gần hay xa anh (em), từ đầu đến cuối xứ,thì anh (em) đừng ưng thuận, đừng nghe nó, đừng nhìn nó mà thương hại, đừng xót thương, đừng bao che nó;

Trái lại, nhất định anh (em) phải giết nó. Anh (em) phải là người đầu tiên tra tay giết nó, rồi toàn dân tiếp tay sau.

Anh (em) phải ném đá cho nó chết, và nó phải chết vì đã tìm cách lôi cuốn anh (em) xa Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), Ðấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.

 

Ngay trong Tân Ước, một quyển kinh mà tín đồ Thiên Chúa Giáo cho rằng chủ trương tình thương và hòa bình, cũng mang đầy những lời răn tương tự. Thí dụ như:

 

- Tân Ước: Thư Thứ Hai Gửi Tín Hữu Thessalonikê  1:7-9

 

Và cho anh em, những kẻ phải gian truân, được phúc thanh nhàn với chúng tôi vào thời mạc khải tự trời của Chúa Yêsu với các Thiên Thần của quyền năng Ngài, dùng ngọn lửa hỏa hào đoán phạt những kẻ không biết Thiên Chúa, và không vâng phục Tin Mừng của Chúa chúng ta, Ðức Yêsu. Những kẻ ấy sẽ bị án hư đi đời đời, xa mặt Chúa và xa cách vinh quang quyền lực của Ngài

 

- Tân Ước: Khải Huyền Của Yoan 14:9-11

 

Rồi một Thiên thần khác nữa, vị thứ ba, tiếp đến sau các vị trước, mà hô lớn tiếng: "Phàm ai thờ lạy Mãnh thú và tượng của nó, cùng chịu thích tự trên trán hay nơi tay mình, thì sẽ phải uống rượu lôi đình của Thiên Chúa không pha, rót đầy chén thịnh nộ của Người. Nó sẽ bị hành hình trong lửa diêm sinh, trước mặt các thánh Thiên thần và trước mặt Chiên Con.

Và khói hình phạt chúng cứ bốc lên đời đời kiếp kiếp. Ðêm ngày chúng không hề được an nghỉ, những kẻ thờ lạy Mãnh thú và tượng của nó làm một với kẻ nào đã chịu thích tự tên nó.

 

- Tân Ước: Thư Thứ Hai Của Thánh Phêrô 3:5-7

 

Vì những kẻ dám quyết như thể không nhận biết rằng: Xưa kia trời và đất đã ngoi lên tự nước và nhờ nước, bởi Lời Thiên Chúa,rồi cũng vì các duyên do ấy mà thế gian thời bấy giờ đã bị hủy diệt dìm dưới nước lụt.

Còn trời và đất bây giờ đây, thì do cũng một Lời ấy mà được tàng trữ lại dành cho lửa vào ngày phán xét và diệt vong của phường vô đạo.

 

Trong lịch sử, Giáo Hội Công Giáo La Mã đã nhiều lần cho thấy họ áp dụng những lời dạy trong Kinh Thánh kể trên.

 

Dưới đây là một vài thí dụ:

 

- Cuộc Thánh Chiến (1095-1291) đã được chủ động bởi Hội Thánh và đã dẫn đến việc vô số người Hồi Giáo bị tàn sát. Ngay cả những tín đồ Thiên Chúa Giáo người Byzantium (trong cuộc Thánh Chiến Thứ Nhất) chỉ vì họ có da sậm màu và có một ngôn ngữ khác cũng bị xem là thù địch trong thời gian nầy.

 

- Cuộc Hạch Sát (The Inquisition) kéo dài gần 700 năm (1180-1850) cũng là một chiến dịch tàn sát một cách có hệ thống toàn bộ và hiệu quả để tiêu diệt tất cả những ai dám chống đối lại quyền thế của Tòa Thánh La Mã.

 

- Trong thời kỳ khám phá và bành trướng của các cường quốc Âu Châu, từ Columbus cho đến Cook và những nhà truyền giáo đi theo họ đã dùng những lời dạy trong Kinh Thánh kể trên để hợp thức hóa việc đàn áp, khủng bố và tiêu diệt tất cả những nền văn hóa và những tôn giáo bản xứ để truyền bá Thiên Chúa Giáo. Cứ nhìn vào lịch sử nước Mỹ về thổ dân da đỏ, lịch sử nhiều nước Nam Mỹ cũng như các quốc gia trên các quần đảo ở Thái Bình Dương thì sẽ thấy. Gần gũi nhất với chúng ta trong lịch sử Việt Nam, các nhà truyền giáo cũng dưới chỉ thị của Tòa Thánh La Mã đã cấu kết với thực dân Pháp với chủ trương “một tay cầm thánh giá, một tay cầm súng” để truyền bá Thiên Chúa Giáo.

 

Đó là chưa kể những cuộc tàn sát lẫn nhau kéo dài hàng trăm năm (thế kỷ 16) giữa các tín đồ Thiên Chúa Giáo với nhau (Công Giáo và Tin Lành) vì nhóm nầy cho rằng nhóm kia đã “không hiểu đúng nghĩa và thực hành đúng theo Kinh Thánh”.

 

Tôi xin nói ngay ở đây là trong khi phán đoán về vấn đề nầy chúng ta cần phải nhớ rằng những lời răn dạy trên phản ảnh tư tưởng và tiêu chuẩn đạo đức của văn hóa Trung Đông cách nay hơn hai ngàn năm. Đó là một thời kỳ nhiễu loạn khi nền an ninh của xã hội và mạng sống con người luôn luôn bị đe dọa từ mọi phía. Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo đều cùng xuất phát từ một cái nôi Trung Đông. Bạo động ở thời điểm đó là phản ứng tự nhiên và phương cách hiễn nhiên để chống trả lại những hiểm họa bạo động khác. Vấn đề là cái di sản tinh thần nầy vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay qua một vài tác phẩm tôn giáo quan trọng, trong trường hợp nầy là Kinh Thánh và Kinh Koran.

 

Ngày nay, khi văn hóa và nhân bản của thế giới nói chung đã tiến triển đến trình độ hiện tại thì nhiều người có khuynh hướng phê phán rằng nền tảng của Thiên Chúa Giáo lẫn Hồi Giáo là các tư tưởng bạo động, man rợ và lỗi thời. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ vào lịch sử cận đại chúng ta sẽ thấy một sự khác biệt khá rõ rệt giữa hai tôn giáo trong phương diện nầy.

 

Có thể nói rằng Thiên Chúa Giáo ngày nay đã được “thuần hóa” (phần lớn) bởi tiêu chuẩn đạo đức hiện tại của nhân loại nói chung, và của thế giới Tây Phương nói riêng. Hiện nay Tòa Thánh rất thận trọng với những gì họ giảng dạy. Giáo hội Công Giáo gần đây không những không còn truyền dạy cho giáo dân các điều răn vô đạo đức trên mà còn có vẻ, nếu có thể, tránh không đề cập đến chúng.

 

Trong lãnh vực thực hành, Thiên Chúa Giáo ngày nay chủ trương hòa giải, hòa hợp với các tôn giáo khác. Họ chú trọng vào những quan điểm tương đồng và chấp nhận những tín điều dị biệt (ít nhất là trên bề mặt) để hiện diện và sinh hoạt bình đẳng với các cơ cấu tín ngưỡng khác. Có người cho rằng đây là con đường duy nhất Tòa Thánh có thể đi theo để bảo đảm sự sinh tồn cho tôn giáo của họ. Đó là vì, như đã nói, so với tiêu chuẩn nhân đạo hiện thời thì hầu như ai trong cộng đồng Tây Phương nói chung cũng thấy rằng các điều răn kia trong Kinh Thánh là tàn ác, vô đạo đức và không thể chấp nhận được.

 

Trong khi đó, nhiều tổ chức Hồi Giáo ở các nước Trung Đông vẫn tiếp tục truyền dạy công khai các lời răn dạng “hãy tiêu diệt kẻ ngoại đạo để tôn vinh Thượng Đế” của họ.Trước nhất, khối Trung Đông nói chung không lệ thuộc vào áp lực kinh tế và quân sự của Tây Phương nên họ không e dè gì trong việc nầy. Thêm nữa, hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra một mối ngăn cách và nghi kỵ truyền kỳ giữa hai nền văn hóa, lẫn tư tưởng, Tây và Đông trên. Đối với hầu hết khối Trung Đông thì xã hội Tây Phương biểu tượng cho sự “đồi trụy” và “sa đọa”. Còn đối với nhiều bình luận gia Âu Mỹ thì hầu hết vùng Trung Đông đã vẫn dậm chân tại chỗ từ nhiều trăm năm nay trên quá trình tiến hóa nhân bản và nhân quyền.

 

Trong lãnh vực thực hành, điều nầy dẫn đến việc những nhóm Hồi Giáo quá khích sử dụng những lời răn trên để tổ chức và khuyến khích cảm tử quân nổ bom tàn sát bất cứ ai không đồng chung quan điểm và chí hướng với họ. Và như vừa thấy ở trên, việc cắt đầu các tù nhân ngoại đạo gần đây đã trở thành một “thời trang” để biểu dương lực lượng và đe dọa kẻ thù nghịch.

 

Sự kiện Thiên Chúa Giáo ngày nay không còn công khai truyền dạy và thực hành những lời răn trên trong Kinh Thánh là một điều tốt đẹp đáng ghi nhận. Nhiều người cho rằng nếu như thế thì không có vấn đề gì cần phải nhắc nhở hay bàn luận đến chúng cả.

 

Những lời răn đó quả có vẻ không còn tai hại gì nữa vì như đã nói ở trên, phần đông chúng ta đều không quan tâm đến chúng vì chúng rõ ràng không thích hợp với tiêu chuẩn đạo đức và nhân bản ngày nay, chưa kể việc chúng bất hợp pháp tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thấy rằng ngày nào những lời răn trên còn nằm trong Kinh Thánh thì ngày đó chúng vẫn còn được xem là tín điều chính thức của Thiên Chúa Giáo. Cũng giống như những hạt cỏ độc nằm lẫn trong vườn, chúng luôn luôn có khả năng trồi dậy và nẩy nở trong tương lai khi hoàn cảnh trở thành thuận lợi.

 

Trước hết, tôn giáo và chính trị (do đó quyền lực) hầu như luôn luôn đi đôi với nhau. Cứ nhìn vào cơ cấu xã hội của Hoa Kỳ hiện nay sẽ thấy, Thiên Chúa Giáo chiếm lãnh một địa vị quan trọng trong mọi lãnh vực chính trị. Không có một ứng cử viên cho một chức vụ quan trọng nào có hy vọng gì đắc cử nếu họ không thuộc vào một chi nhánh của Thiên Chúa Giáo. Hầu hết tất cả nhân vật lãnh đạo trong chính trường Hoa Kỳ đều sử dụng hay chịu ảnh hưởng (ít hay nhiều, gián tiếp hay trực tiếp) bởi Thiên Chúa Giáo trong chính sách và cách điều hành quốc gia của họ.

 

Nguyên tắc “tôn giáo cần được giữ cách biệt bên ngoài chính trị” nhiều khi chỉ có giá trị lý thuyết trong các quốc gia Thiên Chúa Giáo, nhất là trên đất Mỹ. Giáo Hội Công Giáo ngày nay vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ khi các đạo luật được soạn thảo. Chúng ta thường xuyên thấy những đạo luật phản ảnh các giáo điều vô đạo đức và phản khoa học của Kinh Thánh. Thí dụ như việc cấm phá thai ngay cả trong trường hợp bị hãm hiếp hay thai tật trầm trọng, cấm sử dụng bao cao-su mặc dù có thể giúp ngăn ngừa bệnh AIDS và ngừa thai trong các xứ nghèo (cho đến 2010 Benedict XVI mới chịu gia giảm về vấn đề nầy), kết án đồng tính luyến ái là dơ bẫn và tội lỗi, cấm cản các công trình nghiên cứu tế bào gốc (stem cell), cổ động việc đem tư tưởng Sáng Tạo (Creationism) vào học đường để giảng dạy ngang hàng với khoa học tự nhiên, v.v. và v.v.

 

Nếu những giáo điều vừa kể trên vẫn có cơ hội gây ảnh hưởng nặng nề đến an sinh hàng ngày, thì tại sao chúng ta không nên lo ngại về hạt cỏ độc “hãy tiêu diệt kẻ ngoại đạo để tôn vinh Thượng Đế”?

 

Trong bất cứ đoàn thể và thời điểm nào cũng có những kẻ quá khích. Tôn giáo nào cũng có những kẻ cuồng tín hoặc những kẻ lợi dụng sự cuồng tín của người khác để thi hành những điều ác độc. Thí dụ như đã nói hiển nhiên ràng ràng trước mắt hiện nay là phong trào khủng bố tràn lan của bọn cuồng tín Hồi Giáo. Lịch sử Thiên Chúa Giáo cũng đã (và chắc chắn sẽ) có đầy những kẻ cuồng tín tương tự. Lịch sử đã nhiều lần cho thấy những kẻ cực đoan nắm chính quyền. Vì những điều răn tàn ác, vô đạo đức trong Kinh Thánh vẫn chưa hề bị xóa bỏ hay sửa đổi nên thỉnh thoảng chúng vẫn còn có thể được áp dụng lên những ý tưởng và hành động điên rồ của họ. Làm sao ai có thể dám nói rằng những tội ác trên sẽ không xảy ra nữa trong tương lai?

 

Và đây là một điều đáng thấy, đáng nhớ và đáng lo ngại.

 

Tuy nhiên, việc xóa bỏ hay sửa đổi các điều răn trên trong Kinh Thánh là một điều vô cùng khó khăn. Chỉ trên lãnh vực tín ngưỡng thuần túy mà thôi, Tòa Thánh có sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra (ngay cả nếu họ cũng nhận thấy mối lo ngại trên). Đó là vì Kinh Thánh là lời truyền dạy bất di bất dịch từ Thượng Đế tối thượng và là nền tảng tôn giáo của họ. Tuy trong lịch sử Kinh Thánh đã từng nhiều lần được sửa đổi, bất cứ sự sửa đổi nào nữa xảy ra ngày nay sẽ làm lung lay thêm niềm tín ngưỡng đang có phần đi xuống của Thiên Chúa Giáo (dễ thấy nhất ở trong nhiều quốc gia Âu Châu).

 

Như đã nói ở trên, chủ trương và chính sách của Tòa Thánh ngày nay là, nếu có thể, cố gắng càng tránh truyền bá hay đề cập đến những tín điều nầy càng tốt. Và các trường phái “Bào Chữa” của Thiên Chúa Giáo (“Christian Apologetics”) thường xuyên sử dụng một số lập luận tiêu biểu của họ trong việc chống đỡ và bào chữa những thiếu sót của Kinh Thánh.

 

Những hạt cỏ độc trên có lẽ sẽ còn nằm lẫn trong ngôi vườn chúng ta một thời gian rất lâu. Trách nhiệm và bổn phận của chúng ta là phải tiếp tục ghi nhận và nhắc nhở nhau về sự hiện diện của chúng. Thỉnh thoảng chúng sẽ đâm chồi trổi dậy khi có điều kiện. Chúng ta cần phải tiếp tục cảnh báo mọi người chung quanh chúng ta, nhất là các tín đồ lẫn giới lãnh đạo Thiên Chúa Giáo về vấn đề nầy. Chúng ta cần phải chủ tâm nhổ bỏ chúng càng sớm và càng thấu đáo càng tốt. Chế độ dân chủ cùng với quyền tự do ngôn luận cho phép chúng ta làm điều nầy bằng nhiều phương cách ôn hòa và hợp pháp.

 

Như một người làm vườn có lương tâm, chúng ta cần phải bảo vệ và cải tiến cái xã hội mà chúng ta cũng như gia đình chúng ta đang sinh sống. Chúng ta chỉ phải chấp nhận rằng đây là một công việc thường xuyên, dài hạn và lắm khi đầy phiền nhiễu.

 

 

    Tạp Chí Da Màu: http://damau.org/archives/37449

 

Tôn Giáo

 

Phật Giáo

Thiên Chúa Giáo

Hồi Giáo

bottom of page