top of page

Chương 2:

Sự Biến Thể trong những Sinh Vật ở Thiên Nhiên 

 

 

Darwin muốn dùng những quan sát và lý luận về những sinh vật đã được thuần hóa bởi con người ở Chương 1 để so sánh với những sinh vật trong môi trường thiên nhiên.

 

Tuy vậy trong Chương 2 nầy thay vì liệt kê ra những thí dụ về sự biến thể và khác biệt của các sinh vật trên, Darwin dành một phần lớn nói về những khó khăn trong phương cách và quy ước dùng các sự biến thể và khác biệt đó để phân loại sinh vật.

 

Darwin lưu ý rằng có nhiều định nghĩa về từ “chủng loại” (species), tuy vậy không có một định nghĩa nào được sự đồng ý của tất cả các nhà sinh vật học đương thời. Đó là vì khi khảo sát để phân loại, tùy đi sâu bao nhiêu vào chi tiết về cấu trúc cơ thể của mỗi cá nhân hay mỗi nhóm sinh vật mà người ta quyết định rằng các cá nhân hay các nhóm nầy khác nhau với các cá nhân hay các nhóm khác bao nhiêu.

 

Thí dụ, thông thường thì sự khác biệt dễ nhận thấy nhất là ở hình dáng bên ngoài; nhưng nếu muốn tìm biết rõ sự liên hệ của sinh vật nầy với các sinh vật khác thì phải khảo sát đến cấu trúc và cách hoạt động của bộ xương, rồi đi sâu hơn nữa là đến các bắp thịt, rồi đến nội tạng, rồi đến hệ thần kinh, cũng như từng bộ phận quan trọng như mắt, tai, mũi, cơ quan sinh dục, v.v. Tùy mỗi nhóm học giả có khuynh hướng hay nhu cầu hay điều kiện khảo sát một sinh vật đến mức độ chi tiết nào mà họ có thể đưa đến những kết luận khác hẳn các nhóm học giả khác. Đó là tại sao có những sinh vật được một vài học giả cho là các tiểu loại của cùng một chủng loại trong khi những học giả khác cho chúng thuộc vào các chủng loại khác nhau.    

 

Vì sự thiếu đồng nhất và những khó khăn kể trên trong việc quy định mức độ khác biệt giữa các sinh vật cùng chủng loại và giữa các sinh vật thuộc những chủng loại khác nhau, Darwin đặt ra câu hỏi “thật sự có những chủng loại riêng rẻ trong thiên nhiên hay không?” Nói cách khác, với mức độ giống nhau nào thì hai sinh vật được xem là thuộc cùng một chủng loại và với mức độ khác biệt nào thì chúng được xem là thuộc hai chủng loại khác nhau?

 

Darwin đưa ra nhiều thí dụ cho thấy sự phân chia các sinh vật trong thiên nhiên ra từng chủng loại khác nhau thật ra chỉ dựa vào một số quy định chủ quan của con người. Nhiều học giả về sinh vật học vẫn đang bất đồng ý với nhau về con số chủng loại thực vật trong nước Anh vì họ không thể xác định được sự khác biệt giữa “giống” (hay “tiểu loại”) và sự khác biệt giữa “chủng loại”. Bất cứ ai bắt đầu phân tích để chia loại một nhóm sinh vật hoàn toàn mới lạ cũng sẽ gặp khó khăn nầy, đó là vì đường ranh giới phân chia giữa “chủng loại” và “giống” hay “tiểu loại”, và một đẳng cấp khác cũng thường được dùng nữa là “biến loại” (variety), hầu như không hiện hữu. Cuối cùng thì Darwin quyết định dùng định nghĩa sau đây: “Tổng số những khác biệt giữa hai chủng loại phải lớn hơn tổng số những khác biệt giữa hai tiểu loại / giống / biến loại”. Ông cho rằng định nghĩa nầy tuy vẫn còn mơ hồ nhưng đủ rõ ràng để sử dụng được.

 

Khi khảo sát các thế hệ khác nhau trong cùng một chủng loại, người ta hầu như luôn luôn tìm thấy những khác biệt. Mức độ của những khác biệt nầy, như vừa nói ở trên, tùy vào mức độ chi tiết của sự khảo sát. Những khác biệt xảy ra là vì có những biến thể xảy ra giữa các thế hệ cha mẹ và con cái.

 

Tương tự như trong trường hợp những sinh vật sống trong môi trường quản lý bởi con người, Darwin nhận thấy những khác biệt và biến thể trong thiên nhiên nói chung cũng xuất phát từ 3 yếu tố chính: 1/ sự thay đổi của môi trường sống, 2/ thói quen sử dụng của một số bộ phận trong cơ thể, và 3/ sự xuất hiện và di truyền của các biến thể dị biệt giữa các thế hệ khác nhau. 

Ông cũng cho rằng hai yếu tố đầu không phải là các yếu tố chính yếu, và nói chung không có tính di truyền qua nhiều thế hệ hậu sinh. Darwin cho rằng khả năng di truyền của các biến thể qua nhiều thế hệ là yếu tố chính yếu đưa đến sự biến đổi dần dần toàn bộ một chủng loại và phân nhánh tạo thành ra các chủng loại khác nhau.

 

Darwin quan tâm đến những khác biệt nhỏ giữa các anh chị em cùng cha mẹ cũng như giữa các cá nhân cùng một chủng loại sống chung trong cùng một tập thể. Darwin gọi những khác biệt nầy là những “khác biệt cá nhân”. Đối với ông, những khác biệt cá nhân nầy rất quan trọng vì chúng là nguyên liệu để quá trình tuyển chọn bởi thiên nhiên sử dụng. Chương 4 sẽ nói rõ hơn nhiều về quá trình tuyển chọn bởi thiên nhiên. Tuy vậy, quá trình “tuyển chọn bởi thiên nhiên” có thể được hiểu ở đây là có cơ cấu tương tự như quá trình “tuyển chọn bởi con người” đã đề cập đến trong Chương 1 khi Darwin nói về sinh vật được quản lý và cải tiến bởi con người.

 

Darwin phân biệt trong thiên nhiên có những chủng loại “lớn” (là những chủng loại có dân số cao và hiện hữu ở nhiều khu vực rộng lớn) và những chủng loại “nhỏ” (có dân số thấp và chỉ hiện hữu ở vài khu vực nhỏ hẹp). Ông nhận thấy rằng trong cùng một “gia đình” (genera: có nghĩa là tập hợp những nhóm chủng loại tương tự với nhau) thì con số các tiểu loại thuộc về những chủng loại lớn hầu như luôn luôn lớn hơn con số các tiểu loại thuộc về những chủng loại nhỏ. Theo Darwin đó là vì các chủng loại lớn có dân số lớn: nhiều cá nhân sẽ có nhiều biến thể xảy ra; các chủng loại nhỏ có dân số nhỏ: ít cá nhân, ít biến thể xảy ra. Nhiều biến thể sẽ sinh ra nhiều khác biệt và dần dần từ đó nhiều tiểu loại khác nhau. Ít biến thể, ít khác biệt, ít tiểu loại khác nhau.

 

Một nhận xét khác nữa cần ghi nhận: lịch sử địa chất học và sinh vật học cho thấy nhiều chủng loại được xem là “lớn” ở một thời điểm có thể sẽ suy tàn và trở thành “nhỏ” ở một thời điểm khác. Ngược lại, có những chủng loại được xem là “nhỏ” cũng có thể trở thành “lớn”. Trong khoảng thời gian (có thể vài ngàn hay vài trăm ngàn năm) khi một chủng loại được xem là “lớn” thì con số tiểu loại của nó lúc đó cũng lớn, đến khi chủng loại nầy trở thành “nhỏ” thì con số tiểu loại trong khoảng thời gian nầy cũng ít đi. Nhận xét tương tự cũng xảy ra trong trường hợp một chủng loại từ “nhỏ” biến thành “lớn”.

 

Darwin dùng các nhận xét trên để làm bằng chứng bác bỏ lý thuyết cho rằng mọi chủng loại đều đã được sinh tạo ra độc lập và riêng biệt với nhau. Ông lý luận rằng nếu mọi sinh vật đều được sinh tạo ra một cách độc lập và riêng biệt thì: 1/ tại sao con số tiểu loại của mỗi chủng loại lớn và con số tiểu loại của mỗi chủng loại nhỏ trong cùng một gia đình lại không tương tự ngang nhau? và 2/ tại sao luôn luôn có sự thay đổi số lượng tiểu loại một cách tương ứng khi một chủng loại biến đổi từ “lớn” qua “nhỏ” (hay ngược lại) như vậy?

 

 

 

Luận Giảng

 

Trong Chương 2, Darwin nhấn mạnh về sự thiếu chính xác tuyệt đối trong nguyên tắc phân loại các sinh vật trong khoa học thiên nhiên ở thời đại của ông. Cho đến 1942, nghĩa là 83 năm sau khi quyển Nguồn Gốc Chủng Loại được phát hành, ngành sinh vật học mới thống nhất được một quy định rõ ràng về việc phân chia chủng loại như sau: sinh vật cùng một chủng loại có thể giao hợp và sinh sản trong khi sinh vật khác chủng loại không thể làm điều nầy được. Trong thời đại Darwin, nhiều học giả cũng dùng khả năng sinh sản để phân loại sinh vật nhưng nhiều người khác trong đó có Darwin bất đồng ý về giá trị của phương pháp nầy.

 

Quy định dùng ranh giới của sự sinh sản để phân chia chủng loại của sinh vật là một quy định có cấu trúc khá rõ ràng, tương đối dễ áp dụng và đem đến những kết quả đồng nhất hơn tất cả các quy định phân chia khác. Việc phân biệt rõ ràng các chủng loại trong thiên nhiên là một điều cần thiết; và các nhà sinh vật học cần phải thống nhất với nhau để đi đến một quy định như vậy.

 

Darwin thật ra cũng có lý phần nào khi không đồng ý với việc dùng ranh giới của sự sinh sản để phân chia chủng loại của sinh vật. Ông cho rằng mỗi khi có một biến thể xảy ra giữa hai thế hệ thì thế hệ sau sẽ khác biệt với thế hệ trước một chút; càng nhiều biến thể xảy ra qua nhiều thế hệ thì mức độ khác biệt giữa thế hệ trẻ nhất và già nhất càng lớn. Tuy vậy, mức độ khác biệt giữa thế hệ trẻ nhất và già nhất tăng dần một cách liên tục từng bước rất nhỏ. Darwin cho rằng không có một lằn ranh giới giữa hai bước nào cả trong quá trình biến đổi trên. Do đó ông cho rằng sự lựa chọn bất cứ một mức độ khác biệt nào đó để cho rằng thế hệ trẻ nhất và thế hệ già nhất đã trở thành hai chủng loại khác nhau chỉ là một sự lựa chọn chủ quan của mỗi người.

 

Nói cách khác, theo quan điểm của Darwin thì thật ra không hề có các ranh giới rõ rệt nào phân chia các sinh vật trong thiên nhiên. Đây là một cách nhìn mà nhiều học giả, nhất là những học giả chịu ảnh hưởng lý thuyết tôn giáo, khó chấp nhận được. Nhất là nếu suy diễn bắt đầu từ các sinh vật đồng loại rộng ra đến các sinh vật hoàn toàn khác loại ra, và đồng thời đi ngược dòng thời gian từ thế hệ nầy về các thế hệ tổ tiên trước mãi của nhiều chủng loại khác nhau thì dần dần chỉ có thể đi đến một kết luận đó là tất cả mọi sinh vật đều xuất phát từ một chủng loại duy nhất nào đó mà thôi!

 

Trong chương nầy, Darwin bắt đầu mở rộng lý thuyết về tiến hóa của ông hơn. Ông diễn dẫn từ nguyên lý “tuyển chọn bởi con người” sang qua nguyên lý “tuyển chọn bởi thiên nhiên”. Nói cách khác, ông diễn dẫn từ lý thuyết tiến hóa trong môi trường nhân tạo ở Chương 1 sang lý thuyết tiến hóa áp dụng cho các chủng loại sống trong môi trường thiên nhiên.

 

Khi Darwin cho rằng sự di truyền của những biến thể là yếu tố mấu chốt đưa đến sự phát triển và trường tồn của nhiều chủng loại khác nhau, ông cũng nhìn nhận không phải bất cứ biến thể nào cũng di truyền được. Tuy vậy ông không đề cập đến lý do tại sao sinh vật thuộc chủng loại khác nhau không thể phối hợp để sinh sản được. 

bottom of page