top of page

 

 

Chương 7:

Bản Năng Phản Xạ Tự Nhiên

 

Trong Chương nầy Darwin thảo luận về vai trò của bản năng phản xạ và tính di truyền của nó trong quá trình tuyển lựa bởi thiên nhiên.

 

Darwin cho rằng bản năng phản xạ cũng tương tự như thói quen vì nó cũng là những phản ứng, những hành động của một sinh vật lập lại nhiều lần mỗi khi đứng trước một tình thế hay hoàn cảnh nào đó trong đời sống hàng ngày. Tuy vậy, theo Darwin, một sinh vật học một thói quen từ kinh nghiệm trong khi nó thừa hưởng một phản xạ qua sự di truyền.

 

Tương tự như vấn đề biến thể đã trình bày ở những Chương trước, Darwin cũng không hiểu rõ nguyên do dẫn đến bản năng phản xạ.  Và ông cũng tin rằng sự di truyền của những phản xạ đóng một vai trò lớn trong sự thành hình của những phản xạ chúng ta thấy ngày nay. Mặc dù không biết rõ bản năng phản xạ đến từ đâu nhưng Darwin tin rằng quy luật tuyển chọn bởi thiên nhiên cũng “điều khiển” và “phát triển” bản năng phản xạ giống như trường hợp biến thể trong hình dạng và cấu trúc vật chất của sinh vật. Có nghĩa là nếu một phản xạ mang đến lợi thế cho một chủng loại thì quá trình tuyển chọn bởi thiên nhiên sẽ có khuynh hướng “cho phép” các sinh vật có bản năng phản xạ đó cơ hội lớn hơn để sống còn và sinh sản. Từ đó, sự tuyển chọn bởi thiên nhiên sẽ dần dần tạo ra một chủng loại với những bản năng phản xạ thích ứng nhất với điều kiện sống của chúng.

 

Darwin dùng nhiều thí dụ để diễn chứng điều nầy. Bản năng phản xạ của loài ong mật khi mới sinh ra đã biết xây cất những khuôn tổ với hình dáng và kích thước có thể chứa đựng khối lượng mật tối đa so với số lượng sáp được sử dụng. Trong mỗi tổ của nhiều loài kiến có những con kiến thợ mang bản năng phản xạ phục vụ mà không cần huấn luyện hay bắt buột. Nhiều con gà có khuynh hướng tự nhiên đẻ trứng vào tổ của những đồng loại khác và do đó có thể tiếp tục đẻ thêm nhiều trứng nữa mà sau đó không cần phải tự mình chăm sóc tất cả những con gà con nở ra. Darwin cho rằng những phản xạ tự nhiên kể trên đều đã được phát triển và cải tiến dần dần từng bước nhỏ: phản xạ nào mang lợi thế gì đó cho chủ nhân nó sẽ có cơ hội được sự tuyển chọn bởi thiên nhiên cho phép được di truyền xuống những thế hệ sau; và sự tích tụ chồng chất của những cải tiến và phát triển nầy dần dần tạo thành các bản năng phản xạ thích ứng nhất cho chủng loại đó.

 

Trong Chương nầy Darwin cũng trình bày về một trường hợp mà ông cho rằng tưởng chừng đã có thể hũy diệt toàn bộ lý thuyết về thiên nhiên tuyển chọn bản năng phản xạ của ông. Đó là trường hợp một số loài kiến có những con kiến thợ hoàn toàn không thể sinh sản được. Những con kiến thợ nầy có cấu trúc cơ thể và bản năng phản xạ khác hẳn những loại kiến khác (không phải là kiến thợ) trong tổ. Vấn đề đã được đặt ra là nếu những con kiến thợ đều tuyệt sản thì làm sao chúng có thể di truyền các cấu trúc cơ thể và phản xạ có ích lợi cho những thế hệ sau của chúng?

Darwin giải thích rằng sự tuyển chọn bởi thiên nhiên không những chỉ áp dụng cho từng cá nhân mà còn áp dụng cho toàn cả tập thể nữa. Nhất là trong trường hợp các chủng loại mà mỗi cá nhân chỉ có thể sinh tồn khi sống như là một thành viên trong tập đoàn mà thôi, thí dụ như loài ong, kiến, v.v. Ở đây, nếu con kiến chúa của một tổ kiến có khuynh hướng sinh sản đủ số kiến thợ với các cấu trúc cơ thể và bản năng phản xạ cần thiết để chúng phục vụ tập thể thì tổ kiến nầy sẽ có thể sinh hoạt một cách hữu hiệu hơn và do đó sẽ có nhiều cơ hội hơn để sống còn trong môi trường sống 

của chúng. Ở đây sự di truyền các đặc điểm trong cấu trúc cơ thể và bản năng phản xạ cần thiết không xảy ra trong từng cá nhân của mỗi con kiến thợ (vì chúng đều tuyệt sản) mà xảy ra từ thế hệ nầy sang thế hệ khác của những con kiến chúa.

 

 

Luận Giảng

 

Trong Chương nầy Darwin chú trọng vào sự cải tiến và phát triển của trí óc trong khi ở những Chương trước ông hầu như chỉ thảo luận về sự tiến hóa của cơ thể. Dĩ nhiên một sinh vật có những bộ phận cơ thể đã được tiến hóa thích hợp cũng cần có một trí óc phát triển thích ứng để hoạch định và điều khiển các bộ phận trên. Sự tiến hóa của cả hai phương diện trên trong mỗi sinh vật xảy ra cùng một lúc từng bước dần dần. Tất cả những gì trong quy luật tuyển chọn bởi thiên nhiên đều áp dụng giống nhau cho cả hai phương diện. Nếu thể xác và trí não không có khả năng làm việc tương ứng với nhau thì sinh vật đó khó có thể sống còn để sinh sản và truyền giống được.

 

Định nghĩa của Darwin về bản năng phản xạ tương đối khá mù mờ. Điều cần biết rằng phản xạ là những phản ứng tự động của trí óc khi đứng trước một tình thế hay hoàn cảnh nào đó. Phản xạ không liên quan đến một sự suy nghĩ hay tính toán trước gì cả. Darwin xác nhận ông không hiểu biết hoàn toàn về phản xạ tuy vậy ông vẫn có thể quan sát và đưa đến những kết luận rất chính xác. 

bottom of page